"Giáo dân chỉ thể hiện sự bất bình"
12.09.2013
Trước những thông tin mâu thuẫn nhau của chính quyền địa phương và Giáo xứ Mỹ Yên về cuộc xung đột lớn và kéo dài giữa giáo dân Công giáo và chính quyền trong những ngày qua, BBC đã tìm hiểu thêm về nội dung sự vụ qua lời kể của một người trong cuộc.
Vụ việc xảy ra tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thuộc Trung phần Việt Nam. Đây là nơi có đông đảo tín đồ Thiên chúa giáo thuộc Giáo phận Vinh.
Vụ việc xảy ra tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thuộc Trung phần Việt Nam. Đây là nơi có đông đảo tín đồ Thiên chúa giáo thuộc Giáo phận Vinh.
Hôm 3/9 đã xảy ra vụ xô xát giữa công an và giáo dân trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương làm nhiều người đổ máu.
Trước đó, hôm 29/8, các giáo dân đã đến trụ sở Ủy ban xã đòi thả người của họ bị bắt giữ và được ông chủ tịch xã viết bản cam kết có đóng dấu sẽ thả người.
Tuy nhiên, nguồn cơn của vụ việc này bắt đầu từ trước đó vào ngày 22/5 khi một nhóm người Thiên chúa giáo đi hành hương bị công an mặc thường phục chặn lại. Những người công an này đã bị các giáo dân bắt giữ lại nhưng sau đó được thả ra.
Ngay sau đó, hai giáo dân là các ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đã bị chính quyền bắt giữ và tạm giam cho đến nay. Đây là nguyên nhân khiến giáo dân và chính quyền xung đột mấy ngày qua.
Trả lời BBC từ Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Hương, một giáo dân ở Mỹ Yên đã chứng kiến tất cả các vụ việc kể trên, nói rằng giáo dân ‘chỉ thể hiện sự bất bình nhưng lại bị đàn áp’.
Vụ chặn đường ngày 22/5
Bà Hương cáo buộc tất cả là do lỗi của phía công an trước vì đã ‘thi hành công vụ sai’.
“Ngày 22/5 trên Đền Thánh Antôn có một đoàn hành hương về nhưng chỉ mới trên đường 534 thì có một nhóm công an mặc thường phục cản đường không cho vào đền,” bà kể.
“Bởi vậy đoàn hành hương mới xô xát và bắt hai người vào để tra khảo xem các anh có phải là công an thi hành công vụ không mà tại sao không mặc đồng phục cho chúng tôi biết,” bà nói.
“Trong lúc đó các ông coi nhà thờ đã ngăn chặn giáo dân không cho đánh hai người công an này mà chỉ hỏi là họ đi đâu mà không cho chúng ta đi lễ thôi,” bà nói thêm và cho biết sau đó hai người công an bị bắt giữ này “đã nhận tội và viết tờ văn bản nhận tội thi hành công vụ sai”.
“Họ đã xin lỗi và cảm ơn nhà thờ,” bà Hương cho biết.
Khi được hỏi là tại sao trên người của những người công an này có thương tích như truyền thông của chính quyền cáo buộc, bà Hương nói: “Chúng tôi muốn vào Đền Thánh mà những người này cứ ngăn chặn nên cứ xô đẩy qua lại thế thôi.”
Còn về việc nhà tư gia của một cán bộ gần đấy bị đập phá như chính quyền cáo buộc, bà Hương nói đó là nơi một số công an chặn đường chạy vào ẩn nấp.
“Con nít ném đá cho công an núp trong nhà ông Sơn ra,” bà nói. “Nói chung toàn là con nít không à.”
“Sau đó, những người trong nhà thờ mới ra dẹp con nít không cho ném đá như vậy.”
Áp lực chính quyền?
Về vụ việc ngày 29/8 tại Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương khi mà gia đình hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải được chủ tịch xã viết giấy cam kết sẽ thả người, bà Hương cho biết như sau:
“Ngày 29/8, hai gia đình ra hỏi hai người này bị tội gì mà sao cứ bị giam mãi như vậy. Ủy ban xã trả lời là chúng tôi không biết chuyện chi.
Họ trả lời như vậy là bất lực quá. Chúng tôi mới chất vấn là tại sao anh là lãnh đạo địa phương mà mất người như thế mà anh không biết.
Người nhà của hai nạn nhân mới đóng cửa (ủy ban lại) và giữ ông chủ tịch xã lại và một hai đòi hỏi anh phải biết chuyện gì đã xảy ra và phải biết vào lúc nào chúng tôi mới được trả người đây.
Mãi đến 4h chiều ngày 29/8 chủ tịch xã Nghi Phương mới viết tờ cam đoan với Đức cha Nguyễn Thái Hợp, gia đình nạn nhân và toàn dân ở đó rằng vào lúc 4h chiều ngày 4/9 thì chúng tôi sẽ thả người.”
Khi được hỏi tại sao có nhiều người không phải là thân nhân của hai giáo dân bị bắt giữ cũng kéo đến ủy ban xã, bà Hương nói rằng tại vì ‘bà con nhận ra hai người này sống rất hiền lành và xưa nay khù khờ người mà cũng nhận tội’.
“Bà con nhận ra là bị oan ức như vậy và chịu tù một cách bất công như vậy nên đi cùng với gia đình nạn nhân,” bà nói thêm.
Về cáo buộc của chính quyền là giáo dân uy hiếp chủ tịch xã viết bản cam kết, bà nói rằng chẳng qua người dân bức xúc nên chỉ muốn hỏi cho ra lẽ là nạn nhân bị bắt vì tội gì và tại sao ‘bị bắt cóc’ giữa đường như vậy.
Tuy nhiên bà nói rằng bà không có mặt bên trong Ủy ban xã nên không biết có áp lực không mà bà chỉ thấy “hai người cầm bản Campuchia kết ra và vui mừng về nhà chuẩn bị đón người”.
Công an tấn công trước?
Về đỉnh điểm của vụ việc là cuộc xung đột ngày 4/9 tại trước trụ sở Ủy ban xã khi giáo dân đi đòi người như đã ‘cam kết’, bà Hương cáo buộc là công an đã tấn công giáo dân trước.
Bà kể: “Vào ngày 4/9 vào lúc 12:30 có một nhóm công an trên khoảng chín xe du lịch, một xe ca lên Ủy ban xã dựng hàng rào chắn ngang đường không cho người dân vào.
Trong lúc đó gia đình nạn nhân nghĩ là công an đến đây rồi thì chắc chắn họ sẽ thả người thôi cho họ cứ xin công an cho vào thăm người nhà cái vì lâu lắm rồi chúng tôi nhớ quá. Họ một hai cho chúng tôi vào nhận người nhà vì chúng tôi trông đến ngày hôm nay lâu lắm rồi.
Các anh ấy không cho vào nên các gia đình cứ đẩy đưa, cứ xô hàng rào của công an.
Trong lúc đó có một số người mặc thường phục hình như không phải công an ném đá vào hai gia đình nạn nhân.
Họ bắt đầu ném đá vào dân trước. Sau đó hai bên xô xát ném đá vào nhau. Công an dùng gậy, bình xịt cay, súng nổ và các loại vũ khí trong khi giáo dân đi tay không.
Bà con cả lương lẫn giáo thấy công an làm như vậy họ ra rất đông tấp nập người luôn. Các phụ nữ đi xem nghe tiếng súng nổ hoảng sợ chạy vào các nhà quanh đó để nấp.
Lúc đó công an vào các nhà dân xung quanh, phá cửa sau đột nhập vào nhà.”
Theo lời bà Hương thì một người chủ nhà có tên là Văn đã bị công an ‘đập cho trọng thương, có thể không đi lại được nữa’.
“Người dân đi xem không mục đích gì mà công an đánh người ta trọng thương rất nhiều,” bà nói và cho biết có 30 người bị thương.
Khi được hỏi tại sao có nhiều người đi cùng thân nhân đi đòi người như vậy, bà Hương nói rằng mặc dù những người vợ trước đây đã được công an cho gặp trong tù rồi nhưng cũng có anh em bà con và cũng có rất nhiều người hàng xóm nói rằng ‘chúng tôi muốn nhìn mặt để xem ra răng’.
Bà Hương cũng khẳng định là nhà thờ và các giám mục không hề ‘kích động’ giáo dân như lời chính quyền cáo buộc.
“Các vị linh mục chỉ khuyên giáo dân cầu nguyện cho đức tin và cầu cho hòa bình chứ không kích động dân. Chúng tôi cầu nguyện cho chính quyền nhận ra cái sai mà làm cho đúng.”
“Các cha chỉ khuyên con chiên chúng ta không đánh đập gì mà chỉ hỏi tại sao bắt người một cách bất công như vậy thôi và không được nói gì xúc phạm họ,” bà nói thêm.
(Nguồn: BBC Việt ngữ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét