Posted: 13 Jul 2012 12:25 PM PDT
VRNs (14.07.2012) – Gia Lai – Ami H’siu hỏi tôi:
- Con muốn học cái gì về người Jrai?
- Ami là thầy con. Ami dạy gì con học nấy, miễn sao vô làng con sống được với người ta thì thôi.
- Được rồi. Muốn sống cần phải ăn. Con học ăn trước nhé.
Ami H’siu dạy tôi học ăn trước tiên không phải là không có lí do. Người Jrai vốn nổi tiếng về những món lạ mà (tất nhiên là theo cái nhìn của người Kinh). Nếu không ăn được món ăn của người ta thì còn nói gì tới chuyện dạy con cái họ. Tôi là người rất thích những gì mới lạ, nên không chỉ học ăn, tôi còn xin ami H’siu bày cách nấu những món ăn đó.
Bài học đầu tiên ami H’siu dạy tôi là xào lá mì. Món ăn này phổ biến đến mức người Jrai tự nhận rằng sinh ra đã có lá mì trong miệng. Phía sau nhà có một vườn rau, ami dẫn tôi ra đó và chỉ cho tôi cách phân biệt hai loại lá mì. Loại lá mì màu trắng và màu đỏ ăn được, thường không có củ, vả lại rất dễ trồng, nên người dân thường trồng quanh nhà như một loại rau. Loại lá mì màu xanh là mì cao sản, trồng để lấy củ bán, không ăn được vì có thể làm người ta say. Trước khi xào, người Jrai thường vò hoặc giã nát lá mì. Nếu đám tiệc đông người thì nên giã vì vò không nổi. Còn trong gia đình ăn thì nên vò vì vò ăn ngon hơn. Người ta có thể xào lá mì với cá khô, cá hấp, thịt heo hoặc chỉ với dầu ăn, nhưng đúng bài thì phải có thêm vài tép xả, bông đu đủ đực (ăn lúc đầu đắng, lúc sau ngọt), cà rừng (một loại cà nhỏ như đầu ngón tay) và đặc biệt không thể thiếu ớt, mà phải dùng ớt xanh của người Jrai mới ngon. Khi nấu nên mở nắp cho lá mì có màu xanh đẹp. Xào đến khi nào khô đáy nồi là được. Lúc bày ra ăn, thêm vài lá ế (một loại lá gia vị của người Jrai có mùi như hương nhu) cho thơm. Về sau, mỗi lần ra thăm ami H’siu, tôi đều được “ưu tiên” cho xào lá mì.
Cũng với lá mì ấy, ami H’siu cho tôi biết người Jrai có thể chế biến thêm món canh lá mì hoặc món aňam te. Aňam te nấu hơi khác một
chút là sau khi xào lá mì chín, người ta cho nước bột gạo vào, vừa khuấy vừa đổ cho tới khi bột gạo chín và sệt lại như cháo. Trước đó người ta phải ngâm gạo và giã nó trong một cái cối, rồi lọc lấy nước. Aňam te gần giống với aňam tbung (tơbung), nhưng khác ở chỗ aňam te được dùng như một món ăn hằng ngày, còn aňam tbung chỉ ăn vào những dịp ma chay, cưới hỏi, lễ giỗ hoặc nhà mới. Aňam tbung cũng nấu bằng bột gạo nhưng thường nấu với lòng heo, lòng bò hoặc thịt.
Tôi chẳng lạ gì lá mì, vì ở nhà bố tôi hay bẻ lá mì cho cá ăn, nhưng món ăn chế biến từ lá mì tôi chưa thử bao giờ, thật ra lá mì ăn ngon hơn tôi tưởng rất nhiều. Lúc mới về Krông Pa ở, tôi muốn xào lá mì cho cha Gioan ăn mà nhà chẳng có, bèn đi xin trong làng. Người Jrai thấy tôi đi xin lá mì họ thích lắm, họ bẻ cho tôi một ôm to ăn mấy ngày không hết. Cũng từ đấy họ cởi mở và gần gũi tôi hơn. Tôi nhận thấy là chỉ khi nào tôi ăn như họ, uống như họ, sống như họ thì tự nhiên họ đến với tôi. Cũng qua món lá mì xào, ami H’siu dạy tôi chữ Jrai đầu tiên, hla plum, tức là lá mì. Đúng là lối học qua đường bao tử in sâu vào trí nhớ tôi hơn vì mãi sau này tôi vẫn còn nhớ những chữ liên quan tới món ăn.
Trong khi ami H’siu xào lá mì thì ama H’siu um cá, người Jrai gọi là kop akan. Món ăn này mấy ông bàn nhậu mê tít, nhưng hôm nay ama H’siu um cá không phải để nhậu mà để cho tôi biết thêm một chút về văn hóa ẩm thực của người Jrai (rồi sau đó nhậu). Nhà ami H’siu nuôi heo, cứ chiều đến là bếp nấu cám heo đỏ lửa, rực than hồng, rất thích hợp để um cá. Ama H’siu lấy một tấm lá chuối, hơ qua lửa cho lá chuối mền dễ gói, đặt vào đó những con cá đá nhỏ nhỏ, thêm một chút muối ớt, lá ế, bột ngọt, kiến vàng, cột chặt lại, rồi vùi xuống đống than hồng, chừng một tiếng sau lôi ra, lột bỏ lớp lá chuối cháy xém đi, sẽ cho ta món cá um thơm ngon tuyệt vời. Món này gần như món cá lóc nướng trui của miền Tây nhưng có mùi vị Jrai rất lạ.
Bữa cơm sắp bắt đầu thì ami H’hiam (chị của ami H’siu) và chị H’sophia (con của ami H’hiam) nhà bên cạnh qua. Chị H’sophia cầm theo một chén muối kiến vàng (hdom sao) và giới thiệu đây là món đặc sản của người Jrai mà bất cứ ai có dịp lên đây cũng không nên bỏ lỡ. Tôi nếm một chút, vừa hăng vừa cay vừa chua chua, rất khó ăn. Nhưng đã ăn được rồi thì ghiền như điếu đổ. Chỉ cần một chén muối kiến là có thể ăn thủng nồi trôi niêu. Loại kiến này thường làm tổ trên cây, muốn bắt chúng, người ta dùng một cái thau đồng đã để ngoài nắng nóng, đập tổ kiến cho kiến rơi vào thau, thau nóng, chúng bị bỏng chân và không thể bò đi được. Người ta cũng dùng thau nước đập kiến xuống nhưng cách này kiến vẫn còn sống, rồi bò đi đốt lung tung nên ít người sử dụng. Bắt được kiến rồi, người ta giã kiến với một chút muối, bột ngọt và ớt. Thế là có món muối kiến ngon lành. Những người muốn làm muối kiến để lâu sẽ rang kiến khô một chút và phải giã ớt khô để không bị hư. Người ta cũng cho thêm cỏ thơm (một loại cỏ dại như cỏ gấu, chỉ mọc vào mùa mưa) vào muối kiến, hoặc thêm củ nến (loại củ trắng nhỏ như đầu đũa, có vị cay nồng như củ kiệu), hoặc thêm ít gừng. Tất cả những loại muối kiến trên đều được ưu thích, đến nỗi những người Jrai xa quê không nhắn người thân gửi gì ngoài món muối kiến. Đây là loại kiến mà ở nhà, mỗi lần hái café ba tôi phải xịt thuốc để xua đuổi chúng thì mới hái café nổi. Thật không ngờ ở đây lại trở thành món ăn đặc biệt của người Jrai. Thế là bữa cơm đầu tiên của tôi trên đất Ayunpa gồm có lá mì xào, cá um và muối kiến vàng. Sau này tôi mới biết đây toàn là những món ăn truyền thống chỉ để đãi khách quý.
Vài ngày sau, tôi phát hiện ra món khoái khẩu của người Jrai chính là cà xóc (bôh sôh). Chỉ cần nhắc tới cà xóc là người ta đã chảy nước miếng rồi. Người Jrai có câu, ăn cà xóc đại bác bắn cũng không chạy, đủ để biết là món ăn này hấp dẫn đến mức nào. Nhưng món cà xóc lại làm rất đơn giản với những nguyên liệu dễ dàng tìm thấy. Người ta chỉ cần một trái đu đủ hường, băm sợi nhỏ, trộn chung với chút muối, bột ngọt, kiến vàng và ớt giã nhuyễn, thế là đã có một món ăn đã đời. Người ta có thể dùng dưa leo, bí đao, bầu, đậu đũa, đậu ván thay cho đu đủ cũng được. Món ăn này có thể ăn mọi nơi mọi lúc bất kể giờ giấc và ăn mình nó vẫn ngon như thường. Người ta vừa ăn cà xóc vừa hít hà vì cay, nước mắt nước mũi chảy ra như thế mới ngon.
Tôi vẫn nghĩ người Huế ăn cay không ai bằng, nhưng khi tới đây thì tôi thấy người Huế phải gọi người Jrai là sư phụ ăn ớt. Người Jrai ăn cơm không có ớt ăn không được. Luôn luôn có một chén muối ớt trong bữa ăn. Và để cho tôi biết người Jrai ăn ớt cay như thế nào, sáng hôm sau ami H’siu dẫn tôi đi ăn bún riêu. Tôi ăn cay không giỏi, nhưng không đến nỗi quá tệ, vậy mà hôm đó là lần cay kinh khủng nhất trong đời tôi. Vừa nhấp miếng bún đầu tiên, tôi đã thấy đầu lưỡi tê cứng, đầu óc quay cuồng như bị trúng gió, mắt mũi tối sầm lại, miệng bỏng rát và tôi không thể nào nuốt nổi miếng thứ hai. Tôi phải đổi một tô khác không có ớt mới ăn được. Vậy mà ami H’siu vẫn ăn bình thường, lại còn cho thêm ớt vào tô bún. Ami H’siu chỉ là một trong số rất nhiều người Jrai thích ăn ớt mà sau này tôi gặp. Tôi còn bị “trúng đạn” một lần nữa ở Krông Pa. Hôm đó nhà có khách, tôi xào lá mì và không quên bỏ ớt Jrai (có ớt mới ngon). Đó là một loại ớt nhỏ như đầu đũa, màu xanh, cay hơn cả ớt chỉ thiên của người Kinh. Nó cay đến mức người Jrai nói là “bay lên trời” thì đủ biết rồi đấy. Lá mì màu xanh xào với ớt cũng màu xanh, cho nên rất khó phân biệt. Tôi cố để ý mà vẫn cắn nhầm một trái. Cắn vào là hai mắt đứng im liền. Cả bữa cơm hôm đó, tôi không ăn thêm được miếng nào nữa vì miệng bỏng rát như đỉa phải vôi. Sở dĩ người Jrai ăn ớt nhiều như vậy là vì trước đây, khi còn sống giữa rừng núi khắc nghiệt, họ cần ớt để chống lại bệnh sốt rét, cũng là để khử mùi tanh của các món ăn sống. Họ vẫn giữ thói quen của tổ tiên truyền lại cho đến tận bây giờ, ngay cả khi họ đã sống giữa một môi trường hiện đại hơn xưa rất nhiều.
Trước nhà ami H’siu có cắm một cái bảng ghi “Bán rượu ghè” và tôi may mắn được ở trong nhà một người làm rượu ghè có tiếng ở xứ Cheo Reo. Tối hôm sau sinh nhật ama H’Hiam, ami H’siu xách qua một ghè rượu. Vì tôi là khách, nên được mời uống trước tiên. Mỗi người uống một kang xấp xỉ gần một xị. Tôi đã uống rượu ghè nhiều lần khi ở với người Bana trên Kontum, nhưng phải công nhận rượu ghè của ami H’siu rất ngon, đến mức sau kang thứ hai, tôi say bí tỉ. Có điều, rượu cần làm bằng men đồng bào, loại men làm từ lá cây rừng to như bàn tay, nên có uống say đến mấy, khi tỉnh cũng không nhức đầu như rượu đế của người Kinh.
Người Kinh nhìn vào ẩm thực của người Jrai chê bai, gớm ghiếc. Họ đâu biết rằng đằng sau những món ăn ấy là quy tắc ứng xử rất nhân bản. Ngay cách chế biến thức ăn đã là nét văn hóa đặc sắc rồi. Anh không được phép phê phán người khác khi anh là một người ngoài. Người Jrai có câu: “Miếng to miếng nhỏ gì cũng nhớ tới nhau”. Tôi không hiểu hết ý câu này cho tới khi về Krông Pa, chứng kiến ba đứa bé chia nhau một cục kẹo. Ngay từ nhỏ, những đứa bé đã được dạy về tính cộng đồng. Nếu chỉ có một củ khoai mà có tới 10 đứa bé, thì tụi nhỏ cũng chia củ khoai làm 10 phần bằng nhau. Còn nếu đứa nào ích kỷ không chia, thì chín đứa kia đứng nhìn cho tới khi đứa bé nọ vất củ khoai đi thì thôi. Nhỏ đã vậy, lớn lên người Jrai ăn miếng gì cũng nhớ tới nhau. Một gia đình trong làng lên nhà mới đốt bò, thì con bò đó sẽ được chia đều cho tất cả mọi người trong làng, kể cả đứa bé còn bú mẹ cũng có phần. Người Jrai nghèo thật, nhưng khi ăn lại rất nghĩa tình. Trong lúc túng thiếu mà vẫn sẻ chia mới là quý. Cho nên, một người Jrai lỡ đường, có thể vào nhà một người Jrai khác xin tá túc và ăn cơm tự nhiên như ở nhà mình. Miếng ăn không còn là miếng tồi tàn như cách nói của người Kinh nữa, mà trở thành miếng ăn ân tình, nó làm cho người gần người và yêu thương nhau hơn. Đó chẳng phải là ý nghĩa cao quý nhất khi chúng ta có được của ăn hay sao? Tiếc thay, cuộc sống hiện đại đã làm cho người Jrai bị cuốn theo chủ nghĩa cá nhân. Mất mát lớn nhất với họ chính là cộng đồng buôn làng không còn cố kết như xưa.
Cứ đến bữa ăn, ami H’siu lại tranh thủ dạy cho tôi thêm vài từ Jrai. Huă asơi, nghĩa là ăn cơm. Còn ăn những thứ khác thì gọi là bong (ăn). Uống một ngụm nước gọi là ňum ia. Để có hiệu quả, ami H’siu viết những chữ Jrai thường dùng lên bìa hộp thuốc lá, đưa cho tôi học. Dù sao thì học có chữ viết vẫn dễ nhớ hơn. Nhưng không phải người Jrai nào cũng biết viết tiếng của dân tộc mình, nhất là giới trẻ. Khi về Krông Pa, tôi nhờ mấy bạn trẻ viết dùm chữ ghe čih (bút bi), nhưng không ai viết đúng. Hỏi ra mới biết, trẻ em Jrai không được học tiếng của mình ở trường. Các em biết đọc chữ Jrai là nhờ đi nhà thờ. Ai không đi nhà thờ thì cũng không biết đọc biết viết. May cho tôi là ami H’siu rất giỏi tiếng Kinh và tiếng Jrai cũng dễ học nên sau vài ngày, tôi có thể bập bẹ nói chuyện với người khác. Cứ nói đi, tự khắc cái miệng mềm ra và nói được thôi. Nếu sai thì người ta sửa lại. Trong tiếng Jrai, khó đọc nhất là những chữ có âm “r”, “l” và “h” đằng sau. Ban đầu tôi không biết cứ phăng đại đại, cho đến khi tôi đi dạy học. Tôi hỏi bọn trẻ “mệt” đọc thế nào, bọn trẻ thi nhau đọc “dleh”. Tôi nghe xong lặp lại “dle” (không có nghĩa gì hết). Tụi nhỏ không chịu, bắt đọc lại. Tôi hỏi viết thế nào. Chẳng ai biết. Tôi cố gắng đọc to thì tụi nhỏ lại gào to hơn. Chừng 15 phút sau, tôi khàn giọng mà vẫn không đọc trúng. Về nhà tra từ điển mới biết là mình thiếu âm “h”. Học với con trẻ có cái lợi rất lớn là nó chẳng nể nang gì hết, cứ chỉnh cho tới khi nào đúng thì thôi. Ai đã từng học một ngôn ngữ khác đều có những kinh nghiệm cười ra nước mắt, nhưng đó chính là con đường dẫn vào tâm hồn một dân tộc khác.
Khi vào làng, người Jrai nghe tôi nói tiếng của họ, họ vui mừng đến bắt tay ngay vì họ cảm thấy được tôn trọng. Cho nên, nếu muốn chiếm cảm tình của người Jrai, hãy nói thứ ngôn ngữ của họ. Người ta chỉ có thể giãi bày chính xác tâm sự bằng tiếng mẹ đẻ của mình mà thôi. Tôi thấy mình như một đứa bé, phải học ăn học nói lại từ đầu, và quả thật, đứng trước những người Jrai, tôi chỉ là một đứa con nít.
Amai H’ Blan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét