Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Nhà cổ bên dòng sông Gianh

(QBĐT) - Trải bao thăng trầm lịch sử, xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) nằm bên bờ sông Gianh hiện vẫn còn hơn 100 ngôi nhà cổ phủ bóng rêu phong. Ở đó có những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm, thậm chí đến vài trăm năm mà không hề bị mối mọt...

Chúng tôi đến xã Quảng Hòa trên những con đường bê tông mang dáng dấp của một xã điểm xây dựng nông thôn mới. Vùng đất hiền hòa bên dòng sông Gianh đang đổi thay từng ngày nhưng nhiều gia đình vẫn giữ lại những ngôi nhà và mảnh vườn xưa mà ông cha họ để lại như một báu vật.
Nắng tháng 5 ngoài đường nghe rát cả mặt, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà cách bờ sông Gianh không xa. Thật lạ, nhà không hề bật quạt, không điều hòa nhưng cảm giác mát rượi tỏa ra khắp nơi. Chủ nhà là ông Nguyễn Phương, 85 tuổi ở thôn Nhân Hòa chống gậy ra tiếp khách.
Trò chuyện với chúng tôi bên chiếc bàn cổ, ông kể rằng, căn nhà này do một người bà con của ông mua về cách đây hơn 200 năm. Nhưng trước đó, người bán đã ở hơn 100 năm rồi. Nhà được mua lại của một ông quan huyện ở Lệ Thủy rồi chở thuyền buồm về đây. Ngôi nhà cổ này được thiết kế theo kiểu tiền khách hậu chủ, có 3 gian, 2 chái, dài 30 thước, rộng 18 thước. Nhà được làm bằng những loại gỗ quý có giá trị như: cột làm bằng gỗ gõ; kèo, rường, xà bằng gỗ nao và đòn tay được làm bằng gỗ lim. Những bộ phận khác cũng được làm bằng gỗ tốt nên không hề bị mối mọt, vẫn giữ nguyên những nét cổ kính xưa. Nhiều vị trí trong nhà được chạm khắc hoa văn tinh xảo trông rất đẹp mắt.
 Một ngôi nhà cổ bên dòng sông Gianh.
Một ngôi nhà cổ bên dòng sông Gianh.
Ông Phương bắt đầu ở ngôi nhà này từ năm 1968. Ông có 8 người con. Từ khi đổi được ngôi nhà này, con cái ông mới có đủ chỗ sinh hoạt, học hành. Ông Phương tâm sự: “Từ khi ở trong ngôi nhà này, tôi thấy rất mát mẻ về mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Gia đình ai cũng khỏe mạnh, con cái học hành thành đạt, làm ăn khấm khá”. Theo ông Phương, bí quyết để giữ căn nhà chắc chắn là do các cụ ngày xưa đã tẩm một loại chất đặc biệt có khả năng chống mối mọt.
Từ nhà ông Phương, chúng tôi đến đội 2, thôn Cao Cựu thăm nhà ông Nguyễn Xuân Cúc. Nhà ông được mua lại của bố vị quan Hoàng Kế Viêm ở huyện Quảng Ninh năm 1937. Nhà 3 gian được làm bằng những loại gỗ quý, trước khi được mua về, ngồi nhà này cũng đã có tuổi thọ hàng trăm năm rồi. Ngôi nhà có những nét chạm trổ rồng phượng, hoa và các chữ Hán rất đẹp, được lợp bằng ngói xếp âm dương, cửa lá sách. Những hoa văn chạm khắc trong ngôi nhà vẫn còn lộ rõ những nét tinh hoa của người xưa.
Ông Cúc vốn là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghỉ hưu. Ông xem ngôi nhà cổ mà ông cha để lại là tài sản vô giá. Để hài hòa với ngôi nhà cổ, trong vườn ông Cúc trồng nhiều cây cảnh, bình hoa và bố trí các vật dụng trong nhà gọn gàng, sạch sẽ, thể hiện sự nho nhã của một người có tri thức.
Anh Lê Quang Hợp, một thợ chạm có tiếng ở thị xã Ba Đồn rất am hiểu về các ngôi nhà cổ cho hay: Ở xã Quảng Hòa hiện vẫn còn khoảng 100 ngôi nhà rường cổ. Ngôi nhà của anh cũng có tuổi đời trên 200 năm, được làm chủ yếu là gỗ mít, chạm trổ hết sức tinh xảo, đẹp mắt. Tổ tiên nhà anh làm nghề mộc đã hàng trăm năm trước nên ngôi nhà anh ở bây giờ được các cụ tự làm. Nhà được thiết kế rất đặc biệt, lợp ngói xếp và quay về hướng đông nam, có khả năng hút gió nên mùa hè rất mát, còn mùa đông tránh được lạnh.
Anh Hợp cho biết: trước đây, nhiều người dân trong làng làm nghề mộc có tiếng vang khắp cả miền Trung. Nhờ điều kiện kinh tế khá giả nên họ làm được những ngôi nhà kiên cố, chắc chắn để lưu giữ cho hậu thế. Nhiều ngôi nhà ở Quảng Hòa được chạm trổ tinh vi, cách chạm chữ nghĩa, hoa văn và những biểu tượng trong mỗi ngôi nhà tương tự nhau nhưng nhà thì chạm nhiều, nhà thì chạm ít tùy vào điều kiện kinh tế. Anh Hợp lấy ví dụ như nhà ông Nguyễn Phương hiện có giá trị cả tỷ đồng nhưng chưa chắc ông đã bán. Bởi giá trị của ngôi nhà là những nét chạp trổ tinh hoa và chất liệu gỗ. Để hoàn thành một công đoạn chạm cần phải có 5 người thợ và chạm ít nhất phải mất 2 tháng mới xong.
Qua quan sát, chúng tôi thấy những đầu rường, kèo nhà thường được chạm đầu con rồng nhằm thể hiện sự phồn vinh, uy lực. Có nhà chạm lên xà, hay thân rường những dòng chữ Hán như: Bình- Còi- Quyển- Quạt- Xà, Văn- Võ- Song- Toàn, Canh- Mục- Tiều- Ngư. Những dòng chữ đó thường để thể hiện cuộc sống phồn vinh, thanh nhã của người dân.  Còn riêng nhà anh Hợp thì được chạm dòng chữ "Ngũ phúc môn lâm" (5 phúc vào nhà) nhằm thể hiện ước vọng về cuộc sống may mắn, ấm no, hạnh phúc...
Bí quyết để ngôi nhà tồn tại được lâu, mát về mùa hè và ấm về mùa đông chính là ngói và tường nhà. Các cụ cao niên sống trong những nhà cổ nói rằng: ngói lợp nhà là ngói Ngọa Cương- một loại ngói tốt nức tiếng từ vài trăm năm trước. Ngói dày và nặng, được nung trong lò rất kỹ trước khi đem sử dụng. Vì vậy, hệ thống đòn tay, rui mè trên nhà cổ phải dày hơn, chắc hơn để đỡ ngói. Còn những viên ngói Ngọa Cương đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử đã phủ đầy rêu phong nhưng vẫn rắn chắc, vẫn che chở cho từng ngôi nhà. Nhà cổ ở Quảng Hòa được thiết kế thấp nhằm chống bão, tường nhà được xây bằng gạch rất dày. Có những bức tường nhà cổ dày tới 0,5m nên có thể chống nắng vào mùa hè và giữ ấm trong mùa đông.
Ông Ngô Ngọc Cầm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: “Những ngôi nhà cổ còn sót lại ở Quảng Hòa thực sự là báu vật vô giá mà cha ông để lại cho chúng tôi. Tuy nhiên, có nhiều ngôi nhà cổ quá nhỏ, lại chật chội nên một số người dân tháo bán. Có nhiều nhà thì bị bỏ hoang do chủ nhân đã mất, con cháu vì cuộc sống mưu sinh hay điều kiện sinh hoạt không còn phù hợp nên không ở và dần dần xuống cấp. Hiện xã đã thống kê lại toàn bộ nhà cổ để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Rất mong cấp trên quan tâm, tôn tạo lại để giữ lấy những ngôi nhà cổ này cho con cháu mai sau”.
Xuân Vương- Đức Long

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Không thể thờ ơ với tình hình của đất nước



Trước những hành động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông trong những ngày qua, có thể nói người Việt Nam – dù ở đâu, thuộc thành phần, địa vị nào trong xã hội – đều hướng lòng về Biển Đông, đều nghĩ và lo cho an nguy Đất nước, vận mệnh Dân tộc.
Người Công giáo Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.
Hôm 09/05/2014, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã có Bản lên tiếng về tình hình Biển Đông, do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và Chủ tịch HĐGM Việt Nam – ký.

Mở đầu, Bản lên tiếng đã nhắc lại việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại – trong đó có cả tàu quân sự – vào xâm chiếm, hoạt động trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam và cho tàu quân sự tấn công các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.

HĐGM coi đó là những “hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp các nguyên tắc ứng xử Quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Qui tắc ứng xử trên Biển Đông.”

Theo HĐGM “tình hình này có nguy cơ đưa đến chiến tranh rất cao.”

'Ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng'
Vì “quan ngại trước tình hình căng thẳng và nguy hiểm” ấy và với trách nhiệm của mình, các HĐGM đã nêu bốn điểm.

Trước hết, Bản lên tiếng nhấn mạnh: “Giáo hội Công giáo luôn kiên trì lập trường xây dựng hoà bình, phản đối chiến tranh. Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả.”

Vì thế, theo HĐGM Việt Nam ‘mọi tranh chấp hiện nay cần phải kiên trì với đường lối đối thoại; loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù của đôi bên.

Với chính quyền Trung Quốc, Bản lên tiếng đã yêu cầu ‘phải ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng này’.

Nhằm nhấn mạnh và ‘thể hiện đường lối xây dựng hoà bình trong sứ vụ của mình’ – và cũng là đường lối chung của toàn thể Giáo hội Công giáo – Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc lại diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI tại Liên hiệp quốc vào năm 1965, trong đó Ngài đã kêu gọi: ‘Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!… chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!’

Bản lên tiếng cũng trích dẫn Thông diệp Ngày hòa bình Thế giới năm 1975 của Đức Giáo hoàng Phaolô VI: ‘Hòa bình chỉ thể hiện chính mình trong hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, khoan dung, lòng thương xót và tình yêu’.

Với Chính phủ Việt Nam, HĐGM Việt Nam cho rằng: “Tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng phải có lập trường kiên định, lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc.”

Dù viết rất ngắn gọn, các Giám mục Việt Nam đã chỉ ra một hướng đi mới – hay ít ra khác với đường lối, phương châm “bốn tốt” và “16 chữ vàng” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi – trong quan hệ với Trung Quốc.

Đó là “lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước” khi tương giao với Trung Quốc.

Vì theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, “Những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi nhiều cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy”.

‘Biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc’
Hai điểm còn lại trong Bản lên tiếng đề cập đến việc người Công giáo Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh này.

Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Đây là lúc người Công giáo Việt Nam cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI: 'Là người công giáo tốt cũng là công dân tốt.' Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai."

Vì vậy, các Giám mục Việt Nam mời gọi: "Người Công giáo chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương, đất nước và với tất cả lương tâm của mình tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.”

Cụ thể, bắt chước sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô – người đã kêu gọi con cái mình và những ai thành tâm thiện chí dành ngày 7/9/2013 để cầu nguyện cho hoà bình ở Syria – Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam."

Trong ngày đó, mọi người được mời gọi: “Sám hối, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm, để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt Nam bị thương.”

Ngoài Bản lên tiếng này, từ lâu các Giám mục Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông – đặc biệt là kể từ mấy năm nay khi Trung Quốc càng ngày càng có nhiều hành động gây hấn, lấn chiếm ở Biển Đông.

Và một người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho “Công lý và hòa bình” ở Biển Đông là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGM Việt Nam.

Ngài cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Dưới sự hướng dẫn, chủ trì của ngài, Câu lạc bộ này đã tổ chức một buổi tọa đàm về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” vào năm 2009 – khi tàu Trung Quốc ngang ngược vào Biển Đông đánh đuổi, đàn áp các ngư dân Việt Nam.

Cách đây hơn một tháng – trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-891 vào hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam – ngài đã dành cho trang Lam Hồng, một trang chuyên về niềm tin, văn hóa, giáo dục của Giáo phận Vinh, một cuộc phỏng vấn về đề tài “Xông lý và hòa bình trên Biển Đông.”

Với những hành động hung hăng, ngang ngược gần đây của Trung Quốc, Ban biên tập trang Lam Hồng đã đưa bài phỏng vấn lên mạng hôm 09/05/2014.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, Đức cha Hợp đã cho biết dù gặp nhiều khó khăn khi tổ chức, tọa đàm đó cũng được diễn ra và sau đó được giấy phép để xuất bản cuốn “Biển Đông và hải đảo Việt Nam.”

Vào năm 2011, Câu lạc bộ dự tính tổ chức một tọa đàm về “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” nhưng vì phải đối diện với nhiều áp lực Ban tổ chức đã hủy bỏ tọa đàm đó. Tuy vậy, ngài cho biết, theo ước nguyện của một số người, Ban tổ chức đã cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” với tính cách là lưu hành nội bộ.

Khi được hỏi đâu là động lực duy khiến ngài và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông”, ngài chia sẻ: “Động lực duy nhất đó là lòng yêu nước và cố gắng để làm sáng tỏ một vấn đề mà lúc đó cũng như ngày hôm nay đang là vấn đề nhạy cảm, đó là hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông – một biển mà có chiều dài lịch sử là biển của Việt Nam”.

Vì vậy, mục đích của việc tổ chức buổi tọa đàm và cho xuất bản cuốn sách ấy là “đòi công lý và hòa bình cho vùng biển của Việt Nam, vùng lãnh hải của Việt Nam."

Khi được hỏi về việc Việt Nam – bao gồm các học giả, trí thức và chính quyền – đã làm đủ những gì cần phải làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình chưa, Đức cha Hợp đã trả lời là: “Nhìn lại lịch sử của Dân tộc, những gì cha ông chúng ta đã làm thì chúng ta phải xấu hổ vì những gì chúng ta chưa làm và không làm trong giai đoạn hiện nay.”

Đặc biệt ngài không hiểu tại sao nhà cầm quyền Việt Nam đáng lẽ ra là phải tạo cơ hội để cho các nhà nghiên cứu, các nhà trí thức xuất bản những bài viết, những cuốn sách nói về giá trị lịch sử của Trường Sa và Hoàng Sa, lại “phản ứng rất bạo lực đối với những người muốn chứng tỏ rằng Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.

‘Con có một Tổ quốc’
Nói đến lời mời gọi biểu lộ lòng yêu nước của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một bài thơ, một bài hát – hay đúng hơn một cảm nhận cá nhân – rất quen thuộc với nhiều người Công giáo, đặc biệt là giới trẻ Công giáo Việt Nam, và được nhắc đến hay đăng tải nhiều trên các trang mạng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào HD-981 vào trong vùng biển của Việt Nam.

Đó là bài “Con có một Tổ quốc” của Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận – người từng giữ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh – trong đó có đoạn:

“Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.”

Và:

“Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.”

Ngài viết những cảm nhận này ngày 8/12/1975 khi bị quản thúc ở Cây Vông, Phú Khánh – cũng là lúc ngài phải sống xa địa phận, con cái của mình, khi phải đối diện với một hoàn cảnh rất cô đơn, nếu không muốn nói là rất tuyệt vọng.

Nhưng dù sống trong một hoàn cảnh như thế, ngài vẫn nghĩ tới Quê hương, Đất nước, Tổ quốc. Vì được viết trong một hoàn cảnh đó – viết để tự nhắc nhở mình cũng như bao thế hệ sau luôn biết yêu Quê hương, Đất nước – bài “Con có một Tổ quốc” mang một ý nghĩa rất đặc biệt và thực sự đã được nhiều người quý mến, đón nhận.

Cụ thể, bài thơ này đã được một số người – như Linh mục Ðỗ Bá Công – phổ nhạc và được những ca sỹ nổi tiếng như Khánh Ly trình bày rất hay và truyền cảm.


Đoàn Xuân Lộc

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tiếp kiến ĐGM Giáo phận Vinh ngày 14/05/2014


GPVO - Đức TGM Joseph E. Kurtz, đương kim Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã tiếp kiến ĐGM Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Lm. Antôn Ngô Đình Chính - Phó Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu - Huynh Trưởng Nghĩa Sinh, ngày 14/05/2014 từ 10g30 sáng đến 1g30 chiều. Chương trình buổi tiếp kiến gồm có phần kính viếng Nhà thờ Chính tòa, hội họp về chương trình hợp tác đào tạo liên giáo phận và dùng cơm trưa do ĐTGM Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khoản đãi.
Tháp tùng Đức TGM Joseph E. Kurtz có Lm. Jeff Shooner, Giám đốc Ơn gọi Tổng Giáo phận Louisville và Tiến sĩ Brian Reynolds, Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục. Sau đây là nội dung và thành quả của buổi họp cùng những dự án tương lai đã được lãnh đạo của hai giáo phận thảo luận và đồng thuận.
Chào mừng và cảm ơn
Sau kinh nguyện xin Chúa chúc lành cho buổi họp được thành công, Đức Tổng Giám mục Joseph E. Kurtz đã ngỏ lời chào mừng Đức Giám mục Giáo phận Vinh và phái đoàn đã đến thăm Hoa Kỳ và một số cơ sở của Giáo Hội Công Giáo tại đây. Ngài hết lòng cám ơn Giáo phận Vinh đã nhiệt tình hợp tác với Tổng Giáo phận Louisville trong việc đào tạo các linh mục tương lai cho cả hai giáo phận. Đức TGM cho biết ngài rất hân hoan đón nhận 2 đại chủng sinh Việt Nam đầu tiên từ Giáo phận Vinh đến theo học 4 năm Thần học tại TGP Louisville vào đầu tháng 9 năm 2014 và mong đợi chương trình đào tạo liên giáo phận sẽ được tiến triển tốt đẹp trong tương lai.
Phục vụ Giáo Hội hoàn vũ
Trong phần đáp từ, ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã tạ ơn Chúa và cảm ơn ĐTGM Joseph E. Kurtz đã quảng đại đón nhận 2 người con Giáo phận Vinh đến theo học và phục vụ tại Tổng Giáo phận Louisville. Ngài nói Giáo Hội Công giáo là Giáo Hội hoàn vũ vì vậy phục vụ cho một giáo phận tại Mỹ hay tại Việt Nam cũng đều là phục vụ cho Giáo Hội của Chúa - đi đâu hay ở đâu trên thế gian nầy chúng ta cũng đều là con một Chúa mà thôi. Đức Cha Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ hân hoan đón nhận và đồng thuận với ĐGM Vinh về ý tưởng đạo đức và nhân bản quý giá nầy.
Hợp tác đào tạo liên giáo phận
Chương trình hợp tác đào tạo liên giáo phận (HTĐT) đã được sự đồng thuận của hai giáo phận Vinh và Louisville với nội dung chương trình HTĐT tổng quát như sau:
Vì được huấn luyện và đào tạo bằng 2 ngôn ngữ và trong 2 nền văn hóa, hai tân chức sẽ có nhiều cơ hội được tuyển chọn để bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đại học (Cao học hay Tiến sĩ). Được biết, trong các kỳ tuyển sinh tại Giáo phận Vinh, trung bình có 40 ứng viên được tuyển chọn trong tổng số gần 400 người nạp đơn dự thi vào Tiền Chủng viện Giáo phận Vinh. Hai trong số các thầy tốt nghiệp 2 năm Tiền Chủng viện, 2 năm Triết học và 1 năm Giúp xứ đã/sẽ được tuyển chọn tham dự chương trình HTĐT liên giáo phận Vinh và Louisville.
Mời thăm Giáo phận Vinh
Đáp lời mời của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, ĐTGM Joseph E. Kurtz dự kiến sẽ đến thăm Giáo phận Vinh trong năm 2015 để học hỏi về nếp sống đạo của người Công Giáo Giáo phận Vinh và tìm hiểu những giá trị tinh thần cao quý trong văn hóa Việt.
Hai giáo xứ Việt Mỹ kết nghĩa
Vào một thời điểm nào đó thích hợp và thuận tiện trong tương lai, một giáo xứ Mỹ sẽ kết nghĩa với một giáo xứ Việt để nâng đỡ nhau trong đời sống và tham gia các chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục, xã hội nhằm thể hiện tinh thần bác ái Công Giáo bằng sống đạo, thực thi lời Chúa. ĐTGM Joseph E. Kurtz cho biết chương trình nầy có thể được thực hiện bất cứ lúc nào Giáo phận Vinh cảm thấy thuận lợi.
Hình trên: ĐTGM Joseph E. Kurtz, ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, LM Antôn Ngô Đình Chính, LM Jeff Shooner, TS Brian Reynolds và TS Nguyễn Trung Hiếu tại buổi họp thảo luận về chương trình hợp tác đào tạo liên giáo phận Vinh và Louisville được tổ chức ngày ngày 14/05/2014 tại Tổng Giáo Phận Louisville
Cơm trưa đúc kết
Sau buổi họp, ĐTGM Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã mời ĐGM Giáo phận Vinh và phái đoàn dùng bữa trưa thân mật với ngài. Trong dịp thăm viếng nầy, đại diện của hai Giáo phận Vinh và Louisville đã trao quà lưu niệm. Đức Tổng Giuse đã trao tặng Đức Cha Phaolô tuyển tập lịch sử quý giá của TGP Louisville ghi nhận người Công Giáo đầu tiên có mặt tại vùng Louisville ngày nay là vào năm 1775 nhưng mãi cho tới năm 1811 vị Giám mục tiên khởi của miền Tây (the first Bishop of the West) mới được bổ nhiệm tới vùng nầy. Để kỷ niệm ngày đầu hợp tác đào tạo liên giáo phận, ĐGM Vinh đã tặng TGP Louisville thánh tượng Đức Mẹ Việt Nam (Our Lady of Vietnam) để xin Mẹ chúc lành và cầu bàu cùng Chúa cho chương trình HTĐT liên giáo phận được thành công mỹ hảo. Đức Cha Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ đã mời ĐGM Vinh đọc lời nguyện tạ ơn Chúa.  Ngài cám ơn và chào tạm biệt mọi người trước khi lên đường cử hành bí tích Thêm sức cho một giáo xứ thuộc TGP Louisville.
Hết lòng cảm phục
Trong các đề tài thảo luận, ĐTGM Joseph E. Kurtz đều tham khảo ý kiến của Cha Ngô Đình Chính và Thầy Nguyễn Trung Hiếu. Ngài chủ động phát biểu và linh động điều hành buổi họp nhưng luôn luôn muốn được lắng nghe, tìm hiểu và hài lòng về sự đồng thuận của tất cả thành viên tham dự buổi họp với ngài. Đức Tổng Giám mục rất vui vẻ và tế nhị với những cử chỉ thân thương, hòa ái. Ngài có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng và phát triển giáo hội. Giọng nói, nụ cười của Ngài làm mọi người tham dự cảm thấy được ưu ái, hỗ trợ và hy vọng như tinh thần của huy hiệu Giám mục của ngài: “HOPE IN THE LORD.”


Joseph Trung Nguyên

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Lễ khánh thành Văn phòng Hội đồng Giám mục của Hội đồng Giám mục Việt Nam



Đúng ba năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng (26-04-2011), Văn phòng Hội đồng Giám mục của Hội đồng Giám mục Việt Nam (trước đây được gọi là Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục), toạ lạc tại 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM, đã hoàn thành. Lễ khánh thành được cử hành trọng thể vào lúc 18g15 thứ Năm 24-04-2014, nhân dịp Hội nghị Thường niên Kỳ I/2014 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) nhóm họp tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận TP.HCM từ ngày 21-04.
Tham dự lễ khánh thành có Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, quý Đức cha tham dự Hội nghị Hội đồng Giám mục, cùng quý cha, quý tu sĩ nam nữ, và quý vị ân nhân. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của chính quyền các cấp.
Sau nghi thức cắt băng khánh thành trước tiền sảnh, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức cha phó Chủ tịch HĐGMVN Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã mở tấm khăn phủ hai bảng đá: một bảng ghi lại quyết định của HĐGMVN và các cột mốc trong tiến trình xây dựng Văn phòng và một bảng tri ân.
Phát biểu khai mạc, mượn lời Thánh vịnh 29,13 “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu”, Đức cha Tổng Thư ký HĐGMVN Cosma Hoàng Văn Đạt mời gọi mọi người cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì Ngài đã thương ban cho Giáo hội Việt Nam ngôi nhà xinh đẹp này, dùng làm Văn phòng làm việc của HĐGMVN.
Qua sự trình bày của cha Giám đốc Trung Công giáo Inhaxiô Hồ Văn Xuân, cộng đoàn đã có cái nhìn tổng quát về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm Công giáo trực thuộc HĐGMVN qua các thời kỳ: Giai đoạn 1 (1958-1990) do cha Phêrô Nguyễn Quang Trọng phụ trách; giai đoạn 2 (từ năm 1990) do ngài tiếp nối; cuối cùng là tiến trình xây dựng ngôi nhà mới từ năm 2011 đến nay, trong đó có sự theo dõi và đóng góp ý kiến rất lớn của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm.
Tiếp theo, ông Đỗ Hữu Nhật - kiến trúc sư trưởng, thuộc công ty cổ phần đầu tư xây dựng Mỹ Tín - đơn vị trực tiếp thi công - đã giới thiệu với cộng đoàn tiến trình khảo sát, thiết kế và thi công công trình này. Qua phần trình chiếu, ông giới thiệu cấu trúc ngôi nhà gồm 1 tầng hầm và 8 tầng lầu, cũng như sơ đồ mặt bằng các tầng với nhà nguyện, thư viện, các phòng làm việc, phòng chức năng, phòng họp, phòng nghỉ...
Đỉnh cao của lễ Khánh thành là nghi thức thánh hoá ngôi nhà mới do Đức cha Phó Chủ tịch HĐGMVN Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ sự. Chia sẻ Lời Chúa, qua đoạn Tin Mừng Lc 24,28-31, Đức cha Phanxicô Xaviê nói: “Chúng ta hãy sống tâm tình của hai môn đệ trên đường đi Emmau, để nài xin Chúa luôn ở lại với chúng ta trong ngôi nhà mới này”. Sau đó, một số Đức cha đã đi đến các tầng lầu để rẩy nước thánh.
Sau phần thánh hoá nhà mới, quý Đức cha đã lên nhà nguyện cử hành giờ Chầu Thánh Thể để bế mạc Hội nghị Hội đồng Giám mục.
Tiếp theo, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN đã có lời chào mừng quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn, cùng đại diện chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, đóng góp sức người, sức của để ngôi nhà được hoàn thành tốt đẹp.
Phát biểu kết thúc, Đức Tổng Giám mục Girelli bày tỏ sự vui mừng được hiện diện và chào đón mọi người, đặc biệt có sự hiện diện của đại diện chính quyền các cấp. Ngài cầu chúc mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Toà Thánh Vatican, cũng như giữa Giáo hội Việt Nam và chính quyền các cấp ngày càng tốt đẹp. Đồng thời, ngài cũng tin rằng ngôi nhà chung này sẽ ở trong trái tim của các giám mục, thành trung tâm điều hành mọi sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam.
Sau bữa tiệc mừng, quý Đức cha và mọi người ra về lúc 20g30 cùng ngày.




Vài nét về Văn phòng Hội đồng Giám mục:
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Văn phòng Hội đồng Giám mục do Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự ngày 26-04-2011, nhưng đến hơn một năm sau, ngày 23-10-2012 công trình mới chính thức khởi công vì có một vài thay đổi trong thiết kế. Như vậy công trình được hoàn thành trong 18 tháng với tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng, do sự đóng góp của các giáo phận và của quý vị ân nhân.
Ngôi nhà Văn phòng Hội đồng Giám mục có chiều ngang 31m, sâu 22m, gồm 1 hầm và 8 tầng với tổng diện tích sử dụng 6.450 mét vuông. Tầng 1 (trệt) gồm 1 đại sảnh, 1 phòng khách và 1 phòng ăn; tầng 2gồm 1 phòng hội nghị, 1 hội trường và các phòng làm việc cho bộ phận quản lý; tầng 3 gồm 4 phòng chức năng và 1 phòng làm việc nhóm; tầng 4 và 5, mỗi tầng có 8 phòng làm việc dành cho các Uỷ ban của Hội đồng Giám mục; tầng 6 gồm 1 nhà nguyện và 10 phòng nghỉ; tầng 7 gồm 1 thư viện và 10 phòng nghỉ;tầng 8 gồm 4 phòng nghỉ, 1 phòng làm việc và 1 phòng ăn. Ngoài ra, hai bên ngôi nhà còn có 2 khu sân vườn.


WHĐ, biên tập từ WGPSG