Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012


Posted: 12 May 2012 12:48 PM PDT
VRNs (13.05.2012) - Sài Gòn – Khoảng 150 người tham dự Hội thảo 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (Cđ Vatican II), do Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình (CLB.NVB), tổ chức lúc 08:00, ngày 12.05.2012, tại tu viện Mai Khôi, Dòng Thuyết Giảng Việt Nam, số 43 Nguyễn Thông.
Hiện diện trong Hội thảo dưới sự điều hoà của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, chủ tịch UBCL&HB, chủ nhiệm CLB.NVB có nhiều linh mục, bề trên một số hội dòng, tu sĩ nam nữ, một số nhà nghiên cứu xã hội,… và nhân viên an ninh.
Hội thảo bắt đầu với lời đề dẫn của Đức cha Phaolô về Cđ Vatican II, với những cơ duyên khai mở công đồng, cùng với những nội dung hướng Giáo hội về xã hội.
Liền sau đó, Hội thảo lắng nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với đề tài: “ĐGH Gioan XXIII triệu tập công đồng Vatican II nhằm canh tân Giáo hội hoàn vũ để phục vụ con người đích thực hơn”. Sau khi trình bày về những nỗ lực ngoạn mục của Vị giáo hoàng cao niên để khai mạc Cđ Vatican, ông Nguyễn Đình Đầu nhắc đến việc các Đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Kim Điền và Paul Seitz đã thường xuyên tổ chức thông tin về Cđ ngay sau các kỳ họp trong những năm đang diễn ra Cđ Vatican II. Ông cho rằng đây là cách huấn luyện giáo dân tuyệt vời.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đọc tham luận
Sau tham luận đầu tiên, giáo sư tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, đại học Quốc gia Hà Nội, đã trình bày tham luận: “Học thuyết xã hội Công giáo hôm nay và những di sản tư tưởng – thần học của công đồng Vatican II”. Sau khi nhắc đến sự kiện công bố Thông điệp Tân sự (Rerum Novarum) của ĐGH Lêô XIII, năm 1891, như biến cố chính thức khai sinh ra học thuyết xã hội Công giáo, giáo sư Đỗ Quang Hưng tiếp tục điểm qua một số văn kiện cũng như tình hình xã hội với những tương tác trong vòng 100 năm, để dẫn đến các nhận định:
Việc ra đời học thuyết xã hội tuy chưa lâu, nhưng đánh dấu một giai đoạn mới trong tư duy thần học và xã hội của thế giới Công giáo. Học thuyết xã hội Công giáo xây dựng hệ thống quan điểm của Giáo hội về những vấn đề có tính chất căn bản, chiến lược, đến những vấn đề có tính chất cụ thể và bao quát của khu vực và nhân loại. Ban đầu học thuyết là quan điểm, ý thức, nhưng dần dần trở thành phương tiện “hiện diện xã hội” của Công giáo.
Sau đó giáo sư Đỗ Quang Hưng chỉ ra những tư tưởng thần học của Học thuyết xã hội bàn bạc trong các văn kiện Cđ Vatican II.

Các tham dự viên lắng nghe tham luận
Liền sau đó là tham luận của cha Thiện Cẩm, OP: 50 năm Cđ Vatican II – Cuộc canh tân vẫn tiếp tục. Ở tham luận này, cha Thiện Cẩm trình bày rõ sự thay đổi cái nhìn căn bản về giáo hội. Nếu công đồng Vatican I đưa ra tín điều “bất khả ngộ” dành cho ĐGH và từ đó, Giáo hội được xem như là các giám mục và giáo sĩ thì cđ Vatican II đã đưa khái niệm Giáo hội là dân Thiên Chúa, một thay đổi quan trọng. Cha Cẩm cho biết khi cđ Vatican II đang diễn ra, thì ngài có cơ may đang ở Pháp, nên được tiếp cận với rất nhiều Hồng y, nghị phụ tham dự công đồng. Điều này làm cho ngài có những thao thức lớn về Giáo hội.
Sau bài tham luận của cha Thiện Cẩm, cử toạ chuyển sang phần trao đổi. Luật gia Lê Hiếu Đằng đã chia sẻ về Cđ Vatican II, đường hướng nhập thể, dấn thân của đồng bào Công giáo VN trước đây và hiện nay. Theo ông Lê Hiếu Đằng: “Với tinh thần này của cđ Vatican II mà nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân, trong đó có giới trí thức thanh niên sinh viên học sinh, đã dấn thân cùng với các giới đồng bào khác đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi công bằng xã hội, đòi hoà bình, chống lại các chế độ độc tài quân phiệt …” Nhận định về tình hình hiện tại của Việt Nam và cũng là câu kết, ông Đằng nói: “Trong những ngày VN mới được độc lập, thống nhất sau 30.04.1975, giới Công giáo thành phố đã có một bài hát rất xúc động ‘Trước khi là người Công giáo tôi đã là người VN’. Cũng như tôi và nhiều đảng viên cộng sản khác, kể cả các vị lãnh đạo đảng, nhà nước hiện nay. Là người VN, nên chúng ta phải đặt lợi ích, sự tồn vong của đất nước lên trên. Đó là mẫu số chung của tất cả chúng ta. Chúng ta không cho phép bất cứ ai đặt lợi ích của đảng phái, của nhóm, của gia đình, cá nhân lên lợi ích của dân tộc. Đó là sức mạnh đoàn kết cho phép chúng ta đánh thắng tất cả kẻ thù, dù kẻ thù đó là ai. Đó là xác tín của chúng ta”. Lời kết này đúng vào thời điểm Trung Quốc đang triển khai việc xây dựng giàn khoan tại Biển Đông, mà nhà chức trách chỉ lên tiếng chiếu lệ.
Ông Lê Hiếu Đằng người ngồi bên cạnh là LM. Thiện Cẩm
Tiếp đó là nhiều trao đổi khác của các tham dự viên, trong đó có ý kiến của cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, tổng thư ký UBCL&HB.
Sau giờ giải lao, hội thảo lại tiếp tục với tham luận của phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, đại học Quốc gia Hà Nội nhan đề: Cđ Vatican II và triển vọng quan hệ Công giáo và dân tộc ở VN nhìn từ góc độ văn hoá-tôn giáo.
Ở tham luận này, giáo sư Nguyễn Quang Hưng cho rằng Giáo hội Công giáo VN bị chịu ba áp lực: 1/ Áp lực văn hoá – tôn giáo; 2/Áp lực văn hoá – chính trị; và 3/ Áp lực chính trị – xã hội. Ở áp lực thứ hai, ông đưa ra một lý giải về lý do tại sao người Công giáo bị bách hại cách tàn bạo tại VN dưới thời Nhà Nguyễn. Đó là triều đại Nhà Nguyễn bị ảnh hưởng mạnh của Khổng giáo, xem Vua là Thiên tử, nên không thể chấp nhận những ai thờ Chúa hơn thờ Vua. Khi những người Công giáo thờ Chúa cách tuyệt đối thì nhà vua mất vị trí độc tôn, nên phải loại trừ họ như những người phản loạn.
Liên hệ điều này với thực tế mới xảy ra ít tháng tại Kontum, khi chính quyền cho côn đồ đánh cha Louis Nguyễn Quang Hoa và ngăn cấm Đức giám mục Kontum thi hành trách nhiệm mục vụ với giáo dân của mình trong ngày Phục Sinh vừa qua, chúng ta thấy có vẻ nhà cầm quyền Kontum đang thi hành một chính sách giống Nhà Nguyễn, vì họ sợ ảnh hưởng của linh mục và giám mục trên dân ngày càng lớn hơn ảnh hưởng của họ trên dân.
Tham luận cuối là của tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông là một nhà xã hội học, nên tham luận của ông đầy những con số thống kê về tình hình Giáo hội trong xã hội VN từ 1975 đến nay, và đặc biệt tiến sĩ Nghĩa đi sâu đến những cảm thức, chọn lựa tôn giáo trong hành vi xã hội.
Buổi hội thảo kết thúc vào giữa trưa cùng ngày, hứa hẹn có những cuộc Hội thảo kế tiếp về Cđ Vatican II, để tiếp tục đào sâu về chủ đề này. Đây là một Hội thảo do một tổ chức Công giáo thực hiện trong khuôn viên của một tu viện, với trên 90% là người Công giáo, nhưng không có bất cứ một nghi thức tôn giáo nào, kể cả cầu nguyện đầu giờ và kết thúc.
VRNs xin giới thiệu âm thanh phần phát biểu của luật gia Lê Hiếu Đằng để quý vị tham khảo (âm thanh có một vài chỗ nghe không rõ).
PV.VRNs
Ảnh: Giera

0 nhận xét:

Đăng nhận xét