Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012


“Không ai là tiên tri nơi quê hương của mình”


“Không ai là tiên tri nơi quê hương của mình”
Castel Gandolfo (Vat. 8/07/2012) – Trưa Chúa nhật 8 tháng 7 năm 2012, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin đầu tiên trong mùa hè này tại Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của ngài cách Roma khoảng 30 km.
Ðức Thánh Cha đến cư ngụ tại đây từ ngày thứ Ba, 3 tháng 7 năm 2012 và lưu lại đây tới cuối tháng 9 năm 2012. Từ quảng trường bên ngoài dinh thự, cũng có hàng trăm tín hữu tham dự buộc đọc kinh qua loa phóng thanh.
Trong số hàng ngàn người hiện diện trong khuôn viên tại buổi đọc kinh, cũng có đại diện chính quyền địa phương, và đông đảo tín hữu hành hương đến từ nhiều nước.
Ðúng 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha xuất hiện tại bao lơn của dinh thự giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Khi ngài vừa nói: “Anh chị em thân mến!” thì ca đoàn các thiếu nhi từ giáo phận Dresden ở miền Ðông Ðức đã đồng ca một bài ca ngắn để chào mừng ngài. Ðức Thánh Cha lắng nghe và nhiệt liệt cám ơn các thiếu nhi ca viên. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng của Chúa nhật XIV thường niên và nói:
“Tôi muốn dừng lại một lát về đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, một đoạn từ đó người ta rút ra câu nói thời danh “Không ai là tiên tri nơi quê hương của mình”, nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy lớn lên (xc. Mc 6,4). Thực vậy, sau khi Chúa Giêsu, – lúc ấy khoảng 30 tuổi-, từ giã Nazareth, đi giảng đạo và chữa bệnh ở nơi khác trong một thời gian, ngài trở về làng cũ và bắt đầu giảng dạy trong Hội đường. Những người đồng hương của ngài “ngỡ ngàng” vì sự khôn ngoan, và vì họ biết ngài là “con của bà Maria”, là người thợ mộc đã sống giữa họ, nên thay vì tin nhận và đón tiếp ngài, họ lại xấu hổ vì ngài (xc. Mc 6, 2-3). Sự kiện này dễ hiểu vì sự quen thuộc trên bình diện con người làm cho người ta khó đi xa hơn và cởi mở đối với chiều kích thần linh (…). Chúa Giêsu giống như một thí dụ điển hình về kinh nghiệm của các tiên tri của Israel, các vị bị coi rẻ nơi quê hương, và Chúa đồng hóa với các vị ấy. Do sự khép kín tinh thần như thế, Chúa Giêsu không thể thực hiện tại Nazareth “một phép lạ nào, nhưng ngài chỉ đặt tay trên vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6,5). Thực vậy, các phép lạ của Chúa Kitô không phải là một sự biểu dương quyền năng, nhưng là những dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa, được thể hiện tại nơi mà tình thương ấy gặp được niềm tin của con người. Origène đã viết: “Cũng như có một sự thu hút tự nhiên từ phía một số người này đối với người khác, như sự thu hút của nam châm đối với sắt, niềm tin cũng thực hiện một sự thu hút như thế đối với quyền năng của Chúa” (Chú giải Tin Mừng theo thánh Mathêu 10,19).
“Vì vậy, như người ta nói, Chúa Giêsu có vẻ coi sự ngược đãi mà ngài gặp ở Nazareth là có lý. Nhưng thực ra, vào cuối trình thuật, chúng ta thấy một nhận xét ngược lại. Thánh sử Phúc Âm viết rằng Chúa Giêsu “ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6,6). Sự kinh ngạc của Chúa Giêsu tương ứng với sự ngỡ ngàng của những người đồng hương. Cả Chúa, theo một nghĩa nào đó, cũng lấy làm điều đau buồn! Mặc dù Ngài biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương mình, nhưng sự khép kín tâm hồn của những người đồng hương đối với Ngài thật là tăm tối, không thể hiểu nổi: làm sao mà họ không nhận ra ánh sáng chân lý như thế? Tại sao họ không cởi mở đối với lòng từ nhân của Thiên Chúa là Ðấng muốn chia sẻ nhân tính của chúng ta? Thực tế, con người của Ðức Giêsu thành Nazareth phản ánh Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa cư ngụ trọn vẹn. Và trong khi chúng ta luôn luôn tìm kiếm những dấu chỉ khác, những phép lạ khác, chúng ta không nhận ra rằng Dấu Chỉ đích thực chính là Ngài, là Thiên Chúa làm người, chính Ngài là phép lạ lớn nhất của vụ trụ: toàn thể tình thương của Thiên Chúa được cô đọng trong một con tim nhân trần, trong khuôn mặt của một người.
“Người đã hiểu được đích thực thực tại này chính là Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ có phúc vì đã tin (xc. Lc 1,45). Mẹ Maria không lấy làm đau buồn vì Con của Mẹ: sự kinh ngạc của Mẹ đối với Chúa tràn đầy niềm tin, đầy tình thương và vui mừng, khi Mẹ thấy Ngài nhân trần dường ấy và đồng thời thần linh dường nào. Nơi Mẹ, là Mẹ chúng ta trong đức tin, chúng ta hãy học cách nhận ra trong nhân tính của Chúa Kitô mạc khải hoàn hảo về Thiên Chúa.”
Chào thăm các tín hữu
Sau khi ban phép lành, như thường lệ, Ðức Thánh Cha chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trước tiên, ngài chào cộng đoàn Castel Gandolfo ở địa phương và cầu chúc mọi gia đình được một thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe thể lý và tình thần. Ðức Thánh Cha cũng nói: “Tôi thân ái chào thăm các nữ tu dòng thánh Elisabeth đến từ nhiều nước đang tham dự cuộc gặp gỡ đặc biệt 10 năm sau khi khấn trọn đời. Chị em thân mến, xin Chúa canh tân chị em sâu rộng trong tình thương của Ngài”. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, Ðức Thánh Cha nhắc đến cách riêng các nữ tu dòng Thờ Lạy Thánh Thể đến từ Sénégal và Congo ở châu Phi, các bạn trẻ dưới sự chăm sóc của Văn phòng tuyên úy vùng Vịnh Saint-Tropez ở miền nam Pháp. Ngài nói: “Trong mùa hè này, các con đừng quên Chúa, hãy nghĩ đến việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ Chúa nhật! Ước gì Mẹ Maria là mẫu gương của những tâm hồn lắng nghe, tháp tùng các con trên những nẻo đường trần thế!”
Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh Cha chào thăm các linh mục đang tham dự khóa huấn luyện dành cho các vị đào tạo ở chủng viện do Giáo Hoàng học viện Nữ Vương các Tông Ðồ tổ chức. Ngài nói: “Trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta sống với một tâm hồn cởi mở và đơn sơ, được đức tin chân thực nuôi dưỡng, thì chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và tuân theo thánh ý Chúa.”
Bằng tiếng Ðức, Ðức Thánh Cha tái cám ơn các thiếu nhi thuộc ca đoàn giáo phận Dresden vì bài ca thật hay. Ngài cũng nhắc lại sự tích Chúa Giêsu không được đón nhận tại quê hương. Dân chúng không sẵn sàng nhìn nhận Chúa là Ðức Kitô. Nơi chúng ta cũng có nguy cơ khi chúng ta nói rằng: “Chúng tôi là Kitô hữu, chúng tôi đã biết mọi sự và không còn quan tâm gì đến Chúa là ai nữa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Chúa cất khỏi chúng ta thái độ khép kín trong tâm hồn như thế và chúng ta hãy lợi dụng thời kỳ nghỉ hè này, ở lại lâu sâu hơn trong Chúa Kitô, đón nhận sự chỉ đường của Ngài cho cuộc sống chúng ta và xác tín về quyền năng thần linh của Chúa.
Sau cùng, bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh Cha gửi lời chào thăm những người tham dự cuộc hành hương của gia đình Ðài phát thanh Maria, tụ họp tại Ðền thánh Ðức Mẹ Jasna Gora, Czestochowa, để cầu nguyện cho tổ quốc, cho các gia đình, cho tự do ngôn luận. Ngài cũng nhắc đến buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình cử hành lúc 21 giờ Chúa nhật 8 tháng 7 năm 2012 tại trại tập trung Majdanek, Ba Lan, gần thành phố Lublin. Buổi cầu nguyện do Hội Ngàn Năm Mới tổ chức, một Hội do Hội đồng Giám mục Ba Lan thành lập cách đây 12 năm để tưởng niệm triều đại Giáo Hoàng của Ðức Chân Phước Gioan Phaolô II bằng cách phổ biến giáo huấn của Người và giúp những người trẻ muốn học hành nhưng không có phương tiện tài chính.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét