Cuộc vượt qua của ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận
02:30 No comments
LTCGVN (13.09.2012)
Sài Gòn – Đệ thập chu niên ngày sinh ra trên trời của Đức cố Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (16-09-2002 – 16-09-2012).
Kính dâng lên Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận lời cảm mến và tri ân của chúng con, để làm Vinh Danh Thiên Chúa và mưu ích cho phần rỗi nhiều người yêu chuộng Công Lý và Hoà Bình.
Ba ngày cuối đời của Đức Cố Hồng Y trùng vào Ba ngày Lễ có ý nghĩa trong lịch Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo:
Lễ Suy Tôn Thánh Giá, ngày 14 tháng 9
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ngày 15 tháng 9
Lễ Thánh Cornêliô, Giáo Hoàng và Thánh Cyprianô, Giám Mục, Tử Đạo, ngày 16 tháng 9
Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành Tam Nhật Thánh -Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh- để tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua và Phục Sinh của Đức Kitô. Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận cũng đã vượt qua Ba ngày cuối đời: 14, 15 và 16/09/2002, chắc hẵn lần cuối cùng này Ngài đã suy niệm và sống những sự mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô và Mẹ Maria Sầu Bi một cách triệt để hơn bao giờ hết, không phải trên toà giảng, trên Bàn Thờ cử hành Hy Tễ của Đức Kitô, mà trên chính giường bệnh của Ngài. Đồng thời, trong tư cách là Giám Mục, Ngài cũng sống lý tưởng Hoà Giải và Hoà Bình của Hai Thánh Tử đạo Cornêliô và Cyprianô. Trên giường bệnh, Ngài đã dâng trọn cuộc đời hy hiến như một hy tế cuối cùng của đời mình cho Thiên Chúa.
1. Tin Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá: “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến trong thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3:17). Đức Hồng Y FX Nguyễn văn Thuận có nói: “Cho dù các anh có giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh, vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”. Lời Chúa sau đây cũng đúng cho Ngài: “Khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12 :32). Cuộc sống của Cố HY Phanxicô Xavier là họa ảnh trung thực qua hai biến cố lưỡng diện, khổ nhục và tôn vinh, được tỏ hiện nơi Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô.
2. Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi: “…Cháu bé này có sứ mệnh làm cớ cho nhiều người trong Israel ngã gục hay được sống. Cháu còn là mục tiêu cho người đời chống báng. Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn bà, ngõ hầu ý nghĩa cuộc sống của nhiều tâm hồn phải bày tỏ ra.” (Lc 2:34-35). Khi đọc tiểu sử và tưởng nhớ về cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa của Đức Cố Hồng Y, nhiều người trước đây đã làm cho Ngài phải trải qua những ngày tháng đau thương và khổ nhục trong chốn Lao tù, cũng phải nhìn nhận rằng Thiên Ý đã đặt Ngài làm cớ cho nhiều người đồng hương của Ngài chống đối Ngài, vì không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (Lc 4:24). Thế nhưng, Ngài đã can đảm dám sống và dám chấp nhận tất cả những đau khổ như những lưỡi gươm đâm thâu vào lòng vì yêu mến Thầy Chí Thánh và Mẹ Thánh Người và vì phần rỗi vô giá của anh chị em đồng loại, và nhất là qua việc Toà Thánh mở án phong Chân Phước cho người tôi tớ trung thành của Chúa, thì nhờ vào mẫu gương can đảm sống thánh thiện và lòng bác ái nồng ấm của Ngài mà ý nghĩa cuộc đời của nhiều người phải bày tỏ ra. Thay vì tiếp tục chống báng, họ lại quay trở lại yêu mến Ngài…“Thập Giá là dấu chỉ của tình yêu và sự hiệp nhất, qua đó nảy sinh nền hòa bình đích thực. Hãy cầu nguyện để trở nên những tông đồ mang hoà bình của Mẹ cho toàn thế giới” (Thông điệp Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình ban tại Medj. 25.11.1999)
Trong ngày Lễ Mẹ Sầu Bi, Ngài đã cầu nguyện cùng với toàn thể Hội Thánh: “Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ đã thương vong, đã khấng chịu cực hình vì con như thế. Con ao ước được cùng với Mẹ đứng bên cây thập giá và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than. Ôi, Đức Trinh Nữ xin đừng để con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ che chở trong ngày thẩm phán. Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Đức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khởi hoàn. Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường. Amen.” Và dường như tôi nghe văng vẳng đâu đây, với giọng hát run run của Ngài, bài ca tiếp liên bi ai được trang trọng cất lên trong Thánh Lễ truyền thống latinh ngày nào: “ Stabat mater dolorosa juxta Crucem lacrimosa, dum pendebat Filius…”. Không thể nào quên!
3. Và ngày cuối cùng, 16/09/2002, trong sự tĩnh lặng hiệp thông sâu xa, đôi mắt cắm sâu vào tượng Đấng Chịu Đóng Đinh và Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, Ngài đã can đảm vượt qua lần cuối cõi đời tạm này và êm ái ra đi về Nhà Cha, như một chứng nhân của sự tha thứ và hiệp nhất trong Giáo Hội, trong một đức tin, một lòng mến và một niềm hy vọng lớn lao, như lời trích sau đây của Thánh GM Tử Đạo Cyprianô trong ngày lễ kính nhớ Ngài:
“Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn, nếu bạn không coi Giáo Hội như người Mẹ của bạn. Thiên Chúa là Một và Ðức Kitô là Một, và Giáo Hội của Người là Một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một, qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn. Nếu chúng ta là người thừa kế của Ðức Kitô, hãy kết hợp nên MỘT trong sự bình an của Ðức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình”
“Chỉ có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô và một ngôi tòa Giám mục, được xây dựng đầu tiên trên nền Thánh Phêrô bởi quyền năng của Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ sự gì người ta thiết lập ra trong khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng” (Thánh Cyprianô, Trích “Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo”).
Đức Hồng Y Thuận đã nhẹ nhàng vượt qua cõi đời này ngày 16/09/2002. Khi hay tin Ngài khuất, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã tuyên bố với báo chí: “Một vị Thánh vừa mới qua đời !”.
Có thể nói, nếu ai đó chưa nhận ra Cố Hồng Y Phanxicô Xavier là một vĩ nhân, như lời xác nhận của Đức Bênêđictô XVI, người đó vẫn chưa có một tầm nhìn tận bờ bên kia của lòng nhân ái và lòng thuơng xót của Thiên Chúa nơi Ngài. Sự ra đi của Ngài đã gây nên một chấn động thâm sâu cho bao tâm hồn được Ngài nâng đỡ trong nhiều năm qua trên toàn thế giới, chỉ vì Ngài thương xót họ. Ngài không dùng sức mạnh của riêng mình để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, như khi Ngài chấp nhận hy sinh thân mình đến cạn kiệt trong chốn lao tù và nơi công việc ở Toà Thánh, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria Hiền Thê rất Yêu Dấu của Người. Ngài đã cho phép Thiên Chúa hành động trong Ngài để có thể cứu giúp con người qua sự yếu hèn của mình, cho đến hơi thở cuối cùng.
“Con có một Tổ Quốc: Nước Việt Nam! Con yêu tổ quốc Việt Nam, và hiến mình cho Tổ Quốc thân yêu…” (lời ĐHY Thuận). Tổ chức Lễ Giỗ hàng năm cho Ngài, chúng ta hãy bắt đầu học hỏi và suy niệm về những gia sản tinh thần của Ngài để lại, trong 3 ngày từ ngày 14, 15 và 16 trong tháng 9, kết hợp với việc suy tôn và sống thật trong tim mầu nhiệm Thập Giá Đức Kitô. Có như thế cuộc đời Kitôhữu chúng ta mới có ý nghĩa thiêng liêng và một nội tâm sâu đậm và sẽ sinh hoa kết trái dồi dào như Chúa Cha hằng mong ước, trước tiên cho đồng bào Việt Nam trong nước và nhất là cho kiều bào hải ngoại là môi trường rộng lớn hơn cho việc truyền bá Tin Mừng Hy Vọng trên khắp thế giới. Mong thay!
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành bình an hoà bình và hiệp nhất cho Đất Nước và Giáo hội Việt Nam và thế giới khỏi sự hận thù và chia rẽ, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Lavang, Cha Thánh Giuse, Các Thánh Tử Đạo tại VN và của Tôi Tớ Chúa là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, với niềm hy vọng thấy Ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ. Tạ ơn Cha! Amen.
Simon Maria Trần PX5
0 nhận xét:
Đăng nhận xét