Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012


Khánh thánh nhà máy nước sạch tại giáo xứ Liên Hòa
11.05.2012
GPVO - “Việc khánh thành nhà máy nước sạch của giáo xứ hôm nay đã khơi lên nguồn sự sống cho người dân Liên Hòa chúng con”. Đó là những tâm tình của ông Phêrô Lê Văn Tường - chủ tịch HĐMV giáo xứ Liên Hòa trong lời phát biểu chào đón Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp về tham dự lễ khánh thánh nhà máy lọc nước của giáo xứ cùng quý cha, quý ân nhân và đông đảo bà con trong giáo xứ tham dự.
Giáo xứ Liên Hoà toạ lạc trên ba cồn cát, cách nhau bởi những nhánh nhỏ của dòng sông Gianh, trong phạm vi khoảng 4 km2và cách biệt với thế giới bên ngoài bởi con sông bắt nguồn từ núi Cô Pi chảy ra biển Đông.
Hầu hết các làng Công giáo nằm trên vùng đồng bằng Quảng Trạch đều gắn liền với đời sống sông nước. Từ ba nguồn: nguồn Nan, nguồn Nậy và nguồn Son gặp nhau tại làng La Hà tạo nên dòng sông Gianh. Dọc theo dòng sông là một hệ thống cồn bãi như: Cồn Sẻ, Cồn Nâm, Cồn Quan, Cồn Két, Cồn Dưa, Cồn Đông, Cồn Mộc, Cồn Ngựa, Cồn Nư, Cồn Niệt... Phần lớn cư dân sống trên các cồn đều là người Công giáo. Cư dân trong vùng đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong đời sống, đặc biệt là việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng dù cho bốn mặt là những dòng nước mênh mông. Đó không còn là một nghịch lý nhưng đã là thực trạng thường thấy của những vùng dân cư khu vực cửa sông ở Việt Nam. Nguồn nước sông Gianh vùng hạ lưu bị nhiễm phèn, nhiễm mặn không thể dùng cho ăn uống, tắm rửa hay sinh hoạt được. Đặc biệt đối với các cồn đảo, nguồn nước nhiễm mặn này còn ngấm sâu vào các giếng nước gia đình, nhiều gia đình đào giếng lên chỉ thấy một màu đỏ đặc ngầu hay nhiễm phèn cao. Từ bao đời nay, bà con chỉ còn biết trông vào những cơn mưa mang đến nguồn nước cho ăn uống và sinh hoạt. Trong làng đã xây dựng rất nhiều bể, thùng, lu chứa, nhưng cứ hết mùa mưa là bà con lại hết nước sử dụng.
Để có nước sạch sử dụng, người dân phải đi mua nước từ các tàu bè chở nước bán quanh sông. Số tiền họ phải bỏ ra để mua nước không phải là nhỏ, mỗi mét khối nước vào những ngày bình thường là 70.000đ, còn vào mùa nắng nóng lên đến 80 hay 90.000đ. Bình quân một gia đình phải mua từ 20 đến 25 m3 nước một tháng. Có những thời điểm mùa hè khan nước, nhiều gia đình tuy có tiền cũng không thể mua được nước sinh hoạt đành phải tiết kiệm, chắt chiu từng giọt hay phải dùng tạm nước phèn, nước nhiễm mặn. Ngay cả những cây cối trong làng cũng khô héo, thưa thớt do những đợt nắng nóng kéo dài, vùng đất này chỉ thích hợp với những cây trồng ưa mặn, nhiễm phèn và những loại cây cần ít nước cho sự tăng trưởng.
Không chỉ khổ về nước, do không có đất canh tác sản xuất nên người dân Liên Hòa gạo cũng phải đi mua, nhất là vào những dịp giáp hạt giá lúa gạo tăng cao người dân lại phải gồng mình cho những chi phí sinh hoạt hằng ngày. Sống giữa cồn bãi, trẻ em muốn đến trường, người dân muốn giao thương với bên ngoài phải chèo đò qua sông đã xảy ra biết bao vụ tai nạn thương tâm khi đò chèo với số lượng người quá tải, hay những thuyền bè thô sơ khi gặp dòng nước xoáy.
Những năm gần đây, đời sống của bà con đã có những thay đổi đáng kể, việc mạnh dạn vay vốn làm ăn, đầu tư vào nhiều ngành nghề khác nhau cũng mang lại ít nhiều hiệu quả. Nhiều gia đình đã mua sắm được tàu bè ra khơi đánh bắt thủy hải sản, cũng đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản tuy còn nhỏ lẻ. Giới trẻ, thanh niên đi xuất khẩu lao động hay làm việc tại các thành phố công nghiệp trong và ngoài nước cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho các gia đình.
Có được một nguồn nước phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt là nguyện vọng bao đời nay của gần 3.000 giáo dân trong xứ. Nhiều cơ quan chức năng cũng đã có các cuộc thăm dò, xây dựng những dự án nước sạch tại khu vực nhưng đều thất bại. Theo ông Tường: nước ở đây bị nhiễm mặn với nồng độ cao, nguồn nước ngầm thì lại nằm sâu và khó xác định dòng chảy, chính vì thế rất khó khăn trong việc xác định nguồn nước cho việc khai thác để sử dụng.
Sau trận lũ lịch sử năm 2010, Đức Giám mục giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã tới thăm mục vụ tại giáo xứ Liên Hòa. Vào thời điểm này, việc thiếu nguồn nước sạch lại càng trở nên trầm trọng hơn. Với tấm lòng thao thức của người mục tử trước tình cảnh éo le của đoàn chiên, ngài đã manh nha việc xây dựng một nhà máy nước sạch cho giáo dân Liên Hòa. Nhưng bên cạnh những khó khăn về kinh phí, kỹ thuật thì việc tìm ra một nguồn nước cung cấp cho nhà máy lọc nước lại càng khó khăn hơn.
Nhờ sự tài trợ của hai tổ chức từ thiện là VAMI của ông bà BS Phạm Đăng Long Cơ từ California (Hoa Kỳ) và MISEREOR từ Đức quốc, Đức Cha Phaolô đã trở lại Liên Hòa và các xứ đạo khác dọc theo sông Gianh để tìm kiếm nguồn nước ngầm cho việc xây dựng các nhà máy lọc nước. Sau khi tìm ra mạch nước ngầm cách nhà xứ chừng 500 m, ngài đã khởi sự việc xây dựng nhà máy nước sạch Liên Hòa. Những mẫu nước ở đây đã được đem đi phân tích, nghiên cứu tại viện Pasteur để có những thông số kỹ thuật tốt nhất.
Sau hơn 6 tháng thi công, nhà máy nước sạch Liên Hòa đã được hoàn thành với công suất hơn 200 lít nước/giờ, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về nước sạch. Nước lọc Liên Hòa được xử lý từ nguồn nước ngầm tự nhiên, qua hệ thống trao đổi ion, thẩm thấu ngược (R.O), được tiệt trùng bằng ozon và tia cực tím (U.V) theo tiêu chuẩn hiện đại của Mỹ.
Trong niềm vui sướng của bà con giáo dân, Sáng thứ Ba ngày 08/05/2012, vị Chủ chăn giáo phận đã tới giáo xứ Liên Hòa để khánh thành nhà máy nước sạch cho giáo xứ. Buổi lễ còn có sự hiện diện của cha Antôn Hoàng Minh Tâm quản hạt Hòa Ninh, cha Micae Hồ Thái Bạch quản xứ Liên Hòa, đoàn từ thiện đến từ Mỹ, cùng đông đảo bà con giáo dân tham dự.
Chia sẻ với cộng đoàn, Đức Cha Phaolô đánh giá cao tinh thần đoàn kết trong xây dựng công trình của bà con giáo xứ, và kêu gọi bà con Liên Hòa cần phát huy hơn nữa tinh thần đó trong việc xây dựng đời sống, xây dựng con người Liên Hòa ngày càng thăng tiến. Cũng theo Đức Cha Phaolô, sau công trình nhà máy nước ở Liên Hòa, giáo phận sẽ xây dựng một số nhà máy nước sạch khác dọc theo bờ sông Gianh tại các xứ họ: Cồn Nâm, Tân Định, Liên Nghĩa, v.v..
Nhà máy nước sạch Liên Hòa đã đưa vào sử dụng từ mấy ngày nay, nỗi lo lắng bao ngày của bà con đã phần nào được giải tỏa. Hy vọng với công trình nước sạch sẽ tạo bước phát triển mới cho giáo dân vùng sông nước này. Trong thời gian tới, giáo xứ cũng chuẩn bị cho việc xây dựng mới thánh đường của giáo xứ vì ngôi thánh đường nhỏ bé xây dựng hơn 50 năm về trước nay không còn đủ chỗ cho giáo xứ cử hành phụng vụ và đã xuống cấp.
  
  
  
  
   


Trang Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét