Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

10 sự kiện nổi bật của Giáo phận Vinh năm 2013


Các nạn nhân bị bách hại trong vụ Mỹ Yên
Các nạn nhân bị bách hại trong vụ Mỹ Yên
GPVO - Năm 2013, trước những khó khăn, thử thách và bị bách hại, cộng đoàn giáo phận Vinh vẫn luôn cảm nhận Bàn Tay nhân hậu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Người vẫn làm những điều diệu kì, những điều mà trước khi xảy ra chúng ta không ngờ được, như lời Đức Cha Phaolô, chủ chăn giáo phận, đã chia sẻ trong thánh lễ tất niên dành cho Linh mục đoàn và Hội đồng mục vụ các giáo xứ tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài sáng ngày 23.01.2014:“Chúa đã vẽ những vòng tròn thành những đường thẳng và những đường thẳng thành những con đường chính nhất”.

Ban Biên Tập Giáo phận Vinh Online trân trọng kính mời quý bạn đọc cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của Giáo phận Vinh trong năm 2013.
----------------------
1.  Thánh lễ truyền chức linh mục
Tháng 01/2013, 18 Phó tế đã được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp truyền chức linh mục tại ba địa điểm: Hướng Phương (Quảng Bình), Văn Hạnh (Hà Tĩnh) và Trại Gáo (Nghệ An). Việc tổ chức lễ truyền chức ở ba địa điểm mang những ý nghĩa đặc biệt, một mặt giúp các tiến chức được trở về quê hương trong ngày trọng đại, mặt khác giúp đông đảo giáo dân địa phương có điều kiện thuận lợi để tham dự lễ truyền chức. Sau hơn 300 năm kể từ ngày hạt giống Tin Mừng được gieo xuống quê hương Hà Tĩnh - Quảng Bình, thánh lễ truyền chức linh mục chính thức được tổ chức trên mảnh đất giàu truyền thống Đức tin này.



2. Mở các khóa học đào tạo tác viên Tin Mừng
Năm qua, lần đầu tiên Giáo phận tổ chức các khóa đào tạo Tác viên Tin mừng. Các khóa học này giúp học viên biết cầu nguyện với Lời Chúa qua một số phương pháp chia sẻ thiêng liêng, để có thể trở nên người loan báo Tin Mừng phù hợp với bối cảnh mới của xã hội. Hai khóa đầu tiên được tổ chức ở Trại Gáo dành cho các giáo lý viên, các hội dòng và hội đoàn thuộc tỉnh Nghệ An. Các khóa III, IV lần lượt dành cho các học viên đến từ các giáo xứ thuộc Hà Tĩnh và Quảng Bình, riêng khóa V được dành cho các chủng sinh khóa XII.



3. Vụ việc giáo xứ Mỹ Yên
Giống với vụ việc ở Con Cuông năm 2012, vụ đàn áp bất nhân của chính quyền ở giáo xứ Mỹ Yên đã được công luận lên tiếng phản đối kịch liệt. Người ta thấy được bức tranh thực tế của việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam. Từ vụ việc lộn xộn giữa những người lạ mặt (sau này mới biết là công an) vô cớ chặn đường người hành hương đến Linh địa Trại Gáo vào ngày 22/5/2013, gây phẫn nộ cho hàng ngàn người dân, đến việc công an bắt cóc và giam giữ hai giáo dân thuộc giáo họ Trại Gáo 27/6, đã làm người dân vô cùng bức xúc và đòi quyền tự do. Đáng chú ý là việc chính quyền sử dụng bạo lực với các loại vũ khí tấn công dân lành vào ngày 04/9, làm hàng chục người bị thương, gây hoang mang cho dư luận.
Cùng với nhiều cuộc làm việc thẳng thắn với nhà cầm quyền, Tòa Giám mục Xã Đoài đã có rất nhiều Văn thư, Tường trình, Khiếu nại, nêu rõ nội dung và bản chất sự việc, đồng thời đề xuất hướng giải quyết tốt nhất, nhưng nhà cầm quyền vẫn sử dụng báo đài để bóp méo sự thật, bao che sai phạm của cán bộ địa phương và nhất mực không thả người. Tiếng nói ủng hộ Mỹ Yên của công luận đã vang lên khắp nơi trên thế giới.
Linh mục đoàn Giáo phận đã thể hiện tình hiệp thông cụ thể với Mỹ Yên và đồng tâm nhất trí với Giám mục Giáo phận bằng cuộc họp mặt và dâng thánh lễ cầu bình an cho Mỹ Yên vào ngày 16/9 tại Đền thánh Antôn Trại Gáo. Kết thúc cuộc họp, Linh mục đoàn đã ký Bản tuyên bố thống nhất trọn vẹn với Giám mục Giáo phận trong việc giải quyết vụ việc Mỹ Yên và mạnh mẽ phản đối Công văn số 139/UBND-NC ngày 08/09/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, yêu cầu thả người vô điều kiện. Tất cả các Linh mục của Giáo phận Vinh đã ký văn bản này.




4. Kỳ thi tuyển sinh vào Đại Chủng Viện Vinh Thanh
Một kỷ lục trong các Kỳ thi tuyển sinh vào Đại Chủng Viện Vinh Thanh, đó là kỳ thi tuyển khóa XIV diễn ra vào ngày 1/8, có số “sĩ tử” tham dự lên tới 410 thí sinh. Con số này nói lên sự phong phú ơn gọi trên mảnh đất Nghệ - Tĩnh – Bình. Đây là niềm tự hào, là nguồn lực quan trọng góp phần hướng tới sự phát triển của Giáo Hội trong tương lai. Được biết điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ thi vào Đại chủng viện Vinh Thanh là phải tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.



5.  Khánh thành Nhà nguyện Đại Chủng Viện Vinh Thanh
Sau hơn một năm khởi công trùng tu cơ sở Đại Chủng Viện, nhà nguyện Đại Chủng viện Vinh Thanh đã chính thức được đưa vào sử dụng với Thánh lễ làm phép vào ngày 3/9. Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trực của Đức Thánh Cha tại Việt Nam, trong chuyến thăm mục vụ Giáo phận lần thứ hai, đã chủ sự và cử hành Thánh lễ. Cùng với nhiều công trình đã, đang và sẽ khánh thành trong thời gian tới, Giáo phận sẽ hoàn tất việc trùng tu này vào cuối năm 2014, đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa.



6. Lễ tấn phong Giám mục Phụ tá Giáo phận
Ngày 4/9, tại quảng trường Tòa Giám mục Xã Đoài, toàn thể giáo phận hân hoan tổ chức đại lễ tấn phong Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên. Lần đầu tiên sau 385 năm, kể từ khi mảnh đất Bố Chính đón nhận hạt giống Tin mừng, một người con của Quảng Bình được nâng lên hàng Giám mục. Đây cũng là vị Giám mục phụ tá đầu tiên của Giáo phận Vinh trong lịch sử từ trước tới nay. Khẩu hiệu “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27) là tâm nguyện và lẽ sống mà Ngài lựa chọn suốt  đời mục tử của mình.



7. Hai cơn bão tàn phá Giáo phận và vụ đắm tàu giáo xứ Phú Yên
Trong năm 2013, Giáo phận đã chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đầu tháng 10, hai cơn bão mạnh số 10 và 11 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng khủng khiếp đến các giáo xứ ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tiếp đó, vụ lật tàu kinh hoàng đã xảy ra tại giáo xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa vào ngày 28/11, khiến 8 người thiệt mạng.




8.  
Hội ngộ những người khuyết tật Giáo phận Vinh lần thứ hai

Lần thứ hai được tổ chức, ngày 9/11, cuộc hội ngộ người khuyết tật Giáo phận Vinh đã quy tụ hơn 1500 người khuyết tật đến từ 59 đơn vị trong giáo phận. Một thánh lễ đặc biệt cầu bình an cho những người con của Giáo phận kém may mắn, và chương trình văn nghệ ấn tượng, đầy cảm động dành riêng cho các khách mời đặc biệt, hơn 1500 phần quà được trân trọng trao tặng cho các anh chị em đó. Cảm động, ý nghĩa và đầy nhân văn trong tình liên đới lá lành đùm lá rách.



9.  Bế mạc Năm Đức Tin
Cùng với Giáo hội hoàn vũ, Giáo phận đã long trọng bế mạc Năm Đức Tin vào ngày 24/11 tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài và các nhà thờ các giáo hạt. Trong năm qua, con cái Giáo phận đã đồng tâm với các tín hữu khắp thế giới tái khám phá hành trình đức tin với niềm tín thác và hy vọng. Kết thúc cũng là khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình dấn thân và thông truyền đức tin nơi môi trường xã hội và mỗi con người mà chúng ta gặp gỡ. 




10.  Đêm Ánh Sáng III
Tối 21/12, Đêm Ánh Sáng III – Đêm An Bình đã diễn ra tại giáo xứ Yên Đại. Với thông điệp, trong bóng đêm của bức tranh xã hội năm qua, niềm hy vọng vào Đức Kitô - Ánh Sáng đích thực vẫn chiếu rọi vào những góc khuất và khoả lấp khát mong kiếm tìm niềm hạnh phúc của con người. Đêm Ánh sáng đã trở thành bữa tiệc dư tràn cho bà con lương giáo. Niềm vui Giáng sinh tràn ngập tâm hồn những người hiện diện.




GPVO

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Tổng thống Obama mong được gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô


Vatican 15/01/14 - Tin của CNN cho biết Tổng Thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch sớm gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên.
Ngoại trưởng John Kerry nói Tổng thống Obama "mong" (looking forward )được gặp nhà lãnh đạo mới và nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo tại Vatican. Tuy nhiên ngoại trưởng Kerry không cho biết khi nào TT Obama sẽ sang Vatican.

Theo viên chức của tòa Bạch Ốc, họ chưa thể loan báo khi nào thì cuộc gặp gỡ giữa ĐGH và TT Obama sẽ diễn ra. Nhưng theo nguyên văn lời của tòa Bạch Ốc: Tổng Thống “rất mong được gặp ĐGH trong một tương lai gần” (“very much looks forward to meeting Pope Francis at some point in the near future.”)

Được biết vào ngày thứ Ba 14 tháng Giêng 2014, Ngoại trưởng Kerry, đã có cuộc gặp gỡ rất quan trọng với Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Pietro Parolin.

Cuộc họp kéo dài 1 giờ 40 phút. Tham dự cuộc họp có đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh, và 3 quan chức Bộ ngoại giao Mỹ. Về phía Tòa Thánh, có Đức TGM ngoại trưởng Mamberti và hai chức sắc khác của Tòa Thánh đặc trách về các vấn đề được bàn tới.


Nguyễn Long Thao

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Đức Thánh Cha phê bình linh mục kinh tài, linh mục phô trương


VATICAN - Đức Thánh Cha Phanxicô phê bình những linh mục kinh tài, phô trương không có quan hệ chân thực với Chúa Giêsu.
Ngài đưa ra lời cảnh giác trên đây trong bài giảng Thánh lễ sáng 11-1-2014, tại Nguyện đường Nhà khách Thánh Marta ở nội thành Vatican. Đồng tế với ĐTC có ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Italia, và một nhóm linh mục thuộc quyền, trước sự tham dự của một số giáo dân.

Trong bài giảng, ĐTC diễn giải bài đọc thư nhứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ và nói về quan hệ giữa linh mục với Chúa Giêsu. Ngài nói: "Linh mục chân chính là người được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ Dân Chúa, linh mục có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu: khi thiếu quan hệ này, linh mục trở thành người không còn được xức dầu nữa, mà trở thành người thờ ngẫu tượng, thờ thần là cái tôi của mình."

ĐTC cũng nhận xét rằng khi tiếng thăm của Chúa Giêsu gia tăng nơi dân chúng, thì Ngài rút lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Điều này chính là viên đá để so sánh, để kiểm chứng các linh mục chúng ta xem chúng ta có đi tìm Chúa Giêsu hay không? Đâu là chỗ của Chúa Giêsu Kitô trong đời linh mục của tôi? Phải chăng đó là một mối quan hệ giữa trò và Thầy, giữa em với anh, giữa một người nghèo hèn với Thiên Chúa, hay chỉ là một quan hệ hời hợt... không đến từ con tim?”

ĐTC nhấn mạnh: "Những linh mục không còn được xức dầu nữa, linh mục giải dầu (unto), thì họ gây hại dường nào cho Giáo Hội! Những linh mục như thế đặt sức mạnh của họ nơi những điều hời hợt, trong sự háo danh... Bao nhiêu lần ta đau lòng khi nghe nói: 'Kìa, đó là một linh mục huênh hoang, một linh mục không có quan hệ với Chúa Giêsu! Một linh mục đã đánh mất sự xức dầu.'"

ĐTC nói thêm: "Các linh mục chúng ta có nhiều khuyết điểm, tất cả chúng ta là người tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta đến cùng Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta tìm Chúa trong kinh nguyện - kinh nguyện chuyển cầu, kinh nguyện thờ lạy - thì chúng ta là linh mục tốt, mặc dù chúng ta là người tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta xa Chúa Giêsu, chúng ta phải tìm bù trừ tình trạng này bằng những thái độ... phàm tục khác. Và như thế có những thứ linh mục áp-phe, linh mục doanh nhân... Nhưng linh mục thờ lạy Chúa Giêsu, linh mục nói với Chúa Giêsu Kitô, linh mục tìm Chúa và để cho Chúa tìm kiếm: đó chính là trung tâm đời sống chúng ta. Nếu không được như thế, thì chúng ta mất hết! Chúng sẽ nói gì với dân chúng?"

"Ước gì quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, mối quan hệ của những người được xức dầu với dân Chúa ngày càng tăng trưởng nơi các linh mục chúng ta."

"Thật là đẹp khi thấy những linh mục hiến mang sống mình như linh mục, và dân chúng nói về các linh mục ấy: "Cha này, cha kia khó tính, nhưng đó là một linh mục! Dân chúng 'đánh hơi' giỏi lắm! Trái lại, khi dân thấy các linh mục thờ thần tượng, những linh mục thay vì có Chúa Giêsu, thì lại có những thần tượng nhỏ, tôn thờ cái thần tôi của mình, thấy các linh mục như thế, dân chúng nói sẽ nói đó "thật là một kẻ tội nghiệp!"

ĐTC kết luận: “Điều cứu chúng ta khỏi những sự trần tục, khỏi sự thờ thần tượng khiến chúng ta bị "giải dầu", điều giữ chúng ta trong tình trạng được xức dầu chính là mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô. Và ngày hôm nay, anh em đến đây đồng tế với tôi, tôi cầu chúc anh em điều này: 'Anh em hãy đánh mất mọi sự trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ đánh mất quan hệ này với Chúa Giêsu Kitô! Đó chính là chiến thắng của chúng ta. Với điều đó, anh em hãy tiến bước!'” (SD 11-1-2014)


G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

HÃY LÀM NÓNG LẠI VIỆC ĐỌC KINH LẦN CHUỖI TRONG GIA ĐÌNH, THEO TINH THẦN TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH



            Trước đây, nếu ở xóm đạo thì sáng ra nghe nhà nhà đọc kinh, tối đến nhà nhà đọc kinh lần chuỗi mân côi rất sốt sắng. Nhưng thật tiếc thay, hôm nay cảnh tượng ấy không còn nữa.

            Một thói quen tốt đẹp đã đánh mất để nhường chỗ cho : Sáng ra mọi nhà trong xóm đạo nghe im lìm, tối đến nhà thì xem tivi, xem internet, nhà hát karaoké, nhà thì xúm tụm lại bài bạc, nhậu nhẹt say xỉn rồi đánh vợ đập con  làm loạn cả lên một xóm đạo yên bình đạo đức và thánh thiện trước đây. Người ta không còn nghe thấy tiếng đọc kinh lần chuỗi hoặc tiếng dạy trẻ học chữ, học giáo lý vào mỗi buổi sáng, tối nữa. Thật vậy, hôm nay họ sống rất thực dụng, chạy theo thời đại, chạy theo tiền tài của cải vật chất, danh vọng, họ quên dạy con, phú thác việc dạy con cho người khác, cho nhà trường, họ quên mất đọc kinh lần chuỗi vào mỗi sang, tối…Thánh lễ ngày thường chỉ có một số rất ít ông già bà lão tham dự mà thôi. Lễ ngày chúa nhật, một số người vì sợ tội nên buộc họ phải đi, nhưng phần đông ngồi, đứng ở ngoài nhà thờ tán dốc, hút thuốc, chẳng mấy ai quan tâm đến vị chủ tế đang hành lễ như thế nào, họ đi cho lấy có. Thật hổ thẹn với người ngoại giáo, ý thức đạo đức bây giờ không còn như trước nữa. Có lẽ vì qua một thời gian dài; hơn ba mươi năm, lớp trung niên, thanh niên bây giờ vào lúc khó khăn trước đây, họ không được học giáo lý đầy đủ và thường xuyên, không có sinh hoạt hội đoàn để củng cố đức tin, nên bây giờ họ mất căn bản đạo đức chăng ?Vì vậy, việc đọc kinh và lần chuỗi mâm côi đối với họ không còn quan trọng cần thiết nữa. Các thánh nhân đã nói : “Thế giới cầu nguyện,  là thế giới hòa bình, gia đình Siêng năng đọc kinh cầu nguyện, là gia đình ấm no hạnh phúc”.

Hoặc có bốn câu thơ :

                       Siêng năng lần hạt gia đình
               Nhà nhà no ấm đầy tình mến thương
                  Hạnh phúc tràn ngập quê hương
              An bình ban xuống ngập đường lối đi.

        Đã có biết bao gia đình đã ly tán, nhưng nhờ tràng chuỗi mân côi nên đã được đoàn tụ, đã có biết bao nhiêu người đau đớn bệnh hoạn và ngay cả bị tật nguyền nhưng đã tin tưởng và cậy trông vào Mẹ qua tràng chuỗi mân côi, nên đã được Mẹ cho toại nguyện lành mạnh. Vô vàn và vô vàn những lợi ích phần xác Mẹ đã ban cho, ơn ích phần hồn thì vô kể. Vậy tại sao chúng ta không đọc kinh lần chuỗi mân côi gia đình ?

        Đã có biết bao tông huấn, tông sắc của các Đức Giáo Hoàng ca ngợi và khuyến khích giáo dân siêng năng lần chuỗi mân côi, nhất là lần chuỗimân côi gia đình. Như Đức cố chân phước Giáo Hoàng Gioan Phao Lô đệ nhị đã ra tông sắc ban ơn toàn xá cho những ai lần chuỗi mân côi chung trong nhà thờ, nhà nguyện, tu hội hoặc trong gia đình đều được nhận lãnh được một ơn toàn xá với điều kiện phải sạch tội, hay phải xưng tội chậm nhất là một tháng kể từ ngày nhận lãnh ơn toàn xá, phải rước lễ ngày nhận ơn toàn xá và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

         Gia đình là một giáo hội thu nhỏ, ngoài những việc lợi ích cho bản thân và gia đình, phần hồn cũng như phần xác, người lớn chúng ta kẻ làm cha người làm mẹ phải có trách nhiệm, phải làm  gương sáng để cho con cháu noi theo, chúng ta phải làm thật tốt, làm tròn trách nhiệm, tròn bổn phận mới mong hướng dẫn, dìu dắt và giáo dục các lớp con cháu sau nầy trở nên người hữu ích cho xã hội và giáo hội.

       Vì vậy, hỡi những người làm cha làm mẹ, những người có trách nhiệm, hãy chung tay để chỉnh đốn, để phục hồi lại những việc làm, những thói quen tốt đẹp mà trước đây đã có, nhưng nay đã mất. Hãy thiết tha cầu xin với Mẹ, Ngài sẽ giúp sức cho tất cả chúng ta phải hết lòng yêu mến tràng chuỗi mân côi, để hằng ngày trong mỗi gia đình luôn cất lên kính kính mầng để cao rao, chúc tụng ngợi khen Mẹ. Ngoài thánh lễ, không còn gì làm đẹp lòng Mẹ hơn là siêng năng lần chuỗi mân côi. Do đó, mỗi khi Mẹ hiện ra bất cứ nơi đâu, Mẹ đều mời gọi chúng ta : “Hãy siêng năng lần chuỗi mân côi”.

         Chúng ta, những người có trách nhiệm, những người thành tâm yêu mến Mẹ, hãy thắp lên ngọn đuốc sáng để soi rọi vào các ngõ ngách đen tối, để tìm kiếm những gì đã mất, hãy làm nóng lên những linh hồn khô khan nguội lạnh, chúng ta phải là bếp than hồng để thiêu đốt bao nhiêu linh hồn chai đá phải tan chảy.

         Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cho chúng con ý thức được việc lần chuỗi trong gia đình là cần thiết, là quan trọng như hơi thở cho việc cứu rỗi linh hồn chúng con, là việc làm mà Mẹ vui lòng nhất. Xin cho chúng con kể từ nay nhà nhà đọc kinh sang, tối và nhất là siêng năng lần chuỗi mân côi hằng ngày trong mỗi gia đình thật sốt sắng. Xin Mẹ hãy biến đổi con người chúng con, từ một người biếng nhác bê tha, thành một con người hăng say trong những việc đạo đức thánh thiện để làm vui lòng Mẹ hơn xưa. Amen.

     Hải-Chi.

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Ban Giáo dục Kitô giáo: Những quy định để dự thi vào ĐCV Vinh Thanh khóa XV năm 201

Giáo phận Vinh
Tòa Giám Mục Xã Đoài
Nghi Diên – Nghi Lộc – Nghệ An
Số 02.13. UBGD   

            Xã Đoài, ngày 30 tháng 12 năm 2013

THÔNG BÁO
V/v: Những quy định để dự thi vào Đại Chủng Viện

Kính gửi: Quý Cha và cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận Vinh.

Để việc đào tạo linh mục theo đúng tiến trình như Quy Chế Đào Tạo Linh Mục của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hướng dẫn, sau khi đã bàn thảo với Bề Trên Giáo Phận, Ban Đào Tạo và Ban Mục Vụ Ơn Gọi, nay Ban Giáo Dục Kitô Giáo thông báo những quy định liên quan đến việc tuyển sinh vào Đại Chủng Viện trong những khóa tới như sau: 

I. ĐIỀU KIỆN ĐỂ DỰ THI VÀO ĐẠI CHỦNG VIỆN KHÓA XV NĂM 2015

1. Thí sinh là những thanh niên công giáo đã tốt nghiệp Đại học hoặc Cao Đẳng.
2. Thí sinh đăng ký và có sinh hoạt trong Nhóm Dự Tu của giáo phận Vinh.
3. Mỗi thí sinh phải trải qua một năm thực tập mục vụ tại giáo xứ do Ban Mục Vụ Ơn Gọi sắp xếp. Đối với các thí sinh đã tốt nghiệp Đại Học hoặc Cao Đẳng từ năm 2013 trở về trước, thời gian thực tập bắt đầu từ ngày 15 tháng 02 năm 2014 đến 15 tháng 02 năm 2015.
4. Sức khỏe tốt, không mắc bệnh siêu vi B, các bệnh truyền nhiễm và di truyền nguy hiểm.
5. Tuổi của thí sinh: không quá 30 tuổi;
6. Số lần tham dự kỳ thi của thí sinh: không quá 3 lần.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ DỰ THI VÀO ĐẠI CHỦNG VIỆN KHÓA XVI

Ngoài những điều kiện trên, còn có sửa đổi và thêm như sau:

1. Tuổi của thí sinh: không quá 28 tuổi;
2. Thí sinh tham gia sinh hoạt trong Nhóm Dự Tu giáo phận ít nhất là 3 năm, bắt đầu từ tháng 02 năm 2014.

III. HỒ SƠ GỒM CÓ

1. Đối với thí sinh đã thi vào Đại Chủng Viện năm 2013, chỉ cần làm đơn xin gia nhập vào Nhóm Dự Tu Giáo Phận.
2. Đối với thí sinh chưa thi vào Đại Chủng Viện:
a. Đơn xin gia nhập Nhóm Dự Tu Giáo Phận (Mẫu đơn);
b. Bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp Đại Học hay Cao Đẳng (có công chứng);Nếu đang học Đại Học hoặc Cao Đẳng thì cần có bản sao Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (có công chứng);
c. Chứng thư Rửa Tội và Thêm Sức;
d. Giấy chứng nhận của linh mục quản xứ về tư cách, đạo đức và sức khỏe của thí sinh.
e. Sơ yếu lý lịch và 2 ảnh chân dung 4×6 (Download mẫu "Sơ yếu lí lịch")
3. Đối với những ai đã nộp hồ sơ hoặc đơn xin gia nhập vào Nhóm Dự Tu Giáo Phận theo thông báo số01/13 của Ban Mục Vụ Ơn Gọi, từ ngày 01/10/2013, thì không phải làm hồ sơ hay đơn xin gia nhập nữa.

IV. THỜI HẠN VÀ NƠI NỘP HỒ SƠ

Hồ sơ hoặc mẫu đơn xin gửi về cha Gioan Baotixita Nguyễn Kim Đồng, trước ngày 31/01/2014, theo địa chỉ: Tòa Giám Mục Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An.

V. HÌNH THỨC TUYỂN SINH: Ban tuyển sinh sẽ thông báo sau.

Kính chúc quý cha và mọi thành phần Dân Chúa an bình và dồi dào phúc lộc của Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và luôn đồng hành với tất cả chúng ta.

                                                        Ban Giáo Dục Kitô Giáo
                                                                 Trưởng Ban

                                                                    (Đã ký) 
                                                        Lm. JB Nguyễn Khắc Bá 


Ban Giáo dục Kitô giáo
Giáo phận Vinh