Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích các tín hữu ‘hãy can đảm đi xưng tội”


VRNs (20.02.2014) – Sài Gòn - Đài phát thanh Vatican cho biết, trong buổi triều yết chung thứ Tư hôm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về Bí tích Hòa giải trong loạt bài giáo lý về các Bí tích, sau khi đã thảo luận về các bí tích như Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, và bí tích Xức dầu bệnh nhân.
ĐGH nói: “Khi tôi đi xưng tội, Tôi đi xưng tội để được chữa lành. Chữa lành tâm hồn, chữa lành trái tim, vì những việc không tốt mà tôi đã làm.”
Đức Giáo Hoàng cho biết tiếp, bí tích Hòa giải xuất phát “trực tiếp từ mầu nhiệm Vượt Qua.” Ngài gọi bí tích ấy là món quà của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ khi Ngài hiện ra với họ trong buổi tối Phục Sinh đầu tiên. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Đoạn văn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích tiếp, “đã cho thấy sự năng động sâu xa có trong bí tích này.”
Sự năng động trên gồm 2 điểm.
Thứ nhất, nó cho thấy rằng, chúng ta không thể tự tha thứ cho chính mình. Sự tha thứ phải được yêu cầu: “Xin hãy tha thứ cho tôi!” Tha thứ “đó là một món quà, một món quà của Chúa Thánh Thần, Đấng ban tràn đầy cho chúng ta sự thanh tẩy của lòng thương xót và ân sủng tuôn tràn từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.”
Thứ hai, nó nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể thực sự cảm thấy bình an khi chúng ta được hòa giải với Chúa Cha và với anh em mình thông qua và trong Chúa Giêsu.” “Chúng ta cũng đã từng cảm nhận và thấy được rằng, khi chúng ta đi Xưng tội với sự nặng nề trong tâm hồn kèm theo một chút nỗi buồn … chúng ta nghe được lời tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta [liền] cảm thấy sự bình an, sự bình an tuyệt vời của tâm hồn mà chỉ có Chúa Giê-su mới có thể ban cho chúng ta, chỉ một mình Ngài!”
ĐGH cũng lưu ý thêm, bí tích Hòa giải theo dòng thời gian đã từ hình thức chung trở thành cử hành riêng tư mà chúng ta đã quen thuộc ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta không được làm mất khía cạnh Giáo hội, tức “bối cảnh sống còn tạo thành” bí tích này.
Trong thực tế, Đức Giáo Hoàng nói tiếp, “Cộng đồng Kitô hữu là nơi Chúa Thánh Thần hiện diện, Đấng đổi mới tâm hồn chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa và làm cho tất cả chúng ta trở thành anh em trong Chúa Giêsu Kitô.” Đây là lý do tại sao người ta không thể chỉ đơn giản “cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa trong tâm trí của riêng mình, nhưng còn phải khiêm tốn và tín thác thú nhận tội lỗi của mình trước vị thừa tác viên của Giáo hội.”
Trong bí Tích Hòa giải, vị linh mục không chỉ đại diện cho Thiên Chúa, mà còn đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Hội thánh “công nhận sự mỏng dòn của các thành viên, [Hội thánh] lắng nghe sự ăn năn chân thành của họ, hòa giải với họ, động viên họ và đồng hành với họ trên con đường hoán cải và trưởng thành về mặt con người cũng như là một Kitô hữu.”
“Đừng sợ xưng tội!”  Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Khi một người nào đó xếp hàng để xưng tội, anh ta có thể cảm thấy mọi loại cảm xúc, thậm chí sợ hãi và xấu hổ.” Nhưng sau đó, khi các con đã hoàn thành việc xưng tội, các con có thể đi ra ngoài với cảm giác được tự do, được tha thứ, trở nên tinh tuyền, xinh đẹp và hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp của bí tích Hòa giải.”
Đức Giáo Hoàng sau đó đã hỏi đám đông về lần cuối họ đi xưng tội là lúc nào. Ngài nói. “Không cần nói lớn!, Hãy cho cha biết là lần xưng tội cuối cùng của các con cách đây bao lâu … Hai ngày? Hai tuần? Hai năm? Hai mươi năm? Hay bốn mươi năm? … Và nếu đã rất lâu rồi thì đừng chần chừ gì nữa ! Các con hãy đi [xưng tội], cha chắc là vị linh mục đó sẽ tỏ ra hiền lành ! Chúa Giêsu ở đó phải không? Và Chúa Giêsu thì càng tốt lành hơn so với một linh mục, chính Chúa Giêsu sẽ đón nhận các con. Ngài sẽ đón nhận các con bằng một tình yêu tuyệt vời. Hãy can đảm và đi xưng tội!”
Cuối bài giáo lý, ĐGH kết luận: “Các con thân mến, cử hành Bí Tích Hòa Giải có nghĩa là được bao bọc trong một vòng tay ấm áp, vòng tay thương xót vô hạn của Chúa Cha.”
Pv.VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét