Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Thánh Giuse Thợ
28.04.2012
Ngày 1 tháng 5 là ngày Quốc tế Lao động; trong Giáo Hội Công giáo đó là ngày kính thánh Giuse Thợ, thánh Giuse người lao động. Lễ này được Ðức Giáo Hoàng Piô XII lập ra năm 1955 nhằm đề cao giá trị của lao động và của công nhân, và để cầu nguyện cho tất cả mọi người lao động.
Có người cho rằng Giáo Hội Công giáo thành lập một số lễ trùng với những dịp kỷ niệm hoặc lễ lớn của xã hội là có một ý đồ xấu. Ví dụ trong cuốn tiểu thuyết Ngày Phán Xét của Bá Dũng (Hà Nội 1985), tác giả viết rằng lễ thánh Giu-se ngày 1/5 hoặc lễ Gia đình Na-gia-rét (nhằm ngày 19/8, ngày Cách mạng Tháng 8 thành công) v.v. là để "buộc chân con chiên" trong nhà thờ, không cho họ tham dự mít tinh kỷ niệm (tr.17).
Ðiều quả quyết này hoàn toàn sai. Trước hết không có lễ Gia đình Na-gia-rét nào vào ngày 19/8 cả. Còn lễ thánh Giu-se Công nhân chỉ là một lễ thường, không bắt buộc giáo dân phải tham dự, thì chẳng buộc tay buộc chân ai được. Quả quyết như trên là do không hiểu rõ hoặc do ác cảm.
Thật ra, việc lập một số lễ nhằm vào một số kỷ niệm nào đó về phần đời là một cách nhìn nhận giá trị của chính biến cố phần đời đó. Ðây là một nguyên tắc hành động của Giáo Hội, tức là nhìn nhận, lấy lại, nâng cao, thánh hóa tất cả mọi giá trị "tự nhiên" của nhân loại và mọi tục lệ tốt lành trong các nền văn hoá. Trong tiếng chuyên môn của thần học, người ta gọi nguyên tắc đó là "hội nhập văn hoá".
Trở lại mục đích của ngày lễ thánh Giu-se Công nhân. Lao động là một giá trị căn bản của loài người. Hơn nữa, lao động còn mang một giá trị tôn giáo cao cả. Xã hội đề cao lao động và người lao động, thì Giáo Hội càng vui mừng vì lao động nằm trong thánh ý của Thiên Chúa, và hơn nữa chính Con Thiên Chúa khi làm người đã muốn sinh ra, lớn lên trong một gia đình lao động nghèo và tự tay mình làm việc để sinh sống như mọi người bình thường. Vậy chẳng có lý do gì để Giáo Hội phải cạnh tranh với xã hội cả.
Công Ðồng Va-ti-can II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (số 33-34) đã nhắc lại:
"Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống mình bằng việc làm và tài năng. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, con người đã và đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên... Ngày nay con người đã dùng sức cần lao để tự cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần linh." Vậy đâu là giá trị và ý nghĩa của hoạt động cần lao ấy? Công Ðồng tiếp: "Ðối với các tín hữu, chắc chắn họat động cá nhân và tập thể của loài người, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó là phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người đã nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa phải chinh phục trái đất và cai quản vũ trụ... Những điều nói đây cũng áp dụng cho công việc đơn sơ thường nhật. Thực vậy, khi mưu sinh cho mình và cho gia đình mình, tất cả những người hoạt động để phục vụ xã hội đều có lý để tin rằng nhờ lao động của mình, họ nối tiếp công trình của Ðấng Tạo Hoá, phục vụ anh em, đóng góp vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử. Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng Thiên Chúa, không coi con người là địch thủ của Tạo Hoá mà còn xác tín rằng các thắng lợi của nhân loai là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường của Người".
Ðó là giáo lý rõ ràng của Giáo Hội dựa trên Kinh Thánh.
Tuy nhiên, cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội cũng đã có lúc không đi sát với giáo lý Kinh Thánh, nhưng để cho những lý thuyết xa lạ ảnh hưởng trên thái độ của mình đối với lao động, nhất là lao động tay chân. Có một thời Giáo Hội cũng đã coi lao động tay chân là lao động của người nô lệ, chỉ lao động trí óc, lao động tinh thần mới xứng với người tự do. Vì thế trong ngày Chúa nhật, Giáo Hội cấm làm việc tay chân, nhưng làm việc trí óc vẫn được phép. Qui định này, đúng ra, bao hàm quan niệm của Hy-lạp, không phải của Kitô giáo, về lao động. Và có lẽ cũng là quan niệm Việt Nam ta thời trước: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, Nhất nông nhì sĩ!
Phải khiêm tốn nhìn nhận rằng nhiều khi Giáo Hội đã không tích cực tham gia vào những phong trào đấu tranh gian khổ để bênh vực quyền lợi của người lao động. Không biết từ bao giờ, người Công giáo đã thường nhìn các phong trào công nhân, các nghiệp đoàn và những cuộc đình công, bãi thị với con mắt e dè và ngờ vực nếu không phải là tiêu cực. Mình phần lớn cũng là dân nghèo, Chúa của mình xuất thân cũng là một người lao động tay chân nghèo khó, thế nhưng hễ nghe nói tới đấu tranh cho người nghèo, người lao động thì cứ vẫn dửng dưng, nhiều khi lại còn lo sợ hoặc nghi ngờ! Tôi biết rồi, những người đầu tiên đấu tranh có tổ chức cho giới công nhân ở thế kỷ XIX bên Phương Tây phần nhiều cũng chống lại Giáo Hội vì cho rằng Giáo Hội tiên thiên đứng về phía giai cấp bóc lột, đàng khác lắm khi họ dùng việc đấu tranh cho công nhân như một phương thế để lật đổ trật tự xã hội hiện hành, thiết lập một chính quyền mới của giai cấp công nhân. Ðiều đó vẫn còn đúng mãi về sau, cho đến gần hết thế kỷ XX. Tuyên ngôn Cộng sản của Mác và Ăng-ghen (một tuyên ngôn cho giới công nhân là nạn nhân của chế độ tư bản man rợ thời đầu) đã ra đời năm 1848, nhưng mãi đến năm 1891 Ðức Giáo Hoàng Lê-ô XIII mới ban hành Thông điệp Tân Sự, là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo Hội. Một sự nhập cuộc muộn màng, dù rằng rất cần thiết và hữu ích. Giáo Hội đành phải ngậm ngùi mà ghi nhận rằng Giáo Hội thế kỷ XIX đã đánh mất giai cấp công nhân!
Ngày nay vị trí và vai trò của Giáo Hội đối với các vấn đề của thế giới nói chung và của giới lao động nói riêng đã rất khác so với thời Ðức Lê-ô XIII và ngay cả thời Ðức Piô XII. Lịch sử đã cho thấy rằng rất nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho giới lao động đã không được các ý thức hệ lớn thực hiện. Chủ nghĩa Duy kinh tế và chủ nghĩa Tiêu thụ đã chứng tỏ là không phục vụ lợi ích thực sự và bền vững của con người; cả hai đều bao hàm một quan niệm sai sót về con người. Các nhà nghiên cứu nói rằng thời kỳ của các ý thức hệ đã chấm dứt. Trong tình hình mới, tiếng nói của Giáo Hội ngày càng thêm uy tín. Giáo Hội luôn luôn khẳng định rằng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa chỉ có lý do tồn tại trong sự phục vụ con người và là con người toàn diện, con người trong mọi chiều kích của nó, cá nhân và xã hội, thể xác và tinh thần, "tự nhiên" và siêu việt.
Thánh Lô-ren-sô Tử đạo nguyên là một thày Phó tế của Ðức Giáo Hoàng Xit-tô II, thế kỷ thứ III, và là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rô-ma. Khi biết mình sắp được phúc tử đạo, ngài đã bán nhiều tài sản của Giáo Hội và phân phát cho người nghèo. Thật ra, thường ngày Giáo Hội đã phải nuôi khoảng 1.500 người nghèo rồi. Thị trưởng Rô-ma nghe tin, liền ra lệnh cho ngài phải nộp các của cải Giáo Hội cho Hoàng đế. Lô-ren-sô xin khất ba ngày để gom đủ tài sản, kỳ thực thì trong thời gian đó ngài qui tụ một đám thật đông những người mù loà, tàn tật, đau yếu, cô nhi…, rồi đến ngày hẹn, ngài dẫn cả đám người khốn khổ ấy đến dinh thị trưởng và nói: "Ðây là tài sản của Giáo Hội chúng tôi".
Ưu thế của Giáo Hội xưa nay khi bàn đến các vấn đề xã hội vẫn chỉ là Con Người và mối ưu tiên dành cho người nghèo.


Lm Nguyễn Hồng Giáo ofm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét