Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Tuổi già lạc quan
17:10 23 thg 8 2012Công khai0 Lượt xem1
 
Posted: 22 Aug 2012 01:47 PM PDT
VRNs (23.08.2012) – Sài Gòn –  Bây giờ là hai giờ chiều, chúng tôi vừa trở về lớp học của mình sau một buổi thực tế tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa, trong đầu hãy còn váng vất giọng cười sảng khoái của cha Luy Trần Phúc Vỵ, vẻ mặt giả vờ hờn dỗi rất đáng yêu của mẹ Oanh và một không gian bàng bạc niềm lạc quan yêu đời ngay giữa nơi cuộc sống dần ngắn lại.
Nói tên “Chí Hòa”, chúng tôi chỉ có thể nghĩ tới khám Chí Hòa mà thôi, nhưng hôm nay chúng tôi biết thêm một địa chỉ mới cũng gắn với tên “Chí Hòa” có từ 20 năm qua do cố Đức tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thành lập. Chỉ có điều, Chí Hòa mới này không phải là nơi của phạm nhân, mà là nơi của những vị đã dành cả đời mình để phục vụ tha nhân. Giờ đây, khi tuổi già sức yếu, các ngài được đưa về đây chăm sóc và nghỉ ngơi lúc xế chiều bởi các nữ tu dòng Saint Paul. Hiện tại ở đây có 11 cha. Tên đầy đủ của nơi ấy là Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa.
Chúng tôi đến nhà hưu dưỡng vào một buổi sáng cuối tháng bảy, chỉ với ý định thu thập thông tin về sự tẻ nhạt, buồn chán hay cô đơn của các cha để viết bài, hoàn toàn không mảy may nghĩ đến một câu chuyện tiếu lâm nào đó lại có thể xuất hiện ở nơi ấy. Đó là suy nghĩ của chúng tôi và của nhiều người khác sống bên ngoài nghĩ vào. Nhưng chưa chắc người bên trong buồn và người bên ngoài vui đâu nhé.
Chính vì định kiến ấy mà chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi bước vào phòng cha Phêrô Dư Tác Thiện. Cha Thiện năm nay tròn 90 tuổi, vẻ mặt phúc hậu và rất hiếu khách. Ai tới thăm cha cũng tặng cho một chuỗi tràng hạt đã làm phép. Lúc chúng tôi vào, trên bàn cha đã có tờ Thanh Niên đặt ngay ngắn. Cha mở tờ báo ra, chậm rãi đọc cho chúng tôi nghe cái tít “Trung Quốc tự làm tổn hại mình”, rồi quay sang hỏi tôi: “Con có theo dõi vụ Biển Đông không?”. Có đặt ra hàng trăm câu hỏi giả thiết, chúng tôi cũng không ngờ rằng cha sẽ hỏi câu hỏi này. Câu hỏi của cha trả lời cho chúng tôi biết cha vẫn theo dõi cuộc sống hằng ngày như cây cổ thụ, còn sống là còn hút nhựa sống bằng tất cả giác quan.
Không phải chỉ một mình cha Thiện còn say mê với đời, mà cha Phêrô Lê Thành Khoái cũng là một mẫu người đáng học hỏi. Cha Khoái đi tu lúc 10 tuổi và nhậm chức linh mục năm 1968, năm nay cha 71 tuổi. Hằng ngày, nếu không giải tội hoặc làm lễ, thì toàn thời gian còn lại, cha dành để thâu băng Đài Chân Lý Á Châu. Phòng cha rất bề bộn, sách báo rải rác khắp phòng, và từng chồng băng thâu xếp cao ngất ngưởng, nhưng cha nói đó là một sự bề bộn có sắp xếp. Cha có một cái máy catset để thâu âm để thâu tất cả những gì cha thích. Từ tin tức đến phụng vụ giờ kinh, truyện ngắn đến triết thần học cha cũng thâu. Cha nói: “Vì tính thích giữ lại những gì hay hay nên thâu băng vậy thôi. Cái tính đó bây giờ hóa ra lại hay, nó làm mình thấy cuộc đời dễ thương”.
Tuy nhiên, đến cha Luy Trần Phúc Vỵ thì tôi thấy tuổi già mới dễ thương làm sao. Trên đường xuống nhà bếp, tôi đi ngang qua phòng ăn và lấy làm lạ khi nghe giọng hát của Whitney Houston và Mariah Carey vang lên ngọt ngào. Nhìn vào, chúng tôi thấy một cha già đang chăm chú xem phim hoạt hình “Mose, Hoàng tử Ai Cập” và lắc lư theo nhịp điệu bài hát “When You Believe”. (Cha làm tôi nhớ lại tuổi ấu thơ của mình vì chúng tôi sẳn sàng bỏ ăn để được xem phim hoạt hình). Chúng tôi nhẹ nhàng tiến lại từ phía sau để tránh làm gián đoạn giây phút tự nhiên của cha, nhưng chẳng được bao lâu, cha phát hiện ra chúng tôi. Dường như cha vừa băng qua biển đỏ cùng Mose nên khi nhìn thấy chúng tôi, cha đột ngột đứng dậy vẻ giật mình, gương mặt còn lấm tấm mồ hôi. Cha kéo ghế mời chúng tôi ngồi và chúng tôi không hề biết là mình sắp được khám phá một con người thú vị.
Cha năm nay 88 tuổi, giọng nói còn trong và gương mặt hơi nghiêm. Ngồi trước mặt cha, chúng tôi không dám hó hé điều gì hài hước cả, thế mà, chính cha lại là một cây hài mang tiếng cười đến cho cả khu nhà hưu dưỡng. Cha giới thiệu về mình tỉnh bơ như sau: “Tôi là một người rất tham ăn, đố ai lấy được đồ ăn của tôi”. Sau đó cha đẩy tới trước mặt chúng tôi một cái khay, trong đó có đủ các lọ to nhỏ khác nhau, rồi cha nói: “Đây là sữa Ensure, còn đây là, các bạn nam nghe thôi, các bạn nữ không được nghe lén nhé, đây là sữa cô gái Hà Lan”. Nói xong, cha cười khoái chí, tiếng cười giòn giã như bánh đa.
Cha đi tu từ năm 11 tuổi và bắt đầu học tiếng Pháp và tiếng La Tinh từ khi ấy. Sau khi học xong tú tài, cha qua Rôma tiếp tục học đại học, vì thế mà biết thêm tiếng Ý. Những tháng hè rảnh rỗi, cha xin qua Luân Đôn mục vụ, suốt ba mùa hè như thế, thành thử tiếng Anh thấm vào người lúc nào không hay. Năm 1951, cha trở về Việt Nam và làm việc tại miền Bắc. Năm 1954, do biến chuyển thời cuộc, cha di cư vào Nam và làm chánh xứ giáo xứ Gò Công Trao Trảo – Thủ Đức (nay thuộc Quận 9) cho đến nay. Cha kể Đức Tổng Bình nói cha về nhà hưu dưỡng làm ba việc: “Thứ nhất: cầu nguyện. Thứ hai: nghỉ ngơi. Thứ ba: chờ chết. Hai việc đầu cha làm tốt, còn việc thứ ba cha không làm. Ngu gì chờ chết, còn sống ngày nào thì phải sống trọn vẹn ngày đó chứ”. Nói xong, cha lại cười sung sướng. Có lẽ vì suy nghĩ đó mà cha thích đùa, thích chọc giận cho các mẹ nấu bếp tức lên rồi sau đó cười ha hả như không có chuyện gì.
Các mẹ nấu bếp dường như quá hiểu tâm lý của các cha, cũng hùa theo đùa vui khiến khu nhà rộng lớn như có một sức sống lặng lẽ nhưng mãnh liệt. Còn chúng tôi, quá ấn tượng trước những gì được chứng kiến, đã xin phép được chụp cha Vỵ một tấm hình, và trong tấm hình đó, là một nụ cười rất rạng rỡ vui tươi.
Stephano Nguyễn Thanh Vân Giuse Dương Duy Khang - Têrêsa Trần Hoài Thương - Maria Trần Thị Trung Thu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét