Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012


Posted: 06 Jun 2012 12:28 PM PDT
VRNs (07.06.2012) – Grand Portage, MN, USA – Gần biên giới Canada, 27 tháng 5, 2012 – Hôm nay là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tôi lại nhớ lời cầu nguyện ấu thơ của Thánh Thần: Abba! Tôi được mừng Lễ trong ngôi nhà thờ nhỏ ở vùng dân tộc dành riêng cho người Da Ðỏ, ở một thị trấn lọt thỏm giữa muôn vàn rừng xanh núi biếc, và muôn trùng sóng gió của hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, Lake Superior.
Cái hồ này tuyến dài nhất 563 km, tuyến rộng nhất 257 km, nếu không biết đây là hồ thì tưởng là mình đang ở trên bờ biển, cũng mênh mông không thấy đâu là bờ bên kia, cũng lớp lớp sóng bạc đầu. Biển nước và gió lộng khiến cho đã gần vào hè mà thời tiết vẫn rét lạnh, vẫn phải áo mũ ám áp khi ra ngoài trời. Ða số dân Minnesota khi đi chơi chỉ đi đến Duluth bên bờ hồ, nơi nổi tiếng vì cảnh đẹp lá vàng lá đỏ Mùa Thu. Nhưng từ Duluth còn phải đi xa nữa, càng đi càng vắng người. Lâu lâu mới có vài khóm dân cư, phần nhiều là nhà nghỉ, những inns, những  resorts, những cabins dành cho ai đã mệt, đã chán cảnh xã hội văn minh, đến đây để trở về với thiên nhiên, quên đi những truyền thanh, truyền hình, những internet, những tranh luận cãi cọ hay đồn thổi linh tinh của xã hội. Ði mãi một bên chẳng thấy đâu là đầu Biển Hồ, một bên thì rừng rậm như nguyên sinh với rất nhiều suối thác từ núi cao đổ vào lòng hồ. Ði mãi gần biên giới Canada thì đến Grand Portage và ngôi nhà nguyện nhỏ kính Ðức Mẹ Mân Côi.
Viện Bảo Tàng nho nhỏ thuật lại lịch sử của vùng này. Từ Cổ Ðại ở đây đã có thổ dân. Cây birch ở đây giống như cây tre ở Việt Nam. Người ta lấy vỏ cây làm lều che nắng mưa tuyết giá, làm đủ thứ vật dụng thường ngày, làm những con thuyền dài xuôi ngược sông hồ. Rồi người Da Trắng tới. Dù chiến hay hòa thì người Da Ðỏ cứ bị lấn lướt dần không gượng lại được. Người Da Trắng làm ăn kinh doanh đủ kiểu. Ðặc biệt họ săn thú, các loại chồn cáo vùng cực Bắc có bộ lông đẹp và ấm rất được Châu Âu ưa chuộng. Chỗ bây giờ là Grand Portage trở thành địa điểm tích tụ hàng hóa, dã thú, lông thú. Kho hàng, nhà ở của những thế hệ thực dân xưa kia nay được dựng lại y nguyên để làm bảo tàng. Kể ra cũng là một lịch sử sát sinh rất nhiều. Tàn sát dã thú rồi tàn sát lẫn nhau. Anh với Pháp đánh nhau. Rồi Anh với Mỹ đánh nhau, thổ dân cũng được hay bị lôi vào cuộc. Từ ngày Mỹ lập quốc, thổ dân vẫn mang thân phận làm thuê những công việc nặng nhọc nghèo khổ, mãi đến đầu thế kỷ 20 nước Mỹ mới bắt đầu phản tỉnh, mới ý thức được phải đền bù chút ít cho những bất công, mất mát và năm 1920 lập ra vùng này dành riêng cho người dân tộc.

Dọc hồ là suối, thác bên bờ rừng rậm
Trong lịch sử dài nhiều bạo lực, nhiều áp bức đó, cũng đã thấy bóng dáng những môn đệ của Chúa. Năm 1660, sử ghi có mấy cha Dòng Tên liều mạng chèo thuyền đi trên Biển Hồ, thăm thú những vùng đất còn hoang vu đầy dẫy hiểm nguy, hy vọng truyền đức tin vào Thiên Chúa cho những con cái của Chúa còn tản lạc ở đây. Sứ mạng chắc chắn là vô cùng khó khăn, suốt những thời gian rất dài tưởng như không có hiệu quả.
Dọc bờ Hồ Superior, cách Grand Portage còn khá xa, có một cây Thánh Giá đứng trơ trọi giữa núi rừng và biển nước. Cây Thánh Giá ấy là một chứng tích cho những dâng hiến của rất nhiều cuộc đời thừa sai. Số là năm 1846, cha Baraga, thừa sai người Ðông Âu ở cách bờ hồ bên kia, bang Wisconsin, nghe tin thổ dân ở Grand Portage đang mắc bệnh dịch, cha liền xuống một con thuyền nhỏ với một thổ dân dẫn đường để tìm đến với các bệnh nhân. Bất ngờ một cơn bão nổi lên, hai người tưởng đã mất mạng. nhưng rồi sóng gió đã đánh tạt mảnh thuyền con sang bên bờ Minnesota, nơi một cửa sông. Hai cha con dựng ở đây một cây Thánh Giá gỗ để tạ ơn. Từ đó con sông mang tên Sông Thánh Giá, River of the Cross. Cha Baraga dành cả cuộc đời để phục vụ thổ dân Da Ðỏ vùng Ngũ Ðại Hồ. Năm 1853, cha thụ phong Giám Mục. Cả một đời anh dũng và tận tụy. Ðức Cha Baraga qua đời năm 1868, an nghỉ trong hầm mộ Nhà Thờ  Chính Tòa Marquette, Michigan.
Ở Michigan bây giờ cũng như ở các bang khác của nước Mỹ, có những cộng đoàn Công Giáo lớn. Riêng Grand Portage vẫn là một “đoàn chiên bé nhỏ”. Nhà Nguyện Ðức Mẹ Mân Côi ngày Chủ Nhật chỉ vài ba chục người dự Lễ, mà cũng đã 7-8 người từ nơi xa tìm đến. Cha Welch chủ tế đến từ một xứ đạo xa. Cộng đoàn nhỏ cha biết mặt, biết tên từng người. Chỉ cần vài phút trước Thánh Lễ cha đã nhận ra ngay ai là người ở xa đến, đã hỏi thăm từng khách lạ để giới thiệu với cộng đoàn.
Hai bên bàn thờ một bên trưng ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, có lẽ vì Hằng Cứu Giúp nên Mẹ len lỏi đến tận nơi thâm sơn cùng cốc này. Bên kia là ảnh Nữ Chân Phước Kateri Tekakwitha, người thổ dân đầu tiên của nước Mỹ được Hội Thánh tôn vinh. Chị Kateri không phải người ở đây. Sinh quán chị ở gần New York. Chị sinh ra đời như một hậu quả của chiến tranh, chị được tái sinh trong Chúa cũng là hậu quả của chiến tranh. Lần đầu là trong bối cảnh những cuộc chém giết liên miên giữa các bộ tộc Thổ Dân Da Ðỏ. Mẹ chị thuộc sắc tộc Algonquin bên Canada, bị bắt trong cuộc chiến tranh với sắc tộc Iroquois rồi lưu lạc đến vùng dân tộc Mohawk và lấy chồng tại đó. Kateri mồ côi từ sớm, vì cả cha mẹ và anh trai đều chết vì bệnh dịch. Năm 1675, Kateri 18 tuổi, người Mohawk thua trận, ký hòa ước với người Pháp, sau đó các cha Dòng Tên tìm đến làng dân tộc. Kateri đang bị thương ở chân được một vị thừa sai đến thăm. Không hiểu đường đi nước bước trong thế giới tâm linh thế nào, nhưng Kateri khám phá điều mà Tin Mừng gọi là kho báu chôn trong ruộng, là viên ngọc quí mà chỉ người buôn ngọc chuyên môn mới biết giá trị. Bất chấp sự chống đối dữ dội của người chú, cô quyết tâm theo Chúa. Lễ Phục Sinh 1676, cô được chịu phép rửa và từ đó phải gánh chịu biết bao điều tiếng dị nghị, biết bao tội lỗi người ta tưởng tượng ra để vu vạ cho cô. Cô đành thoát ly ngôi làng cũ, về sống trong một cộng đoàn Công Giáo Iroquois ở Canada. Cô chỉ thiết tha hy sinh cầu nguyện cho dân tộc mình trở về với Chúa.

Cha Vũ Khởi Phụng từ Balan tới
Các cha Dòng Tên từ bên Tây sang vẫn coi dân Da Ðỏ là còn “man di”, lắm tính hư tật xấu, biết đến bao giờ mới được như các giáo hữu Âu Châu (ở một phương trời khác hẳn là Trung Quốc khi đặt vấn đề hàng giáo sĩ Trung Hoa, nhiều vị cũng có thái độ tương tự). Thành ra các cha rất thận trọng với các tân tòng. Thấy Kateri sốt sắng hăng say cầu nguyện quá cũng khuyên hãy từ từ, hăm hở muốn biết nhiều về Giáo Hội cũng khuyên từ từ, muốn dâng mình cho Chúa cũng khuyên từ từ. Vậy mà chỉ vài năm sau (1680) khi Kateri qua đời, 24 tuổi, cũng các cha ấy trở nên những người đầu tiên viết Hạnh Kateri, bởi vì các cha đã chứng kiến một bông hoa linh thánh, xuyên qua những chém giết hận thù và thành kiến của thế gian để nở rực rỡ ngay trước mắt các cha, đúng như lời Thánh Phêrô nói: “Quả thật tôi biết rỏ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (CV 10, 34-35). Kể từ khi qua đời, Kateri bắt đầu linh hiển, dân tộc của cô, và cả người Da Trắng, cả người Tin Lành kế tiếp nhau cảm nghiệm ơn cứu nhân độ thế gắn với cô gái Da Ðỏ kia. Kateri được Ðức Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước năm 1980 và Ðức Bênêdictô XVI sẽ tôn phong Hiển Thánh ngày 21 tháng 10, 2012.
Nếu có cơ hội đọc lại quá trình Tin Mừng thâm nhập miền Bắc Mỹ mênh mông này, ta sẽ thấy một thiên anh hùng ca. Những cha Dòng Tên ở Canada và miền Bắc Hoa Kỳ, những cha Dòng Phanxicô mà vết tích còn ngoạn mục ở khắp các bang ở miền Nam cho đến tận đáy những thung lũng sâu thẳm, vùng Grand Canyon hùng vĩ (các bang Arizona, Colorado …..) và bao nhiêu thừa sai khác nữa.
Có lẽ lâu dần rồi một tinh thần bình an nào đó, do Công Giáo, do Tin Lành, do niềm tin vào Chúa đưa lại cũng thấm dần thấm dần vào lòng tín hữu. Ngày nay người ta chẳng còn thích đánh nhau tranh sống như xưa, người ta ý thức hơn về nạn người bóc lột người, về sự tôn trọng nhân quyền, người ta cũng yêu thiên nhiên và không còn muốn tàn sát thú vật. Hươu nai có thể nhởn nhơ gần con người, bất ngờ ta có thể gặp chú chó sói chạy ngang đường, và tối tối một chút mấy chú gấu có thể lắc lư đi lục thùng rác tìm thức ăn. Chim chóc có thể sà xuống chung quanh con người để chia sẻ bánh vụn. Người ta nâng niu từng lá cây ngọn cỏ, trên những con đường lát gỗ giữa rừng thẳm, có khi đọc được tấm bảng : xin đừng giẫm lên mặt đất, vì ở đây chúng tôi đang tái tạo đất rừng. Một cõi địa đàng xanh.
Dĩ nhiên, địa đàng cũng sẽ có trái cấm và rắn độc. Trong bài giảng hôm nay, cha Welch nói về những lý do khiến ngày nay người ta lìa bỏ Giáo Hội. Có người bỏ đạo vì Giáo Hội không cho ly dị, không cho phá thai, chống hôn nhân đồng tính. Có người ngán ngẩm vì những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục vị thành niên trong giới giáo sĩ. Có người lại than các bài giảng trong nhà thờ nghe nhạt nhẽo vô hồn, chả mang lại lợi ích gì, (nói tới lý do này, cha Welch rụt cổ lè lưỡi, biểu cảm đến mức cả nhà thờ phì cười. Ông cha Welch này chắc không mắc cái tội giảng nhạt nhẽo vô hồn).
Một cộng đoàn thật bé nhỏ sống trung thành bền bĩ để trong ngày Lễ Hiện Xuống hôm nay, anh Da Trắng, chị Da Ðỏ, chị

Chân Phước Kateri Tekakwitha
Balan, tôi Việt Nam với tất cả những lý lịch và ngôn ngữ khác nhau lại cùng nhau ca tụng những việc lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa: Magnalia Dei (Cv 2,11). Chào nhau ra về, chị Balan còn nói với tôi như một lời thông cảm đặc biệt: “tôi từ Balan sang đây”. Nói ít hiểu nhiều…..
Tôi lại thấy như trở lại với nét ấu thơ của Trời. Bao nhiêu thế hệ thừa sai đã gieo vào đất này khuôn mặt ấu thơ của Thánh Thần. Từ ngày đó tới giờ cộng đoàn tôn giáo cũng như mọi sự khác trên đời đều già đi. Tâm hồn già không hiểu được những nẻo đường của Chúa. Giáo Hội già yếu thì sinh ra lắm khuyết tật cùng gương mù gương xấu, với những bệnh nặng hình thức mà nhẹ phần hồn. Ðấy là một quá trình tự nhiên, cái gì cũng già, cũng cỗi. Nhưng tại sao giữa cái già cỗi tự nhiên đó, trong lòng Hội Thánh lại vẫn lần lượt xuất iện những người như Kateri Tekakwitha hay cha Baraga ..v…v…..  Những người đó như phát hiện được nét mặt ấu thơ của Trời, họ bị cuốn hút bỏ lại mọi sự thế gian sau lưng để chạy theo nét ấu thơ đó. Rồi chính họ sẽ trả lại cho Hội Thánh nguồn sống trẻ trung tưởng là cạn kiệt. Ngày trước đã có những con người đó. Ngày nay rồi cũng vẫn có. Họ vẫn ở giữa chúng ta. Vậy thì có sao đâu! Trời vẫn ấu thơ mà.
Từ giã cha Welch, tôi cảm thấy phải viếng cây Thánh Giá của cha Baraga xưa, nay đã được xây lại bằng đá. Cây Thánh Giá vẫn đứng yên trước Biển Hồ lồng lộng, bên dòng Sông River of the Cross nước chảy ào ào. Tiếng gió thổi trên hồ dường như có chất chứa lời Chúa Giêsu nói về Thánh Thần: “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Anh nghe thấy tiếng gió, nhưng làm sao biết được gió từ đâu tới và gió đi đâu”…… (Gn 3,8).
                                                                                                            Vũ Khởi Phụng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét