Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Posted: 19 Aug 2012 02:48 PM PDT
VRNs (20.08.2012) – Hà Nội – Vào lúc 10g00 sáng Chúa nhật XX thường niên, 19/08/2012, giáo xứ Thái Hà – DCCT Hà Nội hân hoan chào đón 38 anh chị em Dự tòng gia nhập Giáo hội Công giáo.
Thánh lễ hôm nay do Cha Giuse Nguyễn văn Phượng Chính xứ Thái Hà chủ tế, đồng tế với Ngài có Cha Phêrô Phạm Xuân Lộc (giảng lễ) và cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh.
Sau một thời gian học hỏi giáo lý, họ được chấp thuận gia nhập Đạo Công giáo
Nghi thức tiếp nhận các Dự tòng ngoài cửa Nhà thờ (Giáo hội)
Đặt tay cầu nguyện cho các Tân tòng
Ban Bí tích Thêm sức
Lãnh nhận Bí tích Thánh Thể

Dominic Tú


Posted: 19 Aug 2012 01:42 PM PDT
VRNs (20.08.2012) – Sài Gòn – Có một lá thư viết đã lâu, gần năm trước, không gửi cho tôi nhưng tôi tình cờ đọc được và cứ băn khoăn mãi. Sở dĩ tôi đọc được là vì thư ấy là dạng thư rơi, nặc danh, và tôi băn khoăn vì là thư ấy lên án nặng nề một số mục tử và dân Chúa trong Hội Thánh, lại mang một cái tựa đề rất kêu: “tìm một đường hướng giải quyết”.
Lá thư ấy là loại nặc danh, ký tên là Một tín hữu. Tác giả còn rào đón “Nếu quí vị cho tôi là “hèn nhát” thì tôi cũng đành chịu”. Câu này làm người đọc bật cười. Thời đại này mà đánh các mục tử thì những người có quyền chức trong xã hội sẽ khen thưởng ngay, có cần can đảm gì đâu mà bảo nặc danh là hèn nhát. Tác giả ấy mà nói đến các vấn đề xã hội, động đến những người có quyền thì mới đặt vấn đề gan góc hay hèn nhát chứ.
Do vậy mà tôi nghĩ ngay: anh “tác giả” này sợ những điều mình viết là sai lạc và lỗi bác ái, hoặc có ý đồ gì khác mới không ghi danh tánh. Nhưng một điều khiến tôi và chắc chắn những tín hữu khác, tín hữu giáo sĩ và tín hữu giáo dân, sẽ không vui vì cách ký tên “Một tín hữu” như thế.
Gần một năm băn khoăn cho một lá thư nặc danh, quả là mình làm điều ngớ ngẩn. Nhưng vấn đề là liệu loại thư rơi ấy có ảnh hưởng nhiều đến Hội Thánh và những người nghèo, người thấp cổ bé miệng, người đang chịu áp bức không.
Khi gặp một vấn đề xã hội, tôi thường muốn đối chiếu với Giáo huấn Xã Hội Công giáo, xem nó có phù hợp với Giáo huấn không…
Mới đây, khi nghe dân biểu Paul Ryan, Wisconsin, chủ tịch ủy ban Tài Chánh cuả Hạ viện Hoa Kỳ ra ứng cử phó tổng thống Mỹ, người ta cũng trích lại lời của ĐGM Stephen Blaire, giáo phận Stockton, California, chủ tịch ủy ban Công Lý và Phát Triển Con Người của Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ. Đức Cha muốn nhấn mạnh đến một nguyên tắc Công giáo là “ưu đãi cho người nghèo và người dễ bị tổn thương”, trong khi Ryan lại nghĩ đến nguyên tắc khác mà quên điều quan trọng này.
Ryan làm tôi nghĩ đến “tác giả” thư rơi “Một tín hữu” nhiều hơn. Trong thư rơi dài và dài dòng ấy, “tác giả” nhấn mạnh đến quyền sở hữu, khó khăn xã hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng… Rồi “tác giả” lên án việc “kêu gọi cầu nguyện rộng rãi”, cho rằng như thế là “tục hoá việc cầu nguyện”.
Lối lập luận ấy làm người ta nghĩ đến việc các Tông đồ không cho phép trẻ em đến với Chúa hoặc đám đông khiến người bất toại không đến xin Chúa chữa được. Chắc là các vị ngày xưa (cũng như “tác giả Một tín hữu”) cho rằng trẻ em, người bệnh tật hay người nghèo, người bị bỏ rơi không có quyền cầu nguyện.
Miếng bánh trên bàn rơi xuống đất để cho con chó con ngoạm lấy có phải là miếng bánh bị tục hoá không? Xin nhường người phụ nữ ngoại giáo trả lời cho anh bạn Một tín hữu.
Vấn đề mà tôi cứ nghĩ ngợi hoài là chỗ này. Một người tín hữu thật sự, dù chỉ là tín hữu giáo dân như chúng tôi, thì cũng phải biết rằng công bằng là một điều răn và một nhân đức.
Khi một người ăn cắp cây bút của bạn rồi thống hối, đi xưng tội. Cha giải tội bảo trả lại cây bút, không phải vì quyền sở hữu hay vụ tranh chấp cây bút, mà vì công lý, công bằng và cả lòng nhân ái nữa. Anh “Một tín hữu” cứ bảo là chuyện đất đai, chuyện này chuyện nọ… Không, đó là điều răn và nhân đức.
Anh bạn “Một tín hữu” của chúng ta lại sợ rằng “93% người ngoài Công giáo ở Việt nam ngày  nay biết gì về Giáo hội?” Rồi anh cho rằng khi lấy lại được miếng đất, chúng ta sẽ làm giảm sút sự quý mến của người ngoài Công giáo. Tôi không nghĩ rằng đây là nguỵ biện, bởi vì dù nguỵ biện thì cũng có chút lý lẽ (dù là lý vòng vo và lạc hướng). Cái lối nói của anh “Một tín hữu” này thì không có chút “biện” nào mà chỉ là nói cho có, không suy nghĩ cho kỹ và không cần biết người đọc nghĩ gì.
Hãy nhìn xem những năm qua, số người thiện cảm với Hội Thánh Việt Nam tăng lên rõ rệt nhờ những hành động và sự lên tiếng cho công lý như thế nào. Mới đây ba cô gái trẻ can đảm và nổi tiếng, được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mà ai cũng biết. Rồi những buổi cầu nguyện cho công lý hoà bình, anh bạn “Một tín hữu” có đến xem có bao nhiêu người ngoài Công giáo đi tham dự Thánh Lễ?
Sau khi phân tích thử vài nét như thế, chắc ai cũng thấy là thư nặc danh kia đã lỗi rất nhiều khi tham chiếu với Giáo huấn Xã Hội Công giáo, là “nguyên tắc để suy tư, tiêu chuẩn để phán đoán và hướng dẫn để hành động”.
Khi anh suy tư, phê phán không theo Sự Thật, Tình yêu, Công lý thì anh đã tước đoạt Tự do của người bị anh phê phán. Một thư rơi mà không phù hợp các giá trị mà Giáo Huấn Xã Hội đưa ra thì có đáng cho chúng ta chú ý không?
Một năm phải vướng bận và đối chiếu lá thư ấy đủ cho tôi thấy và tin rằng Hội Thánh và con cái mình không được coi là xa lạ những gì liên quan đến phận người, và không được lập luận kiểu tránh né để bỏ quên bất kỳ một ai.
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, trong bài giảng tại La vang trong Đại hội vừa qua đã nói “Như lời của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ trở thành những người tín hữu tốt và công dân tốt, và chúng ta sẽ trở thành những công dân tốt nếu như chúng ta là những Kitô hữu tốt.”
Ngài giải thích: “Trong thực tế hôm nay, người tín hữu có bổn phận phải tham gia vào việc xây dựng xã hội và củng cố những giá trị mang tính xã hội. Nuôi dưỡng niềm hy vọng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và tạo những điều kiện thuận lợi để kiến tạo hòa bình và sự phát triển hài hòa bằng các nguyên lý Phúc Âm.”
Như thế, đừng ai “cãi” lời của đấng đại diện Đức Thánh Cha để nói rằng làm người Công giáo tốt là biết tán đồng những gì sai lạc.
Giáo hội dạy rằng con cái mình phải “trở thành người có khả năng đem hoà bình đến nơi xung đột, gầy dựng và nuôi dưỡng các mối tương quan huynh đệ ở nơi có hận thù, đi tìm công lý ở nơi còn đầy cảnh người bóc lột người.”
Anh bạn “Một tín hữu” viết: “Chúng ta nhấn mạnh đến việc loan báo Tin Mừng nhưng có khi nào chúng ta tự đặt cho mình những câu hỏi trên?” (tức là hỏi về sứ vụ loan báo Tin Mừng). Hy vọng những suy tư và tham chiếu này giúp anh bạn đỡ băn khoăn hơn, và giúp anh “tìm một đường hướng giải quyết” cho các phê phán của anh.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
Posted: 19 Aug 2012 01:07 PM PDT
VRNs (20.08.2012) – California, USA – Tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam với vụ nhà cầm quyền tấn công thô bạo gần đây tại Con Cuông, Giáo Phận Vinh, đã khiến đông đảo tín hữu tại vùng Bắc Cali qui tụ trong một thánh lễ và thắp nến cầu nguyện hiệp thông vào tối ngày 17 tháng 8, 2012 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam San Jose.
Buổi lễ được Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Hoa Kỳ, phối hợp với Linh Mục Đặc Trách Mục Vụ Việt Nam Giáo Phận San Jose, tổ chức. Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange County, đã chủ trì thánh lễ và cuộc đốt nến, cùng 14 linh mục và phó tế hiện diện.
Vào ngày 1 tháng 7 vừa qua, trong khi làm việc phụng tự, các tín hữu tại Con Cuông, Nghệ An, đã bị các lực lượng công an, dân phòng, và côn đồ do nhà nước bảo kê đến quấy rối, sách nhiễu và đánh đập tàn nhẫn. Họ đã dùng vũ lực chiếm đoạt nhà nguyện, lăng mạ Mình Thánh Chúa, đập nát tượng Đức Mẹ. Tình cảnh còn tồi tệ hơn sau đó khi nhà cầm quyền tiếp tục phô trương vũ lực nhằm đe dọa bắt bớ, xử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để bóp méo sự thật, vu cáo các nạn nhân vô tội.
Trước tình hình đó, Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh đã khẩn thiết kêu gọi các tín hữu và mọi người thiện chí hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân bị bách hại, và mạnh mẽ lên tiếng bênh vực cho quyền tự do tôn giáo, xây dựng công lý và hòa bình.
Đáp lại lời kêu gọi, nhiều nơi đã tổ chức các buổi thắp nến để thể hiện tinh thần hiệp thông và tình liên đới. Linh mục Phan Quang Cường, Chủ Tịch Công Giáo Miền Tây Liên Đoàn, trưởng ban tổ chức, nói rằng, “Buổi lễ nhằm đền tạ Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ đã bị xúc phạm trầm trọng, cũng như để thể hiện tinh thần hiệp thông và tình liên đới với các tín hữu tại Việt Nam, đặc biệt tại Giáo Điểm Con Cuông, Giáo Phận Vinh.”
Trong bài giảng thánh lễ, linh mục Đinh Đức Hảo, Đặc Trách Mục Vụ Việt Nam Giáo Phận San Jose, nói, “Từ xa xôi ngàn dặm, dẫu thuộc tôn giáo nào, trước thảm cảnh nầy chúng ta đều thấy như chính mình bị đàn áp.”  Tiếp đó, ngài dẫn lời của nhà bác học Einstein, “Thế giới nầy là một nơi sinh sống đầy nguy hiểm, không phải vì sự ác đầy rẫy, mà vì nhiều người im lặng, không làm gì cả để đối phó″. Ngài nói, “Im lặng trước tình hình đó là tạo điều kiện cho sự ác nẩy nở; vì thế, chúng ta phải thắp nên ngọn nến của ánh sáng để xóa tan bóng tối.”
Ngài tiếp, “Làm người môn đệ của Chúa, đấng của sự sáng, chúng ta tin rằng ánh sáng sẽ xóa tan bóng tối. Vậy thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, chúng ta hãy thắp nên một ngọn nến.  Chúng ta họp nhau đây để cầu cho anh chị em chúng ta được lòng tin sắt son trong đau khổ, để trung thành trong thử thách, tiếp tục sống đức ái yêu thương, và cho sự thật đến để giải thoát”.
Sau thánh lễ, đoàn đồng tế đã hướng dẫn mọi người ra đài Đức Mẹ để làm giờ phạt tạ. Mỗi người, tay trong tay với ngọn nến lung linh, đã cất lên những lời kinh tha thiết:
“Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, nhiều ai oán bất công lan tràn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, cho Việt Nam qua phút nguy nan”.
Trần Hiếu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét