Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Nhà cổ bên dòng sông Gianh

(QBĐT) - Trải bao thăng trầm lịch sử, xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) nằm bên bờ sông Gianh hiện vẫn còn hơn 100 ngôi nhà cổ phủ bóng rêu phong. Ở đó có những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm, thậm chí đến vài trăm năm mà không hề bị mối mọt...

Chúng tôi đến xã Quảng Hòa trên những con đường bê tông mang dáng dấp của một xã điểm xây dựng nông thôn mới. Vùng đất hiền hòa bên dòng sông Gianh đang đổi thay từng ngày nhưng nhiều gia đình vẫn giữ lại những ngôi nhà và mảnh vườn xưa mà ông cha họ để lại như một báu vật.
Nắng tháng 5 ngoài đường nghe rát cả mặt, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà cách bờ sông Gianh không xa. Thật lạ, nhà không hề bật quạt, không điều hòa nhưng cảm giác mát rượi tỏa ra khắp nơi. Chủ nhà là ông Nguyễn Phương, 85 tuổi ở thôn Nhân Hòa chống gậy ra tiếp khách.
Trò chuyện với chúng tôi bên chiếc bàn cổ, ông kể rằng, căn nhà này do một người bà con của ông mua về cách đây hơn 200 năm. Nhưng trước đó, người bán đã ở hơn 100 năm rồi. Nhà được mua lại của một ông quan huyện ở Lệ Thủy rồi chở thuyền buồm về đây. Ngôi nhà cổ này được thiết kế theo kiểu tiền khách hậu chủ, có 3 gian, 2 chái, dài 30 thước, rộng 18 thước. Nhà được làm bằng những loại gỗ quý có giá trị như: cột làm bằng gỗ gõ; kèo, rường, xà bằng gỗ nao và đòn tay được làm bằng gỗ lim. Những bộ phận khác cũng được làm bằng gỗ tốt nên không hề bị mối mọt, vẫn giữ nguyên những nét cổ kính xưa. Nhiều vị trí trong nhà được chạm khắc hoa văn tinh xảo trông rất đẹp mắt.
 Một ngôi nhà cổ bên dòng sông Gianh.
Một ngôi nhà cổ bên dòng sông Gianh.
Ông Phương bắt đầu ở ngôi nhà này từ năm 1968. Ông có 8 người con. Từ khi đổi được ngôi nhà này, con cái ông mới có đủ chỗ sinh hoạt, học hành. Ông Phương tâm sự: “Từ khi ở trong ngôi nhà này, tôi thấy rất mát mẻ về mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Gia đình ai cũng khỏe mạnh, con cái học hành thành đạt, làm ăn khấm khá”. Theo ông Phương, bí quyết để giữ căn nhà chắc chắn là do các cụ ngày xưa đã tẩm một loại chất đặc biệt có khả năng chống mối mọt.
Từ nhà ông Phương, chúng tôi đến đội 2, thôn Cao Cựu thăm nhà ông Nguyễn Xuân Cúc. Nhà ông được mua lại của bố vị quan Hoàng Kế Viêm ở huyện Quảng Ninh năm 1937. Nhà 3 gian được làm bằng những loại gỗ quý, trước khi được mua về, ngồi nhà này cũng đã có tuổi thọ hàng trăm năm rồi. Ngôi nhà có những nét chạm trổ rồng phượng, hoa và các chữ Hán rất đẹp, được lợp bằng ngói xếp âm dương, cửa lá sách. Những hoa văn chạm khắc trong ngôi nhà vẫn còn lộ rõ những nét tinh hoa của người xưa.
Ông Cúc vốn là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghỉ hưu. Ông xem ngôi nhà cổ mà ông cha để lại là tài sản vô giá. Để hài hòa với ngôi nhà cổ, trong vườn ông Cúc trồng nhiều cây cảnh, bình hoa và bố trí các vật dụng trong nhà gọn gàng, sạch sẽ, thể hiện sự nho nhã của một người có tri thức.
Anh Lê Quang Hợp, một thợ chạm có tiếng ở thị xã Ba Đồn rất am hiểu về các ngôi nhà cổ cho hay: Ở xã Quảng Hòa hiện vẫn còn khoảng 100 ngôi nhà rường cổ. Ngôi nhà của anh cũng có tuổi đời trên 200 năm, được làm chủ yếu là gỗ mít, chạm trổ hết sức tinh xảo, đẹp mắt. Tổ tiên nhà anh làm nghề mộc đã hàng trăm năm trước nên ngôi nhà anh ở bây giờ được các cụ tự làm. Nhà được thiết kế rất đặc biệt, lợp ngói xếp và quay về hướng đông nam, có khả năng hút gió nên mùa hè rất mát, còn mùa đông tránh được lạnh.
Anh Hợp cho biết: trước đây, nhiều người dân trong làng làm nghề mộc có tiếng vang khắp cả miền Trung. Nhờ điều kiện kinh tế khá giả nên họ làm được những ngôi nhà kiên cố, chắc chắn để lưu giữ cho hậu thế. Nhiều ngôi nhà ở Quảng Hòa được chạm trổ tinh vi, cách chạm chữ nghĩa, hoa văn và những biểu tượng trong mỗi ngôi nhà tương tự nhau nhưng nhà thì chạm nhiều, nhà thì chạm ít tùy vào điều kiện kinh tế. Anh Hợp lấy ví dụ như nhà ông Nguyễn Phương hiện có giá trị cả tỷ đồng nhưng chưa chắc ông đã bán. Bởi giá trị của ngôi nhà là những nét chạp trổ tinh hoa và chất liệu gỗ. Để hoàn thành một công đoạn chạm cần phải có 5 người thợ và chạm ít nhất phải mất 2 tháng mới xong.
Qua quan sát, chúng tôi thấy những đầu rường, kèo nhà thường được chạm đầu con rồng nhằm thể hiện sự phồn vinh, uy lực. Có nhà chạm lên xà, hay thân rường những dòng chữ Hán như: Bình- Còi- Quyển- Quạt- Xà, Văn- Võ- Song- Toàn, Canh- Mục- Tiều- Ngư. Những dòng chữ đó thường để thể hiện cuộc sống phồn vinh, thanh nhã của người dân.  Còn riêng nhà anh Hợp thì được chạm dòng chữ "Ngũ phúc môn lâm" (5 phúc vào nhà) nhằm thể hiện ước vọng về cuộc sống may mắn, ấm no, hạnh phúc...
Bí quyết để ngôi nhà tồn tại được lâu, mát về mùa hè và ấm về mùa đông chính là ngói và tường nhà. Các cụ cao niên sống trong những nhà cổ nói rằng: ngói lợp nhà là ngói Ngọa Cương- một loại ngói tốt nức tiếng từ vài trăm năm trước. Ngói dày và nặng, được nung trong lò rất kỹ trước khi đem sử dụng. Vì vậy, hệ thống đòn tay, rui mè trên nhà cổ phải dày hơn, chắc hơn để đỡ ngói. Còn những viên ngói Ngọa Cương đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử đã phủ đầy rêu phong nhưng vẫn rắn chắc, vẫn che chở cho từng ngôi nhà. Nhà cổ ở Quảng Hòa được thiết kế thấp nhằm chống bão, tường nhà được xây bằng gạch rất dày. Có những bức tường nhà cổ dày tới 0,5m nên có thể chống nắng vào mùa hè và giữ ấm trong mùa đông.
Ông Ngô Ngọc Cầm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: “Những ngôi nhà cổ còn sót lại ở Quảng Hòa thực sự là báu vật vô giá mà cha ông để lại cho chúng tôi. Tuy nhiên, có nhiều ngôi nhà cổ quá nhỏ, lại chật chội nên một số người dân tháo bán. Có nhiều nhà thì bị bỏ hoang do chủ nhân đã mất, con cháu vì cuộc sống mưu sinh hay điều kiện sinh hoạt không còn phù hợp nên không ở và dần dần xuống cấp. Hiện xã đã thống kê lại toàn bộ nhà cổ để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Rất mong cấp trên quan tâm, tôn tạo lại để giữ lấy những ngôi nhà cổ này cho con cháu mai sau”.
Xuân Vương- Đức Long

0 nhận xét:

Đăng nhận xét