Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Giáo hạt Hòa Ninh tổ chức đại hội giới trẻ cấp giáo hạt lần 1 tại giáo xứ Cồn Sẻ

Tin tức hạt Hòa Ninh

Sáng sớm ngày 22 tháng 8 năm 2013 giáo xứ Cồn Sẻ vui mừng chào đón các bạn trẻ đến từ 8 giáo xứ trong giáo hạt Hòa Ninh  đây là cuộc gặp gỡ ý nghĩa mang đậm dấu ấn của sự hiệp nhất, yêu thương và phục vụ, giúp các bạn giới trẻ ý thức và trưởng thành hơn trong đời sống nhân bản và Đức tin, đồng thời đề cao vai trò của giới trẻ trong thế giới hôm nay. khẩu hiệu của các bạn trẻ giáo hạt Hòa Ninh là SỐNG ĐỨC TIN BẰNG HÀNH ĐỘNG... Cha đặc trách giới trẻ hạt Hòa Ninh cùng ban tổ chức đại hội giới trẻ đã nổ lực tổ chức những chương trình trò chơi lớn, văn nghệ, hùng biện của các bạn trẻ đến từ 8 giáo xứ trong hạt Hòa Ninh.......
pet minh tiến

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Công tác chuẩn bị đại hội giới trẻ hạt Hòa Ninh

Đại hội giới trẻ hạt Hòa Ninh sẽ được tổ chức vào ngày 22 tháng 8 năm 2013 tại giáo xứ Cồn Sẻ, theo tin từ  Cha đặc trách ban giới trẻ giáo hạt Hòa Ninh....  một số hình ảnh công tác chuẩn bị đại hội giới trẻ hạt Hòa Ninh

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Chấn hưng giáo dục: "Đạo đức" học đường đang bị xem nhẹ

Trong một lần đến trường, cô giáo Đào Thị Kim Thoa, giáo viên trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã tình cờ nghe được câu chuyện của 3 học sinh nữ lớp 5 thì thầm nói về cảm giác lần đầu tiên cầm điếu thuốc lá hút như thế nào.
Khi cô giáo tiến tới, 3 học sinh giật mình vì câu chuyện của các em bị phát hiện. Một trong ba em đã bước lên xin lỗi và thú thật với cô giáo là do trong một lần đi đám cưới, bị các anh chị lớn tuổi hơn dụ dỗ hút thử thuốc lá. Vì quá tò mò không biết hút thuốc lá có cảm giác như thế nào nên các em đã hút thử.
 
 Cô Đào Thị Kim Thoa, giáo viên trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Sau khi nghe các em tâm sự, cô Thoa đã giảng giải và phân tích cho các em những mặt có hại khi hút thuốc lá. Tuy nhiên, điều khiến cô giáo Thoa thấy trăn trở là hiện nay, thời gian để người lớn quan tâm đến tâm sinh lý, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho con còn quá ít, nhiều phụ huynh phó mặc việc giảng dạy, chăm sóc con em cho nhà trường.
Theo cô giáo Thoa, trẻ em càng lớn thì tâm sinh lý sẽ có nhiều sự thay đổi, muốn được khám phá những điều mới lạ. Nếu không được gia đình, người thân và nhà trường cùng quan tâm, kịp thời phát hiện những điều sai, suy nghĩ lệch lạc thì sẽ hình thành những thói hư ngay từ khi còn bé. Những thói hư, tật xấu sẽ kéo dài cho đến khi các em trưởng thành và đến một lúc nào đó có điều kiện tác động, các em sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50% còn THPT là 64%. Sự dối trá, không trung thực của trẻ nếu kéo dài thì có thể dẫn đến những hành vi không tốt như: trộm cắp, có những hành vi bạo lực vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong năm 2012, tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%.
Hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. 
Chưa quan tâm đúng mức giáo dục đạo đức học đường
Chị Lê Thị Thủy (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con gái của chị học lớp 1, là năm đầu nên chị khá quan tâm đến chuyện học hành của con. Sau giờ học bán trú trên lớp, mỗi buổi tối cháu phải “bò” ra để viết chữ và làm toán, nhiều hôm tận 11 giờ đêm vẫn chưa xong bài. Và tuyệt nhiên không bao giờ thấy cháu đem sách, vở Đạo đức ra để học. Cũng đôi lần chị xem sách bài tập Đạo đức của con thì thấy cũng có nhiều hình minh họa. Nhưng theo chị Thủy, với một đứa trẻ mới vào lớp 1- ở lứa tuổi còn thiếu tập trung, thì việc học chỉ qua sách giáo khoa mà không được thực hành, sẽ làm cho các cháu học xong có thể sẽ quên ngay. “Thời khóa biểu của lớp 1, mỗi tuần chỉ học Đạo đức 1 tiết. Theo tôi hiểu môn học này sẽ dạy kỹ năng sống cho trẻ, dạy trẻ lễ phép, yêu thương mọi người, vì thế rất cần những hoạt động thực tế, như thế trẻ mới thấm và thực hành theo. Nhưng hầu như cả năm học, trẻ chỉ được học theo sách giáo khoa, học xong lại quên nên khó có thể tiếp thu được và vận dụng được vào cuộc sống. Và thực tế, khi hỏi con tôi đã học những gì ở môn học này thì cháu nhớ mãi không ra”.
Thực tế hiện nay, dạy Đạo đức ở cấp Tiểu học hiện còn mang nặng giáo điều, phương pháp giảng dạy của giáo viên còn nặng tính áp đặt, chưa gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc giảng dạy cho trẻ những việc làm cần thiết còn qua loa, chưa tạo được sự hứng thú cho các em nhỏ. Vì vậy, kết quả là việc dạy học môn đạo đức chưa có chất lượng và hiệu quả.
 
 Môn Đạo đức-GDCD đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người công dân
Cô Đào Thị Kim Thoa, trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, chương trình sách giáo khoa Đạo đức cấp Tiểu học còn chưa phù hợp với thực tế để rèn luyện các em. Nội dung trong sách còn sơ sài, ít tranh ảnh minh họa, chưa gắn với lối sống của học sinh. “Thời lượng giảng dạy môn Đạo đức-Giáo dục công dân từ cấp Tiểu học đến THPT chỉ có 1 tuần/tiết là quá ít nên việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh chưa thể truyền tải, giảng dạy được kỹ nên các em đã không ý thức được việc tu dưỡng đạo đức, trách nhiệm của việc mình làm”.
Khi được hỏi về môn học Đạo đức ở trường, cháu Đỗ Thanh Mai, học sinh lớp 7 ở một trường THCS quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể rằng, cô giáo dạy môn này cũng là cô dạy Văn kiêm dạy kèm thêm môn Giáo dục công dân, đa số các bạn trong lớp có tư tưởng đây là môn học phụ, nên trong giờ học cũng không tập trung như các môn khác. Bài học đạo đức trong SGK và cách dạy của cô cũng thực sự không để lại cho các con nhiều ấn tượng, mà chủ yếu là “học cho xong”.
Mai lấy ví dụ, cô đưa ra một tình huống theo sách giáo khoa là “nếu em bị các anh chị lớp lớn hơn bắt nạt, em sẽ làm gì?” và trong sách cũng đưa ra một số tình huống, học sinh chỉ việc chọn một trong số các tình huống đó. Cách học này làm cho học sinh rất thụ động, nhiều em dù không nghe cô giảng, nhưng khi bị gọi trả lời thì dễ dàng chọn “bừa” một phương án.
Còn cháu Nguyễn Tùng Sơn, một học sinh lớp 11 tâm sự, giờ học GDCD đối với lớp cháu có nhiều bạn nghỉ học, vì hầu hết các bạn đều phải tập trung cho việc ôn thi các môn thi Đại học. Trong cả năm học, nhiều bạn thậm chí không biết môn học này dạy gì. Còn với Sơn, em thú thực cũng đã đôi lần chăm chú nghe cô giảng bài và đọc sách giáo khoa, nhưng thực tế em không hiểu gì, vì thấy môn học nói nhiều lý thuyết xa vời quá.
Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, không chỉ riêng môn học đạo đức, mà bất cứ một môn học nào hiện nay cũng đang được giảng dạy theo cách rất thụ động, không phát huy được sự sáng tạo của học sinh.  Ông lấy ví dụ một cách hình ảnh rằng, nếu thầy đưa ra một cái cốc làm bằng thủy tinh và giải thích dùng để uống nước thì học trò cũng chỉ biết vậy. Nhưng nếu đặt câu hỏi ngược lại cho học sinh: “Đây là cái gì?”, thì học sinh có nơi sẽ gọi là cái cốc, có nơi gọi là cái ly, có nơi cái cốc làm bằng thủy tinh, có nơi làm bằng đất nung, và cũng có thể làm bằng ống tre… Vấn đề ở chỗ, người thầy không phải giảng giải cho học sinh đây là cái cốc mà phải hỏi ngược lại đây là cái gì để phát huy kiến thức phong phú của học sinh.
Và một thực tế nữa hiện nay, ở cấp Tiểu học và THCS, giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm dạy luôn môn Đạo đức. Ở cấp THPT, tình trạng thiếu giáo viên dạy môn Giáo dục công dân vẫn khá phổ biến, vì có những giáo viên dạy Văn, Sử, Địa phải kiêm nhiệm giảng dạy Giáo dục công dân. Việc giáo viên phải kiêm nhiệm giảng dạy nhiều môn đã dẫn đến việc họ không thể tập trung vào việc giảng dạy chuyên sâu cho môn Đạo đức-Giáo dục công dân.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhận định, trong những năm qua, môn Đạo đức-GDCD đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người công dân; góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết của học sinh.
Tuy nhiên, việc dạy và học Đạo đức-GDCD trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Nội dung chương trình hiện hành còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong SGK môn Đạo đức-GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh.../.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Nhọc nhằn miếng cơm xứ người

Bác bỏ tin người lao động đi Ðài Loan làm việc phải trả cái giá tới 7-8 ngàn USD/người cho thủ tục và hồ sơ, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần hôm 14 tháng 7, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng và Thương Binh Xã Hội (LÐTB & XH) Nguyễn Thanh Hòa nói “việc thu lệ phí quá cao ở thị trường Ðài Loan và các nước khác là có nhưng không đến mức cao như vậy, chỉ có thể là 6,000 USD trở xuống”.
laodong2Ông thứ trưởng biết rõ một sự thật hoàn toàn khác, nhưng đã phải dối trá, cho dù 6 ngàn USD đối với người nghèo đã là món tiền quá lớn.
Là người đã từng dịch thuật hồ sơ cho công nhân lao động tìm kiếm việc làm tại thị trường Ðông Âu, tôi nắm khá chi tiết về vấn đề này.
Một công ty, bất luận nhà nước hay tư nhân, để có giấy phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động kỳ hạn một năm do Bộ LÐTB & XH cấp, phải trả một số tiền là 200 ngàn USD. Bao nhiêu nộp ngân sách, bao nhiêu “bôi trơn” thì chỉ có trời hoặc bộ trưởng biết. Tại sao thời hạn một năm? Một năm là kiếm khá rồi, nếu muốn tiếp tục thì phải nộp tiếp. Nộp bao nhiêu phụ thuộc vào thu nhập. Bởi vì danh sách từng đợt xuất cảnh của công nhân đều phải qua bộ duyệt nên không thể giấu giếm được. Cho nên, trước hết các công ty môi giới dịch vụ phải lo tìm cách thu hồi vốn.
Với mức lương lao động phổ thông, ước tính khoảng dưới một ngàn USD, ví dụ tạm lấy mức 800 USD/tháng cho một công nhân, thì theo hợp đồng chính thức, mỗi công ty môi giới từ hai phía, Việt Nam và nước ngoài, được hưởng chính thức một tháng lương, gọi là “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài”.
Thông thường, hợp đồng ký với người lao động có thời hiệu một năm và có thể gia hạn tới ba năm! Như vậy, để được đi, mỗi công nhân phải chấp nhận nộp trước “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài” cho 3 năm, tức là 800 USD x 3 năm x 2 môi giới = 4,800 USD.
Khoản thứ nhì là “chi phí ngoài”, tức tiền làm thủ tục bảo hiểm, khám sức khỏe và chiếu khán nhập cảnh. Chi phí visa này biến hóa khôn lường. Công ty môi giới có thể giữ nguyên mức chi phí thực hoặc cũng có thể nói khống lên, nhưng thường khoảng từ vài trăm tới cả ngàn đô, tùy theo từng quốc gia.
Công nhân buộc phải thế chấp với mục đích ngăn chặn bỏ việc làm, phá vỡ hợp đồng. Hầu hết công nhân là những người nghèo, nên họ thường phải cầm cố đất, nhà ở, hoặc tiền vay ngân hàng với lãi suất cao (tiền thế chấp từ vài ngàn USD, tới 10 ngàn hoặc hơn, cũng tùy theo từng nước). Số tài sản thế chấp này sẽ bị mất nếu phá vỡ hợp đồng, các công ty môi giới và ông chủ ngoại quốc được quyền ăn chia “tiền bồi thường thiệt hại”!
Như vậy, chưa biết tương lai ra sao, trước khi lên đường, mỗi công nhân phải chịu tất cả các chi phí và tiền thế chấp, nhiều hơn nhiều số 6 ngàn USD mà ông thứ trưởng nói.
Những người nghèo đi nước ngoài lao động như bị vứt vào canh bạc và mong chờ vào sự may mắn. Nước sở tại nào có môi trường xã hội văn minh, bảo vệ quyền lợi người lao động, thì tuy vất vả nhưng còn thực hiện được một phần mơ ước. Gặp ông chủ bất nhân, chính quyền sở tại làm ngơ, coi như mất trắng và đôi khi thân tàn ma dại. Nếu chịu đựng không nổi, phải phá vỡ hợp đồng ra ngoài kiếm sống, thì người bị mất chính là họ, bởi vì ông chủ và các công ty môi giới được hưởng lợi hợp pháp số tài sản thế chấp.
Theo số liệu của Cục Quản Lý Lao Ðộng Ngoài Nước, hiện có khoảng 500 ngàn lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, người lao động tại Ðài Loan đứng đầu, với hơn 8 vạn người, tiếp đến là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma Cau, Ả rập Xê út, Cộng hòa Síp. Ðáng chú ý, trong số 500 ngàn lao động có tới 215 ngàn là lao động nữ, chiếm 50.2%, chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội chiếm 52.9%, công nghiệp 42.2%, nông nghiệp 1.10%, thủy sản 0.13%, còn lại là các ngành nghề khác. Ðây cũng là đối tượng bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, bóc lột sức lao động nhiều hơn so với nam”. (Dân Trí 22/11/2011)
Tờ điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam nhận định rằng “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lao động, nhưng Việt Nam vẫn xây dựng được thị trường lao động đa dạng phong phú, hàng năm đưa được số lao động ra nước ngoài ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 3 năm (2006-2008) trung bình mỗi năm đưa được hơn 83,000 lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Với số lượng trên, khoản tiền do công nhân đóng trước khi đi, ví dụ lương bình quân 8 ngàn USD, các công ty môi giới sẽ có trong tay mỗi năm 664 triệu USD. Một mối lợi khổng lồ, không mất vốn, hơn cả buôn ma túy vì hợp pháp. Cho nên, các công ty công và tư cạnh tranh dữ dội trong việc chạy giấp phép dịch vụ xuất khẩu lao động.
Ngày 29 tháng 11, 2006 Quốc Hội Việt Nam đã thông qua “Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Ðiều 5 của luật này xác định “tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài” và “bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.
Thế nhưng, rất nhiều người bị ngược đãi trên đất lạ hoặc bị các công ty môi giới lao động lừa gạt. Hoàn cảnh bức bí đã khiến nhiều công nhân ở Malaysia chạy trốn ra ngoài làm điếm, bổ sung cho con số 3,456 người trong tổng số 12,434 phụ nữ nước ngoài hành nghề mại dâm bị bắt giữ ở Malaysia, theo bản tin của BBC 18 tháng 7, trở thành nhóm phụ nữ nước ngoài đứng đầu hành nghề này ở Malaysia.
Cách đây không lâu, tờ Việt Báo có bài “30 công nhân tại Malaysia kêu cứu vì bị ngược đãi” cho biết hàng chục hộ dân ở Trà Vinh đã kéo đến công ty môi giới, công ty Xuất Nhập Khẩu và Lương Thực Trà Vinh, khóc lóc, van xin công ty giúp đỡ người thân của họ được trở về nước, để thoát khỏi cảnh bị đánh đập, bỏ đói tại Malaysia.
Bài báo cũng cho biết 30 công nhân trên đã từng “hớn hở đăng ký đi sang xứ người”, vì “được sự động viên của chính quyền xã”. Sau khi được đưa lên thị xã Trà Vinh học 4 tháng ngoại ngữ và luật Malaysia, họ lên Sài Gòn khám sức khỏe và tất cả đều “trúng tuyển”. Trở về nhà, họ vay tiền ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài để có đủ số tiền trang trải các chi phí dịch vụ và vé máy bay. Chia tay người thân vào ngày 28 tháng 11 năm 2004, họ hân hoan với hy vọng sẽ có “đô” gửi về giúp gia đình. “Nào ngờ, ngày đầu tiên đặt chân đến Malaysia thì họ mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa”, bài báo viết.
Tờ “The Star” của Malaysia ngày 17 tháng 3, 2012 đưa tin về 42 người phụ nữ Việt Nam sống tại thành phố George Town, bán đảo Penang, Malaysia, trong một căn nhà 4 phòng, mỗi phòng chỉ đủ chỗ ngủ cho năm người, và tất cả chỉ có một chỗ đi vệ sinh duy nhất. Họ từ Việt Nam sang Malaysia lao động nhưng không có việc làm, không có tiền gửi về giúp gia đình, một số đã ở Malaysia một năm rưỡi trong khi hộ chiếu đã hết hạn.
Vào chiều ngày 11 tháng 9, từ tầng hai của xưởng may gồm ba tầng ở thị trấn Yegoryevsk, cách thủ đô Moscow khoảng 100km về phía Ðông Nam nước Nga, nổ ra vụ cháy. Thời điểm xảy ra đám cháy có hơn 50 công nhân Việt Nam đang làm việc trong xưởng. Trong số nạn nhân thương vong, có 8 nữ, 6 nam. Họ làm việc trong căn phòng nhỏ chỉ rộng khoảng 20m2, bị ông chủ khóa cửa ngoài. Trong ngày 23 tháng 9 năm 2012, chuyến bay VN194 của Vietnam Airline đưa hài cốt của 14 nạn nhân về tới sân bay Nội Bài, nhưng không hề thấy sự có mặt của một vị đại diện nào từ phía nhà cầm quyền, ít nhất là của Bộ LÐTB & XH.
Mới đây, 20 lao động khác bị ngược đãi ở Nga, sau hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và gần 1 tháng chờ đợi “giải cứu”, các lao động này đã về nước an toàn.
Anh Trần Văn Giang (quê Tiên Lữ, Hưng Yên) chưa hết hoàn hồn: “Bốn tháng ở Nga với tôi là ký ức kinh hoàng. Làm việc quần quật từ ngày này sang ngày khác mà không có ngày nghỉ, dù là ốm đau. Ăn uống kham khổ, bẩn thỉu, cộng với sự đối xử bất công của người chủ Trung Quốc khiến anh em không thể tiếp tục nhịn nhục được nữa”.
Còn anh Lê Trung Kiên (quê Duy Tiên, Hà Nam) cho hay: “Trước khi sang Nga, tôi ký hợp đồng và đặt cọc 20 triệu đồng, đến nay chưa được trả đồng nào. Hợp đồng ghi ngày làm 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế làm việc 12 tiếng/ngày, thậm chí có ngày làm tới 14 tiếng mà không có ngày nghỉ”. (Thanh Niên 17/5/2012)
Vào cuối tháng 7 năm 2013 cảnh sát nga đã bố ráp và bắt giữ 1,200 công nhân Việt của nhà máy Vinastar cư trú và làm việc bất hợp pháp. Những người công nhân đã tố cáo nhà máy giữ công nhân như “nô lệ” ở ngoại ô Moscow.
Ở Ðài Loan, gánh nặng tài chính buộc những người lao động này phải làm việc cật lực và bằng mọi giá để trả nợ nần. Họ nhanh chóng trở thành những đối tượng dễ dàng bị các ông chủ người Ðài Loan lạm dụng, bóc lột. Tiền đi vay để chi cho môi giới quá lớn đã đẩy họ vào thảm cảnh của nô lệ thời hiện đại. Ðã không ít lao động bị chủ đánh đập, ngược đãi, cưỡng bức, tờ Saigontin.com viết.
Miếng ăn xứ người quả thật nhọc nhằn và chứa đầy rủi ro, tuy nhiên hàng trăm ngàn người lao động vẫn ngây thơ ôm ấp giấc mơ đổi đời, vượt qua nghèo khó. Tiền vào tay những kẻ bất nhân thật khó đòi lại, trong khi tình trạng mang con bỏ chợ là hiện tượng phổ cập.
Xuất khẩu lao động đã trở thành quốc sách, vừa có tiền khủng bỏ túi riêng vừa mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nhà nước. Và mặc dù các bi kịch ở xứ người vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Lê Diễn Ðức
(nguoi-viet.com)
f

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Nhà nông bỏ ruộng vì vật giá leo thang – Những trường hợp điển hình ở Can Lộc, Hà Tĩnh

Một nông dân đang sử dụng máy cày trên một thửa ruộng ở miền bắc hôm 11/6/2013 AFP photo
Một nông dân đang sử dụng máy cày trên một thửa ruộng ở miền bắc hôm 11/6/2013. AFP photo
Khi vật giá leo thang, mọi thứ đụng đâu cũng thấy tiền, nhu cầu tối thiểu của người nông dân là có thật nhiều lúa để bán kiếm tiền mua những thứ khác. Nhưng, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Trung buộc lòng bỏ ruộng, chấp nhận bỏ quê đi làm thuê làm mướn, bôn tẩu khắp mọi miền để tồn tại. Câu chuyện những người nông dân ở Hà Tĩnh bỏ ruộng vừa có tính chất giống như một lời giải thích cho hiện tượng này, đồng thời đó cũng là một tiếng thở dài của một lớp người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Nông dân lắc đầu ngao ngán
Ông Trần Bình Minh, sống ở huyện Can Lộc, cho chúng tôi biết là ông đã bỏ ruộng suốt bốn vụ lúa gần đây, đồng ruộng của ông bây giờ đã lên cỏ um tùm, nhìn đám ruộng bỏ hoang, ông đau lòng lắm, hơn nữa, với tâm lý và thói quen của một người làm nông nghiệp, sự an tâm của họ gửi hết vào đám ruộng, những bông lúa trĩu hạt như một lời hứa đảm bảo an ninh lương thực của gia đình họ. Nhưng hiện tại, với vật giá leo thang theo tốc độ tên lửa như vậy, ôm đám ruộng chả khác nào ôm một cô gái lỡ thì cùng một đàn con vô thừa nhận kèm theo.
Ông Minh ví von khá hóm hỉnh rằng đám ruộng thời bây giờ chính là cô gái lỡ thì, nó không còn là cô gái phơi phới tuổi mới lớn mà cũng chẳng giống cô gái đã trưởng thành, có chồng con chỉn chu. Nghĩa là nếu như nó còn là cô gái tuổi mới lớn, thì nó sẽ hấp dẫn, thu hút trai làng, thu hút nông dân, đằng này mỗi khi người nông dân nhìn đám ruộng, cảm giác nợ nần lại xâm lấn tâm hồn họ, không tài nào rứt ra được cái của nợ này. Nhưng nó cũng không phải là người đàn bà đã trưởng thành tử tế, vì nếu được vậy, nó không gây nhiễu sự, nó không làm cho người nông dân trở nên rối rắm, khó chịu một khi phải cảnh “bỏ thì thương vương thì tội”.
Trung bình, một mùa lúa, mỗi sào ruộng, người nông dân phải đầu tư từ một triệu hai trăm ngàn đồng đến một triệu năm trăm ngàn đồng cho việc thuê máy cày, bừa, dọn mặt bằng, sạ lúa, phân bón lót, thuốc trừ sâu bệnh, mua lúa giống, trả tiền thuế nước, trên danh nghĩa thì nông dân được miễn thuế đất nông nghiệp nhưng trên thực tế, thuế thủy lợi tăng gấp ba lần, thuế dịch vụ hợp tác xã cũng tăng cao mặc dù mô hình hợp tác xã đã được giải thể khá lâu nhưng nó vẫn hoạt động khắp mọi miền đất nước theo hình thức dịch vụ chăm sóc nông nghiệp. Chính vì phải gánh quá nhiều khoản chi phí cho ruộng lúa, kết quả, cuối mùa, thu hoạch vào vẫn chỉ tương đương với tiền đầu tư bỏ ra. Tiền công của người nông dân xem như công cốc, nếu cộng vào thì mức thua lỗ sẽ tăng cao.
Đập lúa, xay lúa trên bờ ruộng ngay sau thu họach. AFP photo
Đập lúa, xay lúa trên bờ ruộng ngay sau thu họach. AFP photo
Một người nông dân khác tên Quốc, người Can Lộc, Hà Tĩnh, hiện đang làm thuê tại Hà Nội, kể cho chúng tôi biết là ông đã phải viết đơn xin trả ruộng vì mức thuế quá nặng, làm chừng nào lỗ chừng đó, không những mất tiền mà còn mất công, thôi thì trả đất cho rảnh của nợ, chứ nếu không trả được mà bỏ cỏ thì vẫn bị đánh thuế. Trong khi đất đai cằn cỗi, nguồn nước không ổn định, làm sáu tháng trời chỉ thu được từ hai trăm ba chục ký lô đến hai trăm năm chục ký lô lúa, cách gì cũng lỗ, chấp nhận đi mua gạo ăn, dư được ngày công, đi làm thuê mới sinh ra số dư được.
Nói xong, ông Quốc lắc đầu ngao ngán, ông nói thêm rằng nếu biết đi làm thuê dễ thở như vậy, ông đã bỏ ruộng từ lâu để kiếm một chút tiền mà bỏ ống, xây cái nhà, chứ bây giờ, giả sử có đau ốm, nhà không ai có bảo hiểm y tế, cũng không có tiền, chỉ có mà méo miệng cho qua ngày đoạn tháng.
Người trí thức buồn rầu cùng nhà nông
Một giáo sư dạy đại học nông nghiệp ở phía Bắc, hiện đang nghiên cứu đề tài nhằm tìm phương án nâng cao sản lượng cho cây lúa ở Hà Tĩnh đã lắc đầu buồn rầu, nói rằng ông thật sự bó tay trước tình trạng người nông dân bỏ ruộng ở Hà Tĩnh, và trong trường hợp này, ông cũng đồng tình khuyên người nông dân nên bỏ ruộng đi cho đỡ phải vất vả. Nhưng nói thế, chứ làm một người nghiên cứu, ông rất buồn khi phải đối diện với ba nguyên nhân chính dẫn đến nông dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng sẽ còn bỏ ruộng dài dài sau này. Ba nguyên nhân đó gồm: Chính sách vĩ mô của ngành nông nghiệp Việt Nam rất lủng củng, thiếu khoa học; Văn hóa nông nghiệp đã bị đánh tráo và khủng hoảng; Và chính sách đất đai cho người nông dân quá sơ sài.
Giải thích rõ hơn về ba nguyên nhân, vị giáo sư này nói rằng một khi chính sách đầu tư cho nhà nông bị chấm mút từ trung ương đến địa phương, khi đồng tiền hay quyền lợi nào đó đến tay người nông dân chỉ còn là cây tăm xỉa răng nhỏ xíu nhưng ở đầu nguồn chi thì nó là cây tre, các lớp cán bộ từ trung ương đến địa phương đã phù phép một cách khéo léo để chẻ chính sách cho đến mức nhỏ nhất. Nhưng họ vẫn giữ được cái lý là họ đã đưa tre về làng, vì cây tăm nó vẫn làm từ tre, không ai nói được, tham nhũng cả hệ thống nên sẽ tự bao che cho nhau trong cả hệ thống, người thiệt thòi nhất luôn là nông dân. Đó là chưa nói đến một chiến lược khoa học bền bĩ cho vấn đề xuất khẩu nông nghiệp, hoàn toàn không có!
Nông dân với ruộng lúa chín vàng. AFP photo
Nông dân với ruộng lúa chín vàng. AFP photo
Thứ đến, người nông dân sau một quá trình suốt mười năm ròng phải làm và hưởng thành quả lao động theo công điểm, tới lúc nào ông đội trưởng gõ kẻng thông báo thì mới vác bị lên cân lúa về, có khi đói trước hụt sau, quá trình làm lụng mịt mù trong hệ điều hành hợp tác xã và bao cấp như vậy, người nông dân bị mất phương hướng và rơi vào trạng thái thụ động. Mãi đến năm 1986, kinh tế mở cửa nhưng ruộng đất chỉ khoán cho dân, họ lại bị ép vào tình thế quần quật cày bừa kiếm sống và nộp thuế, đến Khoán 10 năm 1995, họ tạm được chia ruộng đất thì lại rơi vào bất an, không biết đất sẽ bị thu hồi ngày nào, giờ nào.
Chính vì không làm chủ được mảnh ruộng của mình, nên mọi niềm tin và hy vọng của nhà nông bị phai dần theo thời gian, và những nét đẹp của tính chân chất, thật thà bị thay thế bởi sự toan tính, áp phe, cúi luồn… Hơn nữa, đau ốm không có bảo hiểm y tế, muốn mua nhưng quá đắt, một sào lúa bán ra cả vốn lẫn lãi vẫn chưa mua được một cái giấy bảo hiểm, đời sống phiêu linh. Một khi văn hóa nông nghiệp bị phá sản, nó sẽ kéo theo nền nông nghiệp bị khủng hoảng và kém sáng tạo.
Hai tính chất và nguyên nhân trên đây là hệ quả của nguyên nhân thứ ba, đó là chính sách nhà nước dành cho người nông dân quá sơ sài. Và với đà này, nông dân sẽ còn tiếp tục bỏ ruộng bởi sức ép thời giá, sức ép ngày công lao động và sức ép của sự trống rỗng trong tâm thức khi đối diện mảnh ruộng vốn thân yêu và gần gũi của mình.
Nếu như trong một nền nông nghiệp có văn hóa và khoa học, khi đứng trước đám ruộng, người nông dân sẽ nghĩ đến một mùa bội thu cùng những tiếng hát bay theo ngọn gió đồng, còn trong một nền nông nghiệp bất ổn như Việt Nam, hoặc là người nông dân nghĩ đến cách làm sao hợp thức hóa đám ruộng để bán đất, nhưng cách nghĩ này khó thực hiện, nên phần lớn, người ta nghĩ đến việc buông thả nó, vì trước sau gì, nó cũng thành nền nhà của một ai đó sau khi kẻ này chi tiền cho chính quyền địa phương.
Đó là một thực tế phũ phàng, là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến việc bỏ ruộng của người nông dân. Vị giáo sư này đưa ra kết luận trên và không quên dặn chúng tôi đừng bao giờ tiết lộ về danh tánh của ông.
A4

Thánh lễ ban Bí tích giải tội lần đầu cho các em tại giáo xứ Hòa Ninh

Chiều ngày 8 tháng 8 năm 2013 lúc 16 giờ 00 tại giáo xứ Hòa Ninh đã diễn ra thánh lễ ban bí tích giải tội lần đầu cho các em trong toàn giáo xứ Hòa Ninh. 89 em cùng  178 cha mẹ của các em cùng đông đảo bà con trong toàn giáo xứ Hòa Ninh đã tham dự thánh lễ rước lễ lần đầu cho các em.....

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Maria Nguyễn Mai Anh - Thủ khoa Đại học Y Hà Nội


Thủ khoa Maria Nguyễn Mai Anh
Thủ khoa Maria Nguyễn Mai Anh
Maria Nguyễn Mai Anh - người con của Giáo xứ Thụy Lôi, Giáo phận Thái Bình, đã trở thành niềm tự hào của gia đình, làng xóm, giáo xứ, giáo phận khi ghi tên mình vào danh sách các Thủ khoa Đại học năm 2013 với số điểm 29.5 (Toán 10, Sinh 10, Hóa 9.5).
Khi được biết Mai Anh đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội 2013, chúng tôi tìm tới Giáo xứ Thụy Lôi, nơi em được sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc, dạy dỗ và hướng dẫn của gia đình, làng xóm và cộng đoàn Giáo xứ Thụy Lôi.

Chia sẻ với chúng tôi, cha Giuse Nguyễn Thanh Ngư – Chánh xứ Thụy Lôi – cho biết: “Tôi rất vinh hạnh và tự hào, phải nói rằng em có được ngày hôm nay là nhờ chính sự nỗ lực học tập của em và sự động viên khích lệ của gia đình. Gia đình em có truyền thống học tập tốt. Hai chị của Mai Anh (Phương Anh và Trung Anh) cũng đã và đang học những trường đại học danh tiếng tại Hà Nội (chị lớn học Học viện Ngân Hàng, chị thứ hai học ĐH Kinh tế Quốc dân). Ngoài nỗ lực học tập, Mai Anh còn là một trong những bạn trẻ rất năng động trong mọi sinh hoạt của giáo xứ. Từ ngày tôi về quản giáo xứ, chưa khi nào tôi thấy em bỏ lễ và bỏ rước lễ...”

Cha xứ còn chia sẻ với chúng tôi: Vì ích lợi cho bản thân các em, nên giáo xứ đưa ra quy định, các em còn đang học phổ thông không được phép dùng điện thoại. Đây cũng là một biện pháp tốt để các bạn trẻ có thể xa tránh được những cái xấu đang xâm nhập vào đời sống. Đối với Mai Anh, chưa bao giờ tôi thấy em vi phạm dùng điện thoại trong thời gian học phổ thông.
 
 

Maria Nguyễn Mai Anh
 
Được thầy xứ dẫn đường, chúng tôi tìm đến nhà Mai Anh, ra đón chúng tôi là bà nội và bố mẹ của em. Gia đình cho chúng tôi biết, hôm nay Mai Anh cùng các bạn trong lớp tổ chức về nhà thầy giáo để cảm ơn thầy đã dìu dắt và nâng đỡ em trong suốt những năm học phổ thông.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phêrô Nguyễn Văn Quân – bố của Mai Anh – Trưởng ban Hội khuyến học Giáo xứ – nói: “Mặc dù nhà chúng tôi kinh tế còn khó khăn, nhưng gia đình vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để lo cho các cháu đi học. Ngày xưa do nhà nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn nên giờ thiệt thòi về mọi phương diện, mặc dù có cố cũng không thoát khỏi lũy tre làng. Vì thế, có thiếu thốn đến đâu, gia đình tôi cũng quyết cho các con học hành tử tế và mong ước đứa nào cũng thi đậu Đại học. Nhưng khi biết cháu đăng ký thi vào trường Đại học Y Hà Nội, tôi băn khoăn, bởi trường này nhiều người giỏi nên chỉ nghĩ cháu thi đỗ là vui rồi, ai ngờ cháu lại đậu thủ khoa - thật là vượt quá niềm mong đợi của chúng tôi. Vợ chồng tôi rất tự hào với hàng xóm khi có người con khiêm tốn, lễ phép, hiền lành và học giỏi như Mai Anh.”

Chị Maria Nguyễn Thị Hồng Nhâm – mẹ của Mai Anh  – Thư ký và Tài chính Giáo xứ Thụy Lôi – chia sẻ: “Tôi rất vui vì các con tôi, đứa nào cũng học hành chăm chỉ, sống có hiếu và không bao giờ cãi lời ông bà, cha mẹ. Cả bốn đứa đều chăm chỉ đi lễ, tham gia các hội đoàn, nhiệt tình trong các công việc của Giới trẻ Giáo xứ. Tôi mong muốn khi đi học xa nhà, các cháu có điều kiện tiếp xúc và sinh hoạt trong các nhóm Sinh viên Công giáo để tránh xa được những bạn bè xấu lôi kéo.

Thực ra, Mai Anh có được như hôm nay cũng là nhờ vào công lao của cha xứ rất nhiều. Từ ngày về coi sóc giáo xứ, ngài thành lập được nhiều hội đoàn, trong đó có giới trẻ. Đây chính là môi trường hết sức lành mạnh để cho các cháu có điều kiện sinh hoạt, vui chơi và học tập. Dưới sự hướng dẫn và dạy bảo của cha xứ, các bạn trẻ nơi đây tránh được nhiều những tệ đoan xã hội.”

Nghe bố mẹ của Mai Anh chia sẻ, chúng tôi cảm nhận được sức sống và lòng nhiệt thành sống đạo của gia đình - đó chính là nền tảng và là bước đệm vững chắc cho những đứa con bước vào đời.

Cùng nhớ lại, nhiều gia đình Công giáo ngày nay, vì quá lo lắng đến việc học văn hóa của con em mình mà không màng chi đến việc học Giáo lý và sinh hoạt trong các hội đoàn trong giáo xứ, giáo họ - đó quả là một suy nghĩ sai lầm. Thậm chí có gia đình còn lý luận rằng, việc học giáo lý sẽ ảnh hưởng đến việc học văn hóa của các em ở trường, nhưng thực tế cho thấy, điều đó không hoàn toàn đúng. Trong những năm qua, rất nhiều bạn trẻ, mặc dù không đạt được thành tích cao như Mai Anh, nhưng cũng có được những thành tích học tập thật đáng khích lệ. Nhiều em nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các trường ở các cấp học, trong khi các em vẫn là những học sinh giáo lý tiêu biểu, là những bạn trẻ năng nổ trong các phong trào giới trẻ của giáo xứ, giáo họ. Sở dĩ các em có được những kết quả khả quan như vậy, là bởi vì, nơi môi trường nhà thờ, nhà xứ, các em không chỉ được học hỏi những kiến thức về giáo lý để sống đức tin vững vàng hơn mà nơi đây, các em còn được đào tạo về nhân bản, về cách sống làm người để các em trở nên những người có ích cho xã hội.


BBT GP Thái Bình

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Giáo xứ Hòa Ninh 4 trẻ sơ sinh rửa tội

Theo định kỳ đầu tháng các trẻ nhỏ được lãnh nhận bí tích rửa tội , hôm nay giáo xứ Hòa Ninh hân hoan chào đón 4 trẻ sơ sinh và Bọ Mạ đỡ đầu cùng Cha Mẹ của các trẻ cùng cộng đoàn tham dự thánh lễ ban bí tích rửa tội cho các em........

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Anh Phêrô Nguyễn Văn Lâm qua đời!

Lại một tin buồn cho giáo xứ Hòa Ninh Anh Phêrô Nguyễn Văn Lâm xóm Tiền Môn xứ Hòa Ninh, sau một tai nạn giao thông ngày 3 tháng 8 năm 2013 đã cướp đi sinh mạng của chàng trai 22 tuổi đời còn quá trẻ , để lại vợ trẻ con thơ mới chào đời được 5 tháng tuổi, thật là nỗi đau và mất mát, nhưng tin vào niềm tin Ki-tô giáo chết là biến đổi thân xác để hưởng một vinh quang bất diệt khác ở chốn thiên cung. Sáng nay ngày 5 tháng 8 năm 2013 tại giáo xứ Hòa Ninh đã diễn ra thánh lễ An Táng cầu nguyện cho Anh Phêrô do Cha Phaolo Nguyễn Minh Sáng quản xứ Phù Kinh người con của giáo xứ đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho anh, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho anh được mau hưởng nước tôn nhan Chúa và cũng cầu cho vợ trẻ con thơ của anh vượt qua mọi thử thách trần gian này....
pet Minh Tiến