Phái đoàn Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bênh vực tự do tôn giáo
LTCGVN (10.07.2012)
GENÈVE. Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève đã mạnh mẽ bênh vực quyền tự do tôn giáo.
Phái đoàn Tòa thánh do Đức TGM Silvano Tomasi làm trưởng đoàn, đã dự khóa họp thứ 20 của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhóm tại Genève, Thụy Sĩ, từ ngày 7-6 đến 6-7-2012. Trong bài tham luận ngày 3-7-2012 về tự do tôn giáo, Đức TGM Tomasi đã khẳng định như sau:
”Trong sự quan tâm sâu xa, Phái đoàn Tòa Thánh lưu ý về hố chia cách sâu rộng giữa sự quyết tâm và những nguyên tắc được cộng đồng quốc tế tuyên bố về tự do tôn giáo, tự do lương tâm, tín ngưỡng, và quyền tự do hội họp, với việc áp dụng các nhân quyền căn bản này trong thực tế. Việc sử dụng bom và những cuộc tấn công tàn bạo gần đây chống lại các nơi thờ phượng và các cộng đồng tín hữu Kitô đang cầu nguyện, đã giết hại hàng trăm người vô tội tại nhiều quốc gia. Tình trạng các tội ác này kéo dài và lan sang nhiều quốc gia, sự hỗ trợ về nhân sự và tài lực dành cho các tội ác đó do các nhóm cực đoan cung cấp, mục tiêu của họ là làm xáo trộn cuộc sống chung hòa bình trong sự tôn trọng và cộng tác với nhau, đó là những lý do phải thúc đẩy cac giới hữu trách mau lẹ có một câu trả lời hữu hiệu hơn về sự ý thức của quần chúng cũng như về hoạt động phòng ngừa.
Xung đột tôn giáo là một nguy hiểm cho sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế. Xung đột tôn giáo trong một xã hội bị cực đoan hóa sẽ phá vỡ những quan hệ cần thiết cho đời sống xã hội và cho thương mại được triển nở. Nó tạo ra bạo lực, tước đoạt của dân chúng nquyền cơ bản nhất trong mọi quyền, đó là quyền sống. Nó gieo rắc những mầm mống nghi kỵ và cay đắng có thể truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xung đột tại nước này có thể lan sang nước khác và gây khó khăn nghiêm trọng tại các quốc gia khác.
Cũng vậy, sự bắt đi mất tích, bắt giữ, giam cầm, dọa giết và kỳ thị chống lại những người trở lại đạo và những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, hay thuộc những cộng đoàn tín ngưỡng, là điều thường xảy ra trên thế giới. Những vụ tấn công tàn bạo, những lời tuyên bố và cả những sách giáo khoa xúi giục bạo động và giết hại những phần tử của các tôn giáo và các nhóm tôn giáo ít người là những điều rất thường được báo chí loan tin. Những đe dọa tự do tôn giáo như thế là điều làm thương tổn sâu xa cho phẩm giá con người. Sự giới hạn việc thực thi quyền tự do tôn giáo sẽ đe đọa căn tính cá nhân, lương tâm, những chọn lựa cơ bản trong cuộc sống và cản trở việc thi hành các quyền khác của con người”.
ĐGH Biển Đức 16 đã bày tỏ mối quan tâm trầm trọng của ngài về những tình trạng gây xáo trộn như thế tại nhiều nơi trên thế giới như kết quả làm cho ”người ta không thể tuyên xưng tôn giáo của mình một cách tự do, ngoại trừ trường hợp chấp nhận rủi ro cho sinh mạng và tài sản của mình. Tại những vùng khác, chúng ta thấy những hình thức tinh vi tối tân hơn với những thành kiến và thái độ đố kỵ đối với các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo” (Sứ điệp Hòa bình thế giới năm 2011, n.4). Các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhất.
Đức TGM Tomasi nói tiếp:
”Tính chất bao trùm của tự do tôn giáo đòi hỏi một sự bảo vệ đồng đều và hữu hiệu dưới luật pháp, mà không kỳ thị một người nào, nhưng đặc biệt nhất là cho các phần tử của các nhóm thiểu số hoặc những người dễ bị tổn thương vì những thành kiến hoặc kỳ thị vì nhiều lý do. Vì thế, Tuyên Ngôn và Chương trình hành động tại Vienne đã khẳng định rằng ”.. Những người thuộc về các nhóm dân thiểu số có quyền được hưởng văn hóa riêng của họ, được tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ.. nơi riêng tư cũng như nơi công cộng, một cách tự do và không phải chịu sự xen mình hoặc hình thức kỳ thị nào” (Part I, art 19).
Nhiều văn kiện quốc tế khác về nhân quyền, các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng nhân quyền đều khẳng định rõ ràng rằng ”mỗi ngừơi có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng”. Tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình qua giáo huấn, thực hành, thờ phượng và giữ đạo cũng được bảo đảm. ”Thật là điều không thể tưởng tượng được khi các tín hữu phải hủy bỏ một phần của họ, - tín ngưỡng của họ - để trở thành những công dân tích cực. Không bao giờ cần phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của mình”.
Các lý tưởng tự do tôn giáo - trong việc phụng tự, thực hành và diễn tả - được qui định trong các hiến pháp của hầu hết các nước dân chủ trên thế giới. Hơn nữa, tự do này, một quyền có nhiều khía cạnh, có liên hệ tới quyền sống và tự do, trong số các quyền khác.
Phù hợp với Hiệp Ước quốc tế về các dân quyền và chính quyền, Phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận rằng các Nhà Nước có nghĩa vụ đề ra và nâng đỡ các cơ cấu hạ tầng và những điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển các cộng đoàn tôn giáo và các phần tử của các cộng đoàn ấy một cách tự do và không bị kỳ thị. Như thế quyền tự do tôn giáo không phải chỉ là một quyền cá nhân nhưng cũng trở thành một quyền tập thể cho các cộng đoàn tôn giáo”. Về vấn đề này có quyền của các cộng đoàn ấy được tự quản trị theo các quy luật riêng của mình, quyền phụng tự công khai, quyền được giáo huấn cảc phần tử của mình trong việc thực hành tín ngưỡng; quyền được tuyển chọn, huấn luyện, bổ nhiệm và thuyên chuyển các thừa tác viên tinh thần của mình; quyền kiến thiết các cơ sở dùng vào việc tôn giáo, quyền thủ đắc và sử dụng ngân khoản hoặc tài sản; quyền giảng dạy và làm chứng về tín ngưỡng của mình một cách công khai, bằng lời nói cũng như bằng chữ viết, và quyền được hội họp, thiết lập các tổ chức giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội, theo các lý do liên hệ.
Đức TGM Silvano Tomasi cũng nói rằng: ”Phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận liên hệ giữa sự ổn định xã hội và việc công nhận các quyền con người. Do bối cảnh bất ổn về kinh tế và xã hội tại các nước trên thế giới, điều thiết yếu là mọi nhân quyền, và đặc biệt hơn cả là quyền tự do tôn giáo phải được bảo vệ. Các Nhà Nước phải khích lệ thành lập các hệ thống nhắm sự thăng tiến sự cảm thông lẫn nhau, cổ võ đối thoại liên tôn và tăng cường việc bảo vệ các nhóm tôn giáo bằng những bảo đảm thích hợp và hữu hiệu về tự do tôn giáo, qua việc sử dụng các hệ thống pháp lý làm trung gian tương ứng và thích hợp, và nếu cần, thì điều chỉnh lại.
Theo quan điểm phái đoàn chúng tôi, quyền tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào tự do phụng tự. Bao gồm trong quyền tự do này cũng có cả quyền được rao giảng, giáo dục, đón nhận các tín đồ mới, góp phần vào các cuộc thảo luận chính trị cũng như tham gia các hoạt động công cộng. Điều quan trọng nhất là phải duy trì và bảo vệ quyền tự do lương tâm. Các tín hữu không thể bị chính quyền bó buộc chọn lựa giữa sự tuân theo các chính sách hoặc luật lệ của chính phủ và sự trung thành với giáo huấn tôn giáo và tín ngưỡng của mình. Một điều cũng quan trọng, đó là tôn trọng quyền của các bậc cha mẹ gửi con cái họ đến những trường học phản ánh tín ngưỡng của họ. Những hệ thống cưỡng bách giáo dục, bắt mọi người theo cùng một khuôn mẫu, có thể là một sự trực tiếp tấn công các quyền lợi và nghĩa vụ của các cha mẹ trong việc đảm bảo nền huấn luyện tôn giáo và luân lý đạo đức cho con cái họ. Đồng thời tất cả các hệ thống giáo dục phải thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ dân chúng, không nuôi thành kiến nào đối với tín ngưỡng và việc thực hành tín ngưỡng của họ.
Thưa bà chủ tịch, Phái đoàn Tòa Thánh muốn kết luận bài tham luận này bằng câu trưng dẫn Tuyên ngôn Vienne, kêu gọi ”tất cả các chính phủ hãy đề ra những biện pháp thích hợp, đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình và chiếu theo hệ thống pháp luật liên hệ để chống lại nạn bất bao dung và bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng..., và cũng chống lại những hành động kỳ thị phụ nữ, xúc phạm đến các nơi tôn giáo, nhìn nhận rằng mỗi người có quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, ngôn luận và tôn giáo. Hội nghị tại Vienne cũng mời gọi mọi Nhà Nước hãy thực hành các điều khoản của Tuyên ngôn về việc loại trừ mọi hình thức bất bao dung và kỳ thị tín ngưỡng hoặc tôn giáo” (Part II, art. 22).
Sau cùng, chúng tôi khuyến khích mỗi quốc gia đảm bảo, bảo vệ và thăng tiến quyền hợp pháp của dân chúng được có, thực hành và biểu lộ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình một cách tự do và không phải chịu một sự cưỡng bách và bạo lực nào, và không phải luôn sống trong lo sợ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công chống tôn giáo hủy hoại các nhân quyền cơ bản”.
Lm. Trần Đức Anh OP chuyển ý
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét