Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013: Họp mặt Giới trẻ Việt Nam khắp năm châu


27.07.2013
WHĐ (27.07.2013) – Trong những ngày Đại hội Giới trẻ thế giới (GTTG) đang diễn ra tại Rio de Janeiro, giới trẻ Việt Nam khắp 5 châu đã có buổi họp mặt và dâng Thánh lễ vào lúc 16g00 ngày thứ Sáu 26-7, tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm (Basílica da Imaculada Conceição). Buổi họp mặt quy tụ các linh mục, quý tu sĩ nam nữ và khoảng 200 bạn trẻ Việt Nam từ trong nước và hải ngoại đang tham dự Ngày GTTG, đó là Việt Nam, Australia, Đan Mạch, Na Uy, Đức, Canada, Hoa Kỳ,…
Trước thánh lễ, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã có bài nói chuyện với các bạn trẻ. Ngài trình bày thực trạng đời sống đức tin của các Kitô hữu tại Brazil, đặc biệt của người trẻ đang có nguy cơ giảm sút trầm trọng và có vẻ đang nhạt phai trước những trào lưu của xã hội. Vì thế, Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã chọn Rio de Janeiro, Brazil là nơi tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới.

Sau những lời chia sẻ của Đức cha Phaolô là Thánh lễ đồng tế mừng kính Thánh Gioakim và Thánh Anna để cầu nguyện cho giới trẻ Việt Nam cũng như giới trẻ toàn thế giới.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Chủ tịch Uỷ ban Giới trẻ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nói lên tinh thần của ngày gặp mặt: “Dù chúng ta ở đâu thì đều là người Việt Nam. Hai chữ “Việt Nam” diễn tả tình hiệp nhất yêu thương, và nói lên rằng chúng ta cùng một quê hương, cùng một dân tộc. Ngày gặp mặt hôm nay là dịp để chúng ta chứng tỏ đời sống đức tin của mình...”. Ngài nói tiếp: “Tất cả chúng ta về đây để cùng gặp nhau và cùng gặp vị đại diện của Chúa Kitô, là Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta gặp gỡ Đức Thánh Cha để rồi gặp gỡ Chúa Kitô. Khi gặp gỡ Chúa Kitô, là chúng ta gặp gỡ một con người đích thực, đang hiện diện và đồng hành với mỗi người chúng ta trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống… Khi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên sứ giả của Ngài. Chúng ta hãy ra đi, hãy làm chứng và hãy rao giảng về Chúa Kitô cho anh chị em xung quanh. Đó cũng chính là chủ đề mà Đức Thánh Cha muốn gửi đến các bạn trẻ trong Đại hội này: Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Cuối thánh lễ, Đức cha Giuse đã cám ơn quý cha và mọi người hiện diện, đặc biệt những ai đã lo tổ chức chu đáo cho ngày gặp mặt đầy ý nghĩa hôm nay.
Sau khi nhận phép lành của quý Đức cha, quý cha và các bạn trẻ chụp hình kỷ niệm chung và nói lời tạm biệt trong hiệp nhất và yêu thương. 


Lm Phêrô Đoàn Văn Khả

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Giáo xứ Chợ Sàng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ

Giáo xứ Chợ Sàng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ.
Sáng hôm nay ngày 20 tháng 7 năm 2013 lúc 8 giờ 00 thánh lễ kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Chợ Sàng diễn ra trong bầu khí thiêng liêng trong  ngày chầu đền tạ thay cho toàn giáo Phận của giáo xứ, Đức Cha già khả kính Phaolo Maria Cao Đình Thuyên chủ sự thánh lễ cùng quý Cha trong và ngoài giáo Phận Vinh, quý Thầy chủng sinh, quý Xơ, quý khách xa gần, cùng đông đảo bà con trong và ngoài giáo hạt Hướng Phương, chia sẽ trong thánh lễ Đức Cha già khả kính chúc toàn thể bà con giáo xứ Chợ Sàng đón hồng ân mà Thiên Chúa ban cho giáo xứ qua 100 năm hồng ân, và mong bà con giáo xứ nổ lực cộng tác cùng cha quản xứ xây dựng đức tin mạnh mẻ hơn nữa trong tương lai và đặc biệt trong thế giới đầy biến động như hôm nay, và vị Cha chung không quên nói cùng bà con trong toàn giáo xứ hãy tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban cho giáo xứ chúng ta.............
pet minh tiến

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Đức GM Nguyễn Thái Hợp : "Phải phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam"


Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp ký tặng cho RFI Việt ngữ cuốn sách " Công lý và Hòa bình trên Biển Đông", do CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình vừa phát hành năm nay.
Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp ký tặng cho RFI Việt ngữ cuốn sách " Công lý và Hòa bình trên Biển Đông", do CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình vừa phát hành năm nay.
Thanh Phương/RFI

Trong khuôn khổ chuyến đi châu Âu và châu Mỹ, ngày 16/07/2013, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình đã ghé qua Paris. Nhân dịp này, ban Việt ngữ RFI đã được Đức Cha dành cho một cuộc phỏng vấn ngày 17/07 tại trụ sở Hội Thừa Sai Paris ( Missions étrangères de Paris ).
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Giám mục Vinh đề cập đến những vấn đề không chỉ liên quan đến Giáo hội, mà còn liên quan đến đời sống chính trị của Việt Nam : sửa đổi Hiến pháp, nhu cầu xây dựng xã hội dân sự, việc kết án tù các nhà hoạt động Công giáo...

Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp
 
18/07/2013
 
 

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Tổng hợp chầu lượt giáo xứ Hòa Ninh tháng 7 năm 2013


Tuần chầu lượt của giáo xứ Hòa Ninh được khai mạc vào tối thứ 5 ngày 11 tháng 7 năm 2013 giáo xứ Hòa Ninh hân hoan đón chào quý cha quản hạt, quý cha quản nhiệm đến từ các giáo xứ trong và ngoài giáo hạt Hòa Ninh quý Thầy chủng sinh quý Xơ cùng đông đảo quý khách xa gần, Cha quản hạt Tróoc chủ tế thánh lễ khai mạc tuần chầu, đặc biệt năm nay có sự hiện diện của Cha  Phêrô Nguyễn Đăng Cao đã từng quản nhiệm giáo xứ Hòa Ninh 21 năm, ngoài ra còn có Cha Antôn Nguyễn Khánh Cương quản nhiệm giáo xứ Thổ Hoàng tĩnh Hà Tĩnh, Cha Phêrô Nguyễn Văn Liêm ( quê quán xứ Kẻ Gai hạt Cầu Rầm Nghệ An ) Tuần chầu lượt của giáo xứ Hòa Ninh  tuy đã kết thúc nhưng tinh thần hiệp nhất, yêu thương và phục vụ sẽ mãi là lẽ sống cho con cái giáo xứ Hòa Ninh. Nhìn lên nét mặt tươi vui, rạng ngời của bà con  ở đây dào dạt tình Chúa tình người, chúng ta tin tưởng và hy vọng giáo xứ Hòa Ninh ngày một trưởng thành hơn trong cuộc sống mưu sinh, mãi là chứng nhân sống động cho Tin Mừng cứu độ.

pet minh tiến


Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

10 hiện tượng tôn giáo bí ẩn nhất lịch sử

Mọi tôn giáo trên thế giới đều có những câu chuyện kỳ lạ, những sự kiện và hiện tượng huyền bí dường như vượt xa các quy luật của tự nhiên.

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Nhiều điều kỳ lạ đều đã được giải thích trên cơ sở khoa hoc. Tuy nhiên, dù cho khoa học phát triển mạnh đến trình độ nào, vẫn còn rất nhiều sự kiện phi thường vẫn chưa thể có được câu trả lời, và niềm tin vào sự kiện huyền bí vẫn tiếp tục.
Dưới đây là một số hiện tượng bí ẩn khó giải thích nhất trong lịch sử:
1. Tấm vải liệm Turin
 
Tấm vải liệm Turin là một trong những di vật nổi tiếng nhất trong lịch sử. Tấm vải liệm này được cho là vật chôn cất của Chúa Jesus, và có in hình khuôn mặt của Chúa. Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng một vài phần của tấm vải liệm có từ thời Trung Cổ; điều đó có nghĩa là đây chỉ là giả mạo. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, tấm vải liệm này có trong khoảng thời gian giữa năm 280 trước Công Nguyên và năm 220 sau Công Nguyên; và cũng chính là khoảng thời gian sống của Chúa.
2. Cơ thể không bị thối
 
Rất nhiều các vị thánh sau khi chết, cơ thể đều không những không bị thối rữa mà còn tỏa ra một mùi hương cây cỏ rất ngọt dịu, và đây được cho là dấu hiệu của sự linh thiêng. Điển hình, Thánh Bernadette Soubirous, mất năm 1879. Đến năm 1909, một vị giám mục đã khai quật xác của bà, và phát hiện rằng cơ thể của vị thánh này hoàn toàn không bị thối rữa. Hiện nay, Thánh Bernadette Soubirous đang được trưng bày tại nhà thờ St. Bernadette ở Pháp.
3. Đức Mẹ đồng trinh Mary
 
Năm 1988, những người dân ở quận Zeitoun (Cairo, Ai Cập) đã trông thấy hình bóng chói lòa một người phụ nữ đang đi trên mái nhà thờ. Nhiều người đã cho rằng đây chính là sự hiện diện của Đức mẹ Mary. Sự kiện này thậm chí còn được người xem chụp lại. Và đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh rằng những bức ảnh này đã được chỉnh sửa.
4. Những bức tượng biết khóc
 
Năm 1973, một bức tượng nhỏ trong nhà thờ Akita (Nhật Bản) đã chảy máu ngay sau khi nữ tu sĩ Agnes Sasagawa trong nhà thờ nhìn thấy sự xuất hiện của Đức Mẹ đồng trinh. Bức tượng này tiếp tục đổ mồ hôi và chảy máu trong một vài năm sau đó, và thậm chí còn được đưa trên truyền hình. Nữ tu sĩ Agnes vốn bị điếc, 10 năm sau khi được gặp Đức Mẹ đồng trinh đã hoàn toàn có thể nghe thấy được như người bình thường.
Hiện tượng kỳ lạ này không chỉ xuất hiện ở Nhật Bản. Một bức vẽ chúa Jesus tại nhà thờ ở Bethlehem (Palestine), nơi đã sinh ra Chúa, thường xuyên khóc ra máu.
5. Vết thương bí ẩn
 
Rất nhiều người trong hàng trăm năm qua đều khẳng định rằng họ đã được khắc dấu Chúa (dấu tựa dấu đóng đinh của Chúa mà người sùng đạo cho là hiện lên trên mình một số vị thánh). Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ của Thánh Francis (1186–1226), và kể từ đó rất nhiều các vị thánh khác đã được khắc dấu Chúa. Điển hình là trường hợp máu chảy trên bàn tay của thánh Pio (1887–1968), tuy nhiên, nhiều người cho rằng thánh Pio đã tự làm bị thương chính mình bằng axit.
6. Trạng thái lơ lửng trên không
 
Chuyện kể lại rằng vào những năm 1600, Thánh Joseph đã nhiều lần rơi vào trạng thái hôn mê và nằm lơ lửng trên không kể cả những lúc đông người. Ông đã trải nghiệm trạng thái này một lần ngay trước mặt Giáo hoàng Urban VIII. Chính vì vậy, nhân vật huyền bí này trở thành thần bảo hộ cho các phi công, phi hành gia, và những người khách du lịch bằng đường không nói chung. Tuy nhiên, bây giờ khoa học cho rằng trạng thái lơ lửng trên không của Thánh Joseph chẳng qua chỉ là ảo giác của con người.
7. Lọ máu thần
 
Thánh Januarius.
Nhà thờ Napoli (Italy) có cất giấu một lọ máu từ thời thánh Januarius. Máu của thánh Januarius được một người phụ nữ có tên Eusebia giữ lại sau khi ông qua đời.
Máu trong lọ hầu như khô suốt cả năm. Tuy nhiên, vào 3 ngày: 19/9, 16/12 và ngày thứ bảy trước ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 5 (đều là những ngày tưởng niệm về cuộc đời của Thánh Januarius), máu trong lọ tự chuyển thành chất lỏng một cách bí ẩn.
8. Bức vẽ Đức Mẹ Mary
 
Vào năm 1531, một người nông dân có tên Juan Diego khẳng định đã trông thấy Đức Mẹ đồng trinh Mary trên một cánh đồng gần Mexico City, yêu cầu anh ta xây một nhà thờ Đức Mẹ và hái hoa trên sườn đồi.
Người đàn ông này đã làm theo lời căn dặn, hái hoa và cho vào áo khoác ngoài. Về sau, chiếc áo choàng này được phát hiện có cất giấu dấu ấn của Đức Mẹ Mary. Điều kỳ lạ là chưa một ai giải thích được bức hình trong áo được sơn hay được vẽ bằng vật liệu nào khác, bởi đến tận bây giờ, bức vẽ Đức Mẹ đồng trinh vẫn còn nguyên vẹn và không hề bị phai.
9. Sự kiện mặt trời năm 1917
 
Năm 1917, những đứa trẻ chăn cừu ở Fatima (Bồ Đào Nha) kể lại rằng, Đức Mẹ đồng trinh Mary đã xuất hiện và bảo với chúng rằng một sự kiện kỳ lạ sẽ xảy ra vào hôm 13/10 năm đó. Hàng ngàn người đã đến xem, và các báo đài thời điểm đó cũng đã đăng tin rất nhiều về hiện tượng này.
Vào khoảng giữa trưa của một ngày mưa, mặt trời đã xuất hiện dưới dạng một cái đĩa, và quay thẳng theo kiểu hình xoắn ốc về phía trái đất.
Đến 1930, hội nhà thờ đã chính thức công nhận sự kiện mặt trời năm 1917 là mộthiện tượng linh thiêng. Tuy nhiên, các nhà hoài nghi luôn cho rằng đó chỉ là một luồng ánh sáng thường xuất hiện quanh mặt trời, và chỉ ra rằng không phải tất cả mọi người ngày hôm đó đều nhìn thấy được hiện tượng này.
10. Khải huyền
 
Vào năm 1981, tại một thị trấn nhỏ có tên Medjugorje, nằm ở khu vực nay thuộc Bosnia, 6 đứa trẻ được cho là đã nhìn thấy sự xuất hiện của Đức Mẹ đồng trinh Mary. Trong suốt rất nhiều năm sau đó, hàng ngày tất cả họ đều nhận được các thông điệp kỳ lạ, và cho đến bây giờ, họ đã nhận được hàng ngàn lời tiên tri.
Một trong những tiên đoán nói rằng “Có 10 điều bí mật sẽ tiết lộ được ngày tận thế”.
Năm 2010, tòa thánh Vatican đã phải mở một cuộc điều tra về chuyện này, nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả của cuộc điều tra vẫn chưa được công bố với dư luận.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nguyên nhân của niềm vui Kitô hữu


Không ai mừng vui vì thất bại ! Người ta vui mừng khi thành công, nhất là thành công trong các công việc đầy gian nan thử thách ( cứ xem bóng đá hay bất cứ môn thể thao nào tất biết: người người, từ cầu thủ đến cổ động viên, đều vui sướng thế nào sau mỗi bàn thắng vất vả ). Chẳng lạ gì nhóm Mười Hai, sau một chuyến hành trình thuyết giáo đầy cam go, đã trở về hớn hở mừng vui vì: “Đến cả ma quỉ cũng phải khuất phục chúng con !
Công tác các môn đệ phải chu toàn quả là cực kỳ khó khăn đối với từng người. Khó như ‘chiên con đi vào giữa bầy sói’, hình ảnh Đức Giêsu đã sử dụng để mô tả tình thế. Đã vậy trước đó Người còn cho huấn dụ đòi các ông ra đi trong tình trạng thiếu thốn mọi phương tiện hỗ trợ, không chỉ vì chẳng đặng đừng mà là có chủ đích rõ ràng… Thế mà các ông, những con người bình dị tầm thường, lại đã hoàn thành công tác được trao cách xuất sắc. Không mừng sao được !
Thế nhưng, phản ứng của Đức Giê-su mới thật đầy bất ngờ tới độ gây sốc. Có vẻ như Người không tán đồng với niềm phấn khởi vì thành công rất đáng biểu dương đó. Người không chỉ khôn ngoan cảnh giác các ông rằng thành công có thể tiềm ẩn một cạm bẫy đầy nguy hiểm: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống… Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em”, mà còn chỉ cho các ông thấy niềm vui và tự hào chân thực của người môn đệ phải dựa trên cơ sở nào.
Về vấn đề này câu xác quyết của Người thật khó hiểu, chứa đựng nhiều uẩn khúc: “Nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên Trời !” Thiết tưởng chúng ta cần dành chút thời giờ để tìm hiểu hậu ý Đức Giêsu muốn nói tới qua lời phát biểu lạ đời trên; bởi vì nếu hiểu được điều này ta mới có cơ may nghiệm ra điều gì đích thị là mục tiêu của những nỗ lực xây dựng niềm tin Kitô hữu hay sống Tin Mừng của chúng ta.
Cảnh giác khi thành công… thì nhiều nhà hiền triết đã từng nhắc nhở. Thành công có thể dẫn đến tự kiêu, tự mãn… và làm cho mờ mắt để không nhận ra, hoặc quên mất vai trò của Thiên Chúa trong đời sống mình. “Thầy đã ban cho anh em quyền năng…” Bình thường thì nếu tránh được điều này thành công chân chính cũng rất đáng mừng vui lắm chứ. Không ai ngăn cấm diễn tả một niềm vui chính đáng; hẳn Đức Giêsu cũng không. Thế nhưng hình như Người vừa đề cập tới một niềm vui còn quan trọng và lớn lao hơn cả thành công, điều mà rất thường khi các môn đệ ( và cả chúng ta nữa ) đã quên mất: “Vui vì tên anh em đã được ghi trên trời”; vì thoạt nhìn niềm vui này có vẻ thụ động, chẳng có gì đáng tự hào, chẳng có gì là thành tích vẻ vang, giống như niềm vui bỗng dưng trúng số vậy

Đúng là trong đời sống đạo hàng ngày rất nhiều người chúng ta dễ dàng quên đi mất niềm vui đặc biệt này, nhất là những ai quá lo lắng quan tâm tới phần rỗi linh hồn mình. Người ta vẫn thường quan niệm việc giữ đạo là một cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy cam go thử thách. Với ơn Chúa đỡ nâng, ta phải ra công chiến đấu sao cho có thể chiến thắng được ba thù. Ta mừng vui mỗi khi vượt thắng được một cơn cám đỗ, và rất đau buồn khi không may sa ngã vì yếu đuối. Nhưng có lẽ chính cuộc chiến thiêng liêng được thực hiện với nhiều quyết tâm này đã làm cho việc giữ đạo của ta trở thành một mối lo nhiều hơn là nỗi mừng.
Trong dịp mừng Kim Khánh Khấn Dòng, nhiều anh em hội viên đã nhắc khéo tôi là: phải đợi tới sau khi tắt thở ta mới có thể yên tâm được rằng mình có bền đỗ hay không. Phải chăng họ có lý ? Tuy nhiên qua câu gợi ý đó tôi thấy phảng phất một mối lo, lo rằng mình không vững mạnh đủ để bền đỗ, rằng kiếp sống con người quá mỏng dòn. Theo lối suy nghĩ thông thường thì mối lo sợ này là chính đáng và có nền tảng dựa trên kinh nghiệm cụ thể hằng ngày.
Thế nhưng trước Tin Mừng thì hình như nó khập khiễng hụt hẫng sao đó. Đức Tin Kitô hữu đâu có mục đích đặt tôi đối diện với một Thiên Chúa xét xử nghiêm minh, nhưng với một Giêsu Kitô đến không phải để luận phạt nhưng để cứu vớt ( Ga 12, 44 – 50 ).
Đức Giêsu là người duy nhất đã mạc khải về một Thiên Chúa nhân ái và hay xót thương, Đấng tự ngàn xưa đã ghi tên tôi trong sổ hằng sống, trước cả khi tôi lập được công trạng. Nếu quả như vậy thì chỉ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô mới là gia tài quí giá nhất mà tôi phải lưu giữ, là niềm hy vọng vững vàng nhất mà tôi phải nuôi dưỡng, chứ đâu phải quyết tâm thủ đắc được các nhân đức hay đạt tới mức trọn lành qua dày công tu luyện.
Trên con đường thiêng liêng của Tin Mừng, tôi không được phép đánh giá tiến bộ dựa trên các thành quả nhân đức hay thánh thiện mình đạt được. Mục tiêu đời sống Tu Sĩ của tôi đâu có phải là đạt tới chế ngự bản thân tới mức thượng thừa có khả năng khuất phục được cả quỷ thần hay các dục vọng lăng loàn. Chính Tin Mừng dạy cho tôi biết, tự bản chất con người luôn là yếu đuối, nhưng chỉ cần đặt niềm tin tuyệt đối nơi Đức Kitô Giêsu để nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ, thế là tôi có thể bảo đảm ‘tên mình đã được ghi trên Trời’.
Mọi Kitô hữu đều biết rằng, chính khi cảm thấy thấp hèn và tội lỗi nhất, nhưng với lòng chân thành sám hối, họ nghiệm ra được rằng lòng Chúa xót thương là lớn hơn tất cả mọi sự, rằng tên mình đã bảo đảm được Đức Kitô ghi sâu trong trái tim nhân ái của Người, và như thế là phần rỗi linh hồn của mình chắc chắn được đảm bảo. Lúc đó, phải chỉ lúc đó, họ mới nếm cảm được niềm vui thuần khiết, niềm vui chiến thắng, niềm vui mà Đức Giêsu vừa trang trọng nhắc nhở các môn đệ của mình, niềm vui trọn vẹn nhất.
Chính tôi có thường xuyên cảm thấy niềm vui sâu xa nhất này trong thẳm sâu cõi lòng mình không ? Phải chăng đối với tôi, chấp nhận Tin Mừng cứu độ mới là cứu cánh duy nhất của đời mình ?
Lạy Chúa, xin cất khỏi lòng con mối lo sợ âm ỷ do các yếu đuối và sa ngã hàng ngày tạo nên trong con; xin đổ đầy tâm hồn con niềm vui vì được lòng nhân ái Chúa ghi tên vào sổ hằng sống, bất chấp tất cả những giới hạn, tội lỗi của bản thân.
Trong đời sống thiêng liêng, con thà đánh mất tất cả các nhân đức đã dày công tu luyện trong nhiều năm tháng, nhưng xin Chúa giữ gìn để con không bao giờ… phải, không khi nào đánh mất niềm tin vững chắc vào lòng Chúa xót thương sẽ cứu độ con. Amen.
Lm. NGUYỄN VĂN TY, Dòng Thánh Don Bosco


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Giới trẻ "tay không" bước vào thế giới mạng



Để mặc giới trẻ giải quyết những vấn đề như trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.
"Tay không" đương đầu

18 tuổi, cô bé L. đã chọn cách uống thuốc diệt cỏ tự tử để phản ứng một trò đùa tai hại của bạn cùng lớp: ghép hình trêu chọc trên Facebook. Câu chuyện xót xa gióng lên tiếng chuông về những nguy cơ từ thế giới mạng đối với giới trẻ, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên.

Nếu chuyện đó không xảy ra, những ngày này L. chắc đang đang hồi hộp tham gia kỳ thi đại học năm nay. Rồi em sẽ trưởng thành, sẽ chín chắn, và sẽ nhìn sự việc như một trò đùa vớ vẩn. Bởi người trong ảnh không phải là em. Nhưng đó là những năm sau này. Còn giờ đây, điều đó sẽ không diễn ra được nữa. Giá như...

Ở tuổi 18, L. đã không "vượt qua" được sự tức giận, liều lĩnh, dại dột và cả non nớt của những người còn ở ngưỡng vị thành niên vốn mong manh, dễ vỡ. Cái chết của em khiến nhiều phụ huynh "sốc". Nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho truyền thông, cho thế giới mạng đã cung cấp công cụ góp phần tạo nên những trò đùa ác ý ấy.

Nhưng thật ngây thơ, và sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì nếu chúng ta chỉ biết trách cứ và đổ lỗi cho thứ vô tri, vô giác như công nghệ. Bởi các tiến bộ kỹ thuật được tạo ra cũng có thể bị dùng vào mục đích xấu, giống như việc dùng nồi áp suất để đánh bom thay vì ninh thịt vậy.

Sự dại dột của L. cho chúng ta thấy, giới trẻ Việt đang "đương đầu" với thời đại bùng nổ của truyền thông mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Hơn thế, câu chuyện của L. "cảnh tỉnh" cho chúng ta rằng, dù chưa được đề cập nhiều, nhưng hiện tượng trêu chọc, quấy rối trên mạng đang ngày một phổ biến trong xã hội ngày nay. Hơn ai hết, chính các em học sinh, giới trẻ, những người đang tiếp xúc ngày một nhiều với công nghệ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành động đó.

Trên thế giới, việc trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của "cyberbully" (trêu chọc, quấy rối trên mạng) đã trở thành hiện tượng từ rất lâu. Cyberbully, được xác định là trêu chọc, ngược đãi, quấy rối người khác trên mạng, qua điện thoại di động, hoặc các thiết bị điện tử khác.

Danh sách những vụ việc kiểu này cứ nối dài theo sự phát triển của công nghệ, độ bao phủ của Internet. Câu chuyện về cô bé 15 tuổi, người Canada, Amanda Todd đã tự vẫn một tháng sau khi bị các bạn cùng lớp đưa tấm hình ngực trần của cô lên mạng cuối năm ngoái, vẫn còn khiến cho những bậc phụ huynh ở nước này thấy sốc.

Hay cái chết của cô bé lớp sáu vào tháng 6-2010 sau khi nhận được những tin nhắn kèm hình ảnh sex từ một bạn trai cùng lớp vẫn gây bàng hoàng cho dư luận ở bang New Jersey, Mỹ. Rồi vụ việc cậu bé 15 tuổi người Anh, Joshua Unsworth, mới hôm đầu tháng 4-2013 được tìm thấy treo cổ trong vườn nhà, sau một tháng trời nhận được những lời nhắn quấy rối, hạ nhục qua mạng xã hội.

Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục ở các nước, thì việc tư vấn tâm sinh lý học sinh luôn được các trường chú trọng. Đơn cử như ở Mỹ, ở tất cả các bậc học phổ thông, ngoài các giáo viên, những nhân viên tư vấn tâm lý là những vị trí nằm trong biên chế của trường. Trẻ được học về nhận biết, cách thức phòng chống việc trêu chọc, quấy rối cả trong đời sống hàng ngày lẫn trên mạng, từ người lạ hay chính những người thân quen quanh chúng như bạn bè, gia đình, thầy cô từ những năm tiểu học.

Phạt tù chỉ là bước cuối cùng

Mặc dù được chuẩn bị như vậy, nhưng kết quả của cuộc khảo sát do Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh CDC của Mỹ thực hiện một năm trước, cho thấy, có đến hơn 16% học sinh phổ thông trung học là nạn nhân của việc trêu chọc và quấy rối trên mạng.

Về mặt tâm sinh lý, một nghiên cứu hiện tượng này được công bố trên Tạp chí Sức khoẻ vị thành niên (Journal of Adolescent Health) cho thấy, việc trêu chọc, quấy rối trên mạng có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đối với nạn nhân. Những học sinh là nạn nhân của những hành động trêu chọc, quấy rối trên mạng dễ bỏ học, bị đình chỉ học, rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, hay thường cảm thấy bất an khi ở trường.

Chính bởi những hậu quả đó mà hàng loạt các biện pháp đã được Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn triệt để hiện tượng này. Ngoài việc tăng cường kiến thức cho học sinh, chính quyền các bang còn áp dụng các quy định pháp luật cứng rắn đối với các hành động trêu chọc quấy rối.

Chẳng hạn, cho đến nay đã có 47 bang tại nước Mỹ ban hành các điều luật về xử lý việc quấy rối dưới hình thức sử dụng các phương tiện điện tử. Trong đó 12 bang coi việc quấy rối này là tội hình sự. Ngoài ra các bang khác có các quy định về hình thức phạt, đuổi học đối với các hành vi quấy rối, trêu chọc qua mạng.

Tuy nhiên dù hình thức phạt đuổi học, hay phạt tù chỉ là bước cuối cùng. Và các biện pháp này chỉ có thể thực hiện khi sự việc đã rồi, và những tổn thương về sinh mạng hay tâm lý với trẻ đã thành những vết hằn trong xã hội.

Điều đáng sợ hơn nữa, là các hành động đáng tiếc của các thanh thiếu niên là nạn nhân của việc trêu chọc, quấy rối qua mạng thường khó đoán định. Tâm lý chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa trưởng thành khiến các em luôn thấy có trách nhiệm tự mình giải quyết các vấn đề như vậy, cho đến tận khi các em rơi vào bế tắc.

Vậy chúng ta nên làm gì? Cấm không cho trẻ tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật, hay mạng xã hội ư? Điều này là phản tác dụng. Ta không thể "bảo bọc" mãi những thanh thiếu niên này như trẻ vài tháng tuổi. Bởi đó cũng là lứa tuổi cần học thêm những kỹ năng học tập, làm việc và sống. Tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cũng chính là một trong những kỹ năng ấy.

Hơn nữa, ở lứa tuổi tò mò, sẽ chẳng có ai ngăn được các em tìm hiểu. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo: phòng vẫn hơn chống. Các biện pháp tư vấn tâm lý, giáo dục giới trẻ cách nhận biết, đối phó với những lời lẽ, hành động quấy rối, trêu chọc trên mạng vẫn luôn là biện pháp hữu hiệu hơn cả.

Đã hơn một thập kỷ Internet vào Việt Nam, nhưng cho đến nay hầu như giới trẻ Việt vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó với những hành động trêu chọc và quấy rối trên mạng như đã xảy ra với L. Vấn đề "giảm tải" chương trình chính khoá, tăng cường đào tạo kỹ năng sống, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các em đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhiều chuyên gia cũng đã đăng đàn để hy vọng góp những tiếng nói vào việc thay đổi phương pháp giáo dục đối với giới trẻ để khi các em "bước chân" vào cuộc sống trưởng thành không lo lắng bị "vấp ngã".

Sự ra đi của L. đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi: Liệu trẻ em chỉ cần được ăn uống, có quần áo đẹp, được đến trường đã đủ chưa? Về mặt vật chất "sướng hơn" thời bố mẹ chúng thời thiếu thốn trước đây rồi còn đòi hỏi gì nữa? Việc để mặc cho giới trẻ giải quyết những vấn đề như chuyện trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là chúng ta đã vô tình đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.

(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Báo chí Truyền thông, ĐH Texas tại Austin, Mỹ)


Vũ Tiến Hồng

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Giáo xứ Chày (Quảng Bình): Cầu Hiệp Nhất nối liền hai thôn Chày và Mé


08.07.2013
Cầu Hiệp Nhất nối bờ Yêu Thương
Cầu Hiệp Nhất nối bờ Yêu Thương
GPVO - Khởi công từ ngày 02/6/2013 với những công việc chính là đắp mô và đổ hai đầu trụ, sau đó là công đoạn lắp ráp toàn bộ chiếc cầu, chỉ trong thời gian ngắn, sau hơn 3 tuần lễ, ngày 24/6/2013 đã có chiếc cầu phao nối liền hai xóm Chày và Mé. Chiều ngày 04/7/2013, giáo xứ Chày đã long trọng đón mừng Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận về cắt băng khánh thành. Từ nay, chiếc cầu sẽ “xóa đi hai tiếng đò ơi” da diết vọng về giữa hai bờ thượng nguồn Sông Son, đoạn chảy qua địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Có được cây cầu nối liền giữa hai xóm Chày và Mé là niềm mong ước ngàn đời của bà con giáo cũng như lương nơi đây. Khi được chuyển về coi sóc xứ Chày, cha GB. Nguyễn Minh Dương đã thao thức trăn trở nhiều, với ước mong phải có một cây cầu nối liền hai xóm để bà con đi lại thuận tiện trong việc sinh hoạt tôn giáo và làm ăn sinh sống. Thao thức đó đã thôi thúc cha tìm nguồn tài trợ, gõ cửa các “Mạnh Thường Quân” và quyên góp trong giáo dân. Chỉ trong thời gian ngắn, cha quản xứ cùng với giáo dân hai xóm Chày và Mé đã huy động được nguồn tài trợ, đóng góp để hoàn thành cây cầu Hiệp Nhất với chiều dài 70m, rộng 1,8m, tổng kinh phí là 215 triệu 800 ngàn đồng. Cây cầu Hiệp Nhất ghi nhớ sự đóng góp của nhà tài trợ chính, ông Phan, Hội trưởng Hội bạn người nghèo, Nam California (Hoa Kỳ).
Không phải ngẫu nhiên mà cây cầu nối liền hai xóm Chày và Mé lại mang tên Hiệp Nhất. Cây cầu nối liền giữa hai bờ Sông Son không chỉ có ý nghĩa về mặt địa lý, mà hơn thế, nó còn nối lại đôi bờ yêu thương, hòa thuận giữa hai xóm sau gần một năm đã xẩy ra những bất hòa, bất thuận trong một số bạn trẻ. Nghĩa cử hàn gắn, giao hòa này được diễn ra trước khi bước vào thánh lễ mừng kính thánh Phêrô, quan thầy của giáo xứ, như một nghi thức sám hối để trở về với Chúa, với cung lòng yêu thương của người Cha Nhân Từ. “Chúng ta không thể gọi Thiên Chúa là Cha nếu chúng ta còn mang trong mình những hận thù, ghen ghét nhau”, đó là lời nhắn nhủ tha thiết của Đức cha Phaolô tới các bạn trẻ hai xóm Chày và Mé.
Cây cầu sẽ mang chở hoài vọng và ước nguyện chân thành của bao người qua lại trên nó. Chính cây cầu Hiệp Nhất sẽ nối đôi bờ yêu thương, thân tình để mọi người thực sự là con một Cha.