Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Vị bác sỹ với quyền phản đối lương tâm đã bảo vệ mạng sống của Cristiano Ronaldo

Xem hình
Đó là vào năm 1984. Dolores Aveiro, mẹ của danh thủ bóng đá Cristiano Ronaldo, đã tiết lộ những giây phút cùng quẫn trong cuốn tự truyện "Người Mẹ can đảm", được phổ biến ngày 18/7/2014, tại Bồ Đào Nha.
"Vào thời đó, tôi được 30 tuổi và có ba con, đối với tôi đó không phải là lúc đương đầu với một cuộc sinh đẻ mới và mở rộng gia đình và tôi đã nói với một bác sĩ, nhưng ông đã từ chối can thiệp"- bà giải thích.
Bà nhấn mạnh những lý do yêu cầu của bà: cuộc sống không được tốt đẹp ở gia đình, nuôi dưỡng các con Hugo, Elma và Catia Liliana là một thách đố càng ngày càng khó với một người chồng, José Dinis, thất nghiệp. Ông chết vào năm 2005, do rượu chè. Gia đình đã phải tiết kiệm về mọi thứ, bao gồm cả tiền điện.
Thái độ ngập ngừng của bác sĩ và những mưu toan để lái bà khỏi ý định phá thai đã không đến ngay lập tức sau những lý do của bà mẹ đang gặp khó khăn. Cuối cùng bà mẹ đã quyết định mang thai đến cùng: "Nếu đó là ý muốn của Thiên Chúa mà đứa trẻ này được sinh ra, thì ước gì được như thế."
Mẹ của Ronaldo đã tiết lộ những điều này với sự đồng thuận của Ronaldo. Ronaldo ý thức rằng chính nhờ bà mà những lý do vốn thúc đẩy bà muốn từ bỏ bào thai trước đây đã tìm thấy một giải pháp: "Thưa mẹ, mẹ thấy, mẹ đã muốn phá thai và bây giờ, chính con là người nắm giữ tiền chi tiêu của gia đình."
Ở đây cũng cần ghi nhận quyền phản đối lương tâm của bác sĩ.


Tý Linh
Nguồn: ZENIT

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Tin buồn: Chị Anna Đoàn Thị Thanh thuộc xóm Tiền Môn qua đời.



CÁO PHÓ
  Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
cha quản xứ, hội đồng mục vụ, ban truyền thông giáo xứ và gia quyến xin kính báo cùng thân bằng quyến thuộc và bạn hữu gần xa:
 
Chị Anna Đoàn Thị Thanh
 Sinh năm ngày 3 tháng 03 năm 1987, tại xóm Tiền Miếu - giáo xứ Hòa Ninh, giáo phận Vinh
 đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 15 tháng 07 năm 2014
hưởng dương 27 tuổi.
Thánh lễ an táng vào lúc  14 giờ 00 ngày 17/07/ 2014
tại thánh đường giáo xứ Hòa Ninh 
(xã Quảng Hòa, Thị Xã Ba Đồn, Quảng Bình),
An táng tại nghĩa địa Đồng Chăm lúc 15 giờ 30 cùng ngày   
Kính xin quý cha, quý tu sĩ và thân hữu xa gần hiệp thông với chúng tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa cho Chị Anna và cầu nguyện cho người anh em  của chúng ta sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Ban truyền thông giáo xứ Hòa Ninh

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Vị linh mục-blogger Việt Nam tranh đấu cho tự do tôn giáo

30/06/2014 – Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đã đưa tên linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Anton Ngọc Thanh vào danh sách “100 anh hùng thông tin” của họ. Báo Vatican Insider phỏng vấn với chính vị linh mục.
AntonLeNgocThanh02Chiến dịch cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đang trong đà tiến triển trên mạng. “Gần 40 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam. Phương cách có hiệu quả nhất để đánh thức nhận thức của người dân và rao giảng Tin Mừng là tạo ra các ứng dụng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng – đó là những công cụ rất phổ biến – để nông dân, thanh niên, sinh viên và người lao động chỉ cần bấm một nút là có thể truy cập thông tin về niềm tin và sự tự do.” Linh mục-blogger cha Anton Ngọc Thanh, người quản lý trang mạng Tin tức Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và đài phát thanh Công giáo trong tổng giáo phận Sài Gòn (năm 1976, thành phố miền Nam Việt Nam này được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị Việt Cộng cưỡng chiếm) cho biết trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Vatican Insider.
Anton, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế 45 tuổi, là người đã được tung lên hàng những người nổi danh quốc tế sau khi ông được đưa vào danh sách “100 anh hùng thông tin” của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Danh sách này vinh danh các cá nhân đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do báo chí, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn. Việt Nam vừa khít vào nhóm này: các nguồn tin tức chính (báo chí, kênh truyền hình và trang mạng) là quốc doanh. Chính phủ kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng và các thông tin được xuất bản hay phát sóng. Nhưng một phong trào trực tuyến đang phát triển chống lại hệ thống kiểm soát đó. Bản chất của Internet, với trang web không ngừng tiến hóa, khiến cảnh sát rất khó có thể kiểm soát từng công dân một. Hệ thống kiểm duyệt của nước này có những lỗ hổng. Blog và mạng xã hội đã trở thành một phương tiện cơ bản để người Việt Nam diễn đạt ý kiến của mình một cách tự do. Cha Anton cho các trang mạng là mảnh đất màu mỡ để nâng cao ước mong tự do của công chúng. Chiến dịch đòi hỏi tôn trọng nhân quyền của ông đã bị chính phủ Việt Nam chỉ trích, cho cảnh sát theo dõi liên tục và đã dẫn đến việc ông bị bắt giữ nhiều lần.
Thưa Cha Anton, xin Cha cho chúng tôi biết về cuộc sống và thiên hướng của Cha?
“Tôi sinh ra trong một khu phố nghèo ở Sài Gòn, nơi các linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc con chiên. Sự hăng say của họ đã cảm hóa tôi khi tôi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên đất nước chúng tôi bị chủ nghĩa vô thần cộng sản choàng lên. Khi tôi lớn lên, tôi cảm thấy trống rỗng trong lòng mặc dù tôi thành công trong việc học. Một hôm tôi tình cờ được đọc đoạn văn từ trong lá thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galatê nói rằng “Không phải tôi còn sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” tôi đột nhiên nhận ra rằng Thiên Chúa đã ở sâu trong tâm hồn tôi. Tôi bắt đầu giúp đỡ các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc trẻ em vô gia cư. Sau đó, tôi tham gia với họ: họ đã dạy tôi rằng Chúa Kitô sống giữa những người nghèo và người bị bỏ rơi”. 
Điều gì đã khiến Cha quyết định đi vào lĩnh vực tin tức? 
“Khi tôi 16 tuổi niềm đam mê về ngành báo chí và truyền thông bắt đầu phát triển trong tôi. Tôi muốn trở thành một nhà báo và bắt đầu làm việc như một cộng tác viên độc lập. Khi tôi trở thành một linh mục, tôi đã được gửi đến giáo phận Kontum, nơi của các nhóm dân tộc thiểu số. Tôi đã học được làm thế nào để hiểu người dân bản địa và đã thực hiện một phim tài liệu ngắn về họ. Năm 2005, khi các mạng xã hội đã được sinh ra, tôi bắt đầu viết một số cảm nghĩ vắn tắt trên một blog và trên Facebook. Năm 2009, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam quyết định đem lại một động lực mới cho lĩnh vực thông tin liên lạc và họ giao phó nhiệm vụ này cho tôi. Kể từ đó, chúng tôi, một nhóm nới rộng gồm có giáo dân, người ngoại đạo và tôi đã tạo ra một hệ thống thông tin trên mạng và qua đài phát thanh. Chúng tôi chuyển tải các tin thời sự có liên quan đến mối quan hệ giữa xã hội Việt Nam và các giá trị Kitô giáo. Tự do tôn giáo và các quyền bất khả xâm phạm của con người rất gần gũi với trái tim của chúng tôi”.
Công tác mục vụ của cha tới đâu rồi? 
“Tôi hiện đang làm việc tại Tổng Giáo phận Sài Gòn. Công tác mục vụ của tôi chủ yếu là qua mạng. Chúng tôi không những có thể phục vụ người dân địa phương mà còn hợp tác với người Việt hải ngoại khắp nơi trên thế giới nhờ vào Internet. Đây là một dịch vụ cho cuộc sống, cho sự thật và cho Tin Mừng. Ví dụ: chúng ta cần phải tố cáo các trường hợp người bị tước đoạt đất đai của mình mà không được bồi thường gì cả. Bất cứ ai phản đối đều bị bắt giữ. Hoặc chúng tôi gặp những giới trẻ có cuộc sống đang tập trung vào cờ bạc trực tuyến, bạo lực và khiêu dâm. Nhiều giới trẻ đã mất hy vọng trong cuộc sống. Chúng tôi cố gắng gặp tận mặt và giúp đỡ họ”.
Cha phải đối phó những khó khăn nào? 
“Chúng tôi thường bày tỏ tình đoàn kết của chúng tôi đối với một số hoạt động viên hoặc các blogger bị bắt vì đã tham gia vào việc ” tuyên truyền chống chính phủ “. Tại một cuộc biểu tình ủng hộ ông Nguyễn Văn Hải, (được gọi là Điếu Cày), cảnh sát bắt giữ tôi, ngăn chặn không cho tôi báo cáo về phiên tòa bất công này. Điều tương tự cũng đã xảy ra với Đinh Nhật Uy, anh đã bị bắt vì một số bài viết trên Facebook. Tất cả các phóng viên, kể cả chính bản thân tôi đều có những rủi ro tương tự. Để hỗ trợ lẫn nhau về nhiệm vụ này cho tự do, chúng tôi tổ chức họp hàng tuần, giúp đỡ lẫn nhau và cầu nguyện với nhau. Chúng tôi không có vũ khí, nhưng bạo lực không làm chúng tôi sợ bởi vì nó không thể làm suy yếu lương tâm chúng tôi”.
Giáo Hội Việt Nam phải đối mặt với tình trạng nào hiện nay? 
“Trong xã hội cộng sản của chúng tôi, tôn giáo không hoàn toàn tự do. Mặc dù Hiến pháp tuyên bố rằng công dân có quyền tự do lựa chọn tôn giáo của họ, tất cả các hoạt động tôn giáo phải được Nhà Nước cho phép. Các cộng đồng tôn giáo như Giáo hội Công giáo không có tư cách pháp lý được công nhận. Ngoài những vấn đề cơ cấu ra, trong Giáo Hội Việt Nam tôi thấy có những vấn đề liên quan đến người làm chứng tận tâm với đức tin trong cuộc sống hàng ngày của họ. Điều thách đố là sống một cuộc sống thật sự Kitô giáo. Tuy nhiên, người Việt đặt niềm tin rất lớn vào Giáo Hội, nơi họ cho là có một tổ chức mạnh mẽ và đoàn kết. Vì lý do này, Giáo Hội có nhiệm vụ đóng góp vào sự tiến bộ dân chủ, vì lợi ích của cả nước”.
Cha có tin rằng cố Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một ví dụ trong ý nghĩa này? 
“Đức Hồng Y là một nhân vật điển hình cho chúng tôi: ông từ miền Nam Việt Nam, như tôi, và chính quyền cộng sản đã cho ông ấy vào tù vì ông giữ niềm tin vào Thiên Chúa. Cuốn sách “Dọc theo con đường hy vọng” truyền sức mạnh và lời khuyến khích đến tất cả giáo dân Công giáo Việt Nam, ngay cả trong tình hình khó khăn hiện nay. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã hành động như nhân chứng của Chúa Kitô ngay cả trong tù, mang một thông điệp hòa bình tới các cán bộ nhà tù. Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Francis sẽ sớm phong chân phước cho ông.”
Tác giả Paolo Affatato  (Vatican Insider *)
N.Khôi dịch từ Forum Vietnam 21

Việt Nam: Một xã hội bất an?

Tin tức từ các báo chính thống liên tục loan đi những vụ ‘cướp, giết, hiếp…’ xảy ra hằng ngày tại khắp nơi trên cả nước. Rồi qua trải nghiệm thực tế, nhiều người dân hoang mang, lo âu vì xã hội đang ngày càng trở nên bất an.

Thực tế ra sao và nguyên nhân vì đâu?
Công an bắt người biểu tình chống TQ tại Hà Nội.
Công an bắt người biểu tình chống TQ tại Hà Nội.

Tệ nạn xảy ra nhiều hơn

Vẫn chưa có một thống kê nào chính xác về số các vụ trộm – cướp, bị đánh nhầm, bị tạt acid, bị đâm bằng kim tiêm có dính máu HIV, bị móc túi từ những người bán hàng, ở trong nhà bị cướp vào hãm hiếp, cướp tài sản rồi giết luôn… cho từng khoảng thời gian hay từng địa bàn nào; dù rằng hàng ngày, báo chí – ti vi – các phương tiện truyền thông đều đưa tin người bị tai nạn – bị tử vong do cướp giật, do nhìn đểu, hoặc chỉ vì một câu nói không vừa ý người nghe…
Anh Nguyễn Hoàng Dũng đang làm việc tại TPHCM cho rằng xã hội Việt Nam ngày nay càng nhiều trộm cướp, chính bản thân Anh cũng vừa mới bị trộm một cái laptop tại phòng trọ, nhưng may mắn Anh đã nhận lại được, do tên ăn trộm bị bạn anh và người dân xung quanh nhà trọ rượt bắt nên đã bỏ chạy và vứt lại tang vật:
“Có một người ăn trộm mở cửa ra, vì cửa chưa khóa lại chỉ mới khép, vô lấy máy của em, rồi chạy vì máy em để gần cửa, bạn em mới phát hiện chạy rượt theo không kịp, vì do vấp cái chiếu bị té, rồi la lên cũng không thấy ai rượt bắt lại. Nhưng mà chạy ra có cô bán vé số ở gần phòng trọ, cô kêu lại nói là ở khúc kia có một nhóm mới bắt được một người ăn cắp cái máy laptop và họ giữ lượm lại được. Người ăn trộm thì chạy rồi, nhưng còn lại cái laptop kêu tụi em lại nhìn có phải laptop của mình không? Em lại đó nhận lại cái laptop và nhận dạng, người ta cho lấy về và gởi lại tiền cà phê cho họ chút.”
Anh Tuấn mới ra trường, đang làm việc tại Sài Gòn nhìn thấy tệ nạn xã hội Việt Nam ngày nào cũng có hình ảnh cướp, trộm, đâm chém nhau, Anh Tuấn rất sợ, cho rằng các tệ nạn này xảy ra nhiều hơn so với trước đây là vì:
“Thì thấy sợ, trước tiên là sợ, thấy bây giờ loạn hơn hồi xưa nhiều. Thấy như vậy đó.Trong thành phố thì cũng có người này người khác, nhưng có một số người vì ảnh hưởng sách báo, phim ảnh, một phần do hòan cảnh gia đình, một phần do bạn bè rủ ghê, một phần do chơi game với nhiều chuyện tệ nạn xã hội thường gặp.”
batan2Bạn Thùy Vân sinh viên năm 3, đang buôn bán mỹ phẩm trên mạng tại Hà Nội cũng rất là hoang mang lo sợ mỗi khi đi ra đường, Bạn Vân chia sẻ:
“Không biết một ngày nào đó trong tình trạng đang đi, bị đánh vì lý do đòi tiền gì không? Em cảm thấy lo sợ, sợ hãi và lo lắng vì bây giờ là xã hội phát triển, nhiều người người ta không muốn lao động chân tay hoặc tốn thời gian suy nghĩ cho nên người ta mới đi trộm cướp để kiếm sống qua ngày.”
Bạn Vân cũng nêu thêm lý do cho tình trạng bất ổn tại Việt Nam mà bạn lo lắng như thế:
“Do môi trường giáo dục không phổ biến cho các bạn trẻ ấy là nên kiếm tiền, nên lao động bằng cách nào để có đồng tiền xứng đáng thì tức là các bạn ấy một phần là không muốn lao động kiếm tiền từ bàn tay mình tạo ra thì các bạn ấy làm đủ mọi cách chiêu trò từ ăn trộm đến dùng tiêm chích HIV để lấy tiền người khách thành tiền của mình đi tiêu xài. ”
Sự thể hiện thái quá?
Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Diễm Hương – cư ngụ Hà Nội đang công tác tại cơ quan nhà nước, chuyên viên tư vấn về tâm lý giáo dục cho các phụ huynh cho biết nguyên nhân dân đến tình trạng thanh thiếu niên bộc phát tánh côn đồ trong xã hội Việt Nam:
“Nói chung là người ta có thể đâm nhau vì một cái ánh nhìn đểu hoặc người ta có thể đâm nhau vì một câu nói khích hoặc thậm chí mang cả rất nhiều đồng bọn để xử lý tên này tên kia vì nhìn đểu tao. Đấy cũng là một cái cách mà mỗi cá nhân nó thể hiện cái tính sỉ diện của bản thân. Với tao mày không được phép nhìn đểu, với tao mày không được bày tỏ thái độ thế kia… Nó cũng là sự thể hiện thái quá.”
Nữ thạc sĩ này cũng đề cập đến một nguyên nhân khiến cho nhiều người trở nên bất hảo bằng mọi cách khi mà giá trị đạo đức của xã hội không còn, chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, đồng tiền là tất cả. Một tầng lớp ngày càng giàu có thểm; trong khi đó nhiều người bị bần cùng hóa:
“Tại sao con người ta cảm thấy bất an, tại vì trong xã hội Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, sự phát triển này đang kéo theo những hệ lụy, tại vì dẫn tới một số những bộ phận rất là giàu, và những bộ phận lại suy thoái có nghĩa là làm ăn thua lỗ, không kiếm được việc làm khi người ta bị đẩy đến bước đường cùng thì người ta bị trở thành một con người tha hóa như kiểu Chí Phèo chẳng hạn có nghĩa là người ta sẳn sáng làm bất cứ điều gì để có tiền.”
Chính quyền phải có chức năng duy trì trật tự, ổn định xã hội, thế nhưng vai trò này chưa được thực thi đúng đắn ở Việt Nam, thạc sĩ Diễm Hương phát biểu:
“Để thực hiện được hết vai trò, thì chính phủ trước hết cần phải nghiêm. Tại vì những luật lệ cũng đã có rồi, ví dụ như: những luật vứt rác bừa bãi, luật sử phạt, chỉ cần chính phủ nghiêm thì tôi nghĩ sẽ tạo thành một thói quen cho người dân, giống như ăn trộm chặt tay thì lần sau người ta không dám ăn trộm nữa, bỏ rác ra ngoài phạt nghìn đô, người ta sẽ không bao giờ phạm nữa. Chính phủ đã có luật lệ rồi, nếu thực hiện tốt thì sẽ tạo ra thói quen tốt trong văn hóa, chỉ cần thực hiệm luật nghiêm, phạt từ trên xuống dưới một cách nghiêm minh cụ thể và công bằng. ”
Thạc sĩ Hương bức xúc nói tiếp ngành báo chí Việt Nam cũng phải gánh phần trách nhiệm về việc cổ súy cho những chương trình không có ích cho xã hội:
“Chính báo chí lại cổ súy cho những hành động như thế nữa, xem lại các chương trình văn hóa tuyên truyền của mình như thế nào? Chương trình nào thực tế, đưa lên chương trình học tập đi, chương trình người tốt việc tốt đi thay đi những chương trình nào là: Got Talent, X’factor các thứ… các báo chí cũng nên thay đổi nhận thức, không cổ súy cho các hoa hậu ao làng nữa, hoặc là người đẹp ngày hôm nay ăn không ngon, ngủ không yên, nay đi bệnh viện…”
Đòi hỏi có một ‘cõi thiên đường’ nơi hạ giới là điều không tưởng; thế nhưng nỗ lực tích cực xây dựng một xã hội đáng sống với những yếu tố an toàn, bình đẳng, qui cũ theo pháp luật… là yêu cầu mà một Nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm thực hiện. Người dân cũng phải chung tay góp sức, không thụ động đối phó mà cùng nhau ý thức tham gia xây dựng.
An Nhiên, thông tín viên RFA