Các tôn giáo kêu gọi tín đồ cầu nguyện để vượt qua đau khổ
03.11.2012
Đại diện các tôn giáo cầu nguyện cho người đau khổ |
“Trong lúc đau khổ nhất tôi chỉ biết nhìn lên thập giá Chúa Giêsu và cầu nguyện với Ngài” - bà Maria Madalena Nguyễn Thị Yến giàn giụa nước mắt khi kể về cuộc đời làm dâu đầy cay đắng của mình.
“Tôi là đứa con dâu không được gia đình chồng chấp nhận. Lúc nào mẹ chồng tôi cũng đay nghiến và xem tôi như một người khách chứ không phải là con dâu trong gia đình” - bà Yến nghẹn ngào kể.
“Tôi đã cố làm tròn bổn phận dâu hiền vợ thảo suốt mấy chục năm và nhờ cầu nguyện mà nay tôi đã được gia đình chồng đón nhận và cả gia đình chồng cũng đã theo đạo”.
Bà Yến đã chia sẻ với khoảng 1.000 người tại buổi Hội ngộ liên tôn giáo do Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn giáo tổ chức hôm 27-10 tại Trung tâm Mục vụ ở TP.HCM.
Tham dự sự kiện có chủ đề Cùng nhau vượt qua khổ đau có Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, linh mục, tu sĩ và đại diện các tín đồ Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Baha’i và Minh Lý đạo. Các tham dự viên chia sẻ kinh nghiệm vượt qua đau khổ, hát thánh ca, ngâm thơ và xem triển lãm tranh ảnh, các sách tôn giáo.
Theo các đại diện tôn giáo, có nhiều nguyên nhân khiến con người đau khổ như bệnh tật, nghèo đói, mất mát và họ đưa ra phương cách vượt qua nó.
“Nếu chúng ta bị bao vây bởi sự khó khăn, chúng ta hãy cầu xin Thượng Đế và nhờ ân huệ vĩ đại của Ngài chúng ta sẽ được cứu giúp” – đạo hữu Võ Ngọc Hồng Phúc, đại diện tôn giáo Baha’I, nói.
Đạo huynh Lê Như Hùng, đại diện Cao Đài, cũng đồng tình như thế. “Là người có tôn giáo, có đức tin, để vượt qua khổ đau chúng ta thường thành khẩn và thiết tha cầu nguyện với các Đấng Thiêng Liêng để mong được chứa rưới hồng ân cứu độ”.
Imam Trịnh Ngọc Đạt, đại diện Islam, cho rằng nguyên nhân của khổ đau xuất phát từ chiến tranh, sự tranh giành quyền lợi của nhiều quốc gia làm cho con người không còn tình thương, dùng vũ khí để giết hại lẫn nhau gây nên biết bao khổ đau cho người khác.
Ông đề nghị: “Chúng ta hãy thường xuyên thăm viếng những người gặp thiên tai, già nua, bệnh tật, những người là nạn nhân của chiến tranh để phần nào xoa dịu nỗi đau của họ”.
Ông Giuse Châu Ngọc Thịnh, 52 tuổi, bị bệnh bướu mỡ khiến khắp thân thể mọc lên nhiều u nhỏ luôn tự ti mặc cảm với vẻ bề ngoài xấu xí, nhưng ông lại xem đây là hồng ân Chúa ban cho mình. “Tôi còn may mắn hơn người mù, người bại liệt, bệnh nhân ung thư… Tôi xấu xí nhưng còn đi lại và còn có thể phục vụ người khác”.
Hơn 20 năm qua, ông thường xuyên thăm viếng kẻ liệt hoặc các bệnh nhân ung thư trong bệnh viện. “Tôi thường xuyên cầu nguyện với Chúa mỗi ngày, có Chúa tôi đủ sức vượt lên sự khinh rẻ của người khác để sống có ích để làm chứng cho Chúa” - ông Thịnh quả quyết.
Thầy Minh Tuệ, một tu sĩ Phật giáo, nói rằng thầy tâm đắc với sự kiện hội ngộ liên tôn giáo, vì nó giúp cho con người ý thức rằng “Niềm tin tôn giáo là sức mạnh giúp con người vượt thắng mọi khổ đau ở trần thế này”.
Nam tu sĩ cũng xem “Đây là cơ hội tạo tình liên đới giữa các tôn giáo ngày một hiểu nhau và khăng khít với nhau hơn”.
Tu sĩ 30 tuổi hoan nghênh sự hài hòa giữa các tôn giáo thông qua sự liên kết giữa Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác bằng các sự kiện ngày hội ngộ, thăm viếng nhau hoặc cùng chung tay mở phòng khám từ thiện phục vụ người nghèo.
Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, trưởng ban mục vụ đối thoại liên tôn giáo, cho biết: “Mục đích của buổi hội ngộ này nhằm cổ vũ cho việc đối thoại và cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo trong việc xây dựng thiện ích xã hội”.
Ngài nói thêm rằng sự kiện này còn nhằm kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II và 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử - một thi sĩ Công giáo đã chịu nhiều đau khổ do bệnh phong gây ra.
Kết thúc hội ngộ, đại diện các tôn giáo cầu nguyện cho những người đau khổ dưới ánh nến lung linh và cùng nhau hát Kinh hòa bình.
(Nguồn: UCAN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét