Thánh lễ đặt viên đá góc xây dựng nhà thờ giáo xứ Liên Hòa và khánh thành nhà vượt lũ họ Xuân Nghĩa (xứ Chợ Sàng)
02.08.2012
Liên Hòa, một giáo xứ chưa đầy 6 năm tuổi, được tách từ giáo xứ Chợ Sàng vào ngày 13/10/2006, gồm 3 giáo họ Liên Nghĩa, Tiên Nghĩa và Tân Nghĩa. Năm 2002, cha Antôn Hoàng Tiến Diễn được bổ nhiệm về quản xứ Chợ Sàng, nhận thấy trên cánh đồng mục vụ rộng lớn gồm 7 giáo họ, trong đó 4 họ là vùng cồn bãi, việc đi lại tham dự thánh lễ hàng tuần vào ngày Chúa Nhật tại giáo xứ Chợ Sàng bằng đò giang cách trở, rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Trước hoàn cảnh như vậy, Cha xứ Antôn đã ngỏ ý và hướng dẫn giáo dân họ Liên Hòa làm đơn xin tách xứ. Với nguyện vọng chính đáng đó, Bề trên giáo phận đã chấp thuận và quyết định thành lập giáo xứ Liên Hòa tách từ giáo xứ mẹ Chợ Sàng.
Giáo xứ Liên Hòa hiện nay tọa lạc trên vùng đất Cồn Niệt, một trong những cồn, đảo nhỏ thuộc hạ lưu sông Gianh. “Được ôm trọn bởi dòng sông hiền hoà thơ mộng, dòng Sông Thiêng mang hơi mát cho vùng đất cát trắng Liên Hòa vào những ngày hè nắng nóng. Nhưng cũng chính dòng Linh Giang này, cứ đến hẹn lại về, mùa mưa lũ khiến nó trở nên hung dữ”, nhiều lúc người dân nơi đây tưởng như đành chấp nhận buông trôi tất cả theo dòng nước dữ. Đã qua bao đời nay, người dân sống trên cồn bãi này đều phải hứng chịu cảnh nước lũ tràn về cuốn trôi đi những gì chắt chiu dành dụm được trong suốt một năm. Không ai nhớ rõ, tự bao giờ, trên cồn bãi này, cha ông họ đã đến định cư và gieo trồng hạt giống đức tin. Cái tên Cồn Niệt, Cồn Quan đã trở thành máu thịt, vì thế dẫu cho phải đối diện với bao khó khăn thiên tai nhưng họ vẫn một lòng bám trụ với mảnh đất trải qua bao thế hệ cha ông đã từng “nếm mật nằm gai”, đã tạc hồn mình thành hình hài vóc dáng của một xóm đạo kiên vững qua bao tháng năm. Theo những nguồn sử liệu về quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ Liên Hòa, từ những năm đầu của thế kỷ XX, đã có hai cộng đoàn họ đạo được thành lập trên vùng đất Cồn Niệt và Cồn Quan, với khoảng gần 200 nhân danh. Chiến tranh, thiên tai như một thứ “đặc sản” của vùng đất Quảng Bình, đã có nơi có thời bị tàn phá bình địa, và cồn bãi trên hạ lưu dòng Sông Thiêng này cũng không nằm ngoài những vùng đất “xấu số” ấy. Đã có hàng chục năm trời, cộng đoàn đức tin nhỏ bé này phải dùng nhà dân để làm việc thờ phượng Chúa.
Nhận thấy việc sử dụng nhà dân làm nơi sinh hoạt phụng tự gặp nhiều khó khăn, nên đầu năm 1991, Cha Phêrô Maria Nguyễn Công Bình quản xứ Chợ Sàng, đã tổ chức cuộc họp gồm các ban ngành và giáo dân hai họ Cồn Quan và Cồn Niệt, đi đến thống nhất sát nhập thành một giáo họ, sau đó tiến hành làm thủ tục, được giáo phận và các cấp chính quyền chấp nhận, lấy tên là Liên Hòa và nhận Quan thầy là Thánh Gia Thất.
Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng vào năm 1989. Qua hơn 20 năm chống chọi với mưa nắng khắc nghiệt của miền Trung, nay đã xuống cấp và chật chội, không đủ để phục vụ cho gần 3000 giáo dân tham dự thánh lễ. Ngay từ khi được Bề trên giáo phận bổ nhiệm về quản xứ Liên Hòa, cha Micael Hồ Thái Bạch luôn ước mong có được điều kiện để sớm xây dựng lại ngôi Nhà thờ mới, nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ ngày càng lớn của giáo xứ. Và mong ước của ngài nay đã thành hiện thực.
30/7/2012 là một ngày đáng ghi nhớ đối với gần 3000 giáo dân giáo xứ Liên Hòa. Đức cha Phaolô đã về chủ sự nghi thức đặt viên đá góc, khởi công xây dựng ngôi nhà thờ giáo xứ Liên Hòa, đồng tế với ngài có quý cha trong và ngoài giáo hạt Hòa Ninh, cùng đông đảo giáo dân và khách mời hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho công trình Nhà Chúa sớm được hoàn thành. Cùng với những công trình phúc lợi khác như lắp đặt máy lọc nước dùng trong sinh hoạt thường nhật, giải quyết được vấn nạn thiếu nước uống cho giáo dân, công trình Nhà Chúa hôm nay là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của giáo xứ Liên Hòa: Nhìn lại những chặng đường quá khứ, với những mốc thời gian đáng ghi nhớ trong tâm hồn mỗi người con giáo xứ Liên Hòa, chúng ta càng xác tín hơn sự quan phòng đầy tình yêu thương và sức mạnh vô biên của Chúa Thánh Thần hoạt động liên lỉ trong đời sống thường nhật của chúng ta. Thật vậy, với thân phận yếu hèn, nhiều khi chúng ta tưởng như không thể làm gì được trước bao sức mạnh tự nhiên hằng chế ngự, nhưng với sức mạnh Thần Linh, chúng ta vượt thắng hết tất cả (Bài giảng của Đức cha Phaolô).
Do đặc thù của vùng cồn bãi trên sông Gianh thường bị nhấn chìm trong biển nước vào mùa mưa lũ, nên ngôi nhà thờ giáo xứ Liên Hòa được thiết kế thành hai tầng với chiều dài là 52m, rộng 16m và cao 27m. Tầng trệt như một ngôi nhà đa năng, được dùng để học giáo lý và các sinh hoạt chung của giáo xứ…, tầng trên là Nhà Thờ nhưng cũng là nơi trú tránh cho giáo dân mỗi khi nước lũ tràn về.
Với gần 3000 giáo dân sống chủ yếu trên vùng cồn đảo thuộc địa bàn xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cuộc sống mưu sinh không thuần nông nhưng cũng không thuần biển, vì thế đời sống kinh tế của bà con giáo dân đang rất khó khăn. Để sớm có được ngôi nhà thờ và cũng là nhà vượt lũ, tránh được tình trạng thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão đến, cha quản xứ cũng như giáo dân giáo xứ Liên Hòa luôn mong cầu sự giúp đỡ của những người hảo tâm trong và ngoài nước.
***
Buổi chiều cùng ngày, Đức cha Phaolô đã đến chủ sự nghi thức cắt băng khánh thành nhà vượt lũ và cung hiến bàn thờ giáo họ Hiếu Nghĩa.
Giáo họ Hiếu Nghĩa hiện có khoảng 550 giáo dân, thuộc giáo xứ Chợ Sàng, do cha Antôn Hoàng Tiến Diễn quản nhiệm. Hiếu Nghĩa là một giáo họ nằm trên Cồn Ngựa, cũng chịu chung tình trạng thường xuyên bị nước lũ đe dọa đến tính mạng người dân mỗi mùa mưa lũ về như ở Liên Hòa. Trước tình cảnh đó, Đức cha Phaolô, với tấm lòng quảng đại yêu thương của vị cha chung, ngài đã giúp đỡ giáo họ Hiếu Nghĩa một phần kinh phí xây dựng căn nhà vượt lũ. Khởi công vào ngày 16/03/2011, căn nhà được hoành thành vào đầu năm 2012 với tổng kính phí khoảng hơn 1,5 tỉ đồng.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô nói: Đây là kết quả của sự đoàn kết, sự đồng lòng nhất trí của bà con giáo dân giáo họ Hiếu Nghĩa. Hơn một năm trước khi tôi đến đây, vùng đất này chỉ là một cồn bãi hoang tàn, thế mà nay với sức mạnh của niềm tin và tình đoàn kết, quý ông bà và anh chị em đã làm thay da đổi thịt vùng đất tưởng như bị bỏ hoang này, trên đó đã có một căn nhà vượt lũ để người dân trong thôn Thuần Hòa vào trú tránh khi mùa mưa bão đến và cũng là căn nhà sinh hoạt chung cho giáo họ.
Tình Yêu là giới răn căn bản của Kitô giáo, tình yêu đó được biểu hiện ngay chính nơi việc mọi người phải biết sống trong hòa thuận thương yêu nhau, và đó là của lễ đẹp lòng Chúa nhất: “Nếu khi anh em sắp dâng của lễ trên bàn thờ mà chợt nhớ có điều bất hoà với anh em mình, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ và đi làm hoà với anh em ấy đã rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5, 23-24). Công trình nhà vượt lũ mà chúng ta tổ chức cắt băng khánh thành hôm nay, một cách nào đó cũng nói lên mối dây liên đới yêu thương, phản ảnh bản chất của đạo Chúa.
Đăng Trình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét