Trong một lần đến trường, cô giáo Đào Thị Kim Thoa, giáo viên trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã tình cờ nghe được câu chuyện của 3 học sinh nữ lớp 5 thì thầm nói về cảm giác lần đầu tiên cầm điếu thuốc lá hút như thế nào.
Khi cô giáo tiến tới, 3 học sinh giật mình vì câu chuyện của các em bị phát hiện. Một trong ba em đã bước lên xin lỗi và thú thật với cô giáo là do trong một lần đi đám cưới, bị các anh chị lớn tuổi hơn dụ dỗ hút thử thuốc lá. Vì quá tò mò không biết hút thuốc lá có cảm giác như thế nào nên các em đã hút thử.
Cô Đào Thị Kim Thoa, giáo viên trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương |
Sau khi nghe các em tâm sự, cô Thoa đã giảng giải và phân tích cho các em những mặt có hại khi hút thuốc lá. Tuy nhiên, điều khiến cô giáo Thoa thấy trăn trở là hiện nay, thời gian để người lớn quan tâm đến tâm sinh lý, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho con còn quá ít, nhiều phụ huynh phó mặc việc giảng dạy, chăm sóc con em cho nhà trường.
Theo cô giáo Thoa, trẻ em càng lớn thì tâm sinh lý sẽ có nhiều sự thay đổi, muốn được khám phá những điều mới lạ. Nếu không được gia đình, người thân và nhà trường cùng quan tâm, kịp thời phát hiện những điều sai, suy nghĩ lệch lạc thì sẽ hình thành những thói hư ngay từ khi còn bé. Những thói hư, tật xấu sẽ kéo dài cho đến khi các em trưởng thành và đến một lúc nào đó có điều kiện tác động, các em sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50% còn THPT là 64%. Sự dối trá, không trung thực của trẻ nếu kéo dài thì có thể dẫn đến những hành vi không tốt như: trộm cắp, có những hành vi bạo lực vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong năm 2012, tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%.
Hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
Chưa quan tâm đúng mức giáo dục đạo đức học đường
Chị Lê Thị Thủy (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con gái của chị học lớp 1, là năm đầu nên chị khá quan tâm đến chuyện học hành của con. Sau giờ học bán trú trên lớp, mỗi buổi tối cháu phải “bò” ra để viết chữ và làm toán, nhiều hôm tận 11 giờ đêm vẫn chưa xong bài. Và tuyệt nhiên không bao giờ thấy cháu đem sách, vở Đạo đức ra để học. Cũng đôi lần chị xem sách bài tập Đạo đức của con thì thấy cũng có nhiều hình minh họa. Nhưng theo chị Thủy, với một đứa trẻ mới vào lớp 1- ở lứa tuổi còn thiếu tập trung, thì việc học chỉ qua sách giáo khoa mà không được thực hành, sẽ làm cho các cháu học xong có thể sẽ quên ngay. “Thời khóa biểu của lớp 1, mỗi tuần chỉ học Đạo đức 1 tiết. Theo tôi hiểu môn học này sẽ dạy kỹ năng sống cho trẻ, dạy trẻ lễ phép, yêu thương mọi người, vì thế rất cần những hoạt động thực tế, như thế trẻ mới thấm và thực hành theo. Nhưng hầu như cả năm học, trẻ chỉ được học theo sách giáo khoa, học xong lại quên nên khó có thể tiếp thu được và vận dụng được vào cuộc sống. Và thực tế, khi hỏi con tôi đã học những gì ở môn học này thì cháu nhớ mãi không ra”.
Thực tế hiện nay, dạy Đạo đức ở cấp Tiểu học hiện còn mang nặng giáo điều, phương pháp giảng dạy của giáo viên còn nặng tính áp đặt, chưa gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc giảng dạy cho trẻ những việc làm cần thiết còn qua loa, chưa tạo được sự hứng thú cho các em nhỏ. Vì vậy, kết quả là việc dạy học môn đạo đức chưa có chất lượng và hiệu quả.
Môn Đạo đức-GDCD đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người công dân |
Cô Đào Thị Kim Thoa, trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, chương trình sách giáo khoa Đạo đức cấp Tiểu học còn chưa phù hợp với thực tế để rèn luyện các em. Nội dung trong sách còn sơ sài, ít tranh ảnh minh họa, chưa gắn với lối sống của học sinh. “Thời lượng giảng dạy môn Đạo đức-Giáo dục công dân từ cấp Tiểu học đến THPT chỉ có 1 tuần/tiết là quá ít nên việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh chưa thể truyền tải, giảng dạy được kỹ nên các em đã không ý thức được việc tu dưỡng đạo đức, trách nhiệm của việc mình làm”.
Khi được hỏi về môn học Đạo đức ở trường, cháu Đỗ Thanh Mai, học sinh lớp 7 ở một trường THCS quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể rằng, cô giáo dạy môn này cũng là cô dạy Văn kiêm dạy kèm thêm môn Giáo dục công dân, đa số các bạn trong lớp có tư tưởng đây là môn học phụ, nên trong giờ học cũng không tập trung như các môn khác. Bài học đạo đức trong SGK và cách dạy của cô cũng thực sự không để lại cho các con nhiều ấn tượng, mà chủ yếu là “học cho xong”.
Mai lấy ví dụ, cô đưa ra một tình huống theo sách giáo khoa là “nếu em bị các anh chị lớp lớn hơn bắt nạt, em sẽ làm gì?” và trong sách cũng đưa ra một số tình huống, học sinh chỉ việc chọn một trong số các tình huống đó. Cách học này làm cho học sinh rất thụ động, nhiều em dù không nghe cô giảng, nhưng khi bị gọi trả lời thì dễ dàng chọn “bừa” một phương án.
Còn cháu Nguyễn Tùng Sơn, một học sinh lớp 11 tâm sự, giờ học GDCD đối với lớp cháu có nhiều bạn nghỉ học, vì hầu hết các bạn đều phải tập trung cho việc ôn thi các môn thi Đại học. Trong cả năm học, nhiều bạn thậm chí không biết môn học này dạy gì. Còn với Sơn, em thú thực cũng đã đôi lần chăm chú nghe cô giảng bài và đọc sách giáo khoa, nhưng thực tế em không hiểu gì, vì thấy môn học nói nhiều lý thuyết xa vời quá.
Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, không chỉ riêng môn học đạo đức, mà bất cứ một môn học nào hiện nay cũng đang được giảng dạy theo cách rất thụ động, không phát huy được sự sáng tạo của học sinh. Ông lấy ví dụ một cách hình ảnh rằng, nếu thầy đưa ra một cái cốc làm bằng thủy tinh và giải thích dùng để uống nước thì học trò cũng chỉ biết vậy. Nhưng nếu đặt câu hỏi ngược lại cho học sinh: “Đây là cái gì?”, thì học sinh có nơi sẽ gọi là cái cốc, có nơi gọi là cái ly, có nơi cái cốc làm bằng thủy tinh, có nơi làm bằng đất nung, và cũng có thể làm bằng ống tre… Vấn đề ở chỗ, người thầy không phải giảng giải cho học sinh đây là cái cốc mà phải hỏi ngược lại đây là cái gì để phát huy kiến thức phong phú của học sinh.
Và một thực tế nữa hiện nay, ở cấp Tiểu học và THCS, giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm dạy luôn môn Đạo đức. Ở cấp THPT, tình trạng thiếu giáo viên dạy môn Giáo dục công dân vẫn khá phổ biến, vì có những giáo viên dạy Văn, Sử, Địa phải kiêm nhiệm giảng dạy Giáo dục công dân. Việc giáo viên phải kiêm nhiệm giảng dạy nhiều môn đã dẫn đến việc họ không thể tập trung vào việc giảng dạy chuyên sâu cho môn Đạo đức-Giáo dục công dân.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhận định, trong những năm qua, môn Đạo đức-GDCD đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người công dân; góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết của học sinh.
Tuy nhiên, việc dạy và học Đạo đức-GDCD trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Nội dung chương trình hiện hành còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong SGK môn Đạo đức-GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh.../.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét