Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012


Chân phước Jerzy Popiełuszko (1947-1984): Chống cộng tới chết cho Cộng sản giãy chết



BBT Nữ Vương Công Lý nhận được bài viết của hai tác giả là Giáo sư Lê Tinh Thông và Lê Thiên, bài viết nêu lên tấm gương của Chân Phước Jerzy Popiełuszko, người Ba Lan đã từng sống và chết dưới chế độ Cộng sản như ở Việt Nam hiện nay. Đọc bài viết chúng ta liên tưởng tới tấm gương các linh mục, tu sĩ nhiều nơi ở Việt Nam đang chiến đấu cho Chân lý, Sự thật được tỏ rạng.
Ban Biên tập NVCL Xin gửi bài viết tới quý độc giả và xin chân thành cảm ơn hai tác giả bài viết này.
“Bài viết này xin hân hạnh kính tặng lm GB Nguyễn Đình Thục cùng các linh mục can trường Giáo phận Vinh đang đương đầu với phong ba bão táp của cơn bách hại tàn khốc. – Lê Thiên & Lê Tinh Thông”

Nhận định về sự sợ hãi, Chân phúc Jerzy Popieluszko, linh mục người Ba Lan, đã từng phát biểu:

Chân phúc Jerzy Popieluszko
“Sự thiếu sót lớn nhất của một tông đồ là nỗi sợ, bởi vì  sự sợ hãi làm gia tăng sự ngờ vực đối với quyền năng của Thầy Chí Thánh, làm cho tim ta không còn rung nhịp, tiếng nói của chúng ta bị bóp ngẹt. Người tông đồ không còn tuyên xưng đức tin của mình nữa. Vậy thì người ấy có còn là tông đồ nữa không? Người môn đệ nào không còn tuyên xưng đức tin của mình, người ấy tất đã bỏ Thầy mình và không còn tin vào Thầy nữa. Những người ấy sự thật đang cổ võ bọn chuyên hành hình tiếp tục hành vi gian ác của chúng.  Kẻ nào vẫn mãi thinh lặng trước các kẻ thù của mình, kẻ ấy làm cho quân thù lộng hành hơn (Anyone who remains silent before his enemies emboldens them)”.
Chân phước Jerzy Popieluszko nói tiếp: Nỗi sợ của một người tông đồ là đồng minh chính yếu của kẻ thù làm cho kẻ thù mạnh tay hơn. Trong chiến lược nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa vô thần, sách lược khủng bố do mọi chế độ độc tài dựng lên đều nhằm vào việc thực hiện một cách có hiệu quả các phương cách làm cho người tông đồ mất đi ý chí kiên cường chống lại sự ác. Mục tiêu đầu tiên họ nhắm tới là đẩy người ta vào im lặng vì sợ hãi.
Thinh lặng chỉ mang ý nghĩa tông đồ khi nào tôi không chùn bước trước những kẻ áp bức tôi. Đó là cách thinh lặng mà Chúa Kitô đã thực hiện, và với dấu này, Chúa đã tỏ lộ sự can trường của Người. Chúa Kitô không hề cho phép mình khiếp hãi… Chúng ta chỉ phải sợ điều này là sợ làm bất cứ cái gì phản bội Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta chỉ vì một vài đồng bạc để có được một sự an thân vô nghĩa. Đối với người Kitô hữu, lên án sự dữ, lên án sự hèn nhát, lên án sự dối trá, lên án hận thù, lên án bạo lực và lên án đàn áp… đều chưa đủ. Chúng ta trong mọi hoàn cảnh phải là chứng nhân đồng thời là người bênh vực Công lý, Chân lý, quyền tự do, tình yêu và lòng nhân hậu đối với những ai bị áp bức”.

Linh mục GB. Nguyễn Đình Thục dâng lễ tại Con Cuông, Gp Vinh ngày 24/6/2012
Linh mục Jerzy Popiełuszko đã bị Cộng sản sát hại dã man do ngài kiên cường chống lại chủ nghĩa vô thần bất nhân trên quê hương ngài. Ngày 06/6/2010, tại Quảng trường Pitsudski ở thủ đô Varsava, Ba Lan, Giáo Hội công khai nhìn nhận Cha Jerzy Popiełuszkolà anh hùng tử đạo và long trọng tuyên phong Chân phước cho ngài trước sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu và sự tham dự của thân mẫu ngài, bà cố Marianna Popiełuszko, lúc bấy giờ chỉ còn vài ngày nữa Bà tròn 100 trăm tuổi.
Nhân vật tuổi 37 chống cộng tới chết – chống bằng những bài giảng về tự do và công bằng chứ không bằng súng dạn gươm dao, đó là linh mục Jerzy Popiełuszko người Ba Lan sinh năm 1947, bị sát hại năm 1984. Điều ít ai ngờ là cái chết của một nhà tu hành cô thân yếu thế ấy lại nhanh chóng giúp đưa chủ nghĩa Cộng sản đến chỗ đột tử.
Hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo
Jerzy Popiełuszko sinh ngày 23/9/1947 tại Okopy gần Suchowola, nước Ba Lan. Là một linh mục trẻ Công giáo. POPIELUSZKO được cử làm Tuyên úy cho Công Đoàn Đoàn Kết, một phong trào công nhân chống lại chế độ toàn trị của Cộng sản.
Kỷ nguyên toàn trị của Cộng sản Đông Âu bắt đầu lung lay vào tháng Sáu năm 1979 khi mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở về thăm Tổ quốc Ba Lan lần đầu tiên sau khi lên ngôi Giáo hoàng mang theo sứ điệp “Các con đừng sợ khi tranh đấu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Các con hãy chối từ một cuộc sống dựa trên dối trá. Đừng sợ phải đau khổ cùng vơi Đức Kitô”. Trong vòng một năm sau chuyến viếng thăm và sứ điệp lịch sử nêu trên, một phong trào đấu tranh cho quyền lơi công nhân ở Ba Lan ra đời với danh xưng là Công đoàn Đoàn kết.
Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về thăm quê lần đầu, vị linh mục trẻ tuổi Jerzy Popieluszko đang sống ở thủ đô Warsaw và đang làm tuyên úy cho sinh viên đại học y khoa ở đó.
Cha Popieluszko sinh trưởng trong một gia đình nông dân Công giáo Ba Lan sau thời khai sinh chế độ Cộng sản ở Liên Xô và trên quê hương mình, ý thức hệ Cộng sản trở thành nền tảng cho nền giáo dục nhồi sọ ở Ba Lan cũng như tại các nước xã hội chủ nghĩa khác. Cho nên bản thân Linh mục Popieluszko hoàn toàn thuộc về cái thế hệ được đào tạo để thực hiện và quảng bá lý tưởng Cộng sản.
Tuy nhiên, nhờ hấp thụ truyền thống giáo dục của gia đình và của khu xóm vốn thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, Cha Popieluszko cũng như nhiều thanh niên khác trên quê hương Ba Lan của Cha đã sớm nhận ra những bất cập của chủ nghĩa vô thần và những cực đoan trong chế độ toàn trị của Cộng sản, nên từ thiếu thời Cha đã cố xa lánh tất cả mọi sinh hoạt có màu sắc chính trị do Cộng sản chi phối.
Chống bạo quyền, chống thói dối trá và sự sợ hãi
Vai trò của Cha Popieluszko trong phong trào Đoàn Kết đến với Cha hầu như là một biến cố ngẫu nhiên. Khi công nhân hãng đóng tàu ở cảng Gdansk đình công hồi tháng Tám năm 1980, thì công nhân hãng sắt thép ở Warsaw cũng tham gia để tỏ tình liên đới. Họ gửi thư lên Tòa giám mục, xin cử một linh mục đến dâng thánh lễ cho họ. Cha Popieluszko tình nguyện làm công tác mục vụ và phụng vụ này.
Thánh lễ cử hành tại một khu vực trước mặt xưởng sắt thép mà các công nhân đã dựng sẵn một cây Thánh Giá lớn. Đó là khởi điểm bước ngoặt đời sống của vị linh mục trẻ. Lập tức, vị linh mục nhân thức được rằng cuộc đấu tranh của công nhân cho công lý và tự do quả thực là một cuộc đấu tranh thiêng liêng. Cuộc đấu tranh ấy, theo Cha Popieluszko, hoàn toàn thích ứng với những gì Tin Mừng và Giáo Hội từng giảng dạy. Giáo Hội phải là nhân chứng sống động trong mội trường đấu tranh này. Ngài trình lên Giáo quyền nguyện vọng của ngài sẵn sàng hòa mình với công nhân. Thế là Đức Giám mục sở tại cử ngài làm tuyên úy chính thức cho Công Đoàn Đoàn Kết.
Tháng 12/1981, chính quyền Cộng sản Ba Lan ban hành thiết quân luật. Hàng ngàn thành viên Công Đoàn Đoàn Kết cùng những người ủng hộ họ bị truy nã, bắt bớ, tù đày. Do đó, Cha Popieluszko mở rộng hoạt động mục vụ của ngài bằng việc đi thăm viếng các tù nhân và tổ chức ủy lạo gia đình họ. Đồng thời, ngài bắt đầu mạnh mẽ “rao giảng lòng yêu nước”, thu hút đám đông khổng lồ đến nghe Cha thuyết giảng về chính nghĩa của chiều kích luân lý và thiêng liêng mà Công Đoàn Đoàn kết đang phát huy. Đó là đấu tranh cho tự do và độc lập chống lại chế độ toàn trị do Liên Xô áp đặt. Đó cũng là một cuộc đấu tranh để xác lập bản chất linh thiêng của con người và để loại trừ thứ văn hóa xây dựng trên hận thù, dối trá và sự sợ hãi.
Nhà nước cộng sản Ba Lan tuyên bố thẳng thừng rằng, việc đấu tranh đó không thuộc về Giáo Hội, không phải là công việc của Giáo Hội. Họ muốn Giáo quyền phải bịt miệng Cha Popieluszko thay cho chính quyền bằng cách thuyên chuyển Cha đi tới một nơi hẻo lánh nào đó. Cha Popieluszko chống lại ý đồ xấu xa của Nhà nước Cộng sản. Ngài dõng dạc tuyên bố: “Không phải chỉ có hàng giáo sĩ mà là hàng triệu tín hữu hợp thành thân thể của Giáo Hội. Vậy thì khi dân chúng chịu đau khổ và bị bách hại, Giáo Hội cũng cảm thấy đau đớn. Sứ mệnh của Giáo Hội là luôn sát cánh với dân chúng và chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi đau của dân chúng”.
Đề cập đến ơn gọi riêng của mình, Cha Popieluszko nói: “Phụng sự Thiên Chúa là tìm kiếm một phương thế, một đường lối để vào tận con tim con người. Phụng sự Thiên Chúa là lớn tiếng nói cho mọi người biết sự ác là một căn bệnh cần được ánh sáng soi rọi mới được chữa lành. Phụng sự Thiên Chúa là lên án điều ác dù nó xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào.”
Bị sách nhiễu liên tục
Quần chúng ngày càng mến mộ Cha Popieluszko, thì chính quyền càng tìm cách bịt miệng ngài. Cha bị mật vụ sách nhiễu không ngừng. Cha đi đâu, mật vụ bám chân theo tới đó. Thánh lễ do Cha Popieluszko cử hành liên tục bị những phần tử khiêu khích quấy rối, cắt đứt nửa chừng. Thậm chí có lần kẻ gian ác gài bom và cho phát nổ ngay trước cửa nhà Cha. Nhưng Cha dứt khoát không để cho nỗi sợ chế ngự mình. Cha quả quyết: “Chỉ có một điều chúng ta phải sợ là phản bội Chúa Kitô chỉ vì một vài đồng bạc để có được một sự an thân vô nghĩa”.
Năm 1984, các áp lực và biện pháp chế tài gia tăng mạnh hơn nhắm vào Cha Popieluszko, để ngài không còn lên tiếng nữa. Giữa tháng Giêng và tháng Sáu năm ấy (1984), Cha bị bắt thẩm vấn ít nhất 13 lần. Đến tháng Bảy, ngài bị kết án “lạm dụng quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo chống lại Cộng hòa Nhân dân Ba Lan”. Bản án gây nên một làn sóng phản đối dữ dội, khiến ngay sau đó chính quyền cộng sản vội vàng “ân xá” cho ngài dưới danh nghĩa “chào mừng ngày kỷ niệm 40 năm Nhà nước Cộng sản Ba Lan”.
Các công nhân Ba Lan cùng với công nhân trong Phong trào Công đoàn Đoàn Kết lo ngại cho sự an toàn bản thân Cha Popieluszko. Có tài liệu cho rằng họ thỉnh cầu Đức Hồng Y Giáo chủ Ba Lan tìm cách đưa Cha đi du học nước ngoài. Nhưng cũng không ít tài liệu ghi nhận rằng một vài giới chức giáo quyền Ba Lan muốn giúp bảo vệ sinh mạng Cha, nên gợi ý Cha nên tạm lánh chính trường, đi ra khỏi nước một thời gian.
Cha Popieluszko cho rằng ngài không có quyền rời bỏ các công nhân đấu tranh bất cứ vì lý do gì khi những người công nhân này ở vào thời điểm gay gắt cần sự hiện diện của ngài.  Ngài hiểu rõ vô số hiểm nguy đang rình rập ngài, song không vì thế mà ngưng đấu tranh, đầu hàng bạo lực dù sự đầu hàng được ngụy trang bằng nhiều lý do “hết sức chính đáng”. Cha Popueluszko nói:Nếu con người chúng ta ai cũng phải chết, thì tốt nhất là chấp nhận chết đang khi bảo vệ chính nghĩa thì có giá trị hơn là ngồi lùi lại và để mặc bất công lộng hành…. Linh mục là người được kêu gọi làm chứng nhân cho sự thật, chịu khổ nạn vì sự thật, và nếu cần, phải hiến mạng sống mình vì chính nghĩa ấy”.
Cơ quan công an mật vụ Ba Lan tuân lệnh mật vụ Liên Xô, liên tục uy hiếp tinh thần Cha Popieluszki bằng các thủ đoạn đê tiện – từ việc gọi điện thoại và gửi thư hăm dọa ngài tới việc dùng vũ lực ép xe ngài vào lề đường, tất cả những hành động bỉ ổi ấy đều không lay chuyển được con người kiên dũng của Cha Popieluszko. Cha dứt khoát không lùi bước một cách hèn nhát cho tới khi nào người dân nước Ba Lan được tự do khỏi chế độ Cộng sản hà khắc.
Thảm sát man rợ
Đêm 09/10/1984, Cha Jerzy Popieluszko bị ba người đàn ông bắt cóc, lôi nhét vào cốp sau chiếc ô tô của họ rồi phóng hết tốc lực. Tài xế của Cha may mắn thoát nạn, trở về báo cáo tự sự. Các thánh đường khắp nước Ba Lan đều dâng Thánh lễ cầu cho Cha Jerzy thoát nạn an toàn, đồng thời khắp nơi vang vọng tiếng kêu gào đòi thả Cha. Nhưng đã quá muộn. Nỗi lo sợ của dân chúng được chứng minh là có cơ sở, khi một xác người được tìm thấy nổi lềnh bềnh trên mặt nước Hồ Chứa Nước Vistula hai tuần lễ sau khi Cha Jerzy Popieluszko mất tích. Trên thi hài Cha Popieluszky người ta thấy có những dấu bị đánh đập và hành hạ tàn nhẫn.
Dân chúng Ba Lan sôi sục. Nhà nước cộng sản Ba Lan tìm cách xoa dịu lòng dân. Một cuộc điều tra được thực hiện cho thấy bọn mật vụ CS Ba Lan theo lệnh trên của họ, đã tạo một vụ đụng xe giả vào đêm 09/10/1984 để giết Cha Jerzy Popieluszko. Cha Jerzy thoát chết. Một kế hoạch khác (gọi là phương án 2) được hoạch định:  Ba sĩ quan công an mật vụ bắt cóc Cha. Chúng thú nhận rằng, chúng đã bắt Cha vào đêm 19/10/1984. Sáng sớm ngày 20/10/1984, sau khi đánh đập Cha Jerzy Popieluszko một cách dã man và không ngưng tay, chúng đã trói chặt ngài, buộc ngài vào những tảng đá, rồi nhận chìm trong hồ chứa nước ở Vistula gần thị trấn Włocławek dầu lúc ấy ngài hãy còn sống.
Những kẻ lãnh đạo và chỉ đạo việc thảm sát Cha Jerzy Popieluszko tưởng làm như vậy đã bịt được miệng Cha. Nhưng việc làm của họ bị phản tác dụng: Tiếng nói cái chết của cha được vang xa hơn, lớn hơn, rộng hơn, lan đi khắp cõi bờ trái đất, dù lúc bấy giờ thế giới chưa có kỹ thuật điện tử, internet như ngày nay….
Tin tức về vụ sát nhân vì ý đồ chính trị đã khiến cho lòng người dân Ba Lan càng thêm sôi sục căm thù. Trên 250 ngàn người, trong đó có lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Lech Walesa tham dự lễ an táng Cha Jerzy Popieluszko vào ngày 03/11/1984.
Tuy vào thời ấy, Ba Lan còn nằm dưới ách thống trị của Cộng sản, người dân Ba Lan vẫn mạnh mẽ kêu gào Công lý cho nạn nhân. Ba viên đại úy và một viên đại tá công an Ba Lan là những người trực tiếp chỉ huy giết hại Cha Jerzy bị truy tố và bị án tù, nhưng sau đó đều được ân xá. (Ba tên đại úy là Grzegorz Piotrowski, Leszek Pękala, Waldemar Chmielewski và tên đại tá là Adam Pietruszka).
Năm năm sau cuộc thảm sát man rợ trên, chủ nghĩa và chế độ Cộng sản sụp đổ chẳng những ở Ba Lan mà còn ở cả các nước Đông Âu và ngay trên đất nước Liên Bang Sô Viết. Bức tường ô nhục Berlin ở Đức bị đánh sập. Liên Bang Sô Viết vỡ vụn thành nhiều quốc gia độc lập.
Trang sử mới – Chân phúc Tử đạo
Trang sử mới của thế giới được viết lên đậm nét vào cuối thế kỷ 20 bởi nhiều nhân vật lừng danh trong đó các nhân vật Ba Lan như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Chủ tịch Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan Lech Walesa là những chân dung nổi bật ở Ba Lan và Đông Âu đã góp phần đánh tan hệ thống chủ nghĩa Cộng sản ở đó.  Tuy nhiên sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta quên đi sự hy sinh và lòng dũng cảm của Linh mục Jerzy Popieluszko, người đã hiến mạng sống mình vì quyền tự do dân chủ của dân mình.
Năm 1997 Tòa Thánh bắt đầu tiến trình xét phong Chân phúc cho Cha Jerzy Popieluszko. Mọi người đang nóng lòng chờ đợi và cầu nguyện cho biến cố lịch sử này sớm thành hiện thực. Năm 2008, Cha Jerzy Popieluszko được xưng tụng là “Tôi Tớ Chúa”.
Ngày 19/12/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành Sắc chỉ công nhận Cha Jerzy Popieluszko là Anh hùng Tử đạo. Lễ tuyên phong Chân phước cho Cha Jerzy Popieluszko được cử hành trọng thể vào ngày 06/6/2010 do Đức Tổng Giám mục Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh của Tòa Thánh chủ  phong.
Chúng tôi xin ghi nhận lại đây lời phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan, ông  Victor Ashe, trong dịp kỷ niệm năm thứ 21 (20/10/2005) ngày Cha Jerzy Popieluszki bị thảm sát:
“Tưởng niệm Cha Jerzy Popieluszko là một việc làm chính đáng và phải lẽ. Cha Popieluszko thật sự là một anh hùng tử vì đạo của thời đại tân tiến ngày nay, vì ngài đã chết vì đấu tranh cho quyền tự do trên đất nước Ba Lan yêu dấu của mình. Sự hỗ trợ can đảm của ngài dành cho Công đoàn Đoàn kết đang trực diện với áp bức là nguồn cảm hứng cho mọi dân tộc khắp thế giới yêu chuộng quyền tự do dân chủ. Đó là niềm khích lệ cho tất cả những ai đang sống tại Ba Lan hôm nay, đặc biệt là cho giáo hội của Cha Popieluszki, cho giáo dân của ngài, cho gia đình và bạn hữu của ngài. Cho nên sự hy sinh của ngài phải được tưởng niệm mãi mãi và ngọn đuốc của ngài phải được thắp sáng mãi nơi điện thờ các anh hùng Ba Lan.”
Lê Thiên & Lê Tinh Thông

0 nhận xét:

Đăng nhận xét