Trở về cát bụi
Vì nghe lời đường mật của ma quỷ, và kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa, ông bà Nguyên Tổ đã phạm tội bất tuân, thế nên Thiên Chúa nói: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là BỤI ĐẤT, và sẽ trở về với BỤI ĐẤT” (St 3:19).
Tháng Cầu Hồn và Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta tái chân nhận số kiếp phàm nhân mong manh và hữu hạn của mình. Ai cũng một lần về với cát bụi. Về với cát bụi là chết. Chết là điều thật hơn sự thật, chắc chắn 100%, dù chúng ta vẫn thắc mắc: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Cát Bụi – NS Trịnh Công Sơn). Và cụ thi hào Nguyễn Du cũng xác định: “Trăm năm còn có gì đâu! Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Truyện Kiều).
NS Lê Dinh (*) đã cảm nhận cuộc đời ngắn ngủi nên ông sáng tác ca khúc “Trở Về Cát Bụi”. Một ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện, và cũng được nhiều người yêu thích. Không biết ông có là Kitô hữu hay không, nhưng ý tưởng đầy tính triết lý sống, gần gũi đời thường và rất giống tư tưởng Công giáo.
Ca khúc “Trở Về Cát Bụi” được viết ở âm thể thứ (đoản), man mác buồn nhưng không ủy mị, gợi những suy tư thực tế: “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó, Trời đã ban cho ta cám ơn Trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau, nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao”. Giàu hay nghèo cũng vẫn biết cám ơn Trời. Hay quá! Bởi vì chính những gì mình đang sở hữu cũng không là của mình, và rồi ai cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Bước vào cuộc đời không có gì, giã biệt cuộc đời cũng chẳng đem theo gì. Dù là ai thì mọi người hoàn toàn bình đẳng và như nhau: Tay trắng!
Thật vậy, NS Lê Dinh phân tích: “Này nhà lớn lầu vàng son, này lợi danh, chức quyền cao sang, có nghĩa gì đâu, sao chắc bền lâu, như nước trôi qua cầu”. Tất cả chỉ là “con số không”. Thế mà người ta vẫn tranh giành nhau, kèn cựa nhau từng ly từng tí. Vật chất đã vậy, những thứ trừu tượng cũng chẳng hơn gì: “Này lời hứa, này thủy chung, này tình yêu, chót lưỡi đầu môi, cũng thế mà thôi, sẽ mất ngày mai, như áng mây cuối trời”. Ôi, thế thái nhân tình!
Thắp nhang, cúng trái cây, đốt vàng mã hoặc thứ này, thứ nọ, đó chỉ là cảm nhận phàm phu tục tử, là ý nghĩ nông cạn của con người. Người vô hình đâu có như người hữu hình, vì hai “lối sống” hoàn toàn khác biệt!
Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Biết mình và biết đời để không luyến tiếc, không ác tâm, không kiêu căng, không lọc lừa, không gian dối: “Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi lại mất, cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen. Nào người sang giàu, đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em, người ơi xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng qua”. Biết vậy nhưng không bi quan, không yếm thế, mà chúng ta sẽ “vô tư” và sống thoải mái hơn, vì “đời là thế” mà!
Phần Coda được lặp đi lặp lại như lời xác định và nhắc nhở, đầy chất tâm linh: “Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi, xin người nhớ cho!”. Bài hát kết thúc, cũng như cuộc đời chúng ta sẽ kết thúc bất cứ lúc nào. Hãy cố gắng chuẩn bị bằng cách “thắp đèn sáng mà chờ đón Chúa”.
Nhận biết thân phận mềm yếu của mình thì mới có thể sống tốt hơn, mà có muốn chối bỏ cũng chẳng được! Thế thì tại sao lại không chấp nhận để mà thanh thản sống? Vì như thế mới có thể tự giải thoát mình, tự gỡ bỏ những “xiềng xích” để tự giải phóng mình. Đó là khôn ngoan vậy!
Có câu chuyện “Bán Sự Khôn Ngoan” thế này:
Một ngày nọ, triết gia Diogène (Hy Lạp) đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều với tấm bảng ghi đậm hàng chữ: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.
Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều, đọc được lời rao và cười thầm trong bụng. Muốn biết phía sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ. Anh ta đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogène ôn tồn và thản nhiên nói với người đầy tớ: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: ‘Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích’. Vậy nhé!”.
Vị khoa cử thành Athènes vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày, và cũng để mọi người đi qua trước nhà ông đều có thể đọc được: “Trong tất cả mọi sự, hãy suy nghĩ đến cùng đích”.
Nghĩ tới cái chết không là tư tưởng tiêu cực, bi quan, chán đời hoặc yếm thế, mà lại chính là KHÔN NGOAN.
TRẦM THIÊN THU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét