Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012


Soi mình






Theo thần thoại Hy Lạp, Narcisse rất đẹp trai, nhưng kiêu căng cho rằng các cô gái không tương xứng với mình, nên đã từ chối tình yêu của các cô gái xung quanh, một người trong số họ quyết tâm trả thù. Nàng đã kêu gọi sự giúp đỡ của các vị thần và các cô gái bị từ chối để tạo nên sức mạnh, đẩy chàng đi đến cái hồ nước trong rừng sâu. Ở đó, Narcisse sững sờ khi bắt gặp bóng mình trên mặt nước. Say sưa ngắm nhìn mình cho tới khi ngã xuống hồ và chết đuối cùng với mối tình của chàng với chiếc bóng.
Soi bóng mình trên làn nước, theo cách diễn tả tiêi cực, đó là tính ích kỷ của con người. Soi mình tưởng là đẹp đấy, chỉ cần một làn gió gợn tý, khuôn mặt cũng trở nên méo mó và dị hợm. Paul Valéry diễn tả trong bài thơ Narcisse:
“tiếng thở dài nhẹ nhất,
mà tôi thở ra;
sẽ cướp đi của tôi;
những gì tôi tôn thờ;
trên mặt nước xanh và hoe vàng;
cả trời và rừng;
cả màu hồng của mặt nước”.

Chỉ một cơn gió nhỏ của lợi danh cũng có thể làm xôn xao tâm hồn thanh tịnh. Huống chi cả một cơn bão tham lam, ích kỷ.

Narcisse bao giờ cũng tồn tại, nó ẩn soi mình trên chiếc xe đẹp, nó ẩn mình soi trong những ngôi nhà sang trọng, nó ẩn mình soi trong chữ nghĩa, ẩn trong những gương soi của tự cao, tự đắc, tự mình lấy làm chuẩn mực cho đạo đức. Lấy cái khiêm nhường bọc cho tính kiêu căng, lấy cái có để che đậy cái rỗng tuếch, lấy của người khác làm giàu cho mình. Căn bệnh của ích kỷ, vẫn như tự soi mình trên bề mặt của cải, vật chất, tưởng mình là đẹp, tưởng mình là sang, tưởng mình là giỏi... Những cái tưởng hóa ra không tưởng, khi một làn gió nhẹ đung đưa, của cải sóng sánh, vật chất tiêu hao, mới lộ ra khuôn mặt méo xẹo vì gian tham. Sao không biết sống giữ tâm hồn thanh sạch, để rồi còn thấy nhau, còn gặp được mối phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (Mt 5, 8).
Trong cách nhìn tích cực, soi bóng mình là cách diễn tả, tư duy về chính mình, suy nghĩ có trách nhiệm với thiên nhiên, trong tĩnh lặng. G. Bachelard viết: “Thế giới được phản ảnh là do tĩnh lặng được thiết lập”. Cái gì làm xao động lòng người, đó chẳng phải là cái tham, sân, si. Càng tham, càng sân, càng si; người ta càng xao động bất an, lo sợ. Cái bất an, lo sợ chẳng qua là sợ mất, khiến tâm hồn chẳng bao giờ tĩnh lặng. Không tĩnh lặng, nên làm cho cả rừng cây xôn xao, bị cưa đổ, chặt phá. Không tĩnh lặng, nên cả bầy thú hoang thành ngơ ngác nằm trên đĩa mồi ngon, trong hũ rượu bổ.

Vào hoang địa theo cách thức của Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn vào là để tư duy về chính mình trước sứ vụ. Ở đó, trong sự tĩnh lặng mới thấy đâu là những cơn sóng xáo động đến từ những cám dỗ: sinh tồn, hư danh và quyền lực. Ba cám dỗ cơ bản của cả đời người, núp bóng cả dưới chân đạo đức, từ ngữ hoa mỹ, những lời ca tụng, nịnh hót... Không xáo động, với tâm hồn thanh tịnh, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai. Suy tư về chính mình, thanh luyện mỗi ngày, để nhìn thấy nhau với lòng thương xốn xang trước cảnh ngộ của bao người: “vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36). Cái xốn xang cần thiết để biến tĩnh lặng của tâm tư trở thành hành động của cứu chữa, của tình yêu cứu thế.

Tĩnh lặng của hoang mạc là cần thiết, đó là phản ảnh của tình trạng đô thị hóa, sự ồn ào náo động của danh lợi. Gioan Tẩy Giả, bước ra từ tĩnh lặng cảnh báo: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa." (Lc 3, 8 – 9). Suy tư về chính mình để thấy rõ sai trái và từ đó sám hối. Tĩnh lặng để lên tiếng kêu gọi để sám hối, để trở về, tĩnh lặng để lên tiếng cảnh báo trước những nguy hại của tục hóa.

Tĩnh lặng ngày Con Chúa nhập thể, Đấng vô tội mang lấy thân xác phàm nhân, gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Cái ồn ào, náo động, chúc tụng hoa mỹ, giả dối của con người cần “im tiếng đi mà cung kính” và Chúa Giêsu cũng cảnh báo: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5, 44). Tĩnh lặng để sống thật sự đức khiêm nhường, “cái gì Của César trả lại cho César, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” (Mt 22, 21).

Soi mình để rồi thấy: đau khổ, chen lấn, đua chen, giành giật, mua bán, len lỏi, mưu đồ ... cuối cùng còn được gì. Chẳng ai mang ra đi được cho cõi đời sau, vậy mà cứ yêu thương, giữ chặt, dùng quyền bảo vệ nó. Sống trên đời thêm một chữ vinh mang lấy bao chữ nhục, nhưng vẫn một tâm địa cố chiếm lấy. 
Soi mình để sống khiêm nhường hơn, để biết rằng một cơn gió nhẹ của sinh tồn, hư danh và quyền lực cũng làm méo mó khuôn mặt. Soi mình để biết rằng cần trở về mỗi ngày để sống thanh tịnh hơn, yêu thương chân thành hơn. 
 Lm Giuse Hoàng Kim Toan 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét