Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012


Phát ngôn gây sốc của "quan" Hưng Yên


“Dù hai người đó không phải nhà báo thì cũng là những công dân, họ không có hành động chống đối và không có hung khí gì. Hành động như vậy là không thể chấp nhận”, “Nếu không phải là nhà báo thì là dân thì có quyền đánh sao? Cho dù đó là ai, lực lượng cưỡng chế cũng không được phép hành xử như vậy”, “Phát ngôn như vậy là ẩu tả, vô trách nhiệm”…


 Hàng trăm độc giả đã có ý kiến phản hồi đầy bức xúc sau khi ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đồng thời là Người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 9-5: “Chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng”.
Ông Bùi Huy Thanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên

 
Được quyền đánh tất?
 
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng 2-5, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang. Theo đó, ngày 22-4, “dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, các lực lượng hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Sau cưỡng chế, tình hình nhân dân 3 xã ổn định”. Ngoài ra, ông Hào cũng báo cáo trước hội nghị rằng có sự việc trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả sắc phục công an đánh, tuy nhiên đó là clip giả, dàn dựng nhằm “vu khống, bôi nhọ” chính quyền. 
 
Tuy nhiên hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (Đài Tiếng nói VN- VOV) lại xác nhận chính là người bị đánh trong clip và “clip đó phản ánh đúng những gì xảy ra với chúng tôi vào sáng 24-4 tại xã Xuân Quan. Không có sự dàn dựng hay giả tạo nào trong đó cả”.
 
Ngay sau đó, ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh lại nói: “Chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng vì hình ảnh quay quá xa và mờ không thể nhìn rõ mặt người bị đánh và người đánh”.
 
Phát ngôn của hai vị lãnh đạo này ngay lập tức nhận phải sự phản ứng của người dân, trong đó có độc giả báo Người Lao Động. “Lẽ nào nếu không phải là nhà báo thì được quyền đánh tất?”, “Cách nói của ông Thanh nói lên 2 điều: một là thiếu trách nhiệm, hai là coi thường thông tin đại chúng. Không hiểu lúc nào đất nước ta xóa hết kiểu cách này?”, “Lòng tự trọng của họ không còn nữa, họ chỉ cố cãi cối cãi chày cho qua chuyện. Tôi thấy các quan chức ở Nhật, Hàn Quốc, Mỹ,... mà phát ngôn hớ là họ xin từ chức hoặc xin lỗi dân. Đằng này, đánh dân (nhà báo cũng là dân thôi) rần rần ra đấy mà họ vẫn cãi lấy được. Đâu phải cá biệt? Nhiều vụ lắm rồi”…, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi. 
  
Phải biết sửa sai, đừng làm "khó" bị hại
 
“Trong các vụ việc, khi đã làm hết cách vận động, tuyên truyền, thuyết phục mà một số ít người dân vẫn cố tình không chấp hành mới buộc phải cưỡng chế. Cưỡng chế cũng phải đúng phương án, phù hợp quy định pháp luật…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như thế tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 2-5. 
 
Tuy nhiên, vụ việc cưỡng chế ở Văn Giang đã bộc lộ cách làm chưa tốt. “Nếu cho rằng 2 nhà báo này có tác nghiệp không đúng chăng nữa cũng không thể cho phép một đám đông có vũ khí đánh đập họ tàn nhẫn như vậy! Tôi cảm giác ngày càng có nhiều người lợi dụng danh nghĩa đang làm nhiệm vụ hành động thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tính người và mang tính côn đồ nhiều hơn là người thi hành công vụ” (bạn đọc Bình Nguyễn viết).
 
 “Lãnh đạo công an Hưng Yên hãy điều tra ngay những người hành hung nhà báo và kỷ luật thích đáng, vì chính họ, những người bảo vệ luật pháp, lại ngang nhiên vi phạm luật, làm hoen ố hình ảnh công bộc của dân (bạn đọc An Hòa). “Việc làm đó tất nhiên không thể nhận được sự đồng thuận của dư luận cả nước” (bạn đọc T.H)…

Câu hỏi đặt ra, việc những người mặc cảnh phục, có trang bị công cụ hỗ trợ đánh đập những người không có hành động chống đối đã làm đúng quy định của pháp luật chưa? Đây mới là điều các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cần ngồi lại phân tích để thấy đúng - sai từ đâu nhằm rút kinh nghiệm để sửa sai kịp thời và làm tốt hơn chứ không phải làm “khó” cho người bị hại bằng cách “yêu cầu cung cấp hình ảnh gốc của clip này để cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên xem xét và xử lý theo luật định” như ông Chánh Văn phòng tỉnh nói.
Nông dân lấy gì để sống?
Việc cưỡng chế thu hồi đất cho dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang gặp phải sự phản ứng quyết liệt của một số người dân nguyên nhân trước tiên bắt nguồn từ giá đền bù chưa thỏa đáng. Dù ông Bùi Huy Thanh khẳng định: “mức giá bồi thường 48,6 triệu đồng/sào là mức cao nhất được áp dụng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện tại” nhưng đất sản xuất nông nghiệp là mồ hôi, máu thịt, là sinh kế duy nhất của nông dân từ  thế hệ này qua thế hệ khác, không còn đất, liệu số tiền đền bù đó đủ để họ duy trì cuộc sống trong bao lâu? Trong khi căn cứ giá đền bù, có thể thấy cái lợi nghiêng hẳn về phía chủ đầu tư và lợi ích từ dự án mang lại (như hứa hẹn): khu đô thị mới đạt chuẩn quốc tế, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí…thì chắc chắn những người nông dân mất đất không được thụ  hưởng.
Vy Thư, nguoi lao dong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét