Posted: 17 Sep 2012 09:23 AM PDT
VRNs (17.09.2012) – Trong phần mở đầu thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu bi Măng Đen tại huyện Kon Plong, tỉnh Kontum, ngày 15/09/2012 vừa qua, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum chủ tế đã nhắc đến 2 địa danh từng có dấu vết sự hiện diện của Mẹ trong giáo phận là núi Phượng Hoàng (ngã ba đi Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) và Biển Hồ (Tp. Pleiku). Nếu kể thêm tại Măng Đen nữa thì cả 3 nơi này chiến tranh đã tàn phá khiến nhiều người không còn nhớ đến sự hiện diện của Mẹ cách đặc biệt tại những địa danh cụ thể nữa. Vị mục tử của giáo phận ước mong phục hồi tất cả những nơi này.
Trong bài giảng bằng 3 ngôn ngữ Kinh, Jrai và Banah, Đức cha Micae đã nhắc lại lịch sử Đức Mẹ Măng Đen, hướng tâm hồn những người tham dự về Mẹ và trước khi kết thúc bài giảng, ngài không quên cầu nguyện cho những anh chị em bị áp lực hoặc tra tấn dưới muôn hình thức; những anh chị em bị tước đoạt hoặc cản trở sống quyền tự do lương tâm, tự do tôn giáo trên khắp thế giới và cách riêng tại Con Cuông (giáo phận Vinh),…, Đăk Pnan (huyện Mang Yang, Gia Lai). Ngài nguyện xin Đức Mẹ Sầu bi Măng Đen làm cho nhà cầm quyền chấp thuận cho giáo phận nhận lại ít là 2 trung tâm hành hương kính Mẹ tại núi Phượng Hoàng ở Đức Cơ và núi Biển Hồ ở Pleiku.
Xin mời anh chị em lắng nghe phần dẫn nhập đầu lễ và bài giảng của thánh lễ ngày 15/9 tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen này.
PV. VRNs
Posted: 17 Sep 2012 03:33 AM PDT
VRNs (17.09.2012) – Ephata – Tôi tham dự cuộc Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen vào ngày 15 tháng 9. Cuộc Hành Hương gây trong tôi rất nhiều ấn tượng, ấn tượng bởi sự hùng vĩ của núi đồi, ấn tượng vì khách Hành Hương đa phần là những người anh em dân tộc, ấn tượng vì cách tổ chức Hành Hương “kỳ lạ” và ấn tượng cả về vị Giám Mục của Giáo Phận Tây Nguyên.
Cũng nhiều xe, nhiều người, nhưng cái dòng người, dòng xe nối đuôi nhau ngoằn ngoèo trên những triền dốc sườn đèo cho ta một cảm giác khó tả. Đứng lại ở một vài điểm cao tình cờ, tầm nhìn cho ta những bức tranh đắt giá về một dòng người Hành Hương. Cũng lễ, cũng diễn nguyện, nhưng cuộc lễ chỉ có hai vị Giám Mục trên lễ đài còn tất cả Linh Mục Tu Sĩ ở bên dưới cùng với mọi người, như mọi người, khi mưa không một chiếc dù nào được sử dụng kể cả dù che cho vị Giám Mục chủ tế, đã có một vài tiếng suỵt nhẹ khi một vài chiếc dù được giăng lên.
Lễ chấm dứt vào buổi trưa nên cũng phải ăn trưa, cũng có quán ăn phục vụ nhưng ai cũng phải bỏ tiền ra mua, không có phần ăn riêng cho một ai kể cả hai vị Giám Mục của Giáo Phận. Từng nhóm người quây quần với nhau trên những cạnh đường, những vạt cỏ, chia nhau những phần cơm thanh đạm, xuất hiện đó đây những thanh cơm lam (cơm nấu trong ống tre) ăn với thịt gà “leo đồi” nướng chấm lá é (một thứ đồ chấm của người dân tộc).
Quan sát kỹ và thăm hỏi Ban Tổ Chức chúng tôi được biết, có một số mạnh thường quân là các “đại gia” đến từ nhiều nơi giúp tài trợ từng phần cho việc tổ chức Hành Hương, họ xắn tay áo vào phục vụ, khiêng những kiện hàng, những thùng nước, những vật dụng Phụng vụ… nói chung là lăn lộn với công việc chứ không áo quần súng sính, đi lại xênh xang, ngồi hàng ghế nhất như nhiều nơi khác.
Và ấn tượng nhất là sau khi kết thúc Hành Hương, chính Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận đã đi vòng quanh thăm hỏi mọi người, đồng thời nhặt rác cũng như nhắc nhở mọi người phải nhặt rác để làm sạch khu vực Hành Hương.
Cũng còn những cái đặc biệt mà bất ngờ khách Hành Hương được chứng kiến. Chân tượng Đức Mẹ là nơi tập họp có biểu ngữ của anh em dân tộc cùi làng Kon Thụp, biểu ngữ nói lên nỗi đớn đau khi bị áp bức phải thu dỡ Nhà Nguyện, phải phá bỏ tháp chuông, bây giờ giăng tấm bạt ở nhà một Yao Phu để làm Lễ cũng đang bị áp lực tháo bỏ. Đức Cha Micae đã dành cho những con người đau khổ này lời chào đặc biệt và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Kon Thụp – Châu Khê. Đức Cha cũng đã thẳng thắn nói lên sự tôn trọng tối thiểu cần phải có của những người đang cầm quyền đối với quyền tôn giáo của con người, ngài kêu gọi nhà cầm quyền sớm cho phục hồi lại tượng đài Đức Mẹ Đức Cơ và tượng đài Đức Mẹ Biển Hồ. Đó là nguyện vọng của mọi người dân Công Giáo thuộc Giáo Phận Kontum.
“Đoàn con làng cùi Đăk Pnan kính viếng Đức Mẹ″
” Tủi nhục trần gian con đón nhận, hạnh phúc thiên đàng Mẹ thương ban”
Yao phu A Bơih đến từ làng cùi Đăk Pnan
Pho tượng Đức Mẹ ở Măng Đen mộc mạc như chính những con cái của Mẹ giản đơn và mộc mạc, tiếc rằng Ban Tổ Chức đã cho sơn tượng lại một màu trắng mới, đánh mất đi sự “lọ lem” của Mẹ khi đoàn con cái vây quanh Mẹ mặt mũi “lọ lem”. Không gian dành cho việc Hành Hương nhỏ bé quá so với hơn 30.000 người đến với Mẹ trong ngày Hành Hương. Một vị trong Ban Tổ Chức nói với chúng tôi: “Xe hơi chúng con đếm đến chiếc thứ 1.000 rồi không thể đếm được nữa, xe máy khoảng hơn 10.000 cái”. Năm sau chắc sẽ hơn, bài toán về trật tự, bài toán về môi trường, bài toán về giao thông là những bài toán rất khó giải nhưng vẫn phải được đặt ra.
Đi Hành Hương Măng Đen, chúng tôi hưởng một bữa tiệc no nê ơn phước, một bữa tiệc thoả thích với núi rừng, từng vạt rừng không lớn lắm nhưng cây rừng xanh tươi, từng cung đường nhỏ hẹp quanh co bám vào núi đồi. Chúng tôi, những cư dân thành phố tận hưởng những giờ phút quý hiếm ngắn ngủi được thảnh thơi “bắt buộc”, thảnh thơi bắt buộc vì hơn hai tiếng đồng hồ xe chở chúng tôi mới ra khỏi khu vực đậu xe để đón chúng tôi, chúng tôi có hơn hai tiếng thảnh thơi “bắt buộc” để rong chơi bên những bìa rừng, bắt buộc vì khi đó không có gì để làm, không còn công việc bề bộn gì quấy nhiễu.
Tiện dịp tôi ghé thăm anh em tôi đang phục vụ tại Pleiku, lần này tôi chọn vùng Mang Yang để viếng thăm. Tuyệt vời quá, sáng Chúa Nhật, tôi được dâng lễ giữa những mảng trong xanh của núi đồi, ngôi Nhà Thờ không vách nằm chênh vênh trên sườn dốc, cái mái bằng tôn diềm mái không đủ để che khuất tầm mắt khi đứng trên “Cung Thánh” nhìn xuống.
Anh chị em tín hữu đến từ các bản làng chung quanh, nơi xa nhất 18 cây số, họ dâng Thánh Lễ Chúa Nhật với những con mắt trong veo không vẩn đục, bàn tay sần sùi vì mưa nắng, vì gian khổ nhưng rất êm ái nhịp nhàng trong tiếng cồng tiếng chiêng ngất ngây lòng du khách, cả cộng đoàn xoang (múa) hát những bài Thánh Ca những câu đối đáp trong Thánh Lễ.
Tôi đã khựng lại, những người bạn cùng đi với tôi nói: “Con đã nhìn thấy giọt nước mắt chực lăn trên má cha rồi”, khi một cặp vợ chồng cho tôi một bịch măng rừng còn nóng hổi, chị ấy “trọ trẹ” tiếng Kinh: “Nghe cha xứ nói có cha đến thăm, hôm qua chúng con đi rừng hái cái này cho cha, con luộc nó rồi”. Được biết năm nào anh chị em cũng bị ba tháng đói, anh chị em rất nghèo nhưng anh chị em đã rất giầu, cái bịch măng tươi là món quà vô giá.
Cái hình ảnh bịch măng tươi vừa luộc xong còn nóng hổi cứ theo tôi mãi, những đôi tay thô ráp tôi được cầm lấy nâng niu trân trọng tôi biết cũng sẽ mãi đeo đuổi đời tôi. Đời sống của họ gian khổ là thế, đời sống tôn giáo, chỗ dựa duy nhất còn lại cũng chẳng yên hàn gì cho cuộc đời của họ, nay bị hạch sách điều này, mai bị mời làm việc điều kia, người dân tộc tin theo Chúa vẫn cứ hồn nhiên vui sống, anh Yao Phu nói với tôi: “Ớ ! Con tin theo Chúa là có Chúa, có Chúa là vui rồi, không sợ gì hết”.
Vừa qua nghe một câu chuyện ở làng Kon Thụp, công an xã đến bắt Yao Phu A Bơih vì tội truyền đạo, tụ tập ở nhà đọc kinh bất hợp pháp. Khi bắt đi Giáo Dân chạy ra ôm chặt lấy A Bơih không cho bắt đi, công an định dùng vũ lực, mấy người dân tộc bị bệnh cùi chỉ cần đưa tay ra như định ôm lấy công an, công an bỏ chạy hết!
Anh chị em dân tộc yêu Chúa, theo Chúa một cách rất giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất mạnh mẽ và kiên cường, Đức Tin của anh chị em khỏe mạnh như những âm thanh phong phú phát ra không chỉ từ vòm họng nhưng từ… trái tim ngây ngất ân sủng.
Tôi muốn viết vài lời ca tụng những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Pleiku, 16.9.2012
Nguồn: Ephata 527
Theo tôi được biết thì tượng Đức Mẹ tại nơi biến hô Pleiku đã bị đâp phán sau năm 1975 !
Trả lờiXóaCảm ơn bài viết của Bạn đã cho tôi được nhớ lại nơi Chôn nhau căt rún ����❤❤