Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012



 
Bí quyết trò chuyện với mẹ chồng

Nguồn: beta.giupban
Lúc nói chuyện với mẹ chồng, bạn nên lựa cách trình bày thật gần gũi, dễ hiểu và nhẹ nhàng, có thể từ xa lại gần để tránh bị hiểu sai ý.

Dù mẹ chồng dễ hay khó tính, bạn vẫn phải thật khéo léo và tế nhị, nhất là khi bà sống ở quê, với thói quen, cách nghĩ hoàn toàn khác biệt với bạn.

Chân tình nhưng không quá thật thà


Bạn không nói dối mà là khôn khéo để biết điều gì nên và không nên nói với mẹ chồng. Bởi có những điều người trẻ nghĩ đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp trong thế giới nội tâm của người già.

Chẳng hạn, mẹ chồng từ quê ra thăm. Thấy bà mang một đôi dép nhựa đã mòn vẹt, bạn bèn đi mua tặng một đôi dép da mới. Nhưng nếu nói không khéo, bạn rất dễ khiến mẹ chồng nghĩ con dâu đang xấu hổ vì đôi dép cũ của bà và tệ hơn là coi khinh bà. Cho nên, thay vì bảo: “Mẹ bỏ đôi dép ấy đi, con mua cho mẹ đôi dép mới”, bạn chỉ cần nói đơn giản: “Con thấy có đôi dép hợp với mẹ nên mua tặng mẹ.”.

Đôi khi, càng đơn giản càng hiệu quả vì như thế bạn đỡ bị bắt lỗi trong lời nói, lại không làm bà suy nghĩ nhiều.

Tránh nói chạm đến những điều nhạy cảm

Người lớn tuổi càng về già càng có tính cách giống một đứa trẻ, rất muốn được con cái chiều chuộng quan tâm. Họ cũng hay mặc cảm nghĩ mình là gánh nặng của con, thường hờn dỗi nếu con cái hời hợt. Họ lo sợ bị bỏ rơi, cô đơn... Do đó, thường dễ bị tổn thương, hay suy diễn, dù điều bạn nói không có ẩn ý gì. Bạn cần biết đặc điểm này của người lớn tuổi để hiểu và thông cảm nếu đôi khi mẹ chồng có tỏ ra khó chịu.

Lúc nói với bà một vấn đề gì đó hơi nhạy cảm, bạn nên lựa cách trình bày thật gần gũi, dễ hiểu và nhẹ nhàng, có thể từ xa lại gần để tránh bị hiểu sai ý.Chẳng hạn mẹ chồng gọi điện thoại bảo, tuần tới bà sẽ đến nhà bạn chơi vài ngày. Thế nhưng đó là thời gian bạn rất bận rộn với những dự án ở công ty, phải ở cơ quan đến tối mịt mới về. Bạn muốn nói bà đến chơi vào tháng sau.

Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu: “Tháng này con bận quá...”, ngay lập tức bà sẽ chỉ nhớ câu nói đó và nghĩ bạn đang thoái thác. Thay vì thế, bạn có thể nhẹ nhàng hỏi: “Mẹ ơi, qua đầu tháng sau mẹ thu xếp ra chơi với tụi con lâu lâu nhé! Lúc đó con được nghỉ phép sẽ ở nhà chơi với mẹ nhiều hơn”. Hẳn bà sẽ rất vui khi nghe câu nói này của bạn.
Tìm những sở thích chung
Tìm hiểu những sở thích hoặc mối quan tâm chung giữa bạn và mẹ chồng để cùng trò chuyện.
Nhiều người băn khoăn không biết trò chuyện gì với mẹ chồng mặc dù rất muốn trò chuyện với bà. Vậy tại sao bạn không tìm ra những sở thích chung hay những mối quan tâm chung giữa mình với mẹ chồng để “tám” với bà thường xuyên hơn. Ví dụ như sở thích xem phim, hay nấu ăn, cắm hoa, xem cải lương… chẳng hạn. Khi nói về những điều mình thưc sự quan tâm và yêu thích, bạn sẽ nói chuyện được tự nhiên, có hứng thú hơn và mẹ chồng cũng sẽ dễ dàng cởi mở với bạn hơn.

Chia sẻ cuộc sống với mẹ chồng

Đừng bao giờ cho rằng, mẹ chồng chẳng hiểu gì về cuộc sống của bạn mà bạn nên chia sẻ những điều diễn ra xung quanh mình với mẹ chồng mỗi ngày và lắng nghe bà kể về cuộc sống của bà. Hẳn mẹ chồng bạn sẽ rất hài lòng nếu bạn chăm chú lắng nghe bà kể về thời trẻ của bà hay thích thú những câu chuyện liên quan đến những người thân trong gia đình chồng. Chia sẻ cuộc sống với nhau mỗi ngày cũng là cách để đôi bên hiểu về nhau nhiều hơn, nhưng tất nhiên là bạn cũng không nên “huyên thuyên” quá nhiều điều không cần thiết hay hùa với mẹ chồng nói xấu ai đó trong gia đình.

Nịnh mẹ chồng

“Lời nói chẳng mất tiền mua”, vậy tại sao bạn không tranh thủ “nịnh” mẹ chồng một chút để bà cảm thấy vui hơn. Thỉnh thoảng hãy ca ngợi tài nấu ăn của mẹ chồng hay khen cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng. Mẹ chồng nào chẳng vui nếu được con dâu khen nhưng câu kiểu như: “Ở tuổi này rồi mà tóc mẹ vẫn đen và mượt, không biết sau này đến tuổi mẹ, tóc con có được đẹp như vậy không?” Được khen thì ai mà chẳng thích, nhưng bạn nên lưu ý rằng, phải “nịnh” mẹ chồng dựa trên sự chân thành vì phụ nữ cao tuổi rất nhạy cảm và sẽ nhận ra ngay nếu bạn nịnh nọt một cách giả tạo. Lúc đấy thì mọi cố gắng của bạn sẽ phản tác dụng.

Lắng nghe và tôn trọng

Với một người già không gì vui bằng thấy con cháu nghe lời mình. Người già thường nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm và luôn muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau. Bà sẽ rất hạnh phúc khi thấy con dâu biết nghe những lời răn dạy đó.

Có thể, một vài kinh nghiệm đó đã lạc hậu nhưng bạn cũng đừng phản bác ngay. Vào lúc thuận tiện và vui vẻ, bạn nhẹ nhàng giải thích cho bà nghe một cách đơn giản và dễ hiểu nhất vấn đề đó. Tốt hơn hết là đừng bảo điều bà nói sai mà như bạn đang cập nhật một thông tin mới.

Tránh kể quá nhiều về những điều riêng tư giữa bạn và chồng. Bạn đã và đang tranh vị trí độc tôn trong lòng con trai bà. Do vậy, mẹ chồng cũng thường có chút ganh tị và xét nét với bạn. Bạn đừng vội cho đó là ích kỷ bởi có người mẹ nào lại muốn con cái bớt yêu thương mình.

Vì thế bạn nên thật tế nhị: Không nên kể lại những lời nói yêu thương của chồng dành cho mình hoặc khoe những món quà anh ấy mua tặng. Điều đó ít nhiều sẽ làm bà cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Bạn và chồng cũng tránh thân mật quá trước mặt mẹ chồng. Thỉnh thoảng bạn nên nhắc chồng mua quà rồi công khai tặng cho cả mẹ và bạn. Như thế mẹ chồng bạn sẽ cảm thấy rất ấm áp và được an ủi.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét