Bác bỏ tin người lao động đi Ðài Loan làm việc phải trả cái giá tới 7-8 ngàn USD/người cho thủ tục và hồ sơ, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần hôm 14 tháng 7, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng và Thương Binh Xã Hội (LÐTB & XH) Nguyễn Thanh Hòa nói “việc thu lệ phí quá cao ở thị trường Ðài Loan và các nước khác là có nhưng không đến mức cao như vậy, chỉ có thể là 6,000 USD trở xuống”.
Ông thứ trưởng biết rõ một sự thật hoàn toàn khác, nhưng đã phải dối trá, cho dù 6 ngàn USD đối với người nghèo đã là món tiền quá lớn.
Là người đã từng dịch thuật hồ sơ cho công nhân lao động tìm kiếm việc làm tại thị trường Ðông Âu, tôi nắm khá chi tiết về vấn đề này.
Một công ty, bất luận nhà nước hay tư nhân, để có giấy phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động kỳ hạn một năm do Bộ LÐTB & XH cấp, phải trả một số tiền là 200 ngàn USD. Bao nhiêu nộp ngân sách, bao nhiêu “bôi trơn” thì chỉ có trời hoặc bộ trưởng biết. Tại sao thời hạn một năm? Một năm là kiếm khá rồi, nếu muốn tiếp tục thì phải nộp tiếp. Nộp bao nhiêu phụ thuộc vào thu nhập. Bởi vì danh sách từng đợt xuất cảnh của công nhân đều phải qua bộ duyệt nên không thể giấu giếm được. Cho nên, trước hết các công ty môi giới dịch vụ phải lo tìm cách thu hồi vốn.
Với mức lương lao động phổ thông, ước tính khoảng dưới một ngàn USD, ví dụ tạm lấy mức 800 USD/tháng cho một công nhân, thì theo hợp đồng chính thức, mỗi công ty môi giới từ hai phía, Việt Nam và nước ngoài, được hưởng chính thức một tháng lương, gọi là “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài”.
Thông thường, hợp đồng ký với người lao động có thời hiệu một năm và có thể gia hạn tới ba năm! Như vậy, để được đi, mỗi công nhân phải chấp nhận nộp trước “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài” cho 3 năm, tức là 800 USD x 3 năm x 2 môi giới = 4,800 USD.
Khoản thứ nhì là “chi phí ngoài”, tức tiền làm thủ tục bảo hiểm, khám sức khỏe và chiếu khán nhập cảnh. Chi phí visa này biến hóa khôn lường. Công ty môi giới có thể giữ nguyên mức chi phí thực hoặc cũng có thể nói khống lên, nhưng thường khoảng từ vài trăm tới cả ngàn đô, tùy theo từng quốc gia.
Công nhân buộc phải thế chấp với mục đích ngăn chặn bỏ việc làm, phá vỡ hợp đồng. Hầu hết công nhân là những người nghèo, nên họ thường phải cầm cố đất, nhà ở, hoặc tiền vay ngân hàng với lãi suất cao (tiền thế chấp từ vài ngàn USD, tới 10 ngàn hoặc hơn, cũng tùy theo từng nước). Số tài sản thế chấp này sẽ bị mất nếu phá vỡ hợp đồng, các công ty môi giới và ông chủ ngoại quốc được quyền ăn chia “tiền bồi thường thiệt hại”!
Như vậy, chưa biết tương lai ra sao, trước khi lên đường, mỗi công nhân phải chịu tất cả các chi phí và tiền thế chấp, nhiều hơn nhiều số 6 ngàn USD mà ông thứ trưởng nói.
Những người nghèo đi nước ngoài lao động như bị vứt vào canh bạc và mong chờ vào sự may mắn. Nước sở tại nào có môi trường xã hội văn minh, bảo vệ quyền lợi người lao động, thì tuy vất vả nhưng còn thực hiện được một phần mơ ước. Gặp ông chủ bất nhân, chính quyền sở tại làm ngơ, coi như mất trắng và đôi khi thân tàn ma dại. Nếu chịu đựng không nổi, phải phá vỡ hợp đồng ra ngoài kiếm sống, thì người bị mất chính là họ, bởi vì ông chủ và các công ty môi giới được hưởng lợi hợp pháp số tài sản thế chấp.
Theo số liệu của Cục Quản Lý Lao Ðộng Ngoài Nước, hiện có khoảng 500 ngàn lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, người lao động tại Ðài Loan đứng đầu, với hơn 8 vạn người, tiếp đến là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma Cau, Ả rập Xê út, Cộng hòa Síp. Ðáng chú ý, trong số 500 ngàn lao động có tới 215 ngàn là lao động nữ, chiếm 50.2%, chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội chiếm 52.9%, công nghiệp 42.2%, nông nghiệp 1.10%, thủy sản 0.13%, còn lại là các ngành nghề khác. Ðây cũng là đối tượng bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, bóc lột sức lao động nhiều hơn so với nam”. (Dân Trí 22/11/2011)
Tờ điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam nhận định rằng “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lao động, nhưng Việt Nam vẫn xây dựng được thị trường lao động đa dạng phong phú, hàng năm đưa được số lao động ra nước ngoài ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 3 năm (2006-2008) trung bình mỗi năm đưa được hơn 83,000 lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Với số lượng trên, khoản tiền do công nhân đóng trước khi đi, ví dụ lương bình quân 8 ngàn USD, các công ty môi giới sẽ có trong tay mỗi năm 664 triệu USD. Một mối lợi khổng lồ, không mất vốn, hơn cả buôn ma túy vì hợp pháp. Cho nên, các công ty công và tư cạnh tranh dữ dội trong việc chạy giấp phép dịch vụ xuất khẩu lao động.
Ngày 29 tháng 11, 2006 Quốc Hội Việt Nam đã thông qua “Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Ðiều 5 của luật này xác định “tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài” và “bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.
Thế nhưng, rất nhiều người bị ngược đãi trên đất lạ hoặc bị các công ty môi giới lao động lừa gạt. Hoàn cảnh bức bí đã khiến nhiều công nhân ở Malaysia chạy trốn ra ngoài làm điếm, bổ sung cho con số 3,456 người trong tổng số 12,434 phụ nữ nước ngoài hành nghề mại dâm bị bắt giữ ở Malaysia, theo bản tin của BBC 18 tháng 7, trở thành nhóm phụ nữ nước ngoài đứng đầu hành nghề này ở Malaysia.
Cách đây không lâu, tờ Việt Báo có bài “30 công nhân tại Malaysia kêu cứu vì bị ngược đãi” cho biết hàng chục hộ dân ở Trà Vinh đã kéo đến công ty môi giới, công ty Xuất Nhập Khẩu và Lương Thực Trà Vinh, khóc lóc, van xin công ty giúp đỡ người thân của họ được trở về nước, để thoát khỏi cảnh bị đánh đập, bỏ đói tại Malaysia.
Bài báo cũng cho biết 30 công nhân trên đã từng “hớn hở đăng ký đi sang xứ người”, vì “được sự động viên của chính quyền xã”. Sau khi được đưa lên thị xã Trà Vinh học 4 tháng ngoại ngữ và luật Malaysia, họ lên Sài Gòn khám sức khỏe và tất cả đều “trúng tuyển”. Trở về nhà, họ vay tiền ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài để có đủ số tiền trang trải các chi phí dịch vụ và vé máy bay. Chia tay người thân vào ngày 28 tháng 11 năm 2004, họ hân hoan với hy vọng sẽ có “đô” gửi về giúp gia đình. “Nào ngờ, ngày đầu tiên đặt chân đến Malaysia thì họ mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa”, bài báo viết.
Tờ “The Star” của Malaysia ngày 17 tháng 3, 2012 đưa tin về 42 người phụ nữ Việt Nam sống tại thành phố George Town, bán đảo Penang, Malaysia, trong một căn nhà 4 phòng, mỗi phòng chỉ đủ chỗ ngủ cho năm người, và tất cả chỉ có một chỗ đi vệ sinh duy nhất. Họ từ Việt Nam sang Malaysia lao động nhưng không có việc làm, không có tiền gửi về giúp gia đình, một số đã ở Malaysia một năm rưỡi trong khi hộ chiếu đã hết hạn.
Vào chiều ngày 11 tháng 9, từ tầng hai của xưởng may gồm ba tầng ở thị trấn Yegoryevsk, cách thủ đô Moscow khoảng 100km về phía Ðông Nam nước Nga, nổ ra vụ cháy. Thời điểm xảy ra đám cháy có hơn 50 công nhân Việt Nam đang làm việc trong xưởng. Trong số nạn nhân thương vong, có 8 nữ, 6 nam. Họ làm việc trong căn phòng nhỏ chỉ rộng khoảng 20m2, bị ông chủ khóa cửa ngoài. Trong ngày 23 tháng 9 năm 2012, chuyến bay VN194 của Vietnam Airline đưa hài cốt của 14 nạn nhân về tới sân bay Nội Bài, nhưng không hề thấy sự có mặt của một vị đại diện nào từ phía nhà cầm quyền, ít nhất là của Bộ LÐTB & XH.
Mới đây, 20 lao động khác bị ngược đãi ở Nga, sau hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và gần 1 tháng chờ đợi “giải cứu”, các lao động này đã về nước an toàn.
Anh Trần Văn Giang (quê Tiên Lữ, Hưng Yên) chưa hết hoàn hồn: “Bốn tháng ở Nga với tôi là ký ức kinh hoàng. Làm việc quần quật từ ngày này sang ngày khác mà không có ngày nghỉ, dù là ốm đau. Ăn uống kham khổ, bẩn thỉu, cộng với sự đối xử bất công của người chủ Trung Quốc khiến anh em không thể tiếp tục nhịn nhục được nữa”.
Còn anh Lê Trung Kiên (quê Duy Tiên, Hà Nam) cho hay: “Trước khi sang Nga, tôi ký hợp đồng và đặt cọc 20 triệu đồng, đến nay chưa được trả đồng nào. Hợp đồng ghi ngày làm 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế làm việc 12 tiếng/ngày, thậm chí có ngày làm tới 14 tiếng mà không có ngày nghỉ”. (Thanh Niên 17/5/2012)
Vào cuối tháng 7 năm 2013 cảnh sát nga đã bố ráp và bắt giữ 1,200 công nhân Việt của nhà máy Vinastar cư trú và làm việc bất hợp pháp. Những người công nhân đã tố cáo nhà máy giữ công nhân như “nô lệ” ở ngoại ô Moscow.
Ở Ðài Loan, gánh nặng tài chính buộc những người lao động này phải làm việc cật lực và bằng mọi giá để trả nợ nần. Họ nhanh chóng trở thành những đối tượng dễ dàng bị các ông chủ người Ðài Loan lạm dụng, bóc lột. Tiền đi vay để chi cho môi giới quá lớn đã đẩy họ vào thảm cảnh của nô lệ thời hiện đại. Ðã không ít lao động bị chủ đánh đập, ngược đãi, cưỡng bức, tờ Saigontin.com viết.
Miếng ăn xứ người quả thật nhọc nhằn và chứa đầy rủi ro, tuy nhiên hàng trăm ngàn người lao động vẫn ngây thơ ôm ấp giấc mơ đổi đời, vượt qua nghèo khó. Tiền vào tay những kẻ bất nhân thật khó đòi lại, trong khi tình trạng mang con bỏ chợ là hiện tượng phổ cập.
Xuất khẩu lao động đã trở thành quốc sách, vừa có tiền khủng bỏ túi riêng vừa mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nhà nước. Và mặc dù các bi kịch ở xứ người vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Lê Diễn Ðức
(nguoi-viet.com)
f
0 nhận xét:
Đăng nhận xét