Lm. Lê Quang Uy CSsR: "NHỚ ƠN NGƯỜI CHA, NGƯỜI ANH, NGƯỜI THẦY..."
Cuộc đời tôi được diễm phúc ghi dấu không bao giờ phai bởi rất nhiều thầy cô giáo, nhiều sư huynh Lasan, nhiều Nữ Tu, nhiều Linh Mục… Nhưng nếu không thể kể ra hết một lần, thì tôi xin chọn cha Tiến Lộc để được cúi đầu khoanh tay tri ân cha. Bởi nếu không gặp được cha, có lẽ đời tôi đã chệch sang một hướng khác mất rồi.
Nhiều người thoạt nhìn hai cha con, cứ ngỡ tôi là em ruột, hoặc họ hàng rất gần gũi gì đấy với cha Tiến Lộc. Của đáng tội, tôi cũng có được nhiều mặt giống cha Tiến Lộc, từ nét mặt, nụ cười, giọng nói, cách đàn hát, cách quản trò sinh hoạt, cùng chơi Hướng Đạo, lại cùng trong DCCT… Có lần tôi pha trò, tháo hai hàm răng giả ra, ôm ghita nghêu ngao, các bạn trẻ Nhóm Fiat lăn ra cười, bảo: “Trời ơi, bố Uy móm y chang ông Tiến Lộc !” Cha nặng tròm trèm 1 tạ, tôi cũng được mấp mé 90Kg. Rất nhiều bài hát cha con sáng tác chung. Rất nhiều vở kịch cha con cùng dàn dựng và diễn xuất dã chiến tốc hành. Rất nhiều kỳ Đại Hội Giới Trẻ ở các Giáo Phận, cha con cùng chịu trách nhiệm…
Thật ra, gia đình bố mẹ tôi với ông bà cố cha Tiến Lộc là hàng xóm với nhau tại Ngõ Huyện, gần Nhà Thờ Lớn Hà Nội, vào những năm trước khi cả hai gia đình cùng di cư vào Nam ( 1954 ). Các anh chị thế hệ ax của tôi và cha Tiến Lộc đã là bạn bè con nít nghịch ngợm nô đùa ngày xưa với nhau tại khu phố Hà Nội cổ kính… Thế rồi sau khi phiêu bạt vào miền Nam, hai gia đình mất liên lạc của nhau, dù ở khá gần nhau, gia đình cha ở khu Tân Định, gia đình tôi ở khu Đakao.
Dạo còn bé, khi còn là chú Sói Con của bầy Nguyễn Huy Diệu, đoàn Phi Long, đạo Tây Hồ, dịp đầu năm 1970, bầy sói chúng tôi được cho “đi săn” tại một kỳ trại Hướng Đạo ở Tam Bình, Thủ Đức. Thằng bé đứng dưới, lọt thỏm giữa hàng ngàn Hướng Đạo Sinh, mắt hướng lên Lễ Đài, say mê nghe giọng nói và hát theo, làm băng reo, sinh hoạt các trò chơi lý thú tuyệt vời của một Quản Trò mà không ngờ sau này lại chính là Tráng Trưởng Voi Hoạt Bát Tiến Lộc.
Khoảng năm 1971, nhà tôi vừa mới mua chiếc Tivi Sharp, loại đen trắng, chương trình một ngày chỉ có 2 đài, đài Mỹ từ 12g trưa đến 12g đêm, còn đài Sàigòn mình chỉ bắt đầu từ 6g chiều đến 11g đêm là hết. Vậy là cứ đến chiều thứ bảy, tôi lại được ba tôi cho phép xem chương trình Đố Vui Để Học. Người điều khiển chương trình luân phiên đổi cho nhau là thầy giáo Tiến Lộc của Trung Tâm Học Liệu và nhạc sĩ Cello Cao Thanh Tùng của trường Quốc Gia Âm Nhạc. Tôi say mê theo dõi, không chỉ nội dung các câu hỏi và đáp án rất lý thú bổ ích, mà còn chú ý cả cái cười, cái giọng, cái kiểu pha trò móm móm rất duyên của thầy Tiến Lộc.
Mãi cho đến tháng 3 năm 1980, khi cha Tiến Lộc, lúc ấy mới 37 tuổi, bị “người ta” bắt ở Thủ Đức để tịch thu cả Tu Viện DCCT ở Thủ Đức, phải đi tù lần thứ nhất không có án trong 2 năm, vừa được thả về, tôi bất ngờ gặp cha cùng với Nhóm Mai Khôi tại Nhà Nguyện Regina Mundi của các soeurs Dòng Đức Bà trong dịp dâng Thánh Lễ kính Thánh George Bổn Mạng phong trào Hướng Đạo. Ấn tượng ấy còn mãi sâu đậm cho đến hôm nay hơn ba mươi năm rồi: một Linh Mục thật sự trẻ, đồng hành với giới trẻ, và lại có khả năng định hướng cho giới trẻ, trong đó có tôi, một sinh viên 21 tuổi, dạo ấy đang ngơ ngác, hoang mang, lạc lõng trước những đảo lộn tan hoang của quê hương đất nước sau biến cố 75.
Chỉ mấy ngày sau lần “hạnh ngộ” ấy, tôi đã xin được làm đệ tử của cha Tiến Lộc. Đệ là em, tử là con. Vâng, cha Tiến Lộc thật sự là người anh và là người cha linh hướng cho cuộc đời tôi. Tôi ngẫm nghĩ, làm một bài toán: anh cộng với cha, đem chia hai thì được… thầy. Cha Tiến Lộc cũng là thầy của tôi, dù tôi nhớ cha chưa bao giờ mở lớp học để dạy tôi và nhiều anh chị em khác môn này môn kia, những sở trường sở đoản của cha. Đơn giản, cha là người thầy… “nối lửa cho đời” tôi và bao thế hệ học trò thân thương khác của cha.
Mà thật ra, dù những môn cha Tiến Lộc đã truyền thụ cho anh chị em chúng tôi rất cần thiết cho cuộc sống cả đạo lẫn đời, nhưng cái quý giá hơn nhiều, lại là chính cái cách cha trao những điều ấy cho chúng tôi. Cha không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu ngài muốn chúng tôi lại tiếp tục trao lại cho các thế hệ sau nữa. “Pay ít forward”, vâng, mắc nợ rồi mà không cần phải trả lui cho người đã từng làm ơn cho mình, mà cứ trả tới, trả tới nữa cho người khác, và đó là cách trả ơn hay nhất, dễ thương nhất mà người đã làm ơn cho ta sẽ vui, sẽ mãn nguyện hơn hết.
Loáng một cái, bây giờ tôi đã hơn 50, nghĩa là già hơn cái thời cha Tiến Lộc đến với cánh trẻ chúng tôi. Bản thân tôi cũng có nhiều nhóm bạn trẻ đến với mình, làm học trò của mình, và nhiều bạn gọi tôi là “bố” một cách gần gũi thân thương. Lắm khi tôi vừa dạy hoàn tất một môn nào đó cho các bạn, hoặc vừa hướng dẫn một buổi tĩnh tâm sốt sắng, các bạn thích quá, biểu lộ sự biết ơn bằng cách chạy đến ôm chầm lấy tôi rồi gọi tôi bằng… “sư phụ”. Bao giờ tôi cũng cười vui và tếu táo rằng: tất cả những gì tôi đã có được để làm cho các bạn, dạy học các bạn, “truyền lửa” được cho các bạn, đều là những cái tôi đã tích lũy được trong suốt hơn 30 năm qua từ Bố của tôi, từ Sư Phụ của tôi là cha Tiến Lộc, vậy chắc các bạn phải ngọi ngài là “Ông Nội”, là “Sư Tổ” mới xứng đáng.
Mà thật ra, cái đáng để mọi người tôn vinh một ai đó là thầy, là bố, là sư phụ của mình, chính là nhân cách của vị ấy, chứ không chỉ là kiến thức, là tài năng.
Kính thưa “thầy” Tiến Lộc, nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2012, con xin được ngỏ lời một lần nữa tri ân “thầy” sâu xa và thật thà.
Lm. LÊ QUANG UY, 20.11.2007 – 2012
Theo Facebook của Lm. Lê Quang Uy CSsR
0 nhận xét:
Đăng nhận xét