Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012


Hôn nhân Công giáo: Các bế tắc và hướng giải quyết


HÔN NHÂN CÔNG GIÁO: CÁC BẾ TẮC VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Các vấn đề nan giải, các vướng mắc và các bế tắc trong đời sống hôn nhân nói chung và trong đời sống hôn nhân Công giáo nói riêng rất đa dạng: Từ các khó khăn về kinh tế, cho đến sự khác biệt về tính tình, văn hóa, quan điểm sống, tôn giáo, xã hội, khuynh hướng chính trị.
Trên thực tế xã hội ngày nay, dù ở Âu-Mỹ hay ở Á-Phi, đặc biệt các gia đình đông con thường rơi vào tình trạng thiếu thốn và nghèo đói về vật chất. Đây là một thực tại cụ thể thu hút nhiều nhất sự quan tâm của toàn xã hội, kể cả các xã hội tại các nước Âu-Mỹ giàu có. Nhưng chúng ta cũng không được phép bỏ qua một tình trạng nghèo nàn và thiếu thốn sâu rộng khác đã luôn luôn đóng vai trò không nhỏ, nếu không muốn nói là đóng vai trò chủ chốt, trong cuộc sống an vui hạnh phúc hay rời rạc và bất hạnh cho các gia đình: Vấn đề tâm linh tín ngưỡng, hay nói rõ hơn, vấn đề sống đức tin Công giáo! Nhiều bậc cha mẹ đã không thành công trong việc gieo vãi đức tin Công giáo và làm cho nó bén rễ sâu trong tâm hồn con cái của họ, có lẽ do phần lớn những bậc cha mẹ này hoặc vốn liếng hiểu biết về các giáo lý quá ít ỏi nông cạn hoặc không sống và không thực hành các giáo lý một cách cẩn thận. Vì người ta không thể cho người khác điều mình không có. Đó thường là nguyên nhân chính khiến con cái họ có thái độ thờ ơ lạnh nhạt đối với đời sống đức tin. Và một điều đáng buồn khác cũng không phải là nhỏ, khi một trong hai vợ chồng bỏ rơi người còn lại một mình trong cuộc sống đức tin.(1)
Nhưng sự khủng hoảng gây đau khổ nhiều nhất cho mọi thành phần của gia đình, đó là khi các đôi vợ chồng không thể dẹp bỏ được sự tự ái cá nhân và tìm làm hòa với nhau, để cứu vãn cuộc sống hạnh phúc gia đình, nhưng sống chia rẽ nhau, sống ly thân, hay tồi tệ hơn nữa, ly hôn, tức họ tự tiện xóa bỏ giao ước hôn nhân, mà họ đã long trọng thề hứa với nhau trước bàn thờ Chúa, và qua đó, họ xóa bỏ gia đình và hạnh phúc của nó. Vâng, hiện tượng ly hôn là nguyên nhân chủ chốt gây ra bao bất hạnh cho cả gia đình, cho con cái và cho chính đôi vợ chồng. Vì thế, đây là một chủ đề hết sức quan trọng(2) mà chúng ta sẽ trình bày trong những dòng tiếp sau đây.
Tình trạng ly hôn và những phức tạp kèm theo
Một điều quá hiển nhiên không ai phủ nhận được, đó là con số các đôi vợ chồng ly hôn hay ly dị trong mấy thập niên vừa qua đã tăng nhanh một cách đáng sợ: Ở các các nước Bắc Âu vào khoảng trên 60%, còn ở Tây Âu vào khoảng từ 40 đến 50%. Sự khủng hoảng gia đình này đã ảnh hưởng trực tiếp không những đến những người liên hệ, đến xã hội, mà còn đến cả Giáo Hội nữa. Chắc hẳn tất cả chúng ta cũng đã tận mắt chứng kiến cảnh đổ vỡ của các gia đình, những phức tạp và những bất hạnh kèm theo của những người sống ly thân, ly hôn và rồi lại tiếp tục lập gia đình mới với người khác. Đó quả một sự mất mát, bất an và đau khổ to lớn nhất cho toàn thể gia đình nói chung và nhất là cho các con cái nói riêng, những thành phần mà người ta không được phép quên sót. Và dĩ nhiên, trong những trường hợp phức tạp và thương tâm ấy, việc thực hành, gìn giữ và thăng tiến đức tin Kitô giáo của mình một cách đầy hân hoan và xác tín quả là một thách đố không nhỏ, nếu không muốn nói là hầu như bất khả.
Nhưng đâu là lối thoát khả dĩ? Hay đâu là những giải quyết mà người ta có thể khám phá ra được dưới ánh sáng của tình yêu Đức Kitô?
Trong vấn nạn này, các quan điểm và các ý kiến trong Giáo Hội phần lớn không đồng đều và rất khác biệt nhau. Một ví dụ điển hình: Nhân dịp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm mục vụ Đức quốc vào tháng 9 năm 2011, một Tổng Giáo phận tại đây đã cho xuất bản một số tập tài liệu về các vấn đề phụng vụ và đời sống thiêng liêng. Một trong số các tập tài liệu ấy, người ta đọc thấy:“Hai vấn nạn được đặt ra cho ĐTC Bênêđictô XVI,”(3) Vấn nạn đầu tiên trong hai vấn nạn được đặt ra là: Cho phép những người sau khi ly hôn và lại tái kết hôn được rước lễ. Tác giả của hai vấn nạn đó là một vị giáo sư thần học đã nghỉ hưu. Ông đã trình bày vấn đề trong hơn 7 trang giấy. Cuối bài viết, ông đã dựa theo nguyện vọng của nhiều người khác cùng đồng quan điểm, xin Đức Thánh Cha xem xét lại nguyện vọng của các Đức Giám mục Đức thuộc miền thượng lưu sông Rhein, tức miền tây nam Đức, gồm các Tổng Giáo phận và Giáo phận: Freiburg, Rottenburg-Stuttgart và Mainz, là những vị vào năm 1993 đã công bố một Thư Mục Vụ chung cho cả ba giáo phận, trong đó các vị đã bày tỏ ý kiến muốn cho phép những người đã ly hôn và lại đã tái hôn được phép rước lễ với một số điều kiện nhất định, ví dụ: những người vợ hay chồng vô tội trong vấn đề ly dị, tức những người vợ hay chồng bị chồng hay vợ mình bỏ rơi một cách bất công. Nhưng một năm sau đó, trong một Thư Chung gửi tất cả các Giám mục Công giáo trên khắp thế giới, Bộ Giáo lý Đức tin đã bác bỏ ý kiến ấy.(4)
Ví dụ chúng ta vừa dẫn chứng cho thấy rằng, trên nguyên tắc, chương trình mục vụ cho những người ly hôn trong các vùng lãnh thổ nói tiếng Đức vẫn đang trên đường tìm kiếm một lối thoát hay một đường hướng đi khả dĩ. Còn trên thực tế, rất nhiều vị linh mục, mà người ta thường gọi là các linh mục “cấp tiến” hay “cởi mở“, đã tỏ thái độ khoan dung đối với những người tín hữu ly hôn và đã tái kết hôn bằng cách âm thầm “làm ngơ” để họ lên rước lễ, nếu không muốn nói là nhiều vị còn mời họ đến tham dự Bàn Tiệc Thánh như các tín hữu khác. Trong khi đó, các linh mục muốn tuân giữ nghiêm ngặt các chỉ thị và hướng dẫn của Tòa Thánh lại cảm thấy mình đang phải đối mặt với một tình huống mục vụ vô cùng phức tạp và “khó xử” và phải mang một tâm trạng day dứt “bỏ thì thương, vương thì tội.”
Vấn đề mục vụ cho những người ly hôn và lại đã tái hôn tại một số quốc gia khác như tại Bỉ, Pháp, Áo hay Canada, v.v.. cũng đã đưa ra những đường lối mới mẻ, tuy nhiên, vẫn không vượt quá xa khỏi giới hạn các chỉ dẫn của Giáo Hội.(5)
Giải quyết dưới ánh sáng tình yêu Đức Kitô, nhưng như thế nào?
Đây là một vấn đề mục vụ khó khăn, tế nhị và quan trọng của Giáo Hội, vì nó liên quan trực tiếp đến con người và hạnh phúc của họ: từng cá nhân, từng hôn nhân, từng gia đình và toàn xã hội. Do đó, vấn đề cần phải được giải quyết dưới ánh sáng của tình yêu Đức Kitô. Nhưng nếu người ta tìm cách giải quyết vấn đề ấy dưới ánh sáng tình yêu Đức Kitô, người ta không được phép loại bỏ chân lý của Người. Bởi vì, không thể gọi là tình yêu đích thực được, khi người ta không thể hiện tình yêu ấy trong chân lý. Ở đây câu nói của Đức Giêsu mang trọn vẹn ý nghĩa của nó:“Chân lý sẽ giải thoát các ngươi!” (Ga 8,32). Và thuộc về chân lý ấy là Sứ điệp Tin Mừng của Người về tính chất bất khả tháo cởi của Bí tích Hôn nhân. Trong vấn đề này, khi Giáo Hội rao giảng và bảo vệ tính chất bất khả phân ly hay bất khả tháo cởi của Bí tích Hôn nhân, Giáo Hội không rao giảng một giáo huấn riêng của mình, nhưng là một chân lý mặc khải về một thực tại mà Giáo Hội không có quyền thay đổi. Giáo Hội chỉ có quyền và có bổn phận rao giảng và bảo vệ mà thôi: Sự bất khả tháo cởi của Bí tích Hôn Nhân, vì “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6b). Đây là mệnh lệnh và nguyên tắc bất di dịch của Thiên Chúa.
Theo tinh thần Bí tích Hôn nhân, những người sống bậc hôn nhân Công giáo được kêu mời làm chứng cho sự trung tín vô điều kiện của Thiên Chúa đối với nhân loại trong chính sự chung thủy hôn nhân của mình. Qua Bí tích Hôn nhân, tình yêu vợ chồng mang một giá trị vô cùng thánh thiêng và cao cả, chứ không chỉ là một tình yêu thuần tuý nhân loại giữa một người nam và một người nữ mà thôi. Bởi vì, một khi tình yêu vợ chồng đã được thánh hóa bởi Bí tích Hôn nhân, bởi ân sủng của Thiên Chúa, thì nó trở thành nhân chứng cụ thể của tình yêu Đức Kitô đối với nhân loại, Đấng đã vì yêu nhân loại và muốn cho nhân loại được hạnh phúc chân thật, nên tự hiến thân mình đến chịu chết trên thập giá.
Vì thế, cả khi những người vợ chồng sống ly thân hay ly hôn, thì sợi dây hôn nhân nối kết giữa họ vẫn tiếp tục tồn tại, vì sự nối kết hôn nhân ấy được đặt nền tảng trên hôn ước mà chính Thiên Chúa đã thiết lập và cũng đã đóng ấn niêm phong. Điều đó muốn khuyến khích tất cả những người, vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó, đang phải sống trong tình trạng ly thân hay ly hôn, cần phải giữ sự chung thủy với người bạn đời mà một lần mình đã long trọng thề hứa trước bàn thờ Chúa là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống cũng sẽ giữ lòng chung thủy trọn đời, và từ chối một quan hệ mới có tính cách vợ chồng. Để thực hiện được điều đó, họ cần tới những sự nâng đỡ thiêng liêng và tinh thần của Giáo Hội, cũng như một sự thông cảm, cùng đồng hành và chia sẻ đầy nhân bản của gia đình và bạn bè.
Khi một hôn nhân bị đổ vỡ bao giờ cũng kéo theo những tổn thương sâu xa về mặt tinh thần như một hậu quả tất yếu. Vì thế, những người liên hệ cần phải được hướng dẫn với sự chia sẻ và thông cảm chân thành, trên từng bước tiến dần tới sự tha thứ cho nhau và có lẽ với thời gian cả từng bước tiến tới sự hòa giải với nhau nữa.
Tất cả những sáng kiến mới mẻ về vấn đề mục vụ cho những người ly hôn được thực hiện trong khuôn khổ các biện pháp và các hướng dẫn của Giáo Hội sẽ mang một giá trị đặc biệt, là giúp cho những người ấy xác tín vào các kế hoạch từ muôn thủa của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình, như Giáo Hội vẫn rao giảng. Hơn nữa, như vừa nói trên, tính chất bất khả phân ly của thể chế hôn nhân và gia đình Công giáo là chân lý do Thiên Chúa mặc khải, chứ không phải do Giáo Hội thiếp lập ra, nên Giáo Hội không có quyền thêm bớt, sửa đổi hay loại bỏ. Nhờ thế, những người ly hôn sẽ nhận ra rằng, ơn gọi sống bậc hôn nhân của họ luôn vẫn là cùng với Giáo Hội làm nhân chứng cho kế hoạch bất di dịch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình giữa lòng xã hội thế tục.
Sự tha thứ là hoa quả của lòng thương xót
Trong Phúc Âm không chỉ có tiệc cưới Cana, nhưng nhất là thập giá cũng phải được coi như một sự kiện nói lên một cách hùng hồn sự quan tâm của Thiên Chúa đối với hạnh phúc con người nói chung và hạnh phúc hôn nhân gia đình nói riêng. Sự thông cảm tha thứ chân thành là hoa quả của lòng từ bi nhân hậu và đại lượng bao dung mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta cuộc tử nạn trên thập giá của Đức Kitô. Chính trong sự nhắc lại và hiện tại hóa Hy Lễ thập giá của Chúa qua việc cử hành Thánh Lễ, những người ly hôn sẽ kín múc cho mình sức mạnh và sự hỗ trợ nội tâm cần thiết để bảo toàn và làm nảy nở tình nghĩa thiết với Đức Kitô trong đức tin, trong hy vọng và trong tình yêu – dĩ nhiên trong cả tình yêu đối với người bạn đời “vắng mặt” của mình nữa. Và trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội đã từng có biết bao chứng nhân can đảm và sống động cho sự tha thứ bao dung ấy.
Tất nhiên những người sống ly thân và ly hôn rất có thể được phép rước lễ, nếu họ sống trong tình trạng ơn thánh. Nhưng nếu họ lại có những quan hệ kiểu vợ chồng, thì bấy giờ họ lại rơi vào tình trạng bất bình thường, như ĐTC Gioan Phaolô II đã trình bày minh bạch trong Tông ThưFamiliaris Consortio của ngài,(6) và vì thế họ không còn được phép rước lễ nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị kỳ thị, bị loại bỏ và không còn thuộc về Giáo Hội nữa. Vì những gì đã được đặt nền tảng trong Bí tích Thánh Tẩy thì luôn luôn vẫn tồn tại. Nói cách khác, những người qua tình trạng cuộc sống hiện tai, tuy không hội đủ điều kiện để được phép rước lễ thực tiễn, vẫn luôn là thành viên của Giáo Hội, là chi thể của Đức Kitô và là con cái của Cha trên trời, nên họ luôn có thể sống kết hiệp mật thiết cách thiêng liêng với Đức Kitô trong phép Thánh Thể qua lòng ao ước thiết tha và kinh nguyện sốt sắng, mà người ta thường gọi là “rước lễ thiêng liêng”. Vâng, họ sống tinh thần đạo hạnh và khiêm tốn của người thu thuế được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Luca: “Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội“. Và Đức Giêsu đã nói về anh ta: “Tôi nói thật cho các ông biết: người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được trở nên công chính rồi” (Lc 18,13tt).
Sự thông cảm bao dung không thay đổi được thực tại tội lỗi
Nếu những người sống ly thân, ly hôn và tái kết hôn, mặc dù vẫn có chỗ đứng chính thức trong Giáo Hội, vẫn được quyền đòi hỏi nơi Giáo Hội sự săn sóc mục vụ cho những nhu cầu tâm linh cần thiết của mình như mọi người khác, thì theo quan điểm nhất quán của Giáo Hội, không phải tất cả mọi lối sống đều mang đầy đủ các giá trị ngang nhau. Nói cách khác, nếu vì lòng nhân từ bao la của Người, Thiên Chúa có thể làm nên một điều thiện hảo nào đó từ sự dữ do chúng ta gây ra, thì không có nghĩa là điều đó có thể biện minh cho việc chúng ta cứ tiếp tục làm điều dữ. Tội lỗi luôn vẫn là tội lỗi. Tội lỗi chỉ được xóa bỏ, khi đương sự thật lòng sám hối ăn năn, cải thiện cuộc sống và trở về cùng Thiên Chúa.
Cũng như Đức Giêsu, Giáo Hội không hề kết án những người sống trong tình trạng bất bình thường, trong tình trạng tội lỗi, nhưng Giáo Hội luôn kết án những tình trạng bất bình thường, những tình trạng tội lỗi, vì chúng tách rời con người ra khỏi Thiên Chúa, vì chúng trói buộc và giam cầm con người trong sự bất hạnh không lối thoát. Dĩ nhiên, Giáo Hội luôn tìm gặp và đón nhận tất cả những người sống trong những tình trạng ấy với vòng tay rộng mở, với tất cả sự kính trọng và đầy yêu thương. Nhưng đồng thời Giáo Hội cũng không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa tương đối hóa. Giáo Hội không bao giờ đánh giá tất cả mọi lối sống đều mang cùng giá trị như nhau. Bóng tối không thể hòa lẫn với ánh sáng. Tội lỗi không thể hòa lẫn với sự trọn lành được.
Tất cả những điều ấy muốn khẳng định rằng:
• Tốt nhất là thà cùng nhau chung sức tìm kiếm giải pháp khả dĩ cho những khủng hoảng, những vướng mắc và những bế tắc của hôn nhân và gia đình còn hơn là từ bỏ nhau để sống trong bất an và trong bất hạnh, không những cho chính mình, mà còn cho con cái và cho cả đại gia đình cũng như cho toàn xã hội nữa.
• Tốt nhất là những người sống ly thân thà cố gắng tiếp tục giữ lòng chung thủy với người bạn đời của mình, còn hơn là lại lập gia đình theo phép đời.
• Tốt nhất là nếu những người ly thân đã tái lập gia đình theo phép đời, thì cả hai người nên cố gắng sống với nhau như hai anh em, còn hơn là có những quan hệ kiểu vợ chồng.
Dĩ nhiên, trong cuộc sống cụ thể đời thường, chắc hẳn những gợi ý trên thoạt đầu khi mới đọc qua người ta sẽ có ngay cảm tưởng là một điều vô cùng khó khăn, hầu như bất khả thi, nếu không muốn nói là một điều thiếu thực tế, quá lý tưởng, đến nỗi hầu như giả tưởng vậy. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, trong số những người không may phải rơi vào hoàn cảnh sống chẳng đặng đừng như thế, chắc chắn không thiếu những người đầy thiện chí luôn muốn tìm kiếm cho cuộc sống tâm linh của mình một lối thoát, một sự an bình, thì đây hẳn là những gợi ý cần thiết giúp họ tìm cho mình một quyết định hợp với luân thường đạo lý tự nhiên, hợp với tiếng nói của lương tri và nhất là hợp với thánh ý Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng ngay lúc khởi đầu khi dựng nên con người gồm có nam có nữ và phối hợp họ thành vợ chồng, đã muốn họ suốt đời sống chung thủy với nhau.
Nhưng một điều chắc chắn là dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần nắm chặt lấy bàn tay Đức Kitô đang giơ ra chờ đón và kêu mời tất cả chúng ta, Đấng muốn hướng dẫn chúng ta vượt lên trên chính những khả năng và những điều kiện tự nhiên của chúng ta, để cùng với Người bước đi trên con đường tình yêu quảng đại, trên con đường tha thứ bao dung và trên con đường từ bỏ chính mình, mà Người đã từng một lần bước đi. Nếu chúng ta tiếp tục bước đi trên những con đường ấy với Chúa, dần dà có lẽ chúng ta sẽ khám phá được rằng, sau một thời gian dài, khi vết thương lòng đã được hàn gắn, sự tự ái cá nhân cũng đã lắng xuống và lý trí đã có thể đóng vai chủ động hơn, bấy giờ một sự hòa giải, một sự làm hòa với nhau hoàn toàn có thể xảy ra.
Ở đây, có lẽ chúng ta cần ghi nhận hai điều quan trọng:
Thứ nhất, người ta chỉ có thể tìm gặp được tương lai đích thực và hạnh phúc bền vững của mình trong cuộc sống trên Nước Trời, chứ không phải nơi các sự vật thể chất và trong cuộc sống trần thế.
Thứ hai, nếu trên thực tế, những người ly hôn chính là những người phải gánh chịu sự tổn thương về tinh thần lẫn vật chất, gây ra bởi sự đổ vỡ của tình yêu hôn nhân, của đời sống vợ chồng, và phải trải nghiệm sự khó khăn và vất vả trong công việc một mình phải chăm sóc và giáo dục con cái, thì họ không nên để mất hết hy vọng. Thánh Phaolô đã có những lời an ủi và động viên cần thiết cho những người đang phải sống trong khó khăn và thử thách như họ: “Chúng ta tự hào khi phải gian truân, vì biết rằng: Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 5,3-4). Chính sự trung kiên củng cố và bảo đảm cho sự chung thủy hôn nhân, và đến lượt sự chung thủy hôn nhân dẫn đưa tới niềm hy vọng.
Nói tóm lại, ở đâu lòng chung thủy hôn nhân trong khi vắng bóng người bạn đời của mình là một con đường của thách đố và của đau khổ, thì đồng thời nó cũng có thể trở thành con đường của sự thánh thiện, của sự trọn lành. Những Kitô hữu Armenien sau khi đã phải trải qua những cuộc bắt đạo tàn bạo khủng khiếp của người Hồi giáo, đã phát biểu kinh nghiệm của họ: “Trong mỗi cây Thánh Giá đều chứa ẩn một cây sự sống”. Chúng ta cũng đừng quên rằng, tình yêu chỉ thể hiện mình thực sự trong những quyết định can trường và đòi hỏi sự hy sinh. Vào cuối đời sống trần thế của mình, mỗi người trong chúng ta sẽ bị đoán xét theo tình yêu của mình.(7) Sự thưởng công hay án phạt của mỗi người đều dựa trên tình yêu thương đối với cận nhân mà người ấy đã thực hiện và đã thực hiện như thế nào, hay không thực hiện.
Nếu vậy, tình yêu của những người tuy phải sống ly thân hay ly hôn nhưng vẫn luôn giữ lòng thủy chung với người vợ/chồng vắng mặt của mình, thật mạnh mẽ và nên công đức trước tòa Thiên Chúa biết chừng nào! Cũng vậy, tình yêu của những người sống ly hôn và nay vì hoàn cảnh cuộc sống thực tế đòi hỏi nên đã tái kết hôn theo phép đời, nhưng vẫn luôn ý thức được luật Chúa và biết coi tình yêu mới ấy là tình thương yêu hỗ trợ nhau, chứ không phải tình yêu lứa đôi bình thường, và cũng đã can đảm sống với nhau như thể anh em, chứ không phải như vợ chồng, thật mạnh mẽ, thật kiêu hùng và thật đáng thưởng công trước tòa Thiên Chúa biết chừng nào!
Qua đức tin Kitô giáo, chúng ta cảm nhận được chân lý này, là những điều đối với tính xác thịt yếu đuối là bất khả, nhưng với ơn Chúa đều hoàn toàn khả thi, vì “đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Lm. Nguyễn Hữu Thy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét