Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012


ĐI TRONG TÌNH YÊU
  
(Bài giảng của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại Tàpao ngày 13.05.2012)
 
Hôm nay chúng ta hân hạnh kỷ niệm một biến cố ví von là “bốn trong một”. Bốn trong một đó là: hôm nay là ngày 13 mỗi tháng chúng ta họp lại đây để dâng lên Đức Mẹ Tàpao những tâm tình và lời nguyện; ngày 13 tháng năm là ngày chúng ta nhớ đến Đức Mẹ Fatima; và một sự trùng hợp nữa là hôm nay là “ngày của Mẹ”; cuối cùng là ngày giáo phận kỷ niệm 2 năm kiến thiết quảng trường Đức Mẹ Tàpao. Đó là bốn, còn một là gì? Đó là tình yêu. Tất cả đều gói trọn trong hai chữ tình yêu.

1. Tình yêu Thiên Chúa

Bài đọc 2, cũng như Tin mừng hôm nay nói rất rõ ý nghĩa sâu thẳm và căn bản của tình yêu Kitô giáo. Thật sự không thể định nghĩa và cũng không ai dám đưa ra một định nghĩa về Thiên Chúa, bởi vì khi ta định nghĩa một đối tượng, một khái niệm nào, giả thiết rằng ta biết đã nắm vững bản chất của điều đó; trong khi, ai dám nói mình hiểu thấu bản chất của Thiên Chúa. Có lẽ thánh Gioan là môn đệ được yêu thương, môn đệ từng tựa đầu vào ngực của Chúa Giêsu, thành thử ngài đã cảm nghiệm sâu thẳm và ngài là người duy nhất đưa ra định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Và ngài nói rõ hơn nữa: nếu chúng ta muốn làm môn đệ của Đức Giêsu thì chúng ta cũng phải yêu thương. Ai yêu thương là đi trên con đường của Thiên Chúa, được sinh ra trong thần khí của Thiên Chúa. Ai không yêu thương, dù làm gì, dù mang danh nghĩa gì đi nữa, thì đang ở ngoài con đường của Thiên Chúa. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng cũng nhắc nhở chúng ta giới răn yêu thương là giới răn mới, là đặc điểm của Kitô giáo. Qua tình yêu của chúng ta, qua khả năng yêu thương, liên đới, tha thứ của chúng ta mà thiên hạ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta phải đối diện với hoàn cảnh rất khắc nghiệt, có những lúc chúng ta đối diện với bất công bạo lực, có những lúc chúng ta đấu tranh cho nhân quyền, nhân phẩm của anh chị em chúng ta. Chúng ta không thể không làm chuyện đó, tuy nhiên, một người Kitô hữu khác với một số người khác là dù chúng ta có sống trong hoàn cảnh đau thương đó, dù chúng ta phải gồng mình lên để đấu tranh, nhưng động lực luôn luôn là tình yêu. Đi trong tình yêu mới đi trong con đường của Thiên Chúa. Chỉ trong tình yêu chúng ta mới chứng tỏ hành động, chọn lựa của chúng ta là chọn lựa theo Tin Mừng.

2. Tình yêu Thiên Chúa qua những người Mẹ.

Thiên Chúa là tình yêu và Thiên Chúa đã thể hiện khuôn mặt của Ngài, tình yêu của Ngài qua muôn màu muôn vẻ khác nhau. Nhưng không phải vô lý mà một số nhà tư tưởng nghĩ rằng: tình yêu, chân dung của người Mẹ trong cõi đời này là một chân dung, một tình yêu, một khuôn mẫu diễn tả hay hơn, đậm nét hơn Thiên Chúa là tình yêu. Vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã thể hiện qua cuộc khổ hình, qua cái chết của Đức Kitô, qua việc sai Con Người đến để cứu độ chúng ta và Ngài tiếp tục cho chúng ta thấy rõ hơn Thiên Chúa là tình yêu qua những người Mẹ, qua những hy sinh, qua những hình ảnh của người Mẹ, đặc biệt người Mẹ Á Đông. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người Mẹ đó. Chúng ta càng sống thì càng cảm nghiệm được tình yêu bao la, tình yêu vô vị lợi của những người Mẹ. Không phải vô lý mà một thi sĩ đã nói: “Con dù lớn vẫn là con của Mẹ. Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con”. Người Mẹ Việt Nam vẫn canh cánh bên lòng hình ảnh những người con, dù con lớn đến bao nhiêu thì đối với những người Mẹ vẫn là những người con. Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.

Nói đến người Mẹ trần gian, chúng ta không quên nói đến người Mẹ của Đức Giêsu và đồng thời cũng được Chúa Giêsu trối lại làm Mẹ của chúng ta. Lời nguyện Đức Mẹ Tàpao nói lên ý nghĩa sâu thẳm đó: “Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa, nơi mà chúng con gặp gỡ Đức Mẹ và qua Đức Mẹ chúng con nhận ra lòng xót thương của Chúa tận nơi sâu thẳm của tâm hồn mỗi người chúng con, nơi gia đình, nơi khuôn mặt của anh chị em chúng con, nơi những công tác và phận vụ mà chúng con phải đảm nhận trong cuộc sống”. Đức Mẹ Tàpao vẫn đồng hành với chúng ta và giúp chúng ta nhận diện ra khuôn mặt của Thiên Chúa, nhận diện ra tiếng nói của Thiên Chúa, nhận diện ra sứ vụ của Ngài khi chúng ta ngước mắt lên Đức Mẹ để rồi cúi mặt xuống nhìn vào sâu thẳm tâm hồn của chúng ta.

3. Tình yêu Thiên Chúa qua Đức Maria

Không hẹn mà hò, ngày 13 tháng này là ngày chúng ta kỷ niệm Đức Mẹ Fatima. Chúng ta nhớ lại những năm đầu của thế kỷ 20, khi nhân loại vừa ra khỏi thế chiến thứ nhất và đang có nguy cơ xung đột dẫn đến thế chiến thứ hai. Trước hoàn cảnh đó, Đức Maria đã hiện ra và ban cho nhân loại một sứ điệp: Hãy ăn năn thống hối, siêng năng lần chuỗi mân côi và cầu nguyện cho nước Nga trở lại. Từ đó tới nay, bao nhiêu người con của Đức Mẹ trên tay vẫn có những cỗ tràng hạt và thầm thĩ, cố gắng thực hiện được lời hứa của Đức Mẹ. Tuy nhiên có những giai đoạn chúng ta nghĩ lời hứa đó bao giờ mới được thực hiện! Đọc lại những nghiên cứu lịch sử ở thập niên 50 – 60 – 70, và một số cuốn tiểu thuyết ở Việt Nam, chẳng hạn, “Bão biển”, “cha con” thì một số người đưa chuyện Đức Mẹ Fatima ra để mà chế nhạo. Nhưng cuối thập niên 80, vào một lúc mà không ai ngờ thì lời hứa đó đã được thực hiện, nước Nga đã tự biến đổi từ bên trong mà không phải mất một viên đạn nào, Nước Nga đã bỏ con đường cũ để khai mở con đường hôm nay và lúc đó một số nhà nghiên cứu mới ngỡ ngàng nhận ra: phải chăng đó là lời của Đức Mẹ Fatima đã thực hiện. Và có lẽ chính vì vậy mà hôm nay, tại Thánh địa Fatima người ta đã lấy một mảnh của bức tường Berlin đưa sang đó và kèm theo dòng chữ đặt câu hỏi: Phải chăng đây là biểu chứng lời tiên báo của Đức Maria năm xưa? Nhắc lại chuyện cũ để nghĩ đến tương lai và nghĩ đến hiện tại, có lẽ Đức Mẹ vẫn đang mời gọi chúng ta cầu nguyện, tiếp tục thông hối, tiếp tục hy sinh để Ngài tiếp tục thực hiện những chuyện khác lớn lao hơn. Những chuyện cũ đã xảy ra làm chúng ta thêm tin tưởng để can đảm bước theo con đường Đức Maria và hy vọng nơi lời hứa của Mẹ.

Về lại Tàpao năm nay trong một niềm vui “bốn trong một”, nhưng niềm vui nào, hội ngộ nào rồi cũng chấm hết. Có lẽ trong một giờ, một giờ rưỡi nữa, quí ông bà anh chị em sẽ trở về với cuộc sống bình thường, với những nhiệm vụ của đời thường, với những câu chuyện cơm áo, câu chuyện kinh doanh, câu chuyện nghề nghiệp. Đó là điều dĩ nhiên nhưng chúng ta không thể quên được lời Chúa Giêsu đã nói: “Thầy sai anh em đi, và thầy muốn rằng anh em sinh nhiều hoa trái”. Ước mong rằng từ buổi gặp gỡ hôm nay chúng ta trở về và cố gắng theo lời mời gọi của Đức Maria, theo lời mời gọi của Đức Giêsu “sinh nhiều hoa trái”. Đó là hoa trái của yêu thương, của liên đới. Đó là hoa trái làm cho chúng ta biến đổi cuộc đời cá nhân của chúng ta để làm sao Tin Mừng của Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta, biến đổi gia đình chúng ta, để rồi từ đó chúng ta có thể phúc âm hóa xã hội và môi trường xung quanh.

Xin Đức Maria đồng hành với chúng ta và xin Ngài luôn gìn giữ chúng ta trong tình thương của Ngài. Đặc biệt chúng ta vẫn thầm thĩ nhắc lại lời kinh Đức Mẹ Tàpao: “Cảm ơn Chúa đã nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa của Đức Maria, để qua Đức Maria chúng ta cảm nghiệm và nhìn thấy lòng Chúa xót thương, tình Chúa yêu thương nơi sâu thẳm tâm hồn chúng ta, nơi cuộc đời chúng ta, nơi gia đình chúng ta, nơi khuôn mặt của anh chị em chúng ta”, nơi những khó khăn trong xã hội, để từ đó chúng ta thầm thĩ xin Đức Maria biến đổi và giúp chúng ta có một cuộc sống, một gia đình, một cộng đoàn và một xã hội an vui, thịnh vượng hơn. Amen.

+ GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét