Diện mạo mới nơi đất nghèo Vĩnh Phước
Dù chỉ mới trải qua hơn 10 năm linh mục, nhưng ở các địa sở đảm nhận, cha G.B Nguyễn Minh Dương đã để lại được nhiều dấu ấn trong đời sống người dân… Giáo dân Vĩnh Phước – GP Vinh, có lẽ còn lưu giữ nhiều kỷ niệm khó quên về vị mục tử trẻ dù nay cha đã đi nhận sở mới nơi một xứ đạo cách xa cả trăm cây số.
Nhà thờ giáo xứ Vĩnh Phước |
Chứng từ yêu thương
Vĩnh Phước (giáo phận Vinh) nằm bên một nhánh con sông Gianh thơ mộng, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Quảng Bình. Nằm cách thành phố Đồng Hới chừng 40km về phía Bắc, cách thắng cảnh thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chừng ấy cây số, giáo xứ được chính thức thành lập vào khoảng năm 1835 và là một trong bốn giáo xứ đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Vì gần sông lớn nên Vĩnh Phước thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt tàn phá, mặt khác, tuy là một trong những xứ cổ nhưng trước khi cha Dương về kiêm nhiệm, giáo xứ phải trải qua một thời gian dài hơn 50 năm không có linh mục coi sóc. Có lẽ vì thế, đời sống đạo đời nơi đây mang nhiều nét ảm đạm.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và cha Dương trong lần về thăm mục vụ GX Chày |
Năm 2004, sau hơn một tháng chịu chức, vị linh mục trẻ mới ngoài 30 tuổi được Đức cha giáo phận Vinh khi đó – Phaolô Maria Cao Đình Thuyên bổ nhiệm về coi sóc Vĩnh Phước kiêm họ đạo Cồn Sẻ. Ở hai nơi, cơ sở vật chất còn lại chỉ là ngôi nhà thờ cũ xiêu vẹo bị bào mòn theo thời gian, phòng sinh hoạt là những dãy nhà cấp bốn tạm bợ, đất nhà xứ bị hoang hóa lâu năm, người dân làm nhà ngay trong khuôn viên đất thánh… Thương cha vất vả, đàn chiên chia nhau đến giúp, người góp gạo, người thổi cơm để cha cùng với những người khác lo việc tái thiết nhà thờ và nhà xứ. Tất cả cùng mơ về một ngày mai tươi sáng hơn !
Để khuôn viên giáo xứ thoáng đãng và có đất phục vụ cho việc xây dựng sau này, cha đã động viên những người đang sống trong khuôn viên giáo xứ ra bên ngoài bằng cách xây nên những ngôi nhà mới để họ đến định cư. Hăng tuần, thấy các em phải học giáo lý trong những ngôi nhà tạm bợ, nước dột mỗi khi mưa đến, cha đã cho dựng nên dãy nhà giáo lý khang trang trên chính khu đất này. Trong xứ thiếu giáo lý viên giảng dạy, cha khuyến khích nhiều thành viên cùng tham gia. Đội ngũ giảng dạy được cha cho đi học những khóa nghiệp vụ để nâng cao trình độ về Giáo lý và hiểu biết hơn về Giáo hội. “Nhờ đó mà ngày nay, Vĩnh Phước luôn tự hào là giáo xứ có truyền thống học giáo lý giỏi, thường đứng những vị trí cao nhất trong các kỳ thi giáo lý cấp giáo hạt. Điều này có được là nhờ các đời cha sở luôn quan tâm đến việc học của các em”, chị Nguyễn Thị Thủy, một giáo lý viên nói.
Cây cầu do cha Dương và giáo dân xây dựng tại giáo xứ Chày |
Cồn Sẻ là một họ đạo nằm trên một cồn nổi ở vùng hạ lưu sông Gianh. Ngày trước, mỗi khi người dân muốn qua lại hai bên bờ, phương tiện duy nhất là đò ngang. Nhưng khúc sông này không phải lúc nào cũng yên bình khi dòng chảy luôn mạnh, trong khi ý thức bảo vệ chính mình khi di chuyển của người dân chưa cao, vì thế nên hiểm nguy luôn rình rập. Cũng trên khúc sông này, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà đỉnh điểm là vụ đắm đò làm hơn 40 người chết vào ngày 30 Tết Kỷ Sửu tại xã Quảng Hải. “Vì thế, ước mơ về một cây cầu nối liền hai bờ luôn cháy bỏng từ bao đời nay đối với người Cồn Sẻ”, ông Cao Văn Thảo, một giáo dân Cồn Sẻ nhớ lại. Chỉ chưa đầy một năm sau khi về nhận sở, cha cùng với giáo dân đã dựng nên chiếc cầu nối đôi bờ làm nức lòng mọi người. Cầu do chính cha con tự thiết kế và có thể qua mỗi khi cần cho tàu bè lớn qua lại. Dù là cầu nổi bằng phao nhưng đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất cồn, giúp Cồn Sẻ không còn bị biệt lập như trước.
Ngoài những công trình để giáo dân và người dân trong vùng hưởng lợi, cha còn thúc đẩy các sinh hoạt tôn giáo ngày thêm phát triển. Dưới thời cha coi sóc, lần đầu tiên Vĩnh Phước có HĐMV quy tụ những con người đầy nhiệt huyết và có năng lực. Nhiều hội đoàn đoàn thể được thành lập. Cha còn mở ra nhiều hoạt động thể thao để tăng tình đoàn kết giữa giáo dân trong xứ và với các xứ khác. Cũng từ ngày có ông cha trẻ chịu hy sinh về phục vụ, nhiều người lâu năm xa nhà Chúa nay cũng xin được trở lại. Ông Nguyễn Văn Hà, nguyên thành viên HĐMV cho biết: “Từ ngày có cha, giáo xứ mang một bộ mặt tươi mới hơn hẳn”.
Đồng hành với cuộc sống người dân
Ở Vĩnh Phước ngày trước, nước sạch là một vấn đề lớn. Để có nước sử dụng, người dân xây bể hứng nước mưa. Vào tháng hè, họ luôn phải đối mặt với tình trạng khô hạn, phải mua nước từ những xe công cộng với giá cao, còn không, phải đi lấy nước suối cách đó hàng chục cây số về để dùng. Để sẻ chia gánh nặng với người dân, cha cho xây nhà máy nước lọc công suất lớn đặt trong khuôn viên nhà xứ. Từ ngày có nhà máy nước, không ai còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa nắng kéo về. Nơi đó được bà con gọi với cái tên thân mật “giếng làng”. Bên giếng nước, nhiều người tụ tập hàn huyên mỗi khi chiều về. Tiếng lành đồn xa, giờ đây nhiều người ở các vùng lân cận cũng tuôn về đây lấy nước sạch.
Thư viện sách của giáo xứ Vĩnh Phước |
Trước đây, mọi con đường đi lại trong xứ đều là đường đất đá gồ ghề, lởm chởm. “Vào mùa mưa lại bị sình bùn, nhiều khi phải đi bằng chân trần vì không bước chân lên nổi”, bà Lê Thị Tính nhớ lại. Điều này càng gây khó khăn với các em học sinh phải đến trường trên những cung đường như vậy. Thấu cảm được sự gian truân của bà con, cha lại đứng ra kêu gọi mọi người bỏ công sức để “biến” những con đường đất thành những đường bê tông vững chãi. Giáo dân khi nghe thì ủng hộ hết mình, vì họ biết từ nay không còn phải lội bộ trên những cung đường dính đầy bùn đất. Chỉ sau khoảng một năm, toàn bộ đường lớn nhỏ ngày nào nay mang một diện mạo mới sạch sẽ và bằng phẳng. “Khi đường làm xong, không những việc đi lại thuận tiện hơn mà bộ mặt của giáo xứ, của thôn Vĩnh Phước ‘sáng’ hơn hẳn”, ông Nguyễn Xuân Cư, trưởng thôn Vĩnh Phước thừa nhận.
Một trong những dấu ấn mà giáo dân hay nghe kể, cũng là niềm mong mỏi bao lâu của giáo dân là hai ngôi nhà thờ Vĩnh Phước và Cồn Sẻ khang trang vừa mới khánh thành cách đây chưa lâu, thay cho hai nhà thờ cũ trước đây đều đã xiêu vẹo, có thể gây nguy hiểm mỗi khi có mưa lũ kéo về. Để có được ngôi nhà thờ mới đó là sự hy sinh của mọi người, đặc biệt là cha sở. Vì ở một xứ đạo nghèo, người dân chỉ có thể bỏ công sức trong việc xây cất, còn kinh phí đóng góp cũng chỉ mang tính “tượng trưng”, nhưng cả hai từ lúc khởi công đến khi hoàn thiện trong khoảng ba năm đã chưa một lần bị gián đoạn… Có nhà thờ mới mọi sinh hoạt của giáo dân thuận tiện hơn hẳn, đời sống đạo vì thế cũng được “bén rễ” sâu hơn. Ngày nay nhà xứ còn là “trung tâm văn hóa” cho cả thôn, là điểm gặp gỡ, chuyện trò, giao lưu thể thao trong xứ.
Ngoài việc phục vụ cha còn song hành với giáo dân trong cuộc sống thường ngày. Mỗi khi có bão, lũ kéo về cha lại tất bật đó đây xin gói mì, viên thuốc hay tấm áo để giúp mọi người qua cơn khó khăn. Cha còn lập nên quỹ học bổng giáo xứ nhằm phụ giúp các em học sinh và sinh viên theo đuổi việc học và mở ra thư viện sách để mang tri thức về với miền quê…
Sau khi rời Vĩnh Phước về nhận sở xứ Chày, chỉ mới hơn hai năm, nhưng cha đã “kịp” làm nên một cây cầu nổi khác để nối hai thôn trong xứ,. ngoài ra, nhà thờ Chày cũng đang được xây mới để thay thế cho ngôi nhà thờ cũ và ọp ẹp.
Vĩnh Phước ngày nay đang đổi mới, nhiều nhà cao tầng mọc lên, địa giới giáo xứ vừa mới được sáp nhập vào thị xã Ba Đồn nên trong tương lai sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn nữa. Riêng trong câu chuyện hàn huyên của mỗi người, mỗi khi nhắc đến tên cha tất cả đều dành cho ngài một sự kính trọng và biết ơn.
Đình Quý