Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Tin giao hoi Viet Nam

Video: Tin Giáo Hội Việt Nam 18/9 - 24/9/2013
VietCatholic Network9/23/2013



>Tin GHVN Tuần 24-Năm 2013

Đối thoại, nẻo đường của bình an.


Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Đối thoại, nẻo đường của bình an
Ngày 4-09-2013, xảy ra vụ việc đáng tiếc ở giáo họ Trại Gáo thuộc giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh.
Ngày 6-09, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, gửi Thư Chung đến Cộng đồng Dân Chúa giáo phận Vinh, “mời gọi anh chị em cầu nguyện, dâng những hi sinh cũng như những hành động cụ thể để biểu lộ sự hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên và tình liên đới đối với các nạn nhân của bạo lực”.
Các phương tiện truyền thông của tỉnh Nghệ An liên tục cung cấp thông tin và hình ảnh theo quan điểm của chính quyền và lên án bà con giáo dân.
Cho đến lúc này, chưa có một giám mục nào ở Việt Nam lên tiếng. Kể cả Trang tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng không đưa ra một thông tin và nhận định nào. Có thể đọc được ở đó thiện chí của các giám mục nói riêng và người Công giáo nói chung: nghe những chuyện đau lòng xảy ra cho anh chị em mình nhưng vẫn muốn giữ hòa khí trong xã hội, chỉ biết âm thầm cầu nguyện cho họ.
Thế nhưng chính quyền đã không ngừng lại ở đây. Từ ngày 15-09, không chỉ là báo đài tỉnh Nghệ An nhưng chính đài truyền hình trung ương phát sóng cho cả nước, trong phần Thời sự, đã liên tiếp đưa những thông tin và hình ảnh tiêu cực về người giáo dân Mỹ Yên, cùng với những lời lẽ gay gắt, xúc phạm danh dự của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, người lãnh đạo tinh thần của hơn 500.000 giáo dân của giáo phận Vinh.
Đến lúc ấy, ngày 18-09, Trang tin điện tử của HĐGMVN mới đăng tải Thư Chung của Đức giám mục giáo phận Vinh, cùng với những tư liệu liên quan. Cùng ngày hôm đó, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội, gửi thư cho giáo phận Vinh, bày tỏ tâm tình “cầu nguyện cho cuộc đối thoại giữa chính quyền và giáo phận Vinh được bắt đầu lại và tiến triển dựa trên công lý, sự thật và tôn trọng lẫn nhau”. Ngày 21-09, các giám mục thuộc giáo tỉnh Hà Nội cũng gửi thư cho Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, bày tỏ ước mong chính quyền và giáo phận “gặp gỡ đối thoại dựa trên sự thật khách quan và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Những động thái trên thể hiện sự hiệp thông sâu xa với giáo phận Vinh, đồng thời phản ánh mối quan ngại của các giám mục và giáo dân Công giáo trước cách hành xử của nhà cầm quyền. Những thông tin một chiều, mang tính áp đặt và thiếu khách quan về vụ việc ở Mỹ Yên không những không giúp giải quyết vấn đề, mà còn gây thêm căng thẳng giữa hai bên và sự bất bình trong cộng đồng Công giáo.
Vì thế tất cả các giám mục gửi thư hiệp thông đều nhấn mạnh đến đối thoại trên nền tảng sự thật và sự tôn trọng lẫn nhau. Đây là chọn lựa căn bản của HĐGMVN cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh giữa lòng xã hội. Để cuộc đối thoại ấy thật sự mang lại ích lợi cho mọi người, cần phải tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau. Các giám mục miền Bắc còn cẩn thận viết thêm tĩnh từ “khách quan” khi nói đến sự thật, nghĩa là trình bày sự thật như nó là chứ không phải như mình muốn. Sự tôn trọng ấy còn được thể hiện qua sự tôn trọng lẫn nhau, trong ngôn từ cũng như hành động. Chỉ khi đó, những va chạm và xung đột trong xã hội mới được giải quyết tận gốc rễ và đem lại bình an đích thực; nếu không, sẽ chỉ là sự “ổn định” bên ngoài và “bình an” của nghĩa địa!
Trong những ngày này, người công giáo được kêu gọi cầu nguyện tha thiết hơn lúc nào, không phải để phân định thắng thua, nhưng theo lời của Đức TGM Hà Nội, để “cuộc đối thoại giữa chính quyền và giáo phận Vinh được bắt đầu lại và tiến triển”. Để cái đẹp và sự bằng yên ngự trị trên vùng đất mang tên gọi Mỹ Yên.
25-09-2013

WHĐ

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

RFA Việt ngữ: Giáo phận Vinh tiếp tục tìm hiểu sự thật ở Mỹ Yên



Trước những cáo buộc từ phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, cơ quan truyền thông của tỉnh này cũng như của trung ương đối với vụ việc tại giáo xứ Mỹ Yên, linh mục đoàn giáo phận Vinh tiếp tục lên tiếng để chứng minh những cáo buộc từ phía chính quyền và truyền thông Nhà nước là không đúng sự thật.
Người đứng đầu linh mục đoàn cũng như toàn giáo phận Vinh, Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cho biết về điều đó trong cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 17 tháng 9 như sau:
Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục đưa những thông tin về phía những người dân bị đàn áp. Và càng ngày chúng ta thấy sự dàn dựng của nhà nước và sự bóp méo sự thật càng ngày càng lộ ra. Có lẽ chính quyền đã chuẩn bị trước: đưa cả quân đội, đưa cả cảnh sát rồi bộ đội, cơ động đến để gài bẫy người dân; rồi cũng thuê người để ném đá và chụp ảnh những người được thuê ném đá đó để đưa lên. Bây giờ càng ngày, càng nhiều ngày hơn chúng tôi đứng từ phía nạn nhân thì có những thông tin rõ hơn.
Và tôi cũng rất ngạc nhiên bức thư của ông Thái Văn Hằng gửi cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn- chủ tịch Hội đồng Giám mục, rồi sau đó gửi cho tất cả các linh mục thuộc giáo phận Vinh lặp lại quan điểm đó- quan điểm của báo đài Nghệ An cũng như của VTV1 đã đăng tải. Chúng tôi rất ngạc nhiên! Chính vì vậy hôm qua, các linh mục giáo phận Vinh đã họp để đọc lại bản đó và sẽ công bố một bản trả lời nói lên quan điểm của chúng tôi về những nhận định và rồi sẽ có những thông tin khác nữa để dần dần cho thấy sự thật ở đâu, sự thật như thế nào.
Cuộc chiều ngày 4 tháng 9, chuyện đó chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi không dàn dựng chuyện đó. Bà con thân nhân của ông Khởi cũng như ông Hải, họ tin một cách ngây thơ lời hứa hẹn của ông chủ tịch xã, và quan chức của huyện mà họ đến. Họ đến hai bàn tay không, không chuẩn bị gì; trong khi phía Nhà nước đưa lính ở trên núi, coi như dàn binh bố trận. Có thông tin nghi giáo dân Vinh làm một cuộc khởi loạn hay gì đó, Nhà nước mới làm dữ dội như vậy.
Phía bà con có một số người đưa máy hình ra chụp, nhưng những ai đưa máy hình ra chụp thì bị đánh tàn tệ, lấy cả máy hình; nhiều khi trả lại không còn phim trong đó nữa. Thành ra chúng tôi không có số hình như bên kia dàn dựng; nhưng dần dần cũng qui tụ lại một số hình.
Có ai mà mấy chục dân đến mà đưa cả gần ngàn công an, bộ đội, cơ động đến. Đó là sự dàn binh bố trận
Gia Minh: Truyền thông Nhà nước và ông Thái Văn Hằng, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng các chức sắc, ngay cả đức giám mục, chức việc của giáo xứ Mỹ Yên bị kích động bởi những người mà họ nói là thế lực phản động trong và ngoài nước, Đức Giám Mục nghĩ sao và trình bày thế nào với công luận?
Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Điều có thể nói lại một lần nữa là dàn dựng và vu khống một cách trắng trợn. Nhưng cũng may hôm nay chúng ta đang ở trong thời đại toàn cầu hóa, trong thời đại thông tin không như mấy thập niên trước đây thành ra dư luận thấy rõ hơn và càng ngày càng thấy rõ hơn sự dàn cảnh. Điều gì cũng có hai mặt cả: nếu dùng vũ lực có thể thắng nhưng rồi nhiều khi có thể chết vì chính vũ lực đó. Gian dối có thể đưa lại thành quả lúc đầu, nhưng trong chiều dài lịch sử ai dùng vũ lực và gian dối phản lại. Chúng tôi vẫn tin tưởng như vậy.
Gia Minh: Thưa Đức giám mục, trong một trả lời phỏng vấn của Đài RFA hồi tuần trước, đức giám mục có nói rằng qua hành xử của chính quyền tỉnh Nghệ An thì cánh cửa đối thoại bị đóng sập lại. Đối thoại là con đường mà giáo hội theo đuổi lâu nay, vậy không lẽ sắp đến đây con đường đối thoại không thể khai thông được?
Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi vẫn sẵn sàng chủ trương của Giáo hội là chủ trương đối thoại. Đó cũng là chủ trương của nhân loại hôm nay dù rằng các nước nhiều khi phải dùng biện pháp quân sự; nhưng đó là biện pháp ngắn hạn. Riêng chúng tôi từ phía nạn nhân, chúng tôi không có chủ trương, mà đây Nhà nước ‘bày binh bố trận’, Nhà nước đánh dân, Nhà nước lừa dân. Chúng tôi đứng về phía những người bị nạn, luôn luôn chúng tôi chủ trương đối thoại; nhưng để đối thoại thì đòi hỏi phải đối thoại một cách chân thành thẳng thắn giữa những người nói thật với những người không lươn lẹo. Chúng tôi vẫn chờ đợi những hành động chân thành hơn, khả tín hơn để rồi tiếp tục đối thoại.
Gia Minh: Ông Thái Văn Hằng trong trả lời truyền thông trong nước có trích dẫn phát biểu của Giáo hoàng Bê nê đíc tô thức 16 và Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam trước đây ‘Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc’ ( ý nói giáo dân Mỹ Yên vừa qua không hoàn thành bổn phận công dân); theo Đức Giám mục họ có theo đúng tinh thần của những điều ấy không?
Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Họ trích dẫn bản văn theo cách nhìn của họ; thử hỏi rằng họ có tạo cơ hội để cho người Công giáo đồng thời cũng là người công dân không. Thật sự ra Nhà cầm quyền có tôn trọng những Bản Công ước quốc tế như Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như những bản tuyên ngôn về vấn đề chính trị mà Nhà cầm quyền đã ký hay không! Có lẽ người đòi hỏi cũng nên đặt tay lên trán để suy nghĩ và có lẽ càng ngày chúng ta càng hiểu rõ hơn. Tôi thấy Đức Giê Su đã nói ‘sự thật sẽ giải phóng các con’. Hiện tại chưa thể làm sáng tỏ hết nhưng vẫn tiếp tục làm sáng tỏ điều đó.
Gia Minh: Chân thành cám ơn Đức Giám mục tiếp tục dành cho Đài cuộc nói chuyện hôm nay.
MY1



Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok


Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Video: Tin Giáo Hội Việt Nam 11/9 - 17/9/2013


Video: Tin Giáo Hội Việt Nam 11/9 - 17/9/2013
VietCatholic Network 9/16/2013








''>Tin GHVN Tuần 23 Năm 2013

Tin Đặc Biệt Tuần này:
Phóng sự về vụ chính quyền và công an xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đàn áp và đánh đập dã man giáo dân giáo xứ Mỹ Yên, GP Vinh và thông báo của Toà Giám Mục GP Vinh về việc báo chí và truyền hình của chính phủ Việt Nam và báo đài tỉnh Nghệ An, vu khống, bóp méo và nói sai sự thật.
1. Tin GP Vinh
Lời mời gọi cầu bình an của Đức Tân GM phụ tá, GP Vinh, tại linh địa Trại Gáo, Gx Mỹ Yên
Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên, là nơi có đền thánh Antôn nổi tiếng. Nơi mà, nhà cầm quyền CSVN cho công an và côn đồ hành hung đánh đập dã man giáo dân, giáo xứ Mỹ Yên.
Sáng thứ Ba, vừa qua, đông đảo giáo dân và bà con lương dân, ước chừng, có khoảng 4,000 người, đã trở về mảnh đất linh thiêng này, để tham dự Thánh lễ thường kỳ, hàng tuần.
Vụ việc đẫm máu xảy ra tại giáo xứ Mỹ Yên vào ngày 4.9.2013, dường như vẫn còn hằn sâu trên gương mặt của anh chị em giáo dân nơi đây. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Thánh lễ hôm nay bớt đông đảo, như thường thấy. Lại còn có nhiều Khách hành hương là anh chị em lương dân.
Vẫn một bầu khí sốt sắng, một tâm tình hướng về thánh Antôn, để cầu nguyện.
Thánh lễ hôm nay rất đặc biệt, khi được cử hành bởi Đức Tân Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên GM phụ tá GP Vinh. Đồng tế với Đức Cha, có các Linh mục ở Tòa Giám mục Xã Đoài, cùng với các Cha trong và ngoài giáo hạt Nhân Hòa.
Phần quảng diễn Lời Chúa, Đức Tân GM đã chia sẻ với cộng đoàn về những giá trị của sự bình an.
Những ngày gần đây, trong hoàn cảnh đặc biệt của anh chị em giáo dân Mỹ Yên, đang phải chịu sự áp bức của nhà cầm quyền, thì lời chia sẻ của Đức Cha Phụ tá, lại càng trở nên ý nghĩa và cần thiết hơn.
Giáo dân Mỹ Yên, với khát vọng tìm hòa bình, công lý, đã và đang phải nhận lấy những “đòn thù” hèn hạ, dã man của nhà cầm quyền xã Nghi Phương, tỉnh Nghệ An.
Sau Thánh lễ là giờ chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Cộng đoàn phụng vụ đã dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện tha thiết, đầy xúc động.
Biến cố đau thương ngày 4.9.2013, dù đã qua, nhưng nó là một vết thương cắt sâu, vẫn còn rỉ máu!
Từng lời nguyện dâng lên Thiên Chúa với bao cay đắng, nghẹn ngào, sự tổn thương của đàn chiên trước sức tấn công của bầy sói dữ công an. Nhưng giáo dân luôn can đảm, tin tưởng và hy vọng.
Lời huấn từ trước khi kết thúc của Đức Cha phụ tá, đã gửi đến giáo dân và quý khách hành hương, những tâm sự riêng tư, mà Ngài đã cảm nhận trong quãng thời gian vừa qua. Ngài nói: “Tôi không ngờ được rằng, sứ vụ đầu tiên trong đời Giám Mục của tôi, lại là sứ vụ vào nhà thương!”
Huấn từ của Đức Cha đã bị ngắt quãng giữa chừng, vì Ngài xúc động, không thể kìm nén được.
Bởi vì, buổi chiều ngày 4.9.2013, sau Đại Lễ Tấn Phong, Ngài đã phải vào bệnh viện Tòa Giám Mục để thăm viếng, an ủi những người bị đánh trọng thương.
Trong Thánh lễ hôm nay, ngoài số lượng đông đảo giáo dân xa gần, thì lượng khách hành hương là những anh chị em lương dân chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Trong hoàn cảnh bị chính quyền đe dọa, gây khó dễ từ phía các cơ quan công quyền, nhưng khách hành hương vẫn nườm nượp đổ về đền thánh Antôn để tham dự Thánh lễ cầu nguyện và xin ơn.
Đây là một minh chứng sống động cho khát vọng bình an và nhu cầu tâm linh của người dân.
Trước gọng kìm bạo lực, những lời kinh tha thiết, những cung đàn điệu nhạc du dương vẫn vang lên như một câu trả lời ngắn gọn, nhưng đầy đủ cho thái độ và cách ứng xử mà người có đạo, có lương tri được mời gọi!

2. Tin GP Thái Bình
Linh mục đoàn giáo phận Thái Bình tĩnh tâm hàng năm.
Vào buổi sáng, ngày tĩnh tâm, bầu trời Thái Bình đổ mưa như trút nước, làm cho những con đường dẫn tới Đại Chủng viện Thánh Tâm, Mỹ Đức đều bị ngập lụt.
Như thường lệ, ngày tĩnh tâm được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Nhưng từ sáng sớm các linh mục trong giáo phận đã đến đông đủ, để chuẩn bị bước vào buổi tĩnh tâm.
Chia sẻ trong buổi tĩnh tâm lần này là linh mục Đaminh Nguyễn Văn Quát chánh xứ Nam Lỗ, với đề tài: “Linh mục với công bằng xã hội theo công đồng Vatican II”.
Sau giờ nghe giảng tĩnh tâm, quý cha tập trung tại nhà Nguyện của Đại Chủng Viện Thánh Tâm để chầu Thánh Thể.
Đặc biệt, Thánh lễ trong ngày tĩnh tâm hôm nay, có sự hiện diện của ĐTGM Fx. Lê Văn Hồng tổng giáo phận Huế chủ tế. Cùng đồng tế có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ giám mục giáo phận, 20 linh mục trong phái đoàn của TGP Huế, quý cha giáo đại chủng viện Thánh Tâm, Mỹ Đức, toàn thể linh mục của giáo phận và các thầy.
Mở đầu thánh lễ, ĐTGM Fx. Lê Văn Hồng đã thay mặt cho phái đoàn TGP Huế cảm ơn Đức Cha Phêrô Đệ cùng quý cha trong giáo phận Thái Bình đã tiếp đón phái đoàn một cách thân tình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam, cách riêng cho hai giáo phận Thái Bình và TGP Huế, luôn có được sự hiệp thông và gắn kết với nhau.
Sau thánh lễ là bữa cơm thân mật. Đặc biệt, trong bữa cơm hôm nay, gia đình giáo phận còn được vui mừng chào đón cha Bề trên Tổng Quyền tu hội Xuân Bích, người đã dành nhiều ưu ái cho giáo phận Thái Bình bằng việc cử các linh mục thuộc tu hội Xuân Bích tới giảng dạy cho chủng viện Mỹ Đức trong những năm qua.

3. Tin GP Nha Trang
Tình trạng sức khoẻ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà nguyên giám mục giáo phận Nha Trang
Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đến Tòa Giám Mục giáo phận Ban Mê Thuột thăm và nghỉ hè tại đây, Ngài bị trượt ngã và được đưa vào Bệnh viện Thiện Hạnh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận Đức Cha bị: “tụ máu ở trên đầu”.
Sau gần 10 ngày nằm điều trị tại bệnh viện Thiện Hạnh, tình trạng sức khỏe Đức Cha Hoà đang dần dần hồi phục.
Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang đã đến thăm Đức Cha Phaolô, cùng đi với Đức Cha Minh, có Cha Giuse Lê Văn Sỹ Tổng Đại Diện giáo phận, nữ tu bác sĩ Diên Phương thuộc Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.
Với sự hiện diện của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giám mục giáo phận Ban Mê Thuột và quý Cha trong Tòa Giám Mục. Sau gần 10 ngày nằm điều trị tại bệnh viện Thiện Hạnh. Hiện nay sức khỏe Đức Cha Phaolô của đang dần dần hồi phục.

4. Tin GP Sàigòn
Phái đoàn toà lãnh sự Mỹ tại Sàigòn, đến thăm sức khoẻ ĐHY Phạm Minh Mẫn
Sáng thứ Hai ngày 9 tháng 9, phái đoàn lãnh sữ Mỹ tại Sàigòn gồm: Bà tân lãnh sự Rena Bitter, bà trợ tá Nguyễn Thị Tường Nhi và ông Eric Jordan đặc trách Việt Nam sự vụ, đã đến thăm ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn tại trung tâm mục vụ TGP Sàigòn.
Tiếp đón phái đoàn lãnh sữ Mỹ, có linh mục Hồ Văn Xuân chánh văn phòng tòa giám mục, linh mục Nguyễn Anh Tuấn và linh mục Nguyễn Duy.
Bà tân lãnh sự Mỹ đã ân cần thăm hỏi sức khỏe ĐHY và tìm hiểu những đóng góp của ĐHY cho Giáo Hội cũng như cho Quê hương. Cuộc viếng thăm kết thúc vào lúc 10g30 sáng cùng ngày.

5. Tin GP Vinh
Linh mục đoàn giáo hạt Thuận Nghĩa thăm giáo xứ Mỹ Yên
Trong tinh thần hiệp thông, sáng ngày 10 tháng 9 năm 2013, các linh mục trong giáo hạt Thuận Nghĩa và một số bà con giáo dân đã tới giáo xứ Mỹ Yên thăm hỏi các nạn nhân bị chính quyền, công an đánh đập và dâng lễ cầu bằng an cho giáo xứ.
Thánh lễ được cử hành tại linh địa Trại Gáo do cha quản hạt Antôn Nguyễn Văn Đính chủ tế, cùng đồng tế có quý cha trong và ngoài giáo hạt Thuận Nghĩa và đông đảo bà con lương giáo tham dự.
Mở đầu thánh lễ, Cha quản hạt nói: “Anh em linh mục chúng tôi về đây với mục đích kính viếng thánh Antôn, và cùng với anh chị em đến từ các giáo xứ và những người thiện chí khắp nơi hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên, đặc biệt cho các nạn nhân bị chính quyền Nghệ An bắt bớ, đánh đập trong thời gian qua. Là người kitô hữu, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho chính quyền Nghệ An biết tôn trọng sự thật, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng niềm tin tôn giáo, biết dừng lại những hình thức bạo lực, vu khống như thời gian vừa qua”
Thánh lễ diễn ra một cách trang nghiêm sốt sắng. Sau thánh lễ, đại diện Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ cám ơn quý Cha, quý khách đã đến đây dâng lễ, cầu nguyện cho giáo xứ, vị đại diện nói: “Trong khi chính quyền bắt bớ, đánh đập và đang tìm mọi cách để làm hại chúng con, thì sự hiện diện của quý Cha, quý bà con lương giáo trong thời điểm này, như giúp chúng con tiếp được sức mạnh. Xin quý Cha, quý khách tiếp tục cầu nguyện cho chúng con”.
Trên đường về phái đoàn đã ghé thăm các nạn nhân và nơi xảy ra biến cố đau thương chiều ngày 04 tháng 9 năm 2013 vừa qua. Từ tỉnh lộ 534 nhìn vào trụ sở UBND xã Nghi Phương, thấy một không khí nặng nề. Công an, cảnh sát vẫn còn đóng chốt, canh giữ ngày đêm, giống như con cọp đang chờ mồi đến để vồ lấy và cắn xé.
Phái đoàn vào đến nhà xứ Mỹ Yên, thì thấy ngay khẩu hiệu “giáo xứ Mỹ Yên kịch liệt phản đối hành động bắt người sai pháp luật của chính quyền huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An”.
Vì chính quyền bắt người trái pháp luật nên dân mới phản đối, mới đấu tranh và dẫn đến biến cố ngày 04/9 vừa qua. Phái đoàn gặp quý HĐMV giáo xứ, hỏi thăm những người gặp nạn và động viên khích lệ tinh thần của họ. Mặc dù vừa trải qua đại nạn, nhưng tinh thần của người dân nơi đây vẫn kiên cường, bất khuất.

6. Bài chia sẻ của Linh mục Phêrô Trần Quang Tòng
7. Thông Báo của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp GM giáo phận Vinh, về việc Báo Chí và Truyền Hình Nghệ An, vu khống và nói sai Sự Thật


VietCatholic Network

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Linh mục đoàn giáo phận Vinh hiệp thông với Đức Giám mục giáo phận và giáo xứ Mỹ Yên


GPVO - Linh mục đoàn giáo phận Vinh đã thể hiện tình hiệp thông cụ thể với bà con giáo dân Mỹ Yên bằng cuộc thăm viếng và dâng thánh lễ cầu bình an cho giáo xứ sáng thứ Hai, ngày 16-9-2013, tại đền thánh Antôn Trại Gáo.
176 linh mục đang làm việc tại giáo phận Vinh cùng với Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã qui tụ quanh Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, bày tỏ sự hiệp nhất trọn vẹn với ngài, đồng thời cùng nhau nhìn lại vụ việc vừa xảy ra tại Mỹ Yên và thảo luận hướng đi sắp tới.

Cuộc hội ngộ bắt đầu lúc 8 giờ 30, nhưng nhiều linh mục đã có mặt từ rất sớm. Có những vị phải vượt qua đoạn đường gần 300 km từ giáo xứ của mình.

“Sự thật sẽ giải phóng anh em”

Mở đầu cuộc họp, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã cám ơn các linh mục về sự cộng tác của các ngài trong công việc mục vụ của giáo phận thời gian qua, nhất là qua vụ giáo dân Mỹ Yên bị trấn áp một cách bất công bởi lực lượng công quyền.

Đức Giám mục giáo phận phát biểu nguyên văn như sau

Trong những ngày này, chúng ta như bị tràn ngập bởi hiện tượng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, lấp liếm, gian dối, chụp mũ, cả vú lấp miệng e… Hơn bao giờ hết, Lời Chúa vừa nghe chính là kim chỉ nam và linh dược cho đời ta: “Sự thật sẽ giải phóng anh em.

Trên bình diện tôn giáo, sự thật Đức Giêsu đề cập ở đây trước hết là mạc khải của Thiên Chúa, là Lời Chúa và chương trình cứu độ của Ngài.

Tiếp đến, trên bình diện nhận thức luận, sự thật là sự tương ứng giữa ngôn từ, nhận định và xác quyết của chúng ta với thực tại khách quan, với sự kiện lịch sử. Đức Giêsu đã khẳng định: lời nói của anh em phải thành thật, có nói có, không nói không; tất cả những thêm thắt lươn lẹo đều là sản phẩm của ác thần.

Thiên Chúa, Sự Thật tuyệt đối, sẽ lột mặt nạ tất cả các âm mưu mờ ám, xuyên tạc, gian dối, lừa lọc… Chính Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi lầm lạc, nhất là khỏi sợ hãi khi phải đối diện với gian dối. Bởi vì, người môn đệ của Đức Kitô không bao giờ đơn độc, mà có cộng đoàn đồng hành và luôn bước đi dưới ánh sáng Lời Chúa. Khi ai hành động theo Tin Mừng và trung thành với lương tâm thì sáng suốt và can đảm lạ thường, không còn khiếp sợ bóng đen của gian dối.   
  
Đã có một thời người ta tôn vinh gian dối và cho đó là một phương pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất, vì đinh ninh rằng: Cứ nói dối, cứ nói dối… cuối cùng vẫn còn lại cái gì. Từ Phát-xít Đức cho tới Staline, Mao Trạch Đông, Pol Pot cho đến ngày nay… một số nhà cầm quyền đã sử dụng nó như cẩm nang tuyên truyền để “đánh lận con đen”. Trong quá khứ, xem ra một số lần họ đã đánh lừa được dư luận hay ít nhất gây hoang mang, ngờ vực và bêu xấu đối phương.    
       
Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những công nghệ hiện đại đã giúp nhân loại dễ dàng lột mặt nạ những gian dối và lừa lọc này. Hơn nữa, nhân loại ngày càng đề cao mô hình nhà nước dân chủ, pháp quyền và tam quyền phân lập, trong đó nhà cầm quyền phải tôn trọng sự thật, nhân phẩm nhân quyền, tính trong sáng và công lý – hòa bình.  
         
Đất nước chúng ta cũng đang tập tễnh bước vào dòng chảy chung của nhân loại ở thế kỷ XXI này. Nhà nước Việt Nam đã ký tham gia “Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc” cũng như “Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị”. Nhưng rất tiếc, tại quê hương chúng ta, những bản văn quan trọng đó vẫn chưa được đưa vào cuộc sống.

Cảm ơn tất cả anh em đã hiện diện ở đây để biểu lộ sự liên đới với giáo phận và giáo xứ Mỹ Yên trong thời khắc quan trọng này. Với tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng sự thật và sự tự do của lương tâm, mỗi người chúng ta được tự do phát biểu quan điểm của mình về sự kiện chiều 04/9/2013 tại Mỹ Yên, Nghi Phương, cũng như những gì đã xảy ra từ chiều 22/5/2013 đến nay.    

Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi thể hiện tinh thần của Tin Mừng và sốt sắng cầu nguyện cho Giáo hội cũng như cho Đất nước Việt Nam. Ước mong sao nhà cầm quyền biết lấy văn hóa dân tộc làm định hướng xây dựng và phát triển đất nước để kiến tạo một xã hội tiến bộ, phát triển, đa diện và đầy tính nhân văn.” 

Ý kiến của các linh mục

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội đồng Linh mục, các linh mục lần lượt trình bày ý kiến của mình, trong đó có những ý kiến đáng chú ý sau đây:

Việc những công an không mang sắc phục chặn đường người dân đi cầu nguyện tại đền thánh Antôn chiều 22/5/2013 là hành vi sách nhiễu người dân vô cớ, vi phạm quyền tự do đi lại và quyền tự do hành đạo của nhân dân. Đây là nguyên nhân chính của một chuỗi các việc làm sai trái tiếp theo của giới cầm quyền.
Việc công an bắt cóc ông Ngô Văn Khởi (khi ông đang trên đường đi dự đám cưới) và ông Nguyễn Văn Hải (khi ông đưa cháu đi khám bệnh) là việc làm tùy tiện và bất nhân, không xứng với một Nhà nước pháp quyền. Mặt khác, việc cơ quan thi hành luật pháp bắt người không có bất cứ thủ tục pháp lý nào là hành vi sai trái nghiêm trọng.
Phản đối hành động đánh đập người dân thường một cách tàn bạo, không thương tiếc, làm cho hơn 30 người bị thương nặng. Đặc biệt, lên án việc đập phá ảnh tượng thánh; đó là hành vi xúc phạm niềm tin tôn giáo một cách trầm trọng.
Khi quần chúng đánh 3 công an thì hai người dân bị bắt. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm trước việc 30 người dân bị đánh trọng thương? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi tượng ảnh thánh bị đập vỡ?

Phản đối báo đài Trung ương và địa phương vu cáo, xuyên tạc, xúc phạm danh dự Đức Giám mục, linh mục và giáo dân.

Linh mục đoàn hoàn toàn đồng tình với các văn thư của Tòa Giám mục và của Đức Giám mục Giáo phận. Toàn thể linh mục và giáo dân giáo phận nhà luôn luôn kề vai sát cánh với vị Chủ chăn của mình.

Tất cả 176 linh mục hiện diện đồng ý soạn một văn thư phản hồi công văn số 139/UBND-NC  ngày 08/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An. Văn thư sẽ có chữ ký của toàn thể Linh mục đoàn giáo phận Vinh.

Cầu nguyện cho giáo dân Mỹ Yên

Khoảng 10 giờ 30, Đức Giám mục giáo phận đã chủ sự Thánh lễ cầu bình an cho giáo xứ Mỹ Yên. Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và 176 linh mục của giáo phận Vinh. Số giáo dân tham dự khoảng hơn 2 ngàn người.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thật trang nghiêm và sốt sắng. Ít khi có một Thánh lễ nội bộ lại qui tụ một số đông các linh mục như thế.

Người ta cảm nhận được tinh thần hiệp thông sinh động và hữu hình của cộng đoàn Giáo hội địa phương khi mọi thành phần dân Chúa tập họp quanh vị Chủ chăn của giáo phận.

Cuối Thánh lễ, Đức Giám mục giáo phận đã gửi 3 bó hoa đến 3 nạn nhân bị thương nặng nhất, như là một sự bày tỏ tình liên đới và cảm thông của Linh mục đoàn giáo phận Vinh đối với tất cả các nạn nhân của bạo lực tại giáo xứ Mỹ Yên.



















GPVO

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Thánh lễ tạ ơn của Tân Giám Mục phó Phêrô Nguyễn Văn Viên

Ki tô hữu Quảng Bình nói chung giáo xứ Hướng Phương nói riêng hân hoan chào đón Tân Giám Mục phó Phêrô Nguyễn Văn Viên người con ưu tú của đất quảng về quê hương dâng lễ tạ ơn.
 sau đây là hình ảnh thánh lễ tạ ơn tân giám mục Phêrô Nguyên Văn Viên.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Giáo xứ Hòa Ninh thắp nến cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức giám mục giáo phận tối thứ 7 ngày 14 tháng 9 năm 2013 giáo xứ Hòa Ninh long trọng tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện cho các anh em bị bắt bớ đánh đập, giam giữ  tại giáo xứ Mỹ Yên.....

pet Minh Tiến

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: "Chính quyền không thả người như cam kết"


BBC Việt ngữ - Trả lời phỏng vấn BBC, Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói nguyên nhân xảy ra vụ việc liên quan tới việc công an tỉnh bắt giữ hai người tên là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải hồi tháng Sáu.
Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói UBND xã Nghi Phương không làm theo cam kết thả người, dẫn tới cuộc xô xát ngày 4/9.




Nghe bài nói chuyện của Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Trước đó, ngày 29/8, khi người dân kéo xuống UBND xã Nghi Phương để biểu tình thì cũng đã đứng ra"yêu cầu người dân giữ trật tự" và "hy vọng trong 5,6 ngày nữa, nhà nước sẽ giải quyết", ông cho biết.

"Chiều ngày 3/9 ... dân chờ mãi không thấy gì thì lại lên khiếu kiện xã Nghi Phương".
Cũng theo Đức Giám mục, sau đó trong chiều 3/9, Chủ tịch UBND xã Nghi Phương Nguyễn Trọng Tạo đã đưa ra một cam kết với người dân.

Bản cam kết mà BBC có trong tay được đóng dấu đỏ của chủ tịch xã cùng nhiều quan chức khác trong xã, với nội dung:

"Trước yêu cầu của nhân dân, tôi Nguyễn Trọng Tạo, thay mặt UBND xã cam kết với nhân dân sáng mai trực tiếp đề nghị công an tỉnh thả người trước 16 giờ, ngày 4/9."

"Nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân."

Người dân sau đó đã giải tán sau khi bản cam kết được đưa ra.

Tuy nhiên, ngày 4/9 khi người dân quay lại UBND xã để yêu cầu lãnh đạo xã "giữ lời hứa trong văn bản" thì bắt gặp "công an, bộ đội sắc phục đóng đầy trụ sở. Họ có sắc phục, có vũ khí nữa".

Được biết khi đó xô xát đã xảy ra.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

KHI NGƯỜI DÂN BỊ DỒN VÀO CHÂN TƯỜNG?

"Giáo dân chỉ thể hiện sự bất bình"
12.09.2013
Trước những thông tin mâu thuẫn nhau của chính quyền địa phương và Giáo xứ Mỹ Yên về cuộc xung đột lớn và kéo dài giữa giáo dân Công giáo và chính quyền trong những ngày qua, BBC đã tìm hiểu thêm về nội dung sự vụ qua lời kể của một người trong cuộc.
Vụ việc xảy ra tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thuộc Trung phần Việt Nam. Đây là nơi có đông đảo tín đồ Thiên chúa giáo thuộc Giáo phận Vinh.



H7
Hôm 3/9 đã xảy ra vụ xô xát giữa công an và giáo dân trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương làm nhiều người đổ máu.
Trước đó, hôm 29/8, các giáo dân đã đến trụ sở Ủy ban xã đòi thả người của họ bị bắt giữ và được ông chủ tịch xã viết bản cam kết có đóng dấu sẽ thả người.
Tuy nhiên, nguồn cơn của vụ việc này bắt đầu từ trước đó vào ngày 22/5 khi một nhóm người Thiên chúa giáo đi hành hương bị công an mặc thường phục chặn lại. Những người công an này đã bị các giáo dân bắt giữ lại nhưng sau đó được thả ra.
Ngay sau đó, hai giáo dân là các ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đã bị chính quyền bắt giữ và tạm giam cho đến nay. Đây là nguyên nhân khiến giáo dân và chính quyền xung đột mấy ngày qua.
Trả lời BBC từ Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Hương, một giáo dân ở Mỹ Yên đã chứng kiến tất cả các vụ việc kể trên, nói rằng giáo dân ‘chỉ thể hiện sự bất bình nhưng lại bị đàn áp’.

Vụ chặn đường ngày 22/5

Bà Hương cáo buộc tất cả là do lỗi của phía công an trước vì đã ‘thi hành công vụ sai’.
“Ngày 22/5 trên Đền Thánh Antôn có một đoàn hành hương về nhưng chỉ mới trên đường 534 thì có một nhóm công an mặc thường phục cản đường không cho vào đền,” bà kể.
“Bởi vậy đoàn hành hương mới xô xát và bắt hai người vào để tra khảo xem các anh có phải là công an thi hành công vụ không mà tại sao không mặc đồng phục cho chúng tôi biết,” bà nói.
“Trong lúc đó các ông coi nhà thờ đã ngăn chặn giáo dân không cho đánh hai người công an này mà chỉ hỏi là họ đi đâu mà không cho chúng ta đi lễ thôi,” bà nói thêm và cho biết sau đó hai người công an bị bắt giữ này “đã nhận tội và viết tờ văn bản nhận tội thi hành công vụ sai”.
“Họ đã xin lỗi và cảm ơn nhà thờ,” bà Hương cho biết.
Khi được hỏi là tại sao trên người của những người công an này có thương tích như truyền thông của chính quyền cáo buộc, bà Hương nói: “Chúng tôi muốn vào Đền Thánh mà những người này cứ ngăn chặn nên cứ xô đẩy qua lại thế thôi.”
Giáo dân Mỹ Yên bị công an đánh đập đến trọng thương
Giáo dân Mỹ Yên bị công an đánh đập đến trọng thương
Còn về việc nhà tư gia của một cán bộ gần đấy bị đập phá như chính quyền cáo buộc, bà Hương nói đó là nơi một số công an chặn đường chạy vào ẩn nấp.
“Con nít ném đá cho công an núp trong nhà ông Sơn ra,” bà nói. “Nói chung toàn là con nít không à.”
“Sau đó, những người trong nhà thờ mới ra dẹp con nít không cho ném đá như vậy.”

Áp lực chính quyền?

Về vụ việc ngày 29/8 tại Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương khi mà gia đình hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải được chủ tịch xã viết giấy cam kết sẽ thả người, bà Hương cho biết như sau:
“Ngày 29/8, hai gia đình ra hỏi hai người này bị tội gì mà sao cứ bị giam mãi như vậy. Ủy ban xã trả lời là chúng tôi không biết chuyện chi.
Họ trả lời như vậy là bất lực quá. Chúng tôi mới chất vấn là tại sao anh là lãnh đạo địa phương mà mất người như thế mà anh không biết.
Người nhà của hai nạn nhân mới đóng cửa (ủy ban lại) và giữ ông chủ tịch xã lại và một hai đòi hỏi anh phải biết chuyện gì đã xảy ra và phải biết vào lúc nào chúng tôi mới được trả người đây.
Mãi đến 4h chiều ngày 29/8 chủ tịch xã Nghi Phương mới viết tờ cam đoan với Đức cha Nguyễn Thái Hợp, gia đình nạn nhân và toàn dân ở đó rằng vào lúc 4h chiều ngày 4/9 thì chúng tôi sẽ thả người.”
Khi được hỏi tại sao có nhiều người không phải là thân nhân của hai giáo dân bị bắt giữ cũng kéo đến ủy ban xã, bà Hương nói rằng tại vì ‘bà con nhận ra hai người này sống rất hiền lành và xưa nay khù khờ người mà cũng nhận tội’.
“Bà con nhận ra là bị oan ức như vậy và chịu tù một cách bất công như vậy nên đi cùng với gia đình nạn nhân,” bà nói thêm.
Về cáo buộc của chính quyền là giáo dân uy hiếp chủ tịch xã viết bản cam kết, bà nói rằng chẳng qua người dân bức xúc nên chỉ muốn hỏi cho ra lẽ là nạn nhân bị bắt vì tội gì và tại sao ‘bị bắt cóc’ giữa đường như vậy.
Tuy nhiên bà nói rằng bà không có mặt bên trong Ủy ban xã nên không biết có áp lực không mà bà chỉ thấy “hai người cầm bản Campuchia kết ra và vui mừng về nhà chuẩn bị đón người”.

Công an tấn công trước?

Đã xảy ra nhiều vụ xung đột giữa chính quyền với giáo dân Công giáo ở Việt Nam
Đã xảy ra nhiều vụ xung đột giữa chính quyền với giáo dân Công giáo ở Việt Nam
Về đỉnh điểm của vụ việc là cuộc xung đột ngày 4/9 tại trước trụ sở Ủy ban xã khi giáo dân đi đòi người như đã ‘cam kết’, bà Hương cáo buộc là công an đã tấn công giáo dân trước.
Bà kể: “Vào ngày 4/9 vào lúc 12:30 có một nhóm công an trên khoảng chín xe du lịch, một xe ca lên Ủy ban xã dựng hàng rào chắn ngang đường không cho người dân vào.
Trong lúc đó gia đình nạn nhân nghĩ là công an đến đây rồi thì chắc chắn họ sẽ thả người thôi cho họ cứ xin công an cho vào thăm người nhà cái vì lâu lắm rồi chúng tôi nhớ quá. Họ một hai cho chúng tôi vào nhận người nhà vì chúng tôi trông đến ngày hôm nay lâu lắm rồi.
Các anh ấy không cho vào nên các gia đình cứ đẩy đưa, cứ xô hàng rào của công an.
Trong lúc đó có một số người mặc thường phục hình như không phải công an ném đá vào hai gia đình nạn nhân.
Họ bắt đầu ném đá vào dân trước. Sau đó hai bên xô xát ném đá vào nhau. Công an dùng gậy, bình xịt cay, súng nổ và các loại vũ khí trong khi giáo dân đi tay không.
Bà con cả lương lẫn giáo thấy công an làm như vậy họ ra rất đông tấp nập người luôn. Các phụ nữ đi xem nghe tiếng súng nổ hoảng sợ chạy vào các nhà quanh đó để nấp.
Lúc đó công an vào các nhà dân xung quanh, phá cửa sau đột nhập vào nhà.”
Theo lời bà Hương thì một người chủ nhà có tên là Văn đã bị công an ‘đập cho trọng thương, có thể không đi lại được nữa’.
“Người dân đi xem không mục đích gì mà công an đánh người ta trọng thương rất nhiều,” bà nói và cho biết có 30 người bị thương.
Khi được hỏi tại sao có nhiều người đi cùng thân nhân đi đòi người như vậy, bà Hương nói rằng mặc dù những người vợ trước đây đã được công an cho gặp trong tù rồi nhưng cũng có anh em bà con và cũng có rất nhiều người hàng xóm nói rằng ‘chúng tôi muốn nhìn mặt để xem ra răng’.
Bà Hương cũng khẳng định là nhà thờ và các giám mục không hề ‘kích động’ giáo dân như lời chính quyền cáo buộc.
“Các vị linh mục chỉ khuyên giáo dân cầu nguyện cho đức tin và cầu cho hòa bình chứ không kích động dân. Chúng tôi cầu nguyện cho chính quyền nhận ra cái sai mà làm cho đúng.”
“Các cha chỉ khuyên con chiên chúng ta không đánh đập gì mà chỉ hỏi tại sao bắt người một cách bất công như vậy thôi và không được nói gì xúc phạm họ,” bà nói thêm.




(Nguồn: BBC Việt ngữ)

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Không có gì đẹp bằng sự thật

Không có gì đẹp bằng sự thật
  Không có gì đẹp bằng sự thật

Khi làm việc sai trái, lương tâm sẽ trừng phạt chúng ta bằng hình thức là những đau khổ, dằn vặt trong tâm hồn.
Sự thật có xấu đến mấy thì nó vẫn đẹp hơn sự dối trá, không có gì đẹp bằng sự thật. Sự thật thì không thể nào né tránh được. Có những sự thật mà chỉ khi nào con người ta đủ lớn và đủ khôn ngoan mới hiểu được nó. Vì cuộc đời không chỉ có màu hồng mà còn có những màu đen vô cùng nhạy cảm. Một mình bạn không thể giỏi hết mọi lĩnh vực, thế nên tất cả chúng ta đều cần nhau. Vì tình thương yêu, người ta có thể làm cho nhau rất nhiều thứ. Nhưng vì thù oán, người ta có thể hãm hại nhau một cách mù quáng.
Điều quý giá và thiêng liêng nhất mà những cá nhân kiệt xuất luôn đề cập đến là tình người. Không nên trách ai vì mỗi người có một cách sống, một cách kiếm sống riêng. Luật pháp do con người đặt ra nên con người dễ dàng bẻ cong nó. Còn luật nhân quả, luật trời đất thì đừng bao giờ hy vọng luồn lách vì lưới trời lồng lộng, không thể thoát được dù bạn ở bất kỳ địa vị nào.

Trái ngược với yêu thương là sợ hãi. Khi cảm giác được yêu thương, ta thấy ấm áp và an toàn. Khi cảm giác không được yêu thương, ta sợ hãi và bất an. Khi cho đi cái gì, bạn sẽ nhận lại cái đó. Bởi thế hãy luôn cẩn thận với những gì mình đã cho đi. Từ khi mới sinh ra là ta đã mắc nợ vô số kể rồi: nợ cha mẹ chăm bẵm chất dinh dưỡng trong bào thai; nợ tình thương của mọi người; nợ bác sĩ đã đưa ta ra khỏi bụng mẹ một cách an toàn... Khi đang sống là ta đang vay nợ cuộc đời rất nhiều. Bất kể lúc nào ta cũng đang vay mượn oxi của đất trời để hít thở. Bởi thế hãy sống sao cho ý nghĩa để trả hết những món nợ khổng lồ mà ta vay mượn.
Nếu luôn thật thà, ta chẳng phải lo lắng gì cả. Nguyên nhân sâu xa của nỗi sợ hãi là vì loài người dối trá quá nhiều. Có câu "khôn ngoan chẳng lại thật thà", dù luồn lách đến mấy rồi cũng đến lúc sẽ lòi ra, sự thật vẫn luôn chiến thắng. Không có vị trọng tài nào thẳng thắn, nghiêm túc và dễ thương như lương tâm mỗi người. Khi làm việc sai trái, lương tâm sẽ trừng phạt chúng ta bằng hình thức là những đau khổ, dằn vặt trong tâm hồn. Dù là phái mạnh hay phái yếu, bạn cũng phải mạnh mẽ và có nghị lực thì mới tồn tại được ở thế giới này. Hãy tiến về phía trước bằng chính khả năng và thực lực của mình, không có gì đẹp bằng sự thật.
Nguyễn Hữu Hiếu

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Xin làm ngọn nến cháy sáng cùng giáo xứ Mỹ Yên


08.09.2013
“Tôi đã khóc khi đọc tin và xem những hình ảnh giáo dân xứ Mỹ Yên bị đánh đập hôm 4/9.” Đó là lời chia sẻ rất đỗi chân thành của Cha Gioan Nguyễn Chí Công CSsR, trong bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên của anh chị em Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội.
Từng lời nói chậm rãi và xúc động của Cha khi nhắc đến sự việc xảy ra ở giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh. Không chỉ có Cha, mà có lẽ hết thảy những ai thấy được những đớn đau mà giáo dân xứ Mỹ Yên phải gánh chịu, đều không thể không đau xót. Làm sao không đau khi thấy anh em mình bị đàn áp và đánh đập dã man như thế. Làm sao không đau khi sự thật và công lý bị vùi dập trắng trợn. Làm sao không đau khi cái khái niệm “chính quyền” đã bị biến chất, để rồi “tà quyền” đội lốt lên ngôi, làm đổ máu và tổn thương biết bao nhiêu người dân vô tội. 
Hàng trăm ngọn nến được thắp lên nơi nguyện đường Giêrađô, và chắc chắn không phải chỉ sáng cháy ở nơi này. Những ngọn nến được thắp lên trong lòng những người con giáo phận Vinh xa xứ khi nhìn vào cảnh tượng anh em mình phải chịu đựng suốt mấy ngày qua. Những ngọn nến của tình hiệp thông, liên đới, những ngọn nến của sự yêu thương và hy vọng thắp sáng cho một xã hội hòa bình. 
Mỹ Yên, vùng đất thánh, nơi Chúa đã làm bao phép lạ diệu kỳ tại linh địa Trại Gáo. Mỹ Yên, chỉ cái tên thôi cũng đã nói lên sự khao khát một cuộc sống Đẹp và Yên bình. Những người giáo dân ở đây, và không chỉ nơi đây, luôn chỉ đi tìm cái Đẹp và sự Yên bình đích thực từ Thiên Chúa. Thế mà, sự bình yên đó lại bị quấy phá, bị cướp đoạt, bị cưỡng bức. Xót xa thay cho những nạn nhân bị hành hung, phải chịu những vết thương đau đớn, đầm đìa máu. Xót xa thay cho chân lý bị xáo trộn, thay vào đó là những luận điệu vu cáo, nói xấu mà tà quyền bịa đặt ra. Xót xa thay khi khát vọng hòa bình, thiện chí đối thoại đã bị chà đạp, để rồi máu lại đổ lên trên vùng đất linh thánh này. 
Đau buồn là vậy, nhưng chúng ta sẽ không thất vọng, bởi ngọn nến đức tin đang cháy sáng trên tay và trong sâu thẳm con tim mỗi người chúng ta. Trong một phát biểu gần đây nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô trên trang mạng xã hội Twitter, khi kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình thế giới, ngài nhấn mạnh rằng: “Theo Chúa Giêsu nghĩa là phải bơi ngược dòng, phải từ bỏ tội lỗi và sự ích kỉ” (Following Jesus means swimming against the tide, renouncing evil and selfishness.) 
Người Công giáo đang bơi ngược dòng với chủ nghĩa vô thần của ma quỷ. Người Công giáo không thể vô tâm nhìn anh em của mình chịu bất công mà không lên tiếng, chịu áp bức mà không hành động. Người Công giáo không thể làm ngơ nhìn sự thật bị vùi dập và công lý bị tấn công. 
Nhưng chúng ta hy vọng, bởi chúng ta không đi ngược dòng với Chúa Kitô. Ngài đã chẳng chúc phúc cho những người bách hại vì Danh Ngài hay sao? Ngài đã chẳng đồng phận và nếm trải những đau đớn cùng cực trong phận người hay sao? Ngài đã chẳng chịu đánh đòn, sỉ nhục và chết cách đau đớn hay sao? Các môn đệ Ngài từ xa xưa cũng chịu xiềng xích, tù đày, bách hại. Nhưng sự hy sinh và lòng trung thành của họ đã làm cho Tin Mừng kết trái đến tận hôm nay và cả mai sau. 
Và từng ngọn nến cháy sáng hiệp thông, từng lời cầu nguyện dâng lên từ đáy lòng những người con yêu chuộng hòa bình và công lý, là một minh chứng cụ thể cho lời Chúa Giêsu dạy rằng: “Giống quỷ ấy chỉ cầu nguyện mới trừ được thôi”. Tin tưởng và hành động như thế, chúng ta sẽ “có một chỗ đứng trong lòng Chúa Kitô, sẽ là một dấu chấm trên dung mạo Chúa Kitô”, như lời chia sẻ của cha Gioan trong Thánh lễ tối hôm nay. 
Xin được làm một ngọn nến cháy sáng cùng hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên, với giáo phận Vinh, cũng như cho hòa bình trên khắp thế giới! 
Hà Nội, 06.09.2013 
Cộng tác viên CĐV-News 
  
 
 
 
  




(Nguồn: Cộng đoàn Vinh)

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Giáo xứ Mỹ Yên: Tiếng lòng giữa hai bờ đối nghịch

Công an, bộ đội tập trung trước UBND xã Nghi Phương hôm 4/9.
Công an, bộ đội tập trung trước UBND xã Nghi Phương hôm 4/9.
Hai bờ đối kháng
Bằng vào đợt trấn áp mạnh mẽ giáo dân Mỹ Yên ở Nghệ An ngay sau lễ quốc khánh 2/9/2013, thành tích của tỉnh ủy, chính quyền và ngành công an của quê hương Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có thể khiến cho nhịp chân qua khe cửa Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nhà nước Việt Nam không còn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” như trù tính của giới lãnh đạo cao cấp thuộc chính thể này.
Dịp lễ quốc khánh năm nay lại được nhấn mạnh khác thường bởi một bài diễn văn đầy biểu cảm chúc mừng Việt Nam từ Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Được đánh giá một cách sâu sát và biện chứng lịch sử bởi giới phân tích chuyên môn, đã từ nhiều năm nay mới diễn ra một sự kiện ngoại giao như vậy giữa hai nước cựu thù.
Khá rõ rệt, lối mở chính trị Việt – Mỹ đang dần được tái khơi thông, với dấu ấn cuộc viếng thăm Washington vào cuối tháng 7/2013 của đương kim chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một phút giây hiếm hoi bi tráng được trả tự do ngay tại tòa của nữ sinh áo trắng Nguyễn Phương Uyên.
Song khác hẳn với chút hy vọng sau khi hai nguyên thủ quốc gia lạc quan với triển vọng tươi sáng về “đối tác toàn diện”, tiếng gào thét của một đám côn đồ bị cho là liên quan mật thiết đến “nghiệp vụ an ninh” cùng cuộc biểu dương sức mạnh toàn diện của công an Nghệ An với dùi cui, lựu đạn cay, súng ống.. đã có thể phá hỏng tất cả.
Sau các vụ Cầu Rầm, Con Cuông cũng xảy ra trên địa bàn có số tín đồ công giáo đông nhất nước, Mỹ Yên lại là một bằng chứng sống động về tâm trạng máu trào khỏi họng những giáo dân không còn muốn nuốt máu trở vào trong, hình ảnh những người kéo đi đòi trả tự do cho những kitô hữu bị bắt giữ khuất tất, kêu gọi lập lại công bằng cho quan hệ công giáo – chế độ và công lý cho những con chiên của Chúa trên chính mảnh đất này.
Trong một khoảnh khắc mở màn của đợt trấn áp vũ trang, vài chục giáo dân đã lâm vào cảnh bạo hành. Máu đã đổ và trạm xá chật cứng. Ở phía bên kia, lực lượng cảnh sát cơ động với đồng bộ khiên giáp từ đầu đến chân như được chuẩn bị cho một cuộc chiến sống mái.
Hai bờ xa cách đã có phút giây biến hóa thành hai phía đối kháng.

Dấn thêm một chút…

bv-115-1-250.jpg
Giáo dân Mỹ Yên bị công an đánh bị thương hôm 04/09/2013. Photo courtesy of TNCG.
Những bài học dân vận và tôn giáo vận vẫn được lặp đi lặp lại, xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cho đến cánh tay nối dài của một bộ phận thân thể đã ung hoại đến mức phù trương…, nhưng vẫn không làm cách nào được thấm nhuần bởi những người luôn “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ở ngay quê hương của người đã từng một thời là hội trưởng danh dự của Hội Hướng đạo việt Nam.
Não trạng và lề thói hành xử phi văn hóa của “một bộ phận không nhỏ” trong ngành công an đã biến ranh giới giữa chính quyền và cộng đồng công giáo trở thành một chiến tuyến tiệm cận với xung đột và đối kháng. Ý thức hệ chủ quan đến mức cực đoan về quyền lực càng làm các viên chức chính quyền sa đọa vào tâm thế mà người đời cho là không còn biết đến trời cao đất dày là gì nữa.
Mỹ Yên là một minh chứng sống thực như thế, bởi chỉ dấn thêm một chút nữa thôi, mọi chuyện sẽ có nguy cơ mất kiểm soát, tình thế có thể tự phát biến thành một cơn bạo động và cả bạo loạn.
Rất gần về thời gian, vụ án luật sư công giáo Lê Quốc Quân vẫn còn treo đó. Bị xem là một khuất tất lớn trong nhiều khuất tất chính trị ở Việt Nam, cho tới nay dù đã vượt quá mọi quy định về độ hoãn trong pháp luật xét xử, nhà cầm quyền vẫn như bùng nhùng trong một toan tính hỗn độn về quan điểm đối ngoại và đối nội.
Trước vụ Mỹ Yên, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục gây sức ép đối ngoại đối với Hà Nội về trường hợp Lê Quốc Quân. Ngay trước phiên xét xử sơ thẩm của Quân, không khí giáo dân Vinh đã ngấm ngầm sôi sục. Nếu có những cuộc hành lễ đã quy tụ đến phân nửa trong số 400.000 giáo dân tại địa phận này, thì không quá khó để có thể ước tính số con chiên ngoan đạo có thể kéo đến tòa án Hà Nội ủng hộ cho bằng hữu chịu nạn của họ.
Còn trong vụ Mỹ Yên, một trong những người đại diện cho giới công lý ở Việt Nam là giám mục giáo phận Vinh – Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cũng là chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của giáo hội công giáo Việt Nam, đã làm nên một minh chứng mới mẻ về tâm thế mở miệng.
Vốn là người rất điềm đạm và theo quan điểm đấu tranh ôn hòa, đã không dưới một lần ông Nguyễn Thái Hợp thuyết phục giáo dân của mình tuân giữ phương cách bất bạo động đối với chính quyền. Cũng nhờ có sự can thiệp của ông, ba công an viên mới được giáo dân Mỹ Yên thả ra, sau khi những thẻ ngành không mặc sắc phục này vượt quá thẩm quyền pháp luật trong việc ngăn chặn và soát xét các gia đình liên quan đến vụ xử án 14 thanh niên công giáo, tin lành.
Song khi vụ Mỹ Yên nổ ra, người chăn dắt giáo phận Vinh đã không còn giữ được vẻ bình thản thường lệ. Có lẽ là lần đầu tiên, Đức cha Nguyễn Thái Hợp phải dùng đến tính từ “tàn bạo” đối với điều mà ông xem là sự xúc phạm nặng nề của nhà cầm quyền địa phương với đối với ngôi nhà của Chúa.

“Xô Viết Nghệ Tĩnh”?

bv-115-2-250.jpg
Giáo dân Mỹ Yên bị thương được đưa đến bệnh viện ở Nghệ An hôm 04/09/2013. Photo courtesy of TNCG.
Sau gần sáu chục năm tạm yên ả, mồi lửa công giáo lại có cơ rực đốt trong lòng chế độ. Cũng sau hơn nửa thế kỷ, có vẻ tất cả những gì mà lớp cách mạng tiền bối đổ công sức tôn giáo vận lại đang bị lớp hậu bối đổ sông đổ biển. Thay cho cái nhìn khoan dung giữa những người cùng dòng máu Lạc Hồng và quê cha đất tổ, lại là truyền thống thâm thù “công giáo – cộng sản” có nguy cơ tái hiện, tiếng la hét bạc lòng chới với của dân tình giữa hai làn đạn…
Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Cầu Rầm, Con Cuông và Mỹ Yên ở Nghệ An mới chỉ là khúc dạo đầu của bản giao hưởng có tên “Định mệnh”. Với cung cách chỉ đạo đầy ác ý của một số bậc lãnh đạo thiếu tầm và quá thiếu tâm, chẳng mấy chốc người công giáo sẽ bị đẩy vào thế đối nghịch, mà có thể đến một ngày nào đó sẽ lại nổ ra một Xô Viết Nghệ Tĩnh khác.
Nhưng cũng vì chưa thật sự bùng cháy một Xô Viết Nghệ Tĩnh mới, điều may mắn đối với Nhà nước Việt Nam là họ đã không bị người Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo - CPC - trong năm 2013. Tuy thế, hệ lụy bất hạnh của sự may mắn này là não trạng và cơ chế chịu trách nhiệm tập thể đã khó làm cho một cá nhân nào nhận ra quy luật quyền lực luôn mai một theo thời gian, chỉ có sức dân mới là vĩnh viễn.
Não trạng quá đỗi chủ quan về quyền lực và cách thức hành xử đối với dân chúng lại thường dẫn giới quan chức độc trị đến những sai lầm chết người.
Từ Đà Nẵng và Nghệ An, người ta có thể thấy việc lặp lại hình ảnh “thụt lùi sâu sắc” về thành tích tôn giáo và nhân quyền trong giai đoạn sau 2006 - khi Việt Nam thoát khỏi CPC - rất có thể sẽ tái diễn ở đất nước này trong những năm tháng tới đây. Và chắc chắn, hệ lụy ấy không chỉ làm chậm bước tiến của Nhà nước vào vòng chung kết Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, mà còn có nguy cơ làm tan vỡ những cố gắng của Chủ tịch Trương Tấn Sang và tập thể Bộ chính trị đảng trong việc lôi kéo sự yểm trợ của người Mỹ và phương Tây cho việc hồi phục kinh tế và những vết thương còn lâu mới lành trong lòng xã hội Việt Nam.


Phạm Chí Dũng