Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Đẹp thay hai chữ "Cám Ơn






Tạ ơn là tâm tình hết sức dễ thương giữa con người với con người, giữa con người với Trời Đất hay Thượng Đế. Tạ ơn cũng là tâm tình hết sức bình thường, vì đời sống con người là một chuỗi tương quan với Trời, với Đất và với nhau.

George Washington - một vị tổng thống nổi tiếng của Hoa Kỳ - đã sống tâm tình tạ ơn ấy hết sức tuyệt vời. Ngay chính ngày lên cầm quyền, ông đã chọn ngày 26-11-1789 là ngày Lễ Tạ Ơn chung cho toàn quốc. Có lẽ trong thâm sâu, ông chân nhận tất cả những gì mình có đều do bởi Ơn Trên, để rồi đánh dấu ngày ông bắt đầu lãnh đạo bằng cái ngày Tạ Ơn. Cũng chính vì sống tâm tình tạ ơn ấy mà cả cuộc đời, ông luôn cảm thấy hạnh phúc, vì ông sống trong vòng tay ân phúc của Trời và của người.
 
Có lẽ không phải một mình George Washington, nhưng nhiều và rất nhiều người đã ấp ủ và sống lòng biết ơn với người và với Trời!
 
Tạ ơn! Cám ơn! Thật ra, nói thì dễ nhưng để sống tâm tình tạ ơn, cám ơn không đơn giản chút nào cả. Có những người hết sức coi thường khi đón nhận tình cảm từ người khác, để rồi tương quan của họ với người khác cứ nhạt dần.
 
Có một câu chuyện không vui về hai chữ biết ơn:
 
Có gia đình kia, hai anh em sống chung với nhau, anh cũng có gia đình và em cũng có gia đình. Vì lạ nước lạ cái nơi đất khách quê người, nên người anh đã cưu mang người em sống chung với mình cho đỡ phần hao tốn. Hai nhà sống chung với nhau, kẻ ở tầng trên, người tầng dưới. Người anh thấy cả gia đình người em bị ho nên đã đi mua kẹo ho về cho gia đình người em. Người anh tế nhị để trong phòng người em. Hai, ba ngày trôi qua, chẳng hề thấy người em động tĩnh gì với hai tiếng “cám ơn”. Người anh thắc mắc, bèn trao đổi với vợ về hành vi thiếu tế nhị của gia đình chú em. Người anh thì hết sức thương em mình, đã bỏ công bỏ của bảo lãnh em sang trời Mỹ, nhưng người em hình như không cảm được tấm lòng của anh. Khi người anh giúp đỡ em, thì chẳng hề toan tính thiệt hơn, cũng chẳng mong nhận lời cám ơn từ gia đình người em; nhưng cách cư xử của người em như thế nào đó và thật khó lý giải.
 
Nghe chưa kịp xong tâm tình thiếu tế nhị, thiếu lòng biết ơn ấy của gia đình nọ, thì lại nghe một chuyện không hay về một vị nọ.
 
Vị ấy cũng không còn trẻ và cũng chẳng gọi là già. Sau khi sức khoẻ có vấn đề, thì anh em mang về dưỡng đường để chăm sóc. Sau hơn cả tháng miệt mài chăm sóc, các anh em nhận được một thái độ hết sức kỳ lạ từ vị ấy: “Ở đây không an tâm! Ở đây trôi nổi lắm! Không bảo đảm được tính mạng… Ở đây tạp nham lắm!”…
 
Không an tâm sao? Trôi nổi sao? Tạp nham sao? Nghe đâu khi chi phí khám chữa lên đến 100 triệu, mà anh em đóng ngay, không một phút do dự. Nghe đâu lúc nào cũng có người ở bên chăm sóc, chứ chưa hề bỏ vị ấy giây phút nào!
 
Cũng hiểu, cũng thông cảm cho tâm trạng của người đang bệnh hoạn, nhưng được đào tạo rất kỹ trong nhà tu mà sao lại cư xử như thế với anh em? Vị ấy có biết rằng, vị ấy được hạnh phúc hơn biết bao người xung quanh chăng? Vị ấy có biết rằng, bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu bệnh nhân có nằm mơ cả tháng cũng chẳng được chăm sóc như vị ấy?
 
Thế đấy! Mỗi ngày, ta sống xung quanh sự bao bọc, sự chở che của bao nhiêu người, nhưng thử hỏi tâm tình biết ơn của ta để đâu?
 
Từ bát cơm, từ ly nước ta hưởng dùng, đâu tự nhiên ở trên trời rơi xuống! Bát cơm, ly nước ấy có từ biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của bao người.
 
Từ con đường sạch sẽ ta đi lại, ống cống thoát nước trước cửa nhà ta, cũng đâu tự nhiên mà có! Con đường sạch ấy, ống thoát nước ấy có được, cũng do bởi bao mồ hôi và nước mắt của những người công nhân quét rác và nhân viên cầu cống.
 
Còn nhiều và nhiều điều quanh ta cũng chẳng tự nhiên ở trên trời rơi xuống. Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa, và tất cả là ân huệ của người khác. Lẽ nào ta nhận ơn từ Thiên Chúa và từ người khác, mà lòng ta cứ trơ ra như gỗ đá chăng?
 
Trong tâm tình mừng lễ, mừng kỷ niệm ngày lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ, mỗi người chúng ta nên chăng, cũng “mừng ké” ngày lễ ấy, vì lẽ Tạ Ơn cũng phải là tâm tình của tất cả mọi người chúng ta.
 
Cám ơn, tạ ơn là tâm tình nhỏ bé và dễ thương của mỗi người. Ai đã sống tròn đầy cái tâm tình cám ơn và tạ ơn ấy, đều cảm thấy hết sức lạ lùng; vì bỗng dưng, ta lại nhận nhiều và nhiều hơn, khi ta bày tỏ tâm tình ấy với Thiên Chúa, với tha nhân.
 
Hình như càng cảm ơn, càng tạ ơn, ta lại càng nhận được nhiều ơn thì phải!

Thanh Tâm
Nguồn: EMTY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét