Khi Chúa thương gọi con về
Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng suy giảm trí nhớ là dấu hiệu tuổi già. Vì quan niệm này mà suy giảm trí nhớ ít được quan tâm tại các nước đang phát triển. Theo báo cáo tại hội thảo Sa sút trí tuệ trong thực hành y khoa của Trường Đại học Y Dược Sài gòn, kết hợp với Công ty Dược phẩm Janssen-Cilag tổ chức vừa qua, khoảng 50% người bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển sang thành bệnh sa sút trí tuệ 3 năm sau đó.
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm mức trí tuệ đã đạt được từ trước. Bệnh nhân sẽ bị suy giảm trí nhớ, khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy nhận thức, hành động... ảnh hưởng nặng nề đến chức năng và chất lượng cuộc sống.
Quá trình phát triển của hệ thần kinh từ trong phôi thai đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này, mỗi ngày khoảng 3.000 nơron thần kinh bị hủy đi mà không có sự sinh sản thêm. Càng lớn tuổi, cơ thể càng ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não hoạt động. Vì vậy, bước vào tuổi trung niên bạn đã có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân do tình trạng lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh, môi trường sống, stress, thiếu một số chất quan trọng trong cơ thể...( Thanh Niên)
Tuy khoa học đã minh chứng sự lão hóa của cơ thể theo năm tháng, cụ thể như các nơ rôn, tế bào não chỉ mất dần đi theo tuổi tác, chứ không còn khả năng tái sinh. Nhưng mấy ai chịu tin rằng mình sắp chết dần, đang chết dần, chết mòn, mà hầu như ai cũng nghĩ mình còn sống mãi, sống dai, sống dài, sống hoài!
Dù vài chục năm ký cóp chút của cải, chút danh vọng, rồi cũng phải bỏ lại tất cả trên cõi trần. Dù tình yêu có mặn nồng cách mấy, thì cũng phai nhạt dần theo năm tháng với người quá cố. Như vậy, cái chết là dấu chấm hết cho đời người? Đúng với người vô thần. Nhưng sai với người Kitô hữu chúng ta, vì cái chết là khởi điểm cho cuộc đời mới, hoàn toàn tùy thuộc vào nhân quả của đời trước.
Chết đi để sống mãi
Chúa Giêsu còn nâng cao tầm quan trọng của cái chết. Không phải chỉ cái là chết thể lý đơn giản, mà còn là cái chết của các ham muốn, đam mê, dục vọng, bản năng, thú vui xác thịt, hy sinh, quên mình vì phục vụ tha nhân, vì Bát Phúc, vì Danh Cha Cả Sáng. Như thế, cái chết mới phát sinh sức sống mới, tràn trề hoa thơm trái ngọt, gặt hái mùa bội thu, như dòng máu đào của các Thánh Tử Vì Đạo đã giúp cho Giáo Hội thêm bền vững, phát triển.
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12, 24)
Thiên hạ nói: “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng.” Nhưng cái danh để lại có khi chỉ là xú danh, chứ không phải thanh danh. Dẫu thế, tốt hay xấu thì cũng chẳng nghĩa lý gì với người quá cố, chỉ có chút ảnh hưởng nào đó đến thân bằng quyến thuộc.
Nhưng với lẽ đạo, Thiên Chúa bao giờ cũng công bằng chánh trực, thưởng phạt phân minh từng người theo công đức và tội lỗi vấp phạm.
Như thế chết đi để được sống viên mãn mãi, hay là trầm luân muôn kiếp, đều tùy thuộc cuộc đời dương thế. Một khi sống để hưởng thụ, góp nhặt, chiếm đoạt, say mê danh lợi, bon chen của cải phù vân, thì đâu còn hy vọng chi đời sau? Một nắm xương tàn kết thúc cuộc đời, chẳng mang gì theo, ngoài những tam độc, lục dục và thất tình chăng?
Do vậy Chúa Giê su khuyên bảo hãy chết đi cái tôi mau hư nát, hãy mau mắn đổi của hèn, cuộc sống phù du ngắn ngủi, lấy của của trọng, cuộc sống vinh hiển muôn đời:
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25)
Thánh Phaolô cũng tha thiết khuyên nhủ tín hữu Philipphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, nay vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki tô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki tô, và được kết hợp với Người.” (Pl 3, 7-9)
Sống theo Thầy
Đề được hưởng phúc trường sinh, Chúa Giêsu mời gọi sống theo Thầy, phục vụ Thầy mọi nơi, mọi lúc. Phục vụ Chúa cũng có nghĩa là phục vụ tha nhân đồng loại bất cứ khi nào và ở đâu.
“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. (Ga 12, 26)
Tuy nhiên, không phải dễ dàng sống theo Đấng Ki tô, một khi còn nặng tính xác thịt, nặng đam mê phù vân thế gian. Chính vì thế, Thánh Phaolô đã phải khóc thét lên, cảnh báo về sự chọn lựa quan trọng và dứt khoát sống còn này.
“Bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. (Pl 3, 18 -21)
Theo Thầy sống mãi
Phần thưởng cao quý vô ngần, đó chính là Đức Chúa Cha yêu quý, khen thưởng trên Nước Trời những ai quên mình, bỏ mình, phục vụ Chúa Giêsu Kitô, cùng tha nhân bất kể bạn hay thù.
“Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."(Ga 12, 26)
Con người vốn bất toàn, thiếu sót và tội lỗi, nay được vinh hạnh diện kiến Thánh Nhan nhờ ơn Cứu Rỗi của Chúa Giêsu, thì còn hồng phúc nào dưới thế này có thể sánh nổi?
Đừng để lúc sắp bước chân vào ngưỡng cửa đời đời, con hối tiếc vì đã đồi”của thiệt” lấy toàn “đồ giả” ( Đường Hy Vọng, 676)
Các Thánh Tử Vì Đạo chúng ta đã sáng suốt phó dâng mạng sống, từ bỏ bản thân và mọi cám dỗ xác thịt, để anh dũng tuẫn đạo, theo chân Chúa đến hơi thở cuối cùng. Các ngài đã được ân thưởng trên cõi phúc viên mãn muôn đời. Các ngài đã hiệp thông cùng Chúa Giêsu mà đồng thanh”Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha!”
Lạy Chúa, con vẫn biết Chúa luôn mời gọi phục vụ, nhưng lòng dạ con còn nặng nề thế tục, xin cứu giúp con biết từ bỏ ý riêng, chết đi tà tâm, để trung thành và bên vững phục vụ Chúa luôn mãi.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đồng hành, che chở con thoát khỏi cạm bẫy danh lợi, quyền thế, dục vọng, để mãi vững tâm đi theo Chúa, Amen.
AM Trần Bình An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét