Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012


SUY SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI (CN IX/TN-B)

Cũng đã có nhiều những so sánh với vật thể hữu hình nhằm làm sáng tỏ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (chẳng hạn như “một ngón tay có ba đốt”, “một lá có ba nhánh”, “một cái trứng có vỏ + tròng trắng + tròng đỏ”, “nước có ba dạng: thể hơi, thể rắn, thể lỏng”, “một gia đình có 3 ngôi vị: cha, mẹ, con cái” v.v…). Tuy nhiên, sự so sánh như vậy vẫn có vẻ khập khiễng. Có lẽ cũng vì thế nên Thánh Âu-tinh (354-430) – một nhà Thần học và Triết học – muốn hiểu thật tường tận về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Một hôm, thánh nhân đi đi lại lại trên bờ biển để vừa cầu nguyện vừa cố suy nghĩ xem có cách nào để hiểu và cắt nghĩa được tường tận mọi điều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đang đăm chiêu bách bộ, chợt ngài thấy có một em bé trông rất khôi ngô tuấn tú, đang dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ (hang cua, hang cáy) trên bờ biển. Ngạc nhiên, Thánh Âu-tinh liền dừng lại hỏi em đang muốn làm gì vậy. Em bé mỉm cười trả lời: “Cháu đang muốn tát cạn nước biển.” Thánh Âu-tinh phì cười: “Sao cháu làm một việc vô ích như vậy. Làm sao cháu có thể múc nước cả đại dương này để đổ hết được vào cái lỗ nhỏ như thế?” Em bé cũng cười rất tươi nói: “Thì việc cháu đang làm cũng đâu có gì khác với việc bác đang suy nghĩ?” Với sự đáp trả đầy thông minh hóm hỉnh của em nhỏ, Thánh Âu-tinh giật mình hiểu ra Thiên Chúa đã thức tỉnh ngài thông qua cậu bé (thiên sứ) này, và kể từ đó, ngài không dám “suy sự Đức Chúa Trời” theo kiểu triết lý của trần gian nữa.

Đúng là việc “suy sự Đức Chúa Trời”  không đơn giản chút nào. Bản thân mình thắc mắc còn không lý giải được, huông hồ bị người khác vặn hỏi; vì thế nên ngày nay, không thiếu những quý vị giảng viên, giáo lý viên đứng lớp, khi bị chất vấn: “Tại sao Thiên Chúa lại có 3 Ngôi mà không phải là 2 hay 4?”, là ngay lập tức tìm cách bịt miệng học viên: “Đã gọi là mầu nhiệm thì chỉ có tin, không được thắc mắc”. Không dám thắc mắc nữa, nhưng trong lòng các Tô-ma thời đại vẫn còn ấm ức lắm. Chẳng lẽ cứ nhắm mắt mà tin sao? Quả thật nói về mầu nhịêm rất khó. Khó nhưng không phải là không làm được, vì “… những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.” (Rm 1, 20)  Điều quan trọng là phải hiểu Thiên Chúa vẫn luôn đến với con người bằng con đường mạc khải, để con người có thể hiểu được những công trình kỳ diệu Người đã thực hiện. Cũng chẳng khác câu chuỵên mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm người, nếu chỉ nhìn vào gia đình bác thợ mộc Giu-se tại Na-za-ret với những sinh hoạt thường nhật như bao gia đình nghèo khác, mà không được chứng kiến đêm Giáng Sinh Bê-lem, không được thấy những phép lạ, những hành động, những việc làm của chàng thanh niên Giê-su, thì liệu có ai hiểu được không? Hoá cho nên tất cả những sự kiện – từ biến cố Giáng Sinh đến cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Giê-su – đều được thể hiện một cách cụ thể, để con người thấy tận mắt mà tin vào Thiên Chúa. Chính vì thế nên phải cầu nguyện để Thiên Chúa thương mà vén màn lên (mạc khải) cho được tỏ tường.

Từ đó suy ra con người rất cần được mạc khải trước những biến cố Thiên Chúa đã thực hiện để đến với con người. Trước hết, loài người – thông qua các thánh Tông đồ và dân tộc Ít-ra-en cách đây 2000 năm – đã được thực mục sở thị (trông thấy nhãn tiền), được gặp gỡ trò chuyện, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ với một trong Ba Ngôi là Ngôi Hai Thiên Chúa, một con người với bản tính người-rất-người, người 100% (không kể bản tính Thiên Chúa). Chính Con Người ấy trong mọi sinh hoạt trên đời này đều luôn minh chứng cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều tồn tại trong Người: Khi chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan (“và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” – Luca 3, 22); khi ăn uống thì dâng lời chúc tụng Cha trên trời; cả những khi cầu nguyện (“Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” – Ga 12, 28); và nhất là khi dạy dỗ, trò chuyện, giao tiếp với các môn đệ, với mọi người (“Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." – Ga 20, 21-23; “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?" – Lc 11, 13; “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” – Ga 14, 9; "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." – Mt 28, 18-20)… Nhiều lắm những dẫn chứng rất sinh động và thật cụ thể do chính những con người – là các Thánh sử, các Thánh Tông đồ được “sống liền bên, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, cùng trò chuyện, được dạy bảo…” bởi chình Ngôi Hai Thiên Chúa – đã ghi lại trong Thánh Kinh. để minh họa,

Rõ ràng là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cùng tồn tại trong Ngôi Hai, một con người như tất cả mọi con người hiện diện trên trái đất này, mà lịch sử loài người đã ghi nhân cách đây 2000 năm. Và từ những chứng liệu cụ thể đó, có thể suy ra được trong Ngôi Cha cũng có Ngôi Hai và Ngôi Ba, trong Ngôi Ba cũng tồn tại Ngôi Cha và Ngôi Con. Cả 3 Ngôi đều có ở trong nhau, tồn tại trong nhau, vì thế Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nói 3 Ngôi ở trong nhau như một thân thể duy nhất, phải chăng là nói đến sự thông hiệp giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ cội nguồn mầu nhiệm đó, dòng suối hiệp thông tuôn tràn trên Giáo Hội phổ quát? Câu trả lời thật rõ ràng như trong Tông huấn "Ki-tô hữu Giáo dân" (số 18) đã khẳng định: “Sự thông hiệp này, chính là mầu nhiệm của Giáo Hội như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã dùng những lời của Thánh Cy-pn-a-nô để nhắc lại: "Giáo Hội phố quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông này được nhắc nhở ở mỗi đầu Thánh Lễ khi vị chủ tế đón mời chúng ta bằng lời chào của Thánh Phao-lô Tông Đồ: "Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" (2Cr 13, 13)”. Và chính sự sống hiệp thông của Giáo Hội đã trở nên như một dấu chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa cho thế giới, đồng thời là một hấp lực thu hút mọi người tới niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô qua Lời Người: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17, 20-21).

Dân tộc Ít-ra-en thường gọi Ông Trời mà họ kính mến nhất, thương yêu nhất là Abba – Cha – tức là Đấng sinh thành dưỡng dục mình. Vậy thì khi Thiên Chúa mạc khải cho sắc dân được tuyển chọn về Thiên Chúa, về Ông Trời, đương nhiên Người phải dùng chính cái lý lẽ mà sắc dân ấy (nói chung là cả loài người) đã công nhận. Có Cha phải có Con (vì loài người tin rằng Cha sinh ra Con), vậy Ngôi Thứ Hai chắc chắn là Ngôi Con. Thực tế thì Chúa Cha không sinh ra Chúa Con mà cả 2 cùng có từ trước vô cùng. Mà nếu Chúa Cha có thật sự “sinh ra” Chúa Con chăng nữa, thì sự sinh ra ấy cũng không theo nhục thể, không phải do máu huyết như loài người (bởi Thiên Chúa là Đấng “tạo thành”, còn loài người chỉ là loài “được tạo thành” (“thụ tạo”). Với loài người, thì cha sinh ra con, đáng lẽ phải thương yêu gắn bó với nhau như một, nhưng xã hội lại nhan nhản cảnh cha và con là 2 thái cực cách biệt nhau, xung khắc nhau… Sinh ra nhau mà còn thế, huống hồ bây giờ lại bảo không sinh ra nhau, bằng nhau, cùng lúc hiện hữu, và là một, như vậy thì làm sao mà tin nổi. Vả lại, mới chỉ có 2 Ngôi (Cha và Con) chưa kiên vững, mà cần phải có một mối dây liên kết 2 Ngôi lại với nhau, mối dây liên kết ấy chỉ có thể là Tình Yêu mới bền chắc được. Chinh mối dây ấy là Ngôi Ba Thánh Thần vậy. Xin nói thêm, nếu chỉ hiểu theo quan niệm loài người, thì có cha ắt phải có mẹ mới có con được, và nếu Thiên Chúa cũng vậy thì Người cũng chẳng mất công mạc khải làm gì. Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Đó là Mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn cho con người (vốn dĩ bất toàn) hiểu và tin qua mạc khải vậy.
Như trên đã trình bày, Giáo Hội phổ quát được khai sinh từ chính Ngôi Hai Thiên Chúa (“Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” –  Ga 17, 22-23), là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với nhân loại, để từ đó trở nên một khối duy nhất Thánh thiện + Công Giáo và Tông truyền. Sự hiệp nhất này đã đưa Giáo Hội từ 12 thành viên tiên khởi tại một vùng đất cố định (It-ra-en), tiến tới hàng tỷ người trên khắp năm châu bốn biển. Vì thế nên mới nói đặc tình Giáo Hội phổ quát là MẦU NHIỆM (xuất phát từ Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa) + HIỆP THÔNG (Thông hiệp với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau trên khắp địa cầu) + SỨ VỤ (được sai đi “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, làm Phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”).

 Như vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một điều huyền bí chỉ các nhà Thần Học mới hiểu được. Nhà Thần học Thomas Hancock (tk XIX) đã nói một câu thật chí lý: “Một người đàn ông hay một người phụ nữ dù quê mùa không thể lý luận về Thịên Chúa Ba Ngôi, nhưng vẫn có thể nhận thức được về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách hoàn hảo hơn một nhà Thần học uyên bác...”. Thực thế, những kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu đã không hiểu về mầu nhiệm này, nên mới coi Chúa Giê-su như một kẻ điên rồ, bị ma nhập, ăn nói phạm thượng... và đóng đinh Người như một kẻ trộm cướp! Tuy nhiên, những người bé mọn, những kẻ tội lỗi nhờ lòng tin và đức mến, đã được chữa khỏi ("Đức tin của con đã chũa lành con"). Chính Đức Giê-su Thiên Chúa đã khẳng định trong một lần cầu nguyện với Chúa Cha: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha." (Mt 11, 25-26).

Thánh Phao-lô cũng dạy: “Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mạc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa." (1Cr 2, 10-11). Như vậy là vấn đề đã sáng tỏ, nhờ mạc khải mà con người biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm đó không đến nỗi quá bí hiểm để "chỉ có tin, không được thắc mắc". Mầu nhiệm đó có thể – nhờ Thần Khí soi sáng – giúp Ki-tô hữu tìm ra một số con đường đến với Thiên Chúa để hiểu rõ hơn về Người. Vâng, chính đức tin là con đường giúp con người tìm gặp Thiên Chúa để “khám phá ra một số ‘con đường’ giúp nhận biết Người. Những con đường này còn được gọi là “bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa”, không theo nghĩa bằng chứng khoa học tự nhiên, nhưng theo nghĩa những“luận chứng đồng quy và có sức thuyết phục”, giúp con người biết chắc có Thiên Chúa”. (Giáo lý HTCG, điều 31).

Ôi! Lạy Chúa! Xưa Chúa đã phán “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 25-26). Cúi xin Chúa ban Thánh Linh thêm sức, dạy dỗ và soi sáng cho chúng con hiểu được Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ngõ hầu giúp chúng con củng cố đức tin vững mạnh, kiên tâm bền chí sẵn sáng làm chứng nhân cho Mầu nhiệm Cực Thánh này, bây giờ và mãi mãi. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét