VRNs (12.11.2012) – Sài Gòn – Nhân vô thập toàn. Không ai lại không có tội với Chúa và có lỗi với nhau, dù “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Theo phép lịch sự tối thiểu, người ta luôn cần xin lỗi nhau, ngay cả khi không có lỗi – như khi đi qua mặt người khác. Thế thì người ta càng cần phải xin lỗi nhau khi mình có lỗi – dù lỗi to hay nhỏ. Đó là biểu hiện văn hóa, văn minh, và sự giáo dưỡng.
Vậy mà hằng ngày chúng ta thấy có nhiều người thiếu phép lịch sự tối thiểu nhất: Hỏi thăm đường hoặc hỏi giờ rồi “vô tư” quay phắt đi, không một lời cảm ơn; ai cho cái gì cũng không biết nói lời cảm ơn; lỡ va quẹt mà không biết nhận lỗi, thậm chí còn chửi rủa người kia nặng lời. Theo cách nói @ ngày nay là “bó-tay-chấm-com”.
Vâng, đúng là “bó tay” thật!
Trung tuần tháng 12-2009, trong đám tang của chị tôi tại Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Đức, tôi thấy có một nghi thức đặc biệt được cử hành bên quan tài trong đêm cuối cùng của chị tôi tại Tu viện. Tôi tạm dùng 3 lớp người là “người nhỏ”, “người vừa” và “người lớn” – lớn, nhỏ theo cả nghĩa tuổi đời và tuổi tu.
Trước tiên, trong khi Chị Tổng phụ trách (Bề trên) đọc những lời tâm tình với người đã khuất thì những “người nhỏ” đi vòng quanh quan tài rồi dâng hoa hồng, tiếp theo những “người vừa” đi vòng quanh quan tài và dâng nến, sau đó những “người lớn” đi vòng quanh quan tài và dâng hương (nhang). Cuối cùng, tất cả cùng lạy người đã khuất 3 lạy để xin lỗi nhau, đồng thời mang ý nghĩa là người sống tha thứ mọi lỗi lầm cho người chết: Nghĩa tử là nghĩa tận!
Theo tôi, đây là một nghi thức đầy tính nhân bản, đầy ý nghĩa và thật xúc động, thiết nghĩ cần được “nhân bản” trong các đám tang. Người chết không thể làm được gì nữa, chỉ còn nhờ người sống. Khi sống, chính mình cũng có những lúc không đủ can đảm để mở miệng xin lỗi nhau – dù vì “ngại” hoặc vì “tự ái”. Vâng, dù sao thì “muộn vẫn hơn không”.
Con người là vậy, luôn đầy những sai lầm, sai lầm ngay từ trong ý nghĩ. Cuộc sống lữ hành trần gian, với đầy đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), khó tránh khỏi những phút xao lòng mà tham-sân-si. Đức Kitô đã dạy: “Nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23). Nhưng có mấy ai làm trọn điều Đức Kitô đã căn dặn hơn 2000 năm qua? Quả thật, không đơn giản!
Con người rất yếu đuối, “điều mình muốn mà mình không làm, điều mình không muốn thì mình lại làm” (x. Rm. 7:15). Vì vậy, con người luôn rất cần sám hối. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được (Kinh Vực Sâu), thật may phước cho chúng ta! Chúng ta vô cùng hạnh phúc khi có “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4:8), tức là Lòng Chúa Thương Xót mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina. Tình Yêu hoặc Lòng Thương Xót đó nguyên vẹn mãi mãi, từ hồng hoang tới đời đời.
Sám hối – xin lỗi – tha thứ, đó là “bộ ba” liên kết chặt chẽ. Sám hối thì phải xin lỗi, xin lỗi thì cần tha thứ. Chỉ có ai không sai phạm thì mới không cần “bộ ba” đó. Trong văn hóa Tây phương, lời “cảm ơn” và “xin lỗi” rất thường xuyên được sử dụng, người Việt Nam ta có vẻ vẫn rất “vô tư”! Danh nhân S. Gosson nói:
Một lời xin lỗi vụng về
Luôn luôn vẫn tốt hơn là lặng im
“Bộ ba” sám hối – xin lỗi – tha thứ phù hợp với Tháng Cầu Hồn và Mùa Chay. Những ngày này gợi nhớ biết bao điều thâm thúy…
Tháng Cầu Hồn nhắc chúng ta nhớ đến những người đã hoàn tất cuộc lữ hành trần gian, đồng thời nhắc chúng ta nhớ đến thân phận mình, vì trước sau gì cũng đến lượt mình giã từ trần gian, vào đời bằng tay trắng thì giã từ cũng chỉ còn trắng tay. Với người có niềm tin Kitô giáo còn là lúc “trình diện” Thiên Chúa, nghĩa là “Về Nhà Cha trên trời”.
Tháng Mười Một là mùa Đông, thời điểm cuối năm, cũng nhắc chúng ta nhớ đến giây phút cuối đời. Sinh ra thì mình khóc mà người ta cười, vậy phải cố gắng sống sao cho khi mình “vĩnh biệt trần gian” mà vẫn cười, còn người ta phải khóc vì thương tiếc.
Mùa Chay là mùa sám hối, rất cần bỏ qua lỗi lầm của nhau để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” (Kinh Lạy Cha). Đó là Mùa Cứu Độ, lúc thuận tiện để xin lỗi Chúa và mọi người. Ai cũng có những lúc thất vọng nhưng cố gắng không tuyệt vọng, như Thánh Phaolô dạy.
Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại này. Hãy vững tin, như Ngôn sứ Isaia (Is 1:18) nói:
Dù tội có đỏ như son
Hay là thắm tựa máu hồng – đừng lo!
Vững tin Ngài vẫn thứ tha
Sẽ thanh tẩy trắng như là tuyết, bông
Lạy Thiên Chúa, xin ân thương tha thứ mội tội cho các linh hồn, đồng thời xin cũng ân thương chúng con và xin thêm đức tin cho chúng con! (Lc 17:5).
TRẦM THIÊN THU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét