Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012


Một cái nhìn về Hội thánh địa phương sau biến cố 30-4-1975

1. Cơ hội hội để chấn chỉnh chính mình theo lời mời gọi của Phúc Âm.
Một thời gian dài sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là dịp khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về Hội Thánh tại Quê Hương Việt Nam yêu dấu của tôi. Kính trọng mà nói, Hội Thánh của tôi đã nhạy bén với dấu chỉ của thời đại. Nhờ ơn Chúa, Hội Thánh của tôi đã khiêm tốn để Chúa thanh luyện. Biến cố không phải là thánh. Nhưng nhờ Chúa, Hội Thánh đã rút ra được từ đó những cơ hội để chấn chỉnh chính mình theo lời mời gọi của Phúc Âm.
Từ thời sự, Hội Thánh đã đi tìm về Nguồn. Nguồn là Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa để phân biệt đúng sai. Cái sai thì bỏ, cái đúng thì giữ lại và phát triển.
Ở đây, tôi xin được nói lên vắn tắt nhận xét của tôi về mấy nét đẹp đã làm sáng lên Tin Mừng trên con đường Hội Thánh trở về Nguồn. Tất nhiên không phải đều khắp, nhưng nơi nhiều nơi ít, nhất là tại địa phương tôi.
2. Nét đẹp thứ nhất là đề cao yêu thương.
Tôi rất nhớ cảnh yêu thương trong Hội Thánh địa phương của tôi sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
Mọi người đều gần gũi nhau. Người nọ nương tựa vào người kia để sống. Gánh nặng của người này được người kia chia sẻ. Nhìn bầu khí yêu thương đó, tôi nhớ lại lời thánh Phaolô quả quyết: “Mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn lề luật” (Gl 6,2).
Lúc đó, quan hệ giữa các thành phần trong Hội Thánh là quan hệ yêu thương phục vụ. Hầu như không có phân biệt trên dưới, giàu nghèo. Cảnh đó cho tôi nhận ra sức mạnh liên kết của bác ái như Lời Chúa dạy: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).
Ở một số nơi, đã có những chia sẻ cho nhau đất đai, nhà cửa, lúa gạo, tiền bạc, đồ đạc, quần áo. Chia sẻ cụ thể đó thực hành lời thánh Gioan khuyên: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18).
Tại nhiều nhà thờ và nhiều cộng đoàn, kể cả các tư gia, người ta khuyến khích nhau sống bác ái. Họ tin tưởng sống bác ái là đúng Phúc Âm nhất và cũng đáp ứng nhu cầu thời cuộc một cách thiết thực nhất. Tin tưởng đó không sai, vì thánh Phaolô quả quyết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 3,13). Một bổn phận của đức mến được chúng tôi đề cao là bổn phận yêu thương kẻ khác, dựa theo lời thánh Gioan: “Ai không yêu thương người anh em, mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
Theo tôi, bầu khí yêu thương nhau tuy còn nhiều hạn chế, vẫn làm cho Hội Thánh tại địa phương tôi phần nào được nên giống Hội Thánh các tông đồ xưa. Bầu khí đó toả hương thơm thần thánh, ảnh hưởng nhiều đến việc giới thiệu Tin Mừng cứu độ.
3. Nét đẹp thứ hai là tập trung vào Chúa Giêsu trên thánh giá.
Phải nói thật điều này: Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã là một thử thách lớn đối với đức tin nhiều người công giáo Việt Nam. Thử thách đó đã khiến chúng tôi kiểm tra lại lòng đạo của chúng tôi. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi thấy một điều phải chấn chỉnh ngay, đó là phải xây dựng lòng đạo trên nền tảng đích thực. Nền tảng đó là Đức Giêsu Kitô, như thánh Phaolô quả quyết: “Ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất, vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11). Thánh Phaolô xác định thêm: Đức Giêsu Kitô mà Ngài muốn nói chính là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá. “Hồi tôi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô trên thánh giá” (1 Cr 2,2).
Chính trên thánh giá, Chúa đã mạc khải cách rõ ràng tình yêu thương xót của Chúa. Chính trên thánh giá, Chúa đã tẩy xoá tội lỗi. Chính trên thánh giá, Chúa đã thắng sự chết. Chính trên thánh giá, Chúa đã cứu chuộc nhân loại. Chính trên thánh giá, Chúa đã dạy một cách hùng hồn và thiết thực nhất về giá trị của tình yêu dâng hiến, chấp nhận hy sinh.
Sự tập trung vào Chúa Giêsu trên thánh giá và cầu nguyện với Người đã giúp chúng tôi rất nhiều trong thời gian ngập tràn những thử thách đớn đau. Hội Thánh đi từ thử thách này đến thử thách khác một cách bình tĩnh, bởi vì Hội Thánh ý thức mình không cô đơn, nhưng chình nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô mà Hội Thánh vượt qua mọi khó khăn, để tới mọi chiến thắng thiêng liêng liên quan đến Nước Trời.
4. Nét đẹp thứ ba là tu thân, đi vào đường hẹp.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 được nhiều người của Hội Thánh chúng tôi coi là một cơ hội, để trở về con đường hẹp. Chúa phán: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Từ bỏ mình, vác thập giá mình là đi vào cửa hẹp, đi trên đường hẹp. Chúa Giêsu cảnh báo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào (Nước Trời) vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).
Trên lý thuyết, hầu như mọi người chúng tôi đều thuộc lòng những Lời Chúa dạy trên đây. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế nhiều người, đã có một khoảng cách xa, nhất là khi thực tế cuộc sống là một môi trường mà Chúa nói là cửa rộng và đường thênh thang. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thực tế cuộc sống thay đổi. Sự thay đổi của thực tế cuộc sống được chúng tôi coi là dịp, để sống Lời Chúa một cách trung thực hơn về việc từ bỏ mình, và vác thập giá mình. Có thể nói, chúng tôi sống đời tu thân một cách hữu hiệu hơn và nhạy bén hơn với thánh ý Chúa.
5. Ba nét đẹp trên đây đã hình thành ở nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam. 
Đó là công trình của Chúa. Với ba nét đẹp đó, Hội Thánh địa phương mang một tầm vóc khả kính khi dấn thân truyền giáo.
Tuy nhiên, theo dòng thời gian với những chuyển biến của lịch sử trên lãnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị, ba nét đẹp đó đang có vẻ biến chất ở một số nơi do ảnh hưởng của những trào lưu thế tục. Thí dụ:
• Hội Thánh yêu thương bác ái xem như bị đẩy xuống, nhường chỗ cho một Hội Thánh cơ chế với những luật lệ mới, những ban bệ mới, những hình thức mới nặng về phô trương và phân hoá.
• Hội Thánh Đức Kitô trên thánh giá xem như bị che phủ bởi một Hội Thánh tôn vinh các thành công của các phương tiện trần thế.
• Hội Thánh tu thân và nhạy bén xem ra đang bị lấn lướt bởi một Hội Thánh quyền lực, xơ cứng, coi nhẹ đời sống nội tâm.
Cái nhìn trên đây của tôi khuyên bảo tôi không bao giờ được bằng lòng tự mãn với những gì tốt đang có, nhưng phải chịu khó đợi chờ và tìm tòi những sáng kiến mới. Nhất là tôi phải luôn cầu nguyện và tỉnh thức.
Tình hình hiện nay rất phức tạp. Trước tình hình này, tôi nghe thấy tiếng Hội Thánh kêu mời: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Và đám đông trả lời: “Chúng con đang hướng về Chúa”. Tôi nhớ lại lời thánh vương Đavít nói: “Phúc cho tất những ai tin tưởng nơi Chúa” (Tv 2,13b).
+ Gm. GB Bùi Tuần

0 nhận xét:

Đăng nhận xét