Tại sao có đau khổ?
LTCGVN (10.07.2012)
Kinh Thánh hứa rằng một ngày nào đó, tất cả những đau khổ sẽ kết thúc đối với những ai yêu mến Chúa. Nơi thiên đàng, Thiên Chúa “sẽ lau sạch nước mắt họ; sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tan tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
H: Tại sao Thiên Chúa lại để cho có đau khổ? Ngài có quan tâm đến chúng ta không?
T: Chắc chắn là Thiên Chúa có quan tâm! Ngài đau khi nhìn thấy chúng ta đau khổ do kết quả của những lựa chọn sai của chính chúng ta và những hành động của những người khác. Kinh Thánh nói với chúng ta: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhào nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,13-14).
Chúa Giêsu cũng cảm thông với những yếu đuối của chúng ta, bởi vì Ngài “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Ngài biết rõ đau khổ là như thế nào, bởi vì Ngài đã bị tra tấn và rồi bị đóng đinh vì tội lỗi của thế gian.
Trong khi chờ đợi, chúng ta nên nhớ rằng có những lợi ích xuất phát từ đau khổ. Ví dụ như nó thường làm bộc lộ sự dịu dàng và tốt lành nơi con người. Bởi vì những ai không để bản thân trở nên chua xót cay nghiệt, thì sự đau khổ, hy sinh và buồn phiền sẽ làm bộc lộ những điều tốt nhất: tình yêu, sự dịu dàng, và quan tâm đối với những người khác. Kinh Thánh nói: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,4). Nếu chúng ta tìm thấy tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, một tình yêu làm chúng ta ao ước muốn chia sẻ câu trả lời và tình yêu đó với những người khác, nhờ thế, Ngài có thể xoa dịu những đau khổ của họ và giúp họ giải quyết những khó khăn.
Mặc dù chúng ta hiểu được rất nhiều nguyên nhân của sự đau khổ thông qua việc đọc Lời Chúa, nhưng có lẽ chúng ta không biết được tất cả mọi câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở này cho đến khi chúng ta lên thiên đàng. Đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của chúng ta, và có những điều chúng ta sẽ không hiểu được cho đến khi chúng ta nhìn thấy sự việc theo cách Thiên Chúa nhìn thấy chúng.
Một minh hoạ rất sát điều này được đưa ra bởi Tiến sĩ Handley Moule (1841-1920) khi ông đến thăm một mỏ than ngay sau một vụ nổ kinh hoàng dưới lòng đất đã lấy đi mạng sống của những người thợ mỏ. Tại lối vào mỏ than là đám đông gồm rất nhiều người vợ, con cái, cha mẹ, thân nhân và bạn bè thân thiết của những người thợ mỏ.
“Rất khó để chúng ta hiểu được tại sao Thiên Chúa lại để cho một thảm cảnh như thế xảy ra”, ông nói với đám đông đang đau buồn, “nhưng ở nhà, tôi có một chiếc kẹp đánh dấu sách mẹ tôi làm cho tôi, mà thỉnh thoảng tôi lại nghĩ về nó. Chiếc kẹp sách được thêu bằng chỉ, và khi tôi nhìn mặt trái của nó, tôi chẳng nhìn thấy được gì ngoài một mớ chỉ rối ren. Nó trông giống như một sự nhầm lẫn lớn. Ai đó sẽ nghĩ rằng người đã làm ra nó chắc không biết mình đã làm gì. Nhưng khi tôi lật nó lại và nhìn mặt kia, tôi nhìn thấy, những chữ được thêu rất đẹp: “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”. Chúng ta đang nhìn thảm cảnh của ngày hôm nay ở mặt trái của nó. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn thấy nó ở một cái nhìn khác, và chúng ta sẽ hiểu.
Kinh Thánh cũng nói với chúng ta: “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6). Theo thời gian, đau khổ của chúng ta sẽ được nhìn thấy với một cách nhìn mới. Cùng với đau khổ, chúng ta trở nên khôn ngoan hơn một chút và có lòng thương xót hơn một chút đối với những người đang chịu đau khổ.
Thiên Chúa có mục đích cho mọi việc Ngài để xảy ra đối với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy ngay lập tức. Chúng ta chỉ việc tin tưởng Thiên Chúa rằng nếu chúng ta không hiểu được bây giờ, chúng ta sẽ hiểu sau đó. Và cho dù những hiểu biết giới hạn của chúng ta đối với một số việc, có một việc chúng ta có thể chắc chắn đó chính là tình yêu không thay đổi của Ngài.
Đôi khi chúng ta đau đớn và đau khổ, nhưng tạ ơn Chúa, chúng ta không bao giờ bị thất vọng và không bao giờ không có sự giúp đỡ. “Tôi tin chắc rằng: cho dù là sự chết hay sự sống,… hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm, hay bất kỳ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Thiên Ân dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét