Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012


Con người là con đường của Giáo Hội

Lão tử nói: “Đạo bất viễn nhân”. Giáo Hội Công giáo, đặc biệt là Chân phước Gioan Phaolô II, thì nói: “Con người là con đường của Giáo Hội”. Chân đạo luôn luôn vị nhân sinh, không xa con người.
Thật vậy, Chương VI và cùng là chương cuối (các số 53-62) của Thông điệp Centessimus Annus (Bách chu niên) có tiêu đề “Con người là con đường của Giáo Hội”. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Giáo Hội có trách nhiệm chăm sóc không những toàn thể nhân loại mà còn chăm sóc cho từng cá nhân sao cho muôn người được ơn cứu độ. Học thuyết xã hội của Giáo Hội là một công cụ Phúc Âm hóa nhằm mang lại ơn cứu độ. Do đó, Giáo Hội rất quan tâm, lo lắng sao cho giáo huấn xã hội của mình được phổ biến rộng rãi. Ngài nhấn mạnh vấn đề hành động và sống theo giáo huấn này trong tinh thần Phúc âm còn quan trọng hơn cả công việc thuần túy chỉ có suy tư và lý luận.
Dưới đây, chúng tôi xin được đăng lại phần nội dung của chương đó, bằng cách dựa theo bản dịch tóm lược của Joseph Donders trong quyển sách John Paul II: The Encyclicals in Everyday Language, rồi chuyển sang Việt ngữ.

Chương VI:   Con người là con đường của Giáo Hội
53. Giáo Hội không quan tâm tìm cách phục hồi những đặc quyền trong quá khứ hoặc tìm cách áp đặt quan điểm của mình. Mối quan tâm của Giáo Hội là con người, con người “cụ thể”, mỗi con người được Đức Kitô kết hợp với. Con người là con đường đầu tiên Giáo Hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình.
54. Những khoa nhân văn và xã hội có ích trong việc giải thích làm thế nào con người cụ thể này tác giả vào một hệ thống phức tạp của những tương quan. Đức tin mạc khải chân tướng của chúng ta. Bởi thế cho nên Giáo Hội lưu tâm đến các quyền của cá nhân, giai cấp lao động, gia đình, nhà nước, việc tổ chức xã hội về mặt quốc gia và quốc tế, đời sống kinh tế, văn hóa, chiến tranh và hoà bình, và việc tôn trọng sự sống con người từ khi thụ thai cho tới lúc chết.
55. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội thuộc về thần học luân lý”, một “dấu chỉ và sự bảo đảm tính cách siêu việt của ngôi vị con người”.
56. Tôi xin cám ơn tất cả những ai toàn tâm toàn ý dấn thân vì giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Tôi mong ước giáo huấn được phổ biến và áp dụng tại những nước nơi “chủ nghĩa xã hội hiện thực” đã sụp đổ; tại các nước phương Tây đang cần phải chỉnh sửa hệ thống của mình; tại các nước thuộc thế giới thứ ba còn kém phát triển.
Đức Giáo hoàng Lêô XIII phát biểu: “Ước chi mỗi người đừng trì hoãn việc góp phần mình mà hãy nhanh tay thực hiện ngay lập tức, kẻo chậm trễ khiến cho sự dữ vốn dĩ đã rất trầm trọng rồi nay lại trở thành bất trị”.
57. Sứ điệp xã hội của Tin Mừng đã và luôn luôn là nền tảng hoạt động: các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ của cải mình cho những người nghèo; vào giai đoạn ban đầu của thời Trung Cổ, các đan sĩ khẩn hoang, khai phá các vùng nông thôn; sau đó, các tu sĩ nam nữ lập bệnh viện. Cả chúng ta nữa, ta cũng cần làm chứng bằng các việc làm.
58. Tình yêu thương đối với con người, và đặc biệt đối với người nghèo, được diễn tả cụ thể bằng việc cổ vũ công lý. Đó không phải là việc cho đi những của dư thừa, mà là giúp đỡ toàn thể các dân tộc. Cần phải thay đổi lối sống, tái định hướng bản thân chúng ta và các tổ chức của chúng ta nhắm đến toàn thể gia đình nhân loại. Cần phải có những cơ quan quốc tế hữu hiệu nhằm phối hợp hoạt động với các quốc gia hùng mạnh và quan tâm trợ giúp các nước nghèo — điều mà ngay cả quốc gia hùng cường nhất trên địa cầu cũng không có khả năng tự mình thực hiện được.
59. Nhất thiết cần có ân sủng của Thiên Chúa, là một điều mới mẻ trong việc theo Đức Giêsu. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội phải bắt đầu một cuộc đối thoại thực tiễn và khoa học tại ngã tư đường nơi Giáo Hội gặp gỡ thế giới ngày nay.
60. Đức Lêô XIII viết: “Một vấn đề quan trọng như thế này đòi hỏi những hoạt động và những nỗ lực của những người khác”. Đức Gioan XXIII đã gửi thông điệp của ngài về hòa bình cho “mọi người thiện chí”. Ngày nay, còn hơn hẳn những ngày đó, ta đều thấy rằng — ngay cả đông đảo những người không tuyên xưng tôn giáo — vẫn có thể đóng góp cho một giải pháp. Tôi đã kêu mời tất cả các Giáo Hội Kitô giáo và tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới, hãy đồng tâm làm chứng cho những xác tín chung về phẩm giá của con người được Thiên Chúa tạo dựng. Tôi xác tín rằng những tôn giáo sẽ có vai trò quan trọng nổi bật hơn trong việc duy trì hòa bình và việc thiết lập một xã hội xứng hợp với con người.
61. Cách đây một trăm năm, xã hội công nghiệp là: “một cái ách gần như ách nô lệ”. Bởi thế cho nên Giáo Hội đã lên tiếng để bênh vực con người. Giáo Hội cũng lên tiếng sau Thế chiến thứ I và Thế chiến thứ II cũng vì cùng một nguyên do. Và ngay nay Giáo Hội lên tiếng về những nước đang phát triển đang sống ở trong những tình trạng vẫn còn là “một cái ách gần như ách nô lệ”.
62. Thông điệp này, nhìn lại quá khứ, là để hướng đến tương lai. Cũng như trong những năm tháng thời Tân Sự, chúng ta đang sống tại ngưỡng cửa của một thế kỷ mới. Ý định là — với sự trợ lực của Thiên Chúa — ta hãy chuẩn bị cho thời khắc đó. Thiên Chúa hứa: “Này đây ta đổi mới mọi sự”. Sự đổi mới này đã có rồi ngay từ khi tạo dựng thế giới, và đặc biệt kể từ khi Đức Giêsu trở thành một người ở giữa chúng ta.
Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban ánh sáng cho nhân loại trên con đường lữ thứ trần gian, và tôi cầu xin Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, đồng hành với Giáo Hội trong cuộc hành trong của Giáo Hội, như khi xưa Mẹ đã đồng hành với Đức Giêsu, Con của Mẹ.

Đan Quang Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét