Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

TIN TỨC HÀNG NGÀY


Đức Thánh Cha ghi nhận: Giáo Hội tiên khởi đã đối phó với sự đàn áp bằng việc cầu nguyện

Triều kiến ngày thứ tư trở lại với chủ đề truyền thông với Thiên Chúa
ROME, ngày 20 tháng 4, 2012 (Zenit.org).- Trong khi các Kitô hữu trông đợi ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Benedict, trong buổi triều kiến ngày thứ tư vừa qua đã suy niệm về vai trò tổng hợp của việc cầu nguyện trong đời sống của Giáo Hội tiên khởi.
Được trình bầy nhiều lần trong các tường thuật của các Thánh Sử trong Tân Ước, về lúc Mẹ Maria và các Tông Đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, như là “một bầu khí cầu nguyện đồng hành với những bước tiến đầu tiên của Giáo Hội.”
Đức Thánh Cha giải thích “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” không phải là một biến cố cô lập vì sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần thường xuyên hướng dẫn và thúc đẩy con đường đi của cộng đồng Kitô giáo.” Chẳng hạn, trong Sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca nhắc rằng sau khi Thánh Phêrô và Gioan chữa lành một người bị bệnh tê liệt và bị bắt giam vì giảng dậy Phúc Âm, họ đã trở về và kể lại kinh nghiệm của họ, vào lúc đó Thánh Luca nói, “họ đồng thanh dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa” (TĐCV 4:24).
Đức Thánh Cha nói: “Ở đây, Thánh Luca trình thuật kinh nguyện dài nhất của Giáo Hội chúng ta tìm thấy trong Tân Ước, vào phần cuối, như chúng ta đã nghe, “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa. (TĐCV 4:31).”
Đức Thánh Cha ghi nhận tầm quan trọng của cầu nguyện cộng đồng trong Giáo Hội Tiên Khởi. “Trước mọi nguy hiểm, khó khăn, đe dọa, cộng đồng Kitô đầu tiên không cố gắng phân tích cách thức để phản ứng hay tìm kiếm các chiến thuật để tự bảo vệ, và phải áp dụng biện pháp nào, nhưng trước những thử thách, họ đã cầu nguyện.”
Ngài tiếp: “Giáo Hội không được sợ hãi sự đàn áp phải trải qua trong lịch sử nhưng luôn luôn tin tưởng, như Chúa Giêsu đã làm trong Vường Giệtsêmani trong sự hiện diện, trợ giúp và quyền năng của Thiên Chúa được kêu cầu trong lời cầu nguyện.”
Hơn nữa, nội dung của các kinh nguyện của cộng đồng Kitô giáo, không phải là để tránh khỏi bị đàn áp, nhưng là để có sức mạnh loan truyền Phúc Âm. “Tuy nhiên, trước hết cộng đồng đã cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn những gì đã xẩy ra, và giải thích các biến cố dưới ánh sáng đức tin, và họ đã làm đúng như vậy qua Lời Chúa, vì nhờ thế chúng ta mới giải thích được thực tại của thế giới.”
Kinh nguyện của cộng đồng khởi sự trước hết với việc công nhận rằng tất cả mọi sự đều ở trong tay của Đấng Tạo Hóa. Cộng đồng sau đó suy niệm về cách thức Thiên Chúa đã hoạt động và tiếp tục hoạt động trong suốt lịch sử cứu chuộc con người. “Lịch sử này bắt đầu với việc sáng tạo và rồi tiếp diễn – bằng cách nào Người đã gần gũi nhân loại, đã tỏ hiện là một Thiên Chúa luôn luôn lo lắng cho con người, đã không thối lui, và đã không bỏ rơi con người, là tạo vật được Người dựng nên.”
Đức Thánh Cha tiếp: “Trong cầu nguyện, suy niệm về Kinh Thánh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô là điều giúp chúng ta giải thích thực tại hiện diện trong lịch sử cứu chuộc Thiên Chúa đã thực hiện trên thế gian, luôn luôn theo cách riêng của Người.”
Cộng đồng Kitô giáo đầu tiên cũng không xin Thiên Chúa để được bảo vệ, để được cứu thoát khỏi mọi thử thách, khỏi mọi đau khổ.” Lời cầu nguyện của họ “không là lời cầu xin để thành công, nhưng chỉ là để có thể tuyên xưng Lời Chúa một cách mạnh dạn, tự do, và can đảm (TĐCV 4:29).”
“Cộng đồng sau đó thêm rằng sự tuyên xưng này được bàn tay Thiên Chúa tiếp ứng, sẽ có những việc chữa lành, những dấu chỉ, những việc kỳ diệu có thể xẩy ra (TĐCV 4:30), nghĩa là, sự thiện hảo sẽ hiển nhiên, như một quyền năng biến đổi được thực tại, biến đổi các tâm trí, và đời sống con người, và đem lại sự mới mẻ trọn vẹn của Phúc Âm.”
Chính vào kết thúc của kinh nguyện này, theo Thánh Luca, các hoa quả của lời cầu mới được thể hiện: “Được tràn đầy Thánh Thần là qùa tặng của Đấng Sống Lại, được yểm trợ và hướng dẫn trong việc loan truyền tự do và can đảm Lời Chúa, được thúc đẩy để ra khỏi nhà không sợ hãi và đem tin mừng đến tận cùng trái đất.”
Đức Thánh Cha Benedict sau đó kêu gọi tất cả mọi tín hữu hãy kết hiệp “mọi biến cố trong đời với lời cầu nguyện, để tìm được ý nghĩa sâu xa hơn, để cho “như cộng đồng Kitô tiên khởi, chúng ta cũng có thể được soi sáng bởi Lời Chúa qua việc suy niệm Kinh Thánh, để chúng ta có thể học biết cách nhận thức rằng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta, hiện diện ngay trong những giờ phút khó khăn, và mọi sự – kể cả những gì khó hiểu nhất – cũng là một phần của kế họach cao siêu của tình yêu trong đó chiến thắng tối hậu trên sự dữ, trên tội lỗi và cái chết, thực sự chính là sự thiện hảo, là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa.”
Ngài kết luận: “Được hướng dẫn bởi Thần Khí Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ có thể đối phó với mọi hoàn cảnh trong đời một cách bình thản, can đảm và vui vẻ và có thể cùng với Thánh Phaolô nói rằng ” Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5:3-5).”
Bùi Hữu Thư

0 nhận xét:

Đăng nhận xét