Hiểu để Sống Đức Tin
Trong các văn kiện gần đây của Toà thánh, chúng ta thường nghe nói tới chủ đề “gia đình là một Giáo hội”. Từ ngữ này muốn nói lên điều gì? Có thể nói “Giáo hội là một gia đình” được không?
“Gia đình là một Giáo hội” và “Giáo hội là một gia đình” là hai từ ngữ mang nội dung khác nhau. Cả hai ý niệm đều dựa trên Kinh thánh Tân ước, nhưng được khai triển dưới hai bối cảnh văn hóa khác nhau. Dĩ nhiên, nếu móc nối được cả hai tư tưởng lại với nhau, thì ta sẽ có một nền tảng thần học phong phú cho việc mục vụ trong các gia đình công giáo. Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “gia đình là một Giáo hội”. Tư tưởng này đôi khi cũng được diễn tả như là “hội thánh gia thất”, bắt nguồn từ Tân ước. Trong Tân ước, tiếng “Giáo hội” (hay Hội thánh: ecclesia) không phải chỉ áp dụng cho tất cả các Kitô hữu họp thành Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, nhưng còn áp dụng cho cộng đoàn các tín hữu sống tại một thành phố hay một miền (chẳng hạn: Hội thánh Chúa tại Corintô, tại Têxalônica), – nói theo ngôn ngữ thời nay là các “Giáo hội địa phương”, – và thậm chí cộng đoàn các tín hữu tụ họp trong các gia đình. Có lẽ thánh Phaolô hiểu về cộng đoàn tín hữu họp nhau tại các tư gia để cầu nguyện, và ngài không ngần ngại gọi đó là “hội thánh Chúa”. Lý do bởi vì Hội thánh không phải chỉ gồm các cơ chế với tổ chức quy củ, với dân số đông đảo, nhưng tiên vàn là cộng đoàn những người đáp lại Lời Chúa, họp nhau cầu nguyện và tham dự Thánh lễ. Từ ngữ “hội thánh gia thất” hay “hội thánh tại gia” – ecclesia domestica – gặp thấy nơi bốn lần trong các thư của thánh Phaolô: Rm 16,5; 1 Cr 16,19; Cl 4,15; Plm 2. Ngày nay, người ta muốn sử dụng hạn từ này để cổ võ một đường hướng linh đạo trong các gia đình. Nếu thánh Phaolô nhắn nhủ mỗi người tín hữu rằng họ là đền thờ của Thiên Chúa, thì chắc chắn các gia đình Kitô hữu lại càng xứng đáng mang danh là “đền thờ Thiên Chúa” biết mấy! Khi nói rằng mỗi gia đình là một Hội thánh thu hẹp, người ta muốn nêu bật tính cách thánh thiêng của gia đình. Gia đình không chỉ là một tổ hợp sinh sản hay lao động. Gia đình không chỉ là một tổ ấm tình thương. Gia đình còn là nơi Chúa ngự, nơi rao giảng và lắng nghe lời Chúa, nơi cầu nguyện, nơi chứng tá cho tình yêu lân tuất, như chúng ta đọc thấy trong tông huấn “đời sống gia đình” của đức Gioan Phaolô II (các số 21; 38; 48; 49; 51; 52; 54; 55; 59; 61; 65s), được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm lược trong các số 1655-1657.
Thế còn tư tưởng “Hội thánh là một gia đình” thì muốn diễn tả điều gì?
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói đến “Hội thánh là một gia đình” (hay nói đúng hơn: “Hội thánh là gia đình Chúa”) ở số 759. Đây là một tư tưởng được công đồng Vaticano II đề cập ở số 6 của Hiến chế về Hội thánh. Đoạn văn này có một lịch sử thú vị của nó, bởi vì là một sự đóng góp của đức cha Nguyễn văn Hiền, giám mục Đalạt. Trong Tân ước, không có chỗ nào khẳng định Hội thánh là gia đình, mà chỉ thấy nói đến “dân Thiên Chúa, Thân thể đức Kitô, đền thờ Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên, phải nói rằng tư tưởng “Giáo hội là một gia đình” cấu tạo nên bối cảnh của tất cả các tư tưởng cơ bản Kitô giáo. Sau đây là tóm lược bài phát biểu của đức cha Hiền: “trong khi rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu thường sử dụng hình ảnh của một gia trưởng, một quản gia. Trong các dụ ngôn, Thiên Chúa được so sánh như người cha có hai con: một đứa hư một đứa ngoan; hoặc nhờ hai đứa đi làm vườn nho. Thiên Chúa cũng được ví như một người gia trưởng tổ chức một tiệc cưới đi mời khách đến chung vui. Nhất là tư tưởng chủ yếu của mặc khải Tân ước nằm ở chỗ bộc lộ ý định của Thiên Chúa muốn nhận chúng ta làm nghĩa tử nhờ đức Giêsu qúy tử của Ngài. Thiên Chúa muốn mời gọi chúng ta vào tham dự chung một bữa cơm gia đình, tức là bàn tiệc Thánh thể. Nhờ sự thông dự vào Mình Máu thánh đức Giêsu, chúng ta được kết hiệp với Người, và nếm hưởng cuộc sống mai hậu. Việc trình bày Hội thánh như một gia đình cũng còn mang chiều kích truyền giáo, bởi vì nó gợi lên niềm thao thức khi thấy còn nhiều chỗ trống trong bàn tiệc của Thiên Chúa: có những người chưa nhận được lời mời, có những người khước từ lời mời, có những người đã bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, ý định của Cha nhân lành là muốn cho tất cả các con cái xum họp trong một nhà”.
Đức cha Hiền thêm rằng bên Đông phương, người ta rất nhạy cảm với tình gia đình. Vì thế, họ sẽ cảm thấy Giáo hội trở nên một thực tại thân thuộc, khi nghe nói đến Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, đức Kitô Con Thiên Chúa trở nên Trưởng nam gia đình, đức Maria, thân mẫu của đức Giêsu cũng là mẹ của hết mọi nghĩa tử của Chúa. Các mối tương quan trong Giáo hội, dù với người sống hay với người chết, cũng sẽ được đối xử theo tình nghĩa gia đình” (Acta Synodalia II/II,42). Nên biết là công đồng Vaticanô II còn nói đến Hội thánh như một gia đình ở nhiều đoạn văn khác nữa, với những từ ngữ tương đương, chẳng hạn như “nhà của Chúa” (Hiến chế về Hội thánh số 18), “gia đình của Chúa” (Hiến chế về Hội thánh số 28; hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 40; sắc lệnh về linh mục số 6), “gia đình các con cái Chúa” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 92), “gia đình của đức Kitô” (Hiến chế về Hội thánh số 51). Ngoài ra, đôi khi các cộng đoàn các tín hữu cũng được gọi là gia đình, thí dụ “gia đình giáo phận” (Sắc lệnh về các Giám mục số 16; 28; 34). Dĩ nhiên các cộng đoàn tu sĩ càng làm nêu bật tính cách gia đình hơn nữa, như chúng ta có thể đọc thấy trong sắc lệnh về việc canh tân đời tu: tất cả hội dòng được gọi là “gia đình tu sĩ” ở số 1 và số 15 còn nêu bật đặc tính này hơn nữa ở nơi đời sống cộng đoàn được kết hợp nhân danh Chúa Kitô. Nói tóm lại, khi nói rằng “Giáo hội là một gia đình”, công đồng Vaticanô II không những muốn vượt qua lối hình dung Giáo hội quá nặng về cơ cấu và pháp lý, nhưng còn muốn mở rộng đến chiều kích siêu việt nữa. Giáo hội không những chỉ là một đoàn thể gồm bởi những con người bằng xương bằng thịt, nhưng còn vươn lên đến tận Thiên Chúa: chính Người mới là gia trưởng đích thực và muốn quy tụ toàn thể nhân loại vào một gia đình. Giáo hội có phận sự đi phụng sự kế hoạch đó.
Sau công đồng Vaticanô II, có ai nhắc đến tư tưởng “Giáo hội là gia đình” nữa không?
Chắc chắn là có nhiều cơ hội khác. Nhưng tôi chỉ muốn nhắc đến vài Thượng hội đồng giám mục quan trọng. Vào năm 1980, một khóa họp về gia đình được triệu tập, và trong tông huấn hậu thượng hội đồng Familiaris consortio số 15, Đức Gioan Phaolô II đã móc nối các cấp độ khác nhau của gia đình: từ gia đình là tế bào xã hội, được ghép vào gia đình nhân loại và tiến tới gia đình của Chúa là Giáo hội. Do đó, mỗi một phần tử của gia đình tự nhiên đồng thời cũng là thành phần của gia đình nhân loại và của gia đình Chúa. Yếu tố căn bản xây dựng các cấp độ gia đình vừa nói là tình yêu.
Đặc biệt, đề tài “Giáo hội là gia đình của Chúa” được dùng như là xương sống cho các văn kiện của Thượng hội đồng giám mục khóa đặc biệt về Phi châu được triệu tập năm 1994. Điều này được nổi bật trong sứ điệp gửi Dân Chúa vào lúc bế mạc khóa họp. Tư tưởng này không những chỉ mang tính chất đạo lý về bản chất Giáo hội, nhưng còn muốn kéo theo những hệ luận thực tiễn. Thực vậy, một khi chấp nhận rằng Giáo hội là một gia đình thì cần phải vượt lên trên các sự đố kỵ chia rẽ giữa các bộ tộc, biết mở rộng cửa đón nhận mọi người như anh chị em một nhà. Tư tưởng Giáo hội là Gia đình của Chúa cũng thúc đẩy phải xây dựng các cộng đoàn Giáo hội cơ bản như là những tế bào sinh động trong đời sống cầu nguyện cũng như trong hoạt động bác ái và truyền giáo. Từ đó đến nay, Liên hiệp các hội đồng giám mục Phi châu đã đưa ra nhiều văn kiện hoạch định đường lối mục vụ dựa trên chủ đề “Giáo hội là gia đình”.
Chắc là đề tài này cũng được đề cập tại Thượng hội đồng giám mục Á châu nữa, phải không?
Đúng thế, nhưng không được nổi bật như Thượng hội đồng về Phi châu. Có lẽ là một sự đãng trí đáng tiếc, khi mà Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (viết tắt là FABC) đã nhiều lần nhấn mạnh đến chỗ đứng quan trọng của gia đình trong xã hội Á châu. Trong số các bài phát biểu tại phòng họp Thượng hội đồng, chỉ có đức cha Nguyễn sơn Lâm yêu cầu nêu rõ khuôn mẫu của Giáo hội như là gia đình của Chúa (IX congregazione generale). Tuy nhiên, các nghị phụ nói đến tầm quan trọng của gia đình như là đơn vị tế bào của xã hội (Gia đình là một Giáo hội gia thất), nhiều hơn là “Giáo hội là một gia đình”. Điều này phản ánh trong danh sách các kiến nghị cũng như trong tông huấn “Hội thánh tại Á châu”. Số 6 nói đến tầm quan trọng của gia đình tại Á châu, nhưng đề tài “Giáo hội là gia đình” không được đề ra như một hướng mục vụ. Có lẽ bởi vì các nghị phụ bận tâm nhiều bởi hai thách đố khác tại lục địa: một đàng là các tôn giáo lớn, đàng khác là thực trạng nghèo đói. Từ đó hai luồng thần học lớn tại Á châu là đối thoại liên tôn và thần học giải phóng, với những trung tâm nghiên cứu tại Ấn độ và Philippin, gây nhiều tiếng vang hơn là luồng thần học về gia đình, một đề tài then chốt của luân lý Khổng giáo, nhưng chỉ gây ảnh hưởng ở miền Đông Á hơn là tại các vùng khác. Dù sao đi nữa, chúng ta đừng quên rằng huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Hình ảnh “Giáo hội là gia đình” cũng có mặt trái của nó khi bị hiểu lệch lạc. Trong quan niệm tôn ti trật tự của Khổng giáo, nó dễ đưa đến một mô hình kim tự tháp, theo đó nước từ trên chảy xuống chứ không bao giờ từ dưới đi lên. Theo mô hình này, chỉ có cấp trên mới có quyền phán dạy, còn bề dưới phải tuân hành vâng dạ. Thế nhưng chúng ta biết rằng mô hình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đang bị lung lay trong xã hội hiện đại. Một hình ảnh của Giáo hội gắn liền với mô hình ấy có nguy cơ cũng sẽ bị sụp theo.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét