Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012


Định hướng chương trình mục vụ ơn gọi giáo phận Vinh

 “Hãy Theo Thầy” (Ga 21,19)
(Gặp gỡ và tĩnh tâm Dự Tu tại Trại Gáo từ ngày 04-05/8/2012)
Các bạn Dự Tu thân mến,
Đến hẹn lại lên! Trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2012 tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh chúng ta đã hẹn nhau là sẽ gặp lại vào mùa hè. Hôm nay chúng ta lại được gặp gỡ nhau tại linh địa Trại Gáo để tĩnh tâm và suy nghĩ về ơn gọi trước khi bước vào năm học mới. Đây là cơ hội thật quý báu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chương trình này nói lên sự quan tâm của Đức Giám mục giáo phận và Ban Giáo Dục Kitô Giáo về việc đào tạo ơn gọi. Thay mặt Ban, chúng tôi hân hoan chào mừng các bạn trẻ đã đến với chương trình mục vụ ơn gọi giáo phận!
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi đã nói với các bạn mục đích của chương trình mục vụ ơn gọi là để giúp các bạn khám phá lời mời gọi của Thiên Chúa và biết phân định ơn gọi khi quảng đại đáp trả lời mời gọi của Ngài.
Trong lần gặp gỡ này, tôi muốn giới thiệu với các bạn định hướng chương trình mục vụ ơn gọi giáo phận Vinh.
1. Các giai đoạn chuẩn bị ứng sinh linh mục
Thưa các bạn, việc đào tạo linh mục là một tiến trình chuẩn bị lâu dài bao gồm ba giai đoạn chính:trước chủng viện, tại chủng viện và sau chủng viện.
Đây là một hành trình dài thăm thẳm, tiệm tiến và khó khăn, cần ơn Chúa cũng như sự cố gắng con người. Cả ba giai đoạn đều nhắm đến mục đích giúp ứng sinh khám phá, thanh luyện và cũng cố động lực ơn gọi linh mục; đồng thời giúp ứng sinh rèn luyện và kiện toàn những khả năng, phẩm tính thích hợp cho đời sống linh mục tương lai theo bốn phương diện: nhân bản, tu đức, trí thức và mục vụ.
Theo chương trình này, các bạn đang ở giai đoạn đầu tiên, giai đoạn trước Chủng Viện. Đây là giai đoạn chuẩn bị xa, nhưng rất cần thiết để định hướng cuộc sống, chuẩn bị và phân định ơn gọi. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn Dự Tu.
Giai đoạn Dự Tu là thời gian tìm hiểu ơn gọi: qua sự giới thiệu của cha xứ và khích lệ gia đình, các bạn ghi danh vào Nhóm tìm hiểu ơn gọi với Ban Giáo Dục Kitô Giáo giáo phận. Trong thời gian này, các bạn vẫn tiếp tục sống trong gia đình, hoặc theo học ở các trường Đại Học, Cao Đẳng… Trong khi là một sinh viên như những sinh viên khác, nhưng trong lòng các bạn nuôi dưỡng quyết tâm theo đuổi lý tưởng tu trì.
Sau khi các bạn tốt nghiệp, các bạn sẽ trải qua một kỳ tuyển sinh vào Đại Chủng Viện để xét duyệt về sức khỏe thể lý và tâm lý, về kiến thức Giáo Lý, Kinh Thánh, xã hội và văn hóa, về đạo đức cũng như ý hướng của ơn gọi. Nếu các bạn đủ các tiêu chuẩn xứng đáng và phù hợp cho đời sống linh mục tương lai theo Giáo Luật quy định, thì các bạn sẽ được chọn vào Tiền Chủng Viện Xã Đoài để huấn luyện 2 năm. Sau hai năm chuẩn bị, nếu xét thấy phù hợp và đủ điều kiện, các bạn sẽ được chọn vào Đại Chủng Viện để được đào tạo 6 năm, 2 năm triết học, 1 năm giúp xứ và 4 năm thần học, rồi ra trường, Bề Trên xét duyệt lần nữa để được chịu chức phó tế và linh mục.
2. Giai đoạn khám phá động lực ơn gọi
Chính vì thế, theo Hướng Dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về đạo tạo linh mục số 213-216[1], trong giai đoạn tìm hiểu ơn gọi, các bạn được mời gọi khám phá, thanh luyện động lực ơn gọi và chuẩn bị những đức tính cũng như những khả năng thích hợp để theo Chúa:
a. Về việc khám phá động lực ơn gọi
Trước hết, các bạn cần khám phá động lực nào thúc đẩy bạn muốn trở thành linh mục hay tu sĩ. Có những động lực ta ý thức được, tuy nhiên, có những động cơ vô thức ta không ý thức nhưng chúng vẫn thúc đẩy chúng ta; cũng có những động lực siêu nhiêu mời gọi và hấp dẫn chúng ta: Phải chăng tôi đi tu là vì lòng yêu mến Chúa hay vì thấy các cha được kính trọng? Tôi muốn làm linh mục để thoát ly đời sống gia đình bất hạnh, để có địa vị cao hay vì lý tưởng phục vụ? Hay tôi đi tu để được thoải mái, không vất vả lo gia đình? Tôi đi tu để thỏa mãn tham vọng của cha mẹ hay tôi đi tu vì muốn trốn đời, vì sợ đàn ông hay đàn bà, và để được oan toàn v.v…? Đó là những câu hỏi luôn đặt ra để các bạn khám phá động lực của ơn gọi của mình.[2]
Tiếp đến, các bạn cần thanh luyện những yếu tố “trần tục” trong ước muốn trở thành linh mục. Từ đó, các bạn phải vun trồng động lực chính đáng của ơn gọi. Đó là muốn biết và yêu mến Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu và muốn giúp người khác cũng nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu và theo Chúa Giêsu. Đây là “ý hướng ngày lành” để theo Chúa, là động lực chính yếu và căn bản của ơn gọi tu trì.
Về điểm này, các bạn cần có xác tín như thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Đó là chọn lựa căn bản của Đức Tin, dựa trên chọn lựa đó, các bạn xây dựng đời mình và dự phóng tương lai, các bạn sống, suy nghĩ, và hành động theo chọn lựa đó.
b. Những đức tính và khả năng thích hợp mà các bạn cần rèn luyện
Trước hết, về nhân bản: các bạn cần trau dồi những đức tính nhân bản để làm một con người tốt trước khi là một kitô hữu tốt và một linh mục hay tu sĩ tốt. Sự trưởng thành nhân bản là nền tảng cần thiết cho sự trưởng thành kitô hữu cũng như cho đời sống tu trì. Tâm lý gia S. Peck có lý khi nói rằng: “Con đường nên thánh là nẻo đường ngang qua sự trưởng thành nhân bản”.
Các đức tính nhân bản mà các bạn cần trau dồi được tóm tắt trong các chữ: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Hiếu, Trung. Nghĩa là các bạn biết trở thành những con người có lòng nhân ái, lễ phép, biết kính trọng người khác, lịch sự trong giao tiếp, biết giữ lời nói, sống có hiếu thảo với cha mẹ và trung thành với các giá trị luân lý và đạo đức. Đặc biệt khi sống giữa đời trong môi trường Đại Học, các bạn biết làm chủ chính mình, trưởng thành về tình cảm và có tương quan lành với nữ giới. Không chạy theo sự dễ dãi, hời hợt, chụp giật và gian dối của xã hội hiện nay. Không rơi vào các tệ nạn xã hội cũng như lối sống buông thả, phi đạo đức và vô luân. Nếu một ứng sinh ơn gọi tu trì sống buông thả, tự do trong quan hệ và lương tâm luận lý chai lỳ thì đó là dấu chỉ rõ ràng cho thấy người đó không thể theo đuổi đời sống tu trì.
Về tri thức, các bạn cố gắng học tốt chương trình ở trường học. Ngoài ra, cần trau dồi kiến thức căn bản về Đức Tin, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và Kinh Thánh; tham gia các lớp học Giáo Lý và sinh hoạt trong các giáo xứ nơi mình sống. Một ứng sinh ơn gọi phải là một người biết học hỏi không ngừng.
Về đạo đức, các bạn tập sống cầu nguyện mỗi ngày bằng cách thực hành chuyên cần các việc đạo đức như đọc kinh sáng tối, tham dự thánh lễ, xét mình mỗi ngày, hy sinh, làm việc bác ái… Tham gia vào nhóm chia sẻ Lời Chúa và tĩnh tâm cá nhân hàng tháng (nếu có thể) để càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và khát khao phục vụ nơi các bạn. Trong lúc chưa thể tổ chức các cơ sở để quy tụ các bạn dự tu ở các miền, chúng tôi đề nghị các bạn liên lạc với nhau và thành lập các nhóm để hàng tháng sinh hoạt và nâng đỡ nhau trong đời sống ơn gọi ở các miền Hà Nội, Vinh, Huế, Sài Gòn v.v…
Theo danh sách đăng ký vào Nhóm Dự Tu giáo phận, hiện nay đã có 310 bạn, trong đó 212 bạn thuộc Nghệ An, 79 bạn thuộc Hà Tĩnh, 19 bạn thuộc Quảng Bình. Trong đó có 200 bạn đang học hoặc đã tốt nghiệp Cao Đẳng và Đại Học là, 110 bạn đang học và đã tốt nghiệp Trung Học. Đó cũng là một con số rất ý nghĩa cho thấy ơn gọi của giáo phận rất dồi dào.
3. Chủ đề cho cuộc gặp gỡ
“Hãy theo Thầy” (Ga 21,19) là chủ đề được chọn cho cuộc gỡ này. Chủ đề này nói lên cái căn bản nhất của ơn gọi dâng hiến. Chính Chúa gọi các tông đồ và các ông dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Ơn thiên triệu là gì nếu không phải là lời mời gọi của Thiên Chúa và đồng thời cũng là lời đáp trả của con người trước lời mời gọi đó. 
Chúng tôi ngưỡng mộ các bạn đã nhạy bén lắng nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa và quảng đại bày tỏ ước muốn bước theo Ngài qua việc tham dự chương trình này, dù cuộc sống hôm nay đầy những lối rẽ hấp dẫn mời mọc các bạn.
Kính chúc các bạn có được nhiều ơn Chúa và nhiều kết quả tốt đẹp trên con đường tìm hiểu ơn gọi.
Chân thành cảm ơn!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét