30/06/2014 – Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đã đưa tên linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Anton Ngọc Thanh vào danh sách “100 anh hùng thông tin” của họ. Báo Vatican Insider phỏng vấn với chính vị linh mục.
Chiến dịch cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đang trong đà tiến triển trên mạng. “Gần 40 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam. Phương cách có hiệu quả nhất để đánh thức nhận thức của người dân và rao giảng Tin Mừng là tạo ra các ứng dụng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng – đó là những công cụ rất phổ biến – để nông dân, thanh niên, sinh viên và người lao động chỉ cần bấm một nút là có thể truy cập thông tin về niềm tin và sự tự do.” Linh mục-blogger cha Anton Ngọc Thanh, người quản lý trang mạng Tin tức Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và đài phát thanh Công giáo trong tổng giáo phận Sài Gòn (năm 1976, thành phố miền Nam Việt Nam này được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị Việt Cộng cưỡng chiếm) cho biết trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Vatican Insider.
Anton, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế 45 tuổi, là người đã được tung lên hàng những người nổi danh quốc tế sau khi ông được đưa vào danh sách “100 anh hùng thông tin” của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Danh sách này vinh danh các cá nhân đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do báo chí, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn. Việt Nam vừa khít vào nhóm này: các nguồn tin tức chính (báo chí, kênh truyền hình và trang mạng) là quốc doanh. Chính phủ kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng và các thông tin được xuất bản hay phát sóng. Nhưng một phong trào trực tuyến đang phát triển chống lại hệ thống kiểm soát đó. Bản chất của Internet, với trang web không ngừng tiến hóa, khiến cảnh sát rất khó có thể kiểm soát từng công dân một. Hệ thống kiểm duyệt của nước này có những lỗ hổng. Blog và mạng xã hội đã trở thành một phương tiện cơ bản để người Việt Nam diễn đạt ý kiến của mình một cách tự do. Cha Anton cho các trang mạng là mảnh đất màu mỡ để nâng cao ước mong tự do của công chúng. Chiến dịch đòi hỏi tôn trọng nhân quyền của ông đã bị chính phủ Việt Nam chỉ trích, cho cảnh sát theo dõi liên tục và đã dẫn đến việc ông bị bắt giữ nhiều lần.
Thưa Cha Anton, xin Cha cho chúng tôi biết về cuộc sống và thiên hướng của Cha?
“Tôi sinh ra trong một khu phố nghèo ở Sài Gòn, nơi các linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc con chiên. Sự hăng say của họ đã cảm hóa tôi khi tôi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên đất nước chúng tôi bị chủ nghĩa vô thần cộng sản choàng lên. Khi tôi lớn lên, tôi cảm thấy trống rỗng trong lòng mặc dù tôi thành công trong việc học. Một hôm tôi tình cờ được đọc đoạn văn từ trong lá thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galatê nói rằng “Không phải tôi còn sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” tôi đột nhiên nhận ra rằng Thiên Chúa đã ở sâu trong tâm hồn tôi. Tôi bắt đầu giúp đỡ các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc trẻ em vô gia cư. Sau đó, tôi tham gia với họ: họ đã dạy tôi rằng Chúa Kitô sống giữa những người nghèo và người bị bỏ rơi”.
Điều gì đã khiến Cha quyết định đi vào lĩnh vực tin tức?
“Khi tôi 16 tuổi niềm đam mê về ngành báo chí và truyền thông bắt đầu phát triển trong tôi. Tôi muốn trở thành một nhà báo và bắt đầu làm việc như một cộng tác viên độc lập. Khi tôi trở thành một linh mục, tôi đã được gửi đến giáo phận Kontum, nơi của các nhóm dân tộc thiểu số. Tôi đã học được làm thế nào để hiểu người dân bản địa và đã thực hiện một phim tài liệu ngắn về họ. Năm 2005, khi các mạng xã hội đã được sinh ra, tôi bắt đầu viết một số cảm nghĩ vắn tắt trên một blog và trên Facebook. Năm 2009, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam quyết định đem lại một động lực mới cho lĩnh vực thông tin liên lạc và họ giao phó nhiệm vụ này cho tôi. Kể từ đó, chúng tôi, một nhóm nới rộng gồm có giáo dân, người ngoại đạo và tôi đã tạo ra một hệ thống thông tin trên mạng và qua đài phát thanh. Chúng tôi chuyển tải các tin thời sự có liên quan đến mối quan hệ giữa xã hội Việt Nam và các giá trị Kitô giáo. Tự do tôn giáo và các quyền bất khả xâm phạm của con người rất gần gũi với trái tim của chúng tôi”.
Công tác mục vụ của cha tới đâu rồi?
“Tôi hiện đang làm việc tại Tổng Giáo phận Sài Gòn. Công tác mục vụ của tôi chủ yếu là qua mạng. Chúng tôi không những có thể phục vụ người dân địa phương mà còn hợp tác với người Việt hải ngoại khắp nơi trên thế giới nhờ vào Internet. Đây là một dịch vụ cho cuộc sống, cho sự thật và cho Tin Mừng. Ví dụ: chúng ta cần phải tố cáo các trường hợp người bị tước đoạt đất đai của mình mà không được bồi thường gì cả. Bất cứ ai phản đối đều bị bắt giữ. Hoặc chúng tôi gặp những giới trẻ có cuộc sống đang tập trung vào cờ bạc trực tuyến, bạo lực và khiêu dâm. Nhiều giới trẻ đã mất hy vọng trong cuộc sống. Chúng tôi cố gắng gặp tận mặt và giúp đỡ họ”.
Cha phải đối phó những khó khăn nào?
“Chúng tôi thường bày tỏ tình đoàn kết của chúng tôi đối với một số hoạt động viên hoặc các blogger bị bắt vì đã tham gia vào việc ” tuyên truyền chống chính phủ “. Tại một cuộc biểu tình ủng hộ ông Nguyễn Văn Hải, (được gọi là Điếu Cày), cảnh sát bắt giữ tôi, ngăn chặn không cho tôi báo cáo về phiên tòa bất công này. Điều tương tự cũng đã xảy ra với Đinh Nhật Uy, anh đã bị bắt vì một số bài viết trên Facebook. Tất cả các phóng viên, kể cả chính bản thân tôi đều có những rủi ro tương tự. Để hỗ trợ lẫn nhau về nhiệm vụ này cho tự do, chúng tôi tổ chức họp hàng tuần, giúp đỡ lẫn nhau và cầu nguyện với nhau. Chúng tôi không có vũ khí, nhưng bạo lực không làm chúng tôi sợ bởi vì nó không thể làm suy yếu lương tâm chúng tôi”.
Giáo Hội Việt Nam phải đối mặt với tình trạng nào hiện nay?
“Trong xã hội cộng sản của chúng tôi, tôn giáo không hoàn toàn tự do. Mặc dù Hiến pháp tuyên bố rằng công dân có quyền tự do lựa chọn tôn giáo của họ, tất cả các hoạt động tôn giáo phải được Nhà Nước cho phép. Các cộng đồng tôn giáo như Giáo hội Công giáo không có tư cách pháp lý được công nhận. Ngoài những vấn đề cơ cấu ra, trong Giáo Hội Việt Nam tôi thấy có những vấn đề liên quan đến người làm chứng tận tâm với đức tin trong cuộc sống hàng ngày của họ. Điều thách đố là sống một cuộc sống thật sự Kitô giáo. Tuy nhiên, người Việt đặt niềm tin rất lớn vào Giáo Hội, nơi họ cho là có một tổ chức mạnh mẽ và đoàn kết. Vì lý do này, Giáo Hội có nhiệm vụ đóng góp vào sự tiến bộ dân chủ, vì lợi ích của cả nước”.
Cha có tin rằng cố Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một ví dụ trong ý nghĩa này?
“Đức Hồng Y là một nhân vật điển hình cho chúng tôi: ông từ miền Nam Việt Nam, như tôi, và chính quyền cộng sản đã cho ông ấy vào tù vì ông giữ niềm tin vào Thiên Chúa. Cuốn sách “Dọc theo con đường hy vọng” truyền sức mạnh và lời khuyến khích đến tất cả giáo dân Công giáo Việt Nam, ngay cả trong tình hình khó khăn hiện nay. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã hành động như nhân chứng của Chúa Kitô ngay cả trong tù, mang một thông điệp hòa bình tới các cán bộ nhà tù. Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Francis sẽ sớm phong chân phước cho ông.”
Tác giả Paolo Affatato (Vatican Insider *)
N.Khôi dịch từ Forum Vietnam 21
N.Khôi dịch từ Forum Vietnam 21
0 nhận xét:
Đăng nhận xét