Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Cuộc sống của người dân giáo xứ Cồn Sẻ trên mãnh đất Thành Phố Cam Ranh Tỉnh Khánh Hòa

Ước vọng an cư

Sống trên các khu đất thuê, các căn nhà lấn biển được xây dựng tạm bợ, 59 hộ dân Quảng Bình, tổ dân phố (TDP) Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đang rất mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp họ an cư.

Cuộc sống tạm bợ

Chuẩn bị ngư cụ đi biển.
Chuẩn bị ngư cụ đi biển.

Trời vừa nhá nhem tối cũng là lúc anh Vũ Văn Thành (TDP Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam, Cam Ranh) lục đục khuân các ngư cụ chuẩn bị cho chuyến biển đêm. Trong lúc đó, chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Thành) vừa lo cho đàn con ăn uống vừa phụ giúp chồng mang đồ đạc ra chiếc ghe nhỏ neo phía sau nhà. Khi anh Thành nổ máy thì trời đã khuya. Nhìn bóng chồng khuất dần trên biển, chị Hoa không khỏi ứa nước mắt. Cũng như các gia đình trẻ khác ở làng Quảng Bình (cách người dân gọi TDP Phúc Ninh), từ lúc cưới nhau (năm 2007) đến nay do không có nhà, đất nên vợ chồng anh Thành, chị Hoa phải lấn biển làm nhà sàn sống tạm. Cả gia đình anh chị với 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào những chuyến biển đêm bữa có bữa không của anh Thành. Chị Hoa tâm sự: “Chồng tôi làm nghề đi biển còn tôi mò cua bắt ốc. 2 vợ chồng đều không được học hành, con cái lại đông nên phải bám biển sống qua ngày”. Được biết, căn nhà sàn ọp ẹp của vợ chồng chị đang có nguy cơ bị dời đi nơi khác do nó được dựng trên phần đất của một người khác.

Chuẩn bị ngư cụ đi biển.
Những căn nhà ọp ẹp ở KDC Quảng Bình.

Cách đó vài dãy nhà là hộ bà Mai Thị Hợp. Năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Hợp vẫn phải làm lụng vất vả để nuôi bản thân và con trai bị bệnh tâm thần. Mỗi tháng 20 ngày, bà cùng với các phụ nữ làng Quảng Bình chờ con nước xuống để mò cua, bắt ốc, thu nhập khoảng 30 - 50 nghìn đồng/ngày.

Những hoàn cảnh sống bấp bênh, vất vả như gia đình anh Thành, chị Hoa và bà Hợp không phải là hiếm gặp ở TDP Phúc Ninh. Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổ trưởng TDP Phúc Ninh, hiện hầu hết người dân ở đây đều là dân di cư nghèo ở Quảng Bình vào. Cuộc sống của họ chủ yếu là bám biển với các nghề đánh bắt tự phát như: đi lưới rùng, bóng - lò xo, nhũi điện, mò cua - ốc... nên đời sống rất bấp bênh. Chỉ có khoảng 5 hộ ngày trước có vốn mua đất, xây nhà, đầu tư nuôi các lồng tôm, cá nên thu nhập khá, số còn lại do không có tiền phải thuê đất Nhà nước ở hoặc lấn biển xây nhà tạm. “Bây giờ họ còn sống được qua ngày trong các căn nhà tạm đó, đến mùa mưa bão không biết nhà sập lúc nào. Thêm vào đó, nếu Nhà nước lấy đất làm các dự án thì người dân làng Quảng Bình sẽ đi đâu, về đâu?”, ông Quốc trăn trở.

Chuẩn bị ngư cụ đi biển.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa trong căn nhà lấn biển được dựng tạm bợ.


Còn nhiều khó khăn

Hiện KDC Quảng Bình có 59 hộ dân, 324 nhân khẩu. Trong đó có 32 hộ (185 khẩu) có hộ khẩu thường trú, 27 hộ (139 khẩu) đăng ký tạm trú. Do khu vực này đa số là dân nghèo (hơn 80% hộ nghèo) nên phần lớn không có đất, nhà. Một số hộ do thời gian tạm trú ở địa phương khá lâu (từ 10 đến trên 20 năm) nên được chính quyền cho thuê đất cất nhà tạm, số còn lại mới di cư vào, hoặc tách hộ nên lén lút lấn biển, dựng nhà sàn để sinh sống, bất chấp sự ngăn cấm, xử lý của các cơ quan chức năng.

Theo thống kê, hiện nay KDC Quảng Bình có hơn 50% hộ sinh con thứ 3 và hiện có một số trẻ vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Chẳng hạn như vợ chồng anh Thành, chị Hoa tuy mới 37 tuổi nhưng đã có 5 đứa con (đứa lớn nhất 9 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi). Hay gia đình anh Nguyễn Hoàng, chị Phạm Thị Hoài (41 tuổi) hiện đã có 10 người con, chị Hoài lại đang mang thai đứa con thứ 11. Tuy biết là sinh con nhiều, không có tiền nuôi con, nhưng do nhận thức còn kém nên các hộ đều bỏ ngoài tai lời khuyên của cán bộ dân số với lý do đông con để có người phụ giúp gia đình đi biển.

Chuẩn bị ngư cụ đi biển.
Bà Mai Thị Hợp đan lưới thuê để kiếm tiền nuôi người con bệnh tâm thần


Tình trạng học sinh bỏ học cũng đang là vấn đề bức xúc ở KDC này. Theo thống kê của UBND phường Cam Phúc Nam, từ năm 2011 đến nay, KDC này có 6 em bỏ học (chủ yếu là học sinh khối cấp 2). Tuy cán bộ phường đã nhiều lần đến tận gia đình vận động nhưng các em vẫn không đến lớp. Các bậc phụ huynh cũng không mấy mặn mà với chuyện học hành của con em mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Kim Tịnh, Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Nam cho biết: “KDC TDP Phúc Ninh hiện đang là một trong những vướng mắc khó giải quyết của địa phương. Nhiều năm nay, chính quyền các cấp từ thành phố đến phường đã tổ chức các cuộc họp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nhằm tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Ước vọng an cư

Trước những khó khăn, phức tạp ở KDC TDP Phúc Ninh, những năm qua, UBND phường Cam Phúc Nam nói riêng, các ban, ngành, đoàn thể TP. Cam Ranh nói chung đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống. Do Luật Cư trú mới cho phép người dân nhập hộ khẩu vào các hộ gia đình ở địa phương, sau đó tách khẩu nên một số hộ đã có hộ khẩu thường trú, có điều kiện thuê đất cất nhà, làm giấy khai sinh cho con...

Được biết, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP. Cam Ranh từ nay đến năm 2020, KDC Quảng Bình nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu dự án này được triển khai, 59 hộ dân nơi này sẽ phải di dời đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là họ sẽ đi đâu, về đâu và sống như thế nào? Vấn đề này đang được coi là thách thức lớn đối với các cấp chính quyền TP. Cam Ranh. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Cam Ranh cho biết: “Khu vực này phần lớn là dân nghèo, nên nếu muốn di dời đòi hỏi phải giải quyết bài toán về chỗ ở, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho lao động nhàn rỗi... Đây là việc không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được”.

Về giải pháp ổn định cuộc sống của người dân làng Quảng Bình, ông Lê Kim Tịnh, Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Nam cho biết, trong các cuộc tiếp xúc với người dân, hầu hết các hộ đều có nguyện vọng là đề nghị chính quyền tỉnh, thành phố điều chỉnh lại quy hoạch từ khu du lịch sinh thái sang khu quy hoạch dân cư. Trên cơ sở đó, chủ dự án có thể phân lô bán cho các hộ dân đang tạm trú ở đây để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, người dân cũng mong các ngành, đoàn thể tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải quyết các chính sách an sinh xã hội như: vay vốn giải quyết việc làm; vốn cho học sinh, sinh viên; vốn nước sạch vệ sinh môi trường... để họ có điều kiện ổn định cuộc sống.

AN NHIÊN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét