Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Thiệp và lời chúc mừng của ĐGM Phaolô

Thiệp và lời chúc mừng của ĐGM Phaolô gửi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa trong Gp. Vinh nhân dịp mừng Chúa Giáng Sinh 2015 & Năm Mới 2016

Thiệp và lời chúc mừng của Đức Giám Mục Phaolô
gửi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa
trong Giáo phận Vinh
nhân dịp mừng Chúa Giáng Sinh 2015 & Năm Mới 2016











Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015


    ĐĂNG

    Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

    Diện mạo mới nơi đất nghèo Vĩnh Phước

    Duc cha Phaolo Nguyen Thai Hop cung cha Duong trong lan ngai ve tham muc vu GX Chay

    Diện mạo mới nơi đất nghèo Vĩnh Phước

    Dù chỉ mới trải qua hơn 10 năm linh mục, nhưng ở các địa sở đảm nhận, cha G.B Nguyễn Minh Dương đã để lại được nhiều dấu ấn trong đời sống người dân… Giáo dân Vĩnh Phước – GP Vinh, có lẽ còn lưu giữ nhiều kỷ niệm khó quên về vị mục tử trẻ dù nay cha đã đi nhận sở mới nơi một xứ đạo cách xa cả trăm cây số.
    Nhà thờ giáo xứ Vĩnh Phước
    Chứng từ yêu thương
    Vĩnh Phước (giáo phận Vinh) nằm bên một nhánh con sông Gianh thơ mộng, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Quảng Bình. Nằm cách thành phố Đồng Hới chừng 40km về phía Bắc, cách thắng cảnh thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chừng ấy cây số, giáo xứ được chính thức thành lập vào khoảng năm 1835 và là một trong bốn giáo xứ đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Vì gần sông lớn nên Vĩnh Phước thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt tàn phá, mặt khác, tuy là một trong những xứ cổ nhưng trước khi cha Dương về kiêm nhiệm, giáo xứ phải trải qua một thời gian dài hơn 50 năm không có linh mục coi sóc. Có lẽ vì thế, đời sống đạo đời nơi đây mang nhiều nét ảm đạm.
    Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và cha Dương trong lần về thăm mục vụ GX Chày
    Năm 2004, sau hơn một tháng chịu chức, vị linh mục trẻ mới ngoài 30 tuổi được Đức cha giáo phận Vinh khi đó – Phaolô Maria Cao Đình Thuyên bổ nhiệm về coi sóc Vĩnh Phước kiêm họ đạo Cồn Sẻ. Ở hai nơi, cơ sở vật chất còn lại chỉ là ngôi nhà thờ cũ xiêu vẹo bị bào mòn theo thời gian, phòng sinh hoạt là những dãy nhà cấp bốn tạm bợ, đất nhà xứ bị hoang hóa lâu năm, người dân làm nhà ngay trong khuôn viên đất thánh… Thương cha vất vả,  đàn chiên chia nhau đến giúp, người góp gạo, người thổi cơm để cha cùng với những người khác lo việc tái thiết nhà thờ và nhà xứ. Tất cả cùng mơ về một ngày mai tươi sáng hơn !
    Để khuôn viên giáo xứ thoáng đãng và có đất phục vụ cho việc xây dựng sau này, cha đã động viên những người đang sống trong khuôn viên giáo xứ ra bên ngoài bằng cách xây nên những ngôi nhà mới để họ đến định cư. Hăng tuần, thấy các em phải học giáo lý trong những ngôi nhà tạm bợ, nước dột mỗi khi mưa đến, cha đã cho dựng nên dãy nhà giáo lý khang trang trên chính khu đất này. Trong xứ thiếu giáo lý viên giảng dạy, cha khuyến khích nhiều thành viên cùng tham gia. Đội ngũ giảng dạy được cha cho đi học những khóa nghiệp vụ để nâng cao  trình độ về Giáo lý và hiểu biết hơn về Giáo hội. “Nhờ đó mà ngày nay, Vĩnh Phước luôn tự hào là giáo xứ có truyền thống học giáo lý giỏi, thường đứng những vị trí cao nhất trong các kỳ thi giáo lý cấp giáo hạt. Điều này có được là nhờ các đời cha sở luôn quan tâm đến việc học của các em”, chị Nguyễn Thị Thủy, một giáo lý viên nói.
    Cây cầu do cha Dương và giáo dân xây dựng tại giáo xứ Chày
    Cồn Sẻ là một họ đạo nằm trên một cồn nổi ở vùng hạ lưu sông Gianh. Ngày trước, mỗi khi người dân muốn qua  lại hai bên bờ, phương tiện duy nhất là đò ngang. Nhưng khúc sông này không phải lúc nào cũng yên bình khi dòng chảy luôn mạnh, trong khi ý thức bảo vệ chính mình khi di chuyển của người dân chưa cao, vì thế nên hiểm nguy luôn rình rập. Cũng trên khúc sông này, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà đỉnh điểm là vụ đắm đò làm hơn 40 người chết vào ngày 30 Tết Kỷ Sửu tại xã Quảng Hải. “Vì thế, ước mơ về một cây cầu nối liền hai bờ luôn cháy bỏng từ bao đời nay đối với người Cồn Sẻ”, ông Cao Văn Thảo, một giáo dân Cồn Sẻ nhớ lại. Chỉ chưa đầy một năm sau khi về nhận sở, cha cùng với giáo dân đã dựng nên chiếc cầu nối đôi bờ làm nức lòng mọi người. Cầu do chính cha con tự thiết kế và có thể qua mỗi khi cần cho tàu bè lớn qua lại. Dù là cầu nổi bằng phao nhưng đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất cồn, giúp Cồn Sẻ không còn bị biệt lập như trước.
    Ngoài những công trình để giáo dân và người dân trong vùng hưởng lợi, cha còn thúc đẩy các sinh hoạt tôn giáo ngày thêm phát triển. Dưới thời cha coi sóc, lần đầu tiên Vĩnh Phước có HĐMV quy tụ  những con người đầy nhiệt huyết và có năng lực. Nhiều hội đoàn đoàn thể được thành lập. Cha còn mở ra nhiều hoạt động thể thao để tăng tình đoàn kết giữa giáo dân trong xứ và với các xứ khác. Cũng từ ngày có ông cha trẻ chịu hy sinh về phục vụ, nhiều người lâu năm xa nhà Chúa nay cũng xin được trở lại. Ông Nguyễn Văn Hà, nguyên thành viên HĐMV cho biết: “Từ ngày có cha, giáo xứ mang một bộ mặt tươi mới hơn hẳn”.
    Đồng hành với cuộc sống người dân
    Ở Vĩnh Phước ngày trước, nước sạch là một vấn đề lớn. Để có nước sử dụng, người dân xây bể hứng nước mưa. Vào tháng hè, họ luôn phải đối mặt với tình trạng khô hạn, phải mua nước từ những xe công cộng với giá cao, còn không, phải đi lấy nước suối cách đó hàng chục cây số về để dùng. Để sẻ chia gánh nặng với người dân, cha cho xây nhà máy nước lọc công suất lớn đặt trong khuôn viên nhà xứ. Từ ngày có nhà máy nước, không ai còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa nắng kéo về. Nơi đó được bà con gọi với cái tên thân mật “giếng làng”. Bên giếng nước, nhiều người tụ tập hàn huyên mỗi khi chiều về. Tiếng lành đồn xa, giờ đây nhiều người ở các vùng lân cận cũng tuôn về đây lấy nước sạch.
    Thư viện sách của giáo xứ Vĩnh Phước

    Trước đây, mọi con đường đi lại trong xứ đều là đường đất đá gồ ghề, lởm chởm. “Vào mùa mưa lại bị sình bùn, nhiều khi phải đi bằng chân trần vì không bước chân lên nổi”, bà Lê Thị Tính nhớ lại. Điều này càng gây khó khăn với các em học sinh phải đến trường trên những cung đường như vậy. Thấu cảm được sự gian truân của bà con, cha lại đứng ra kêu gọi mọi người bỏ công sức để “biến” những con đường đất thành những đường bê tông vững chãi. Giáo dân khi nghe thì ủng hộ hết mình, vì họ biết từ nay không còn phải lội bộ trên những cung đường dính đầy bùn đất. Chỉ sau khoảng một năm, toàn bộ đường lớn nhỏ ngày nào nay mang một diện mạo mới sạch sẽ và bằng phẳng. “Khi đường làm xong, không những việc đi lại thuận tiện hơn mà bộ mặt của giáo xứ, của thôn Vĩnh Phước ‘sáng’  hơn hẳn”, ông Nguyễn Xuân Cư, trưởng thôn Vĩnh Phước thừa nhận.
    Một trong những dấu ấn mà giáo dân hay nghe kể, cũng là niềm mong mỏi bao lâu của giáo dân là hai ngôi nhà thờ Vĩnh Phước và Cồn Sẻ khang trang vừa mới khánh thành cách đây chưa lâu, thay cho hai nhà thờ cũ trước đây đều đã xiêu vẹo, có thể gây nguy hiểm mỗi khi có mưa lũ kéo về. Để có được ngôi nhà thờ mới đó là sự hy sinh của mọi người, đặc biệt là cha sở. Vì ở một xứ đạo nghèo, người dân chỉ có thể bỏ công sức trong việc xây cất, còn kinh phí đóng góp cũng chỉ mang tính “tượng trưng”, nhưng cả hai từ lúc khởi công đến khi hoàn thiện trong khoảng ba năm đã chưa một lần bị gián đoạn… Có nhà thờ mới mọi sinh hoạt của giáo dân thuận tiện hơn hẳn, đời sống đạo vì thế cũng được “bén rễ” sâu hơn. Ngày nay nhà xứ còn là “trung tâm văn hóa” cho cả thôn, là điểm gặp gỡ, chuyện trò, giao lưu thể thao trong xứ.
    Ngoài việc phục vụ cha còn song hành với giáo dân trong cuộc sống thường ngày. Mỗi khi có bão, lũ kéo về cha lại tất bật đó đây xin gói mì, viên thuốc hay tấm áo để giúp mọi người qua cơn khó khăn. Cha còn lập nên quỹ học bổng giáo xứ nhằm phụ giúp các em học sinh và sinh viên theo đuổi việc học và mở ra thư viện sách để mang tri thức về với miền quê…
    Sau khi rời Vĩnh Phước về nhận sở xứ Chày, chỉ mới hơn hai năm, nhưng cha đã “kịp” làm nên một cây cầu nổi khác để nối hai thôn trong xứ,. ngoài ra, nhà thờ Chày cũng đang được xây mới để thay thế cho ngôi nhà thờ cũ và ọp ẹp.
    Vĩnh Phước ngày nay đang đổi mới, nhiều nhà cao tầng mọc lên, địa giới giáo xứ vừa mới được sáp nhập vào thị xã Ba Đồn nên trong tương lai sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn nữa. Riêng trong câu chuyện hàn huyên của mỗi người, mỗi khi nhắc đến tên cha tất cả đều dành cho ngài một sự kính trọng và biết ơn.
    Đình Quý

    Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

    Phóng sự trước thềm Đại Lễ mừng kỷ niệm 170 thành lập giáo phận Vinh





    Phóng sự ngắn
    trước thềm Đại Lễ Cao Điểm Năm Thánh
    mừng kỷ niệm 170
    thành lập giáo phận Vinh (1846 - 2016)



    PV Sang Nguyễn

    Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

    Tuần Hậu Phúc tại Giáo xứ Hòa Ninh năm 2015


    Quý Cha  DCCT Việt Nam và cha quản xứ Micae đã làm Tuần Đại Phúc cho cộng đoàn Giáo xứ Hòa Ninh, trong bầu khí linh thiêng thánh lễ khai mạc cũng như bế mạc thật sốt sắng và trang nghiêm cùng đông đảo bà con trong toàn Giáo xứ.
    Truyền Thông Hòa Ninh
    Pet Minh Tiến

    Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

    120 em xưng tội lần đầu tại Giáo xứ Hòa Ninh năm 2015


    Giáo xứ Hòa Ninh vui mừng đón 120 em xưng tội lần đầu, trong bầu khí linh thiêng của ngày thứ 5 đầu tháng lễ kính Chúa Hiển Dung, Giáo xứ Hòa Ninh tổ chức thánh lễ cho các em xưng tội lần đầu, ngoài cha quản xứ Micae Hoàng Xuân Hường, còn có sự hiện diện và đồng tế của cha cựu quản nhiệm cha già Phaolô Nguyễn Đăng Cao và cha mẹ của 120 em trong toàn Giáo xứ cùng đông đảo cộng đoàn hiệp ý cùng các em dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể những tâm hồn đơn sơ được rước Chúa vào lòng. Chủ tế và chia sẻ trong thánh lễ cha quản xứ Micae kêu gọi các em luôn ý thức được mình là người công giáo, và cố gắng loan báo tin mừng nước Chúa trên quê hương dưới mái trường và đâu đó trong cuộc sống thường ngày, cha cũng ước mong các bậc cha mẹ luôn hướng cho con cái chăm ngoan học giỏi để có tương lai xây dựng Giáo xứ Giáo Hội.
    Truyền Thông Hòa Ninh
    Pet Minh Tiến

    Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

    Tuần chầu đền tạ Chúa Giê-su thánh thể tại Giáo xứ Hòa Ninh năm 2015


    Giáo xứ Hòa Ninh làm tuần đền tạ thay cho toàn Giáo phận bắt đầu từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 7 năm 2015.  
    "Dù ai xuôi ngược đâu đâu,
    Nhớ phiên chầu lượt, rủ nhau mà về.
    Dù ai buôn bán trăm nghề,
    Tới phiên chầu lượt, nhớ về thông công"
    Quả thật! Những vần thơ trên của nhà thơ Lê Đình Bảng có ý nghĩa cách đặc biệt đối với mỗi người con cái giáo xứ Hòa Ninh. Bởi đặc thù công việc phải sinh sống làm ăn xa nhà xa quê hương xứ sở, vào những dịp Giáo xứ chầu lượt  thay cho toàn giáo phận, là thời điểm bà con giáo dân Hòa Ninh rộn ràng, háo hức quy tụ về quê hương, và đặc biệt hơn nữa là sum vầy bên nhau trong tuần chầu đền tạ để được Chúa Giêsu Thánh Thể chia sẽ những niềm vui cũng như “chữa lành” những “vết thương”. Chầu lượt năm nay rất đặc biệt với giáo xứ Hòa Ninh chúng ta,  Đặc biệt bởi tuần chầu đền tạ của giáo xứ diễn ra trong năm Tân Phúc âm hóa đời sống Giáo xứ và cộng đoàn sống đời Thánh Hiến, cũng là năm thánh kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo Phận Vinh, và cách riêng năm đầu tiên Cha tân quản xứ Micae về nhận nhiệm sở mới, với không khí rộn ràng vui tươi năm nay cha quản xứ cũng như HĐMV Giáo xứ tổ chức chương trình Rung Chuông Vàng kết quả em Anna Phạm Thị Huệ thuộc Giáo họ Xóm Đồng đạt giải nhất cuộc thi Rung Chuông Vàng lần thứ nhất tại Giáo xứ Hòa Ninh, tối thứ 7 trong chầu Giáo xứ tổ chức cung nghing kiệu thánh thể khắp làng Hòa Ninh, ngoài ra cón có giao lưu bóng chuyền nữ liên Giáo xứ, đội bóng chuyền nữ Hòa Ninh được giải nhất.
                                                          Truyền Thông Hòa Ninh
                                                                Pet Minh Tiến
                                               

    Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

    Lễ Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự quan thầy Giáo Lý Viên năm 2015


    Lần đầu tiên, hơn 300 giáo lý viên đến từ 8 giáo xứ trong giáo hạt Hòa Ninh được tề tựu đông đủ trong ngày lễ kính Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự Quan Thầy Giáo Lý Viên, 10/7/2015. Giáo xứ Hòa Ninh đã trở thành điểm hội ngộ đầy lý tưởng để các thầy cô có thể gặp gỡ, chia sẻ, tĩnh tâm, tham dự thánh lễ và chúc mừng nhau.
    Từ 7h sáng, các thầy cô giáo lý đã hân hoan về với giáo xứ Hòa Ninh trong niềm vui của ngày lễ Bổn Mạng. Giờ tĩnh tâm do cha quản hạt Micae Hoàng Xuân Hường hướng dẫn với chủ đề: “Giáo Lý Viên tiếp bước các chứng nhân Tin Mừng” đã diễn ra ngay sau đó. Các thầy cô được lắng nghe những chia sẻ, những ưu tư và cả ước muốn của cha quản hạt đối với các chứng nhân Tin Mừng thời hiện đại; được lắng đọng tâm hồn, trầm mình trong thinh lặng để gặp gỡ Chúa và suy xét lại công việc giảng dạy của mình trong thời gian qua.
                                                                 Truyền thông Hòa Ninh
                                                                       Pet Minh Tiến
                                                           <<bấm vào đây xem hình>>

    Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

    Cáo phó: Linh mục Gioan Baotixita Lê Văn Ninh đã được Chúa gọi về



    CÁO PHÓ:
    Linh mục JB. LÊ VĂN NINH
    đã được Chúa gọi về vào hồi 19h40' ngày 09 tháng 07 năm 2015
    tại nhà Hưu Dưỡng Xã Đoài, giáo phận Vinh.


    “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)
    CÁO PHÓ
    Trong niềm tín thác vào Chúa Kitô Phục Sinh
    Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh kính báo:
     
    Linh Mục Gioan Baotixita
    LÊ VĂN NINH
    Sinh ngày 19 tháng 10 năm 1930
    Tại giáo họ Yên Xá, giáo xứ Nghĩa Yên, giáo phận Vinh
    (xã 
    Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
    Đã được Chúa gọi về hồi 19h40’ ngày 09 tháng 07 năm 2015
    (nhằm ngày 24 tháng 05 năm Ất Mùi).
    Hưởng thọ 86 tuổi, 52 năm linh mục.

    Lễ viếng bắt đầu từ 08h00’ ngày 10 tháng 07 năm 2015
    Thánh lễ An táng vào lúc 15 giờ thứ Bảy, ngày 11/07/2015
    tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, giáo phận Vinh
    (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

    Xin quý Cha, quý Tu Sỹ và Anh Chị Em
    hiệp ý dâng Thánh lễ và cầu nguyện
    cho Cha Gioan Baotixita.

    Xin vì Danh Chúa nhân từ
    ban cho Cha Gioan Baotixita được nghỉ yên bên Chúa
    cùng các thánh trên Quê Trời.
    R.I.P
    ***

    SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
    CHA GB. LÊ VĂN NINH
    Sinh ngày: 19/10/1930 tại Giáo họ Yên Xá, xứ Nghĩa Yên, hạt Nghĩa Yên, giáo phận Vinh (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
    Năm 1943: Vào Chủng viện Dự bị Xuân Phong.
    Năm 1948: Vào Tiểu Chủng viện Xã Đoài.
    Năm 1955 - 1958: Giúp xứ Vạn Lộc.
    Năm 1958: Vào Đại Chủng viện Xã Đoài.
    Ngày 21/12/1963: Thụ phong linh mục.
    Năm 1964-1972: Quản xứ Giáp Hạ (nay là Chân Thành), kiêm xứ Tĩnh Giang.
    Năm 1972-1980: Quản xứ Vĩnh Phước, kiêm 2 xứ Quèn Đông và Nhượng Bạn.
    Năm 1980-1992: Quản xứ Đan Sa, kiêm ba xứ Tân Mỹ, Nhân Thọ và Văn Phú.
    Năm 1992-2002: Quản hạt Hướng Phương, kiêm các xứ Tân Phong, Thủy Vực, Chợ Sàng và Phù Kinh. Trong thời gian này, ngài là thành viên của Ban Tư vấn giáo phận.
    Năm 2002-2004: Quản xứ Troóc.
    Từ năm 2004-nay: Nghỉ tại nhà Hưu Dưỡng TGM Xã Đoài.
    Vì tuổi cao sức yếu, ngài đã được Chúa gọi về lúc 19 giờ 40 phút, ngày 09/07/2015, hưởng thọ 86 tuổi, 52 năm linh mục.

    CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
    CHA GB. LÊ VĂN NINH
    1. Lễ viếng bắt đầu từ 08 giờ, thứ Sáu, ngày 10 tháng 07 đến 14 giờ, thứ Bảy ngày 11 tháng 07 năm 2015.
    2. Lễ di quan vào lúc 14 giờ 00’, thứ Bảy, ngày 11 tháng 07 năm 2015.
    3. Thánh lễ An táng được cử hành vào lúc 15 giờ thứ Bảy, ngày 11 tháng 07 năm 2015, tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài do Đức Cha Phaolô, Giám mục giáo phận chủ tế.
    4. Nghi thức tiễn biệt và an táng (sau thánh lễ)
    + Lời tiễn biệt của Hội đồng Linh mục.
    + Lời cảm tạ của đại diện linh tộc.
    + Di quan ra nghĩa trang Tòa giám mục Xã Đoài.
    + Điếu văn tiễn biệt trước khi hạ huyệt.

    PHÂN CHIA CÔNG VIỆC:

    1. Đại Chủng viện, Tiền Chủng viện Xã Đoài: Trực, tiếp tân, phụ trách âm thanh, ánh sáng và giúp lễ trong thánh lễ An táng.
    2. Dòng Mến Thánh Giá và Tiền Chủng viện: hát lễ an táng.
    3Linh tộc: Đọc các Bài đọc và lời nguyện chung.
    4Giáo xứ Chân Thành, Tĩnh Giang, Vĩnh Phước (HT), Quèn Đông, Nhượng Bạn, Đan Sa, Tân Mỹ, Nhân Thọ, Văn Phú, Hướng Phương, Tân Phong, Thủy Vực, Chợ Sàng, Phù Kinh, xứ Troóc, giáo họ Yên Xá (xứ Nghĩa Yên) và con cháu: Di quan từ nhà Hưu dưỡng tới Nhà thờ Chính tòa và nghĩa trang.
    Xin quý Cha dâng lễ; quý Chủng sinh, quý Tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân cầu nguyện cho linh hồn Cha Gioan Baotixita được mau về an nghỉ bên cạnh Chúa.

    BAN TỔ CHỨC

    Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

    Tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam - Trung tâm dạy nghề tư thục Kỳ Anh: Thông báo tuyển sinh khóa VII


    Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam
    Trung Tâm Dạy Nghề Tư Thục Kỳ Anh
    Thông Báo Tuyển Sinh Khóa VII





    *****



    Trung Tâm Dạy Nghề Tư Thục Kỳ Anh
    Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam

    Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

    Hôn nhân Công giáo, một Bí tích

    Có phải chăng giờ đây sau cơn lốc cách mạng tình dục diễn ra vào những năm sáu mươi trong thế kỷ trước, người ta đã nhận ra những tác hại vô cùng lớn lao của nó và muốn tìm phương giải quyết? Từ năm 1998 ở Mỹ có vũ hội Trinh Tiết là nơi các ông bố đưa con gái đến khiêu vũ, ký vào bản giao kèo và đọc to lời hứa trước Chúa sẽ bảo vệ gin giữ trinh tiết cho tới lúc kết hôn. Nhóm tình nguyện có tên True Love Waits đã kêu gọi được 2, 4 triệu thanh niên Mỹ tham gia ký vào tấm thiệp có chữ “Tin tưởng rằng tình yêu đích thực sẽ chờ đợi, tôi xin thề trước Chúa trước bản thân và gia đình, tôi sẽ giữ gìn trọn vẹn trinh tiết trước hôn nhân. Chính phủ Mỹ đã chi một triệu USD để thúc đẩy phong trào này” (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư mở “Wilkipedia” – Cách Mạng Tình Dục).
    Trong khung cảnh các giá trị đã bị đảo lộn như xã hội Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung mà còn có những thanh niên can đảm thề hứa trước Chúa trước bản thân và gia đình rằng sẽ giữ trọn vẹn trinh tiết trước hôn nhân, đó là điều rất đáng trân trọng. Thế nhưng nếu chỉ có vậy tức thề hứa giữ trinh tiết trước khi kết hôn thôi thì đó chưa phải là ý nghĩa cũng như mục đích của hôn nhân Công Giáo. Tại sao? Bởi vì hôn nhân Công giáo là Bí Tích kết hợp giữa người nam và người nữ theo luật của Thiên Chúa để họ có thể sống với nhau cho đến trọn đời. “Có mấy người Pharisieu đến gần Chúa Giêsu và hỏi: Thưa Thầy chồng có được phép rẫy vợ không? Họ hỏi thế là để thử Người. Chúa đáp: Thế ông Maisen đã truyền dạy các ông điều gì? Họ trả lời ông Maisen đã cho phép viết tờ ly dị mà rẫy vợ. Chúa Giêsu nói với họ: Chính vì các ông cứng lòng nên ông Maisen mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu tạo dựng Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mc 10, 2-9).
    Tùy từng đối tượng mà Chúa Giêsu có những câu trả lời thích hợp. Ở đây Chúa nói dứt khoát với người Pharisieu là không được phép ly dị bởi ngay từ lúc ban đầu sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ hầu cho họ được cùng nhau kết hợp. Trình thuật Kinh Thánh diễn tả sự kết hợp ấy một cách hết sức sống động: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 21-24).
    HonhanConggiaoViệc sáng tạo người nam người nữ và sự kết hợp vợ chồng của Sách Sáng Thế nếu nhìn theo khía cạnh duy lý xem ra đó chỉ là câu chuyện hết sức hoang đường. Tuy nhiên dưới góc độ của minh triết Đông Phương và chỉ như thế chúng ta mới có thể nhận ra tính chất vô cùng độc đáo của nó. Người nữ người nam tượng trưng cho hai nguyên lý Âm và Dương. Nguyên lý thuộc Hình Nhi Thượng có nghĩa nó hoàn toàn vô hình con người không thể cảm nhận. Tuy vô hình vô thanh vô sắc như thế nhưng chính nguyên lý này đã làm nên cuộc sinh hóa bất tận của vạn vật “Sinh Sinh Chi Vị Dịch” (Hệ Từ Thượng). Sự sinh hóa của muôn vật khởi đầu là do Âm Dương cơ ngẫu. Phàm cái gì lẻ một là không sinh được. Phải có cái chẵn đôi để tương đối tương điều hòa với nhau thì mới có sự sinh sinh. Vạn vật sinh sinh đều do ở cái gốc tương đối ấy. Cơ là lẻ, Ngẫu là chẵn. Một cái Cơ lại phải tìm một cái Cơ khác để thành ra Ngẫu thì mới sinh được” (Trần Trọng Kim Nho Giáo – Quyển Thượng).
    Adam ở một mình không tốt vì vậy Thiên Chúa mới tìm cho người một kẻ giúp đỡ giống như nó (St 2,18 ). Kẻ giúp đỡ giống như nó và tất nhiên không phải là nó. Nếu là nó thì không thể sinh? Dương không thể cùng với Dương để sinh mà bắt buộc cần có Âm. Tuy nhiên ta thấy trong việc tạo dựng kẻ giúp đỡ ấy cần phải giống như nó, vậy cái sự giống như nó ấy là giống ở điểm nào? Xin thưa điểm giống ấy chính là hết thảy con người dù là nam hay nữ cũng đều được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa (St 1, 26).
    Được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa đây là Sự Thật lớn lao mà Đức Kitô muốn mạc khải cho những ai thành tâm theo Ngài: “Không ai biết Con là trừ phi có Cha; và Cha Ta là ai, trừ phi có Con, và kẻ được Con khấng mạc khải ra cho” (Lc 10, 22). Biết Cha có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa đích thật là Đấng Cha của mình. Cái biết ấy hoàn toàn không phải là cái biết của kiến thức thần học. Kiến thức chỉ có thể đưa đến đủ loại những quan niệm về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của thực tại đúng như Ngài Là. Để có được Thiên Chúa của thực tại thì không thể có bất cứ con đường nào khác ngoài con đường Tình Yêu: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
    vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7).
    Lý do khiến Thánh Gioan nói ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa chính là Bản Thể Tình Yêu hằng hữu ở nơi mỗi người. Chỉ có Tình Yêu phát xuất từ Thiên Chúa mới đem đến cho con người sự nhận biết Thiên Chúa đích thực. Hôn nhân Công Giáo là một trong những con đường Tình Yêu bảo đảm chắc chắn đem lại sự nhận biết Thiên Chúa thông qua cam kết thực hiện giữa hai người nam nữ. Có những con đường Tình yêu xem ra về hình thức rất khác nhau, chẳng hạn Thánh Gioan Thánh Giá nên Thánh bằng sự khổ chế còn Thánh Teresa hài Đồng Giêsu lại dùng Con Đường Thơ Ấu v.v… Bề ngoài khác nhưng bề trong thì không khác, tất cả đều phải kinh qua cuộc khổ đau mới có thể đi theo con đường bỏ mình của Chúa Kitô: “Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Bỏ mình theo Chúa là một ơn gọi và hôn nhân Công giáo cũng là một trong những ơn gọi ấy. Chính bởi đó mà vị chủ tế đã nói lời mở đâu với đôi hôn nhân bằng những lời này: “Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc cho Tình yêu này và Chúa dùng Bí Tích đặc biệt làm cho các con được phong phú và kiên cường để các con luôn trung tín với nhau và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân cũng như chính Người đã dùng phép Thánh tẩy để Thánh hiến các con”.
    Chúa chúc phúc và ban những ơn cần thiết cho đôi vợ chồng với mục đích là để họ có được sự chung thủy với nhau hầu đảm nhận những trách nhiệm lớn lao và nặng nề của hôn nhân. Lời hứa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe cần phải thi hành cách trọn vẹn. Lý do là vì chỉ có như thế mới đảm nhận được cái trách nhiệm mà hai người đã cùng thề hứa: “Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Thiên Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh. Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái, lời hứa này xem ra cũng không hề dễ nhất là trong cái thời gọi là cách mạng tình dục khi người ta muốn tách tình dục ra khỏi hôn nhân.
    Trong quan niệm hôn nhân truyền thống thì việc sinh con đẻ cái để lưu truyền nòi giống chẳng những là việc đương nhiên nhưng còn là một thứ phúc lộc trời ban. Tình dục xét ra chỉ là cái phương tiện dù rằng không thể thiếu trong việc lưu truyền nòi giống. Thế nhưng nếu tách nó ra khỏi hôn nhân thì tình dục sẽ chỉ còn là một thứ bản năng thấp hèn hoàn toàn không xứng với phẩm giá cao trọng của con người là Hình Ảnh Thiên Chúa. Cũng chính bởi tách tình dục ra khỏi hôn nhân như thế mà đã không sao tránh khỏi những hậu quả đương nhiên đem đến cho nó trong “Hạt Cơ Bản”, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Pháp Michel Houellebecq đã mỉa mai khá chua chát về cuộc Cách Mạng Tình Dục 1960 – 1970. Michel Houellecq đã miêu tả nó một cách lạnh lẽo thô kệch thảm hại hay nói như Michel Dzerzinski nhân vật chính trong tác phẩm “Tình dục đã trở nên thảm hại”. Những năm 1960 – 1970 ở phương Tây tỷ lệ ly hôn tăng nhanh tỷ lệ sinh sản giảm mạnh. Con người được hưởng thụ giải trí trong hoàn cảnh các giá trị gia đình lỏng lẻo, tình cảm nhạt nhòa sự bảo toàn nòi giống trở nên đáng báo động. Cuôn sách tràn ngập thông điệp: “Nền văn minh phương Tây xuống dốc từ cách mạng tình dục mà cứ tưởng đang làm cách mạng giải phóng con người” (Wilkipedia đã dẫn).
    Chỉ thích hưởng thụ mà không muốn sinh con đẻ cái, chính điều ấy đã làm cho đời sống không còn ý nghĩa gì nữa đồng thời tất yếu sẽ đưa đến chỗ tiêu diệt. Tại sao? Bởi như thế là đã trái với định luật tự nhiên là sự truyền sinh. Cứ xem trong thiên nhiên sẽ thấy từ các loài thực vật cho tới động vật không loài nào mà không được trời phú bẩm cho cái khả năng truyền sinh hầu lưu truyền nòi giống. Đối với thực vật thì sự truyền sinh ấy không có sự giao phối đực cái (Âm Dương) giống như sinh vật mà là do sự thụ phấn hoặc di chuyển các hạt bằng sức đẩy của gió hay của chim chóc của côn trùng v.v… Còn với các loài sinh vật từ bậc thấp cho đến bậc cao thì việc truyền sinh ấy được thực hiện như một thứ bản năng có nghĩa chúng không thể từ chối. Con người xét về mặt thiên nhiên tuy cũng là một thứ động vật nhưng là loài có ý thức nên việc truyền sinh ấy được thực hiện qua các định chế hôn nhân.
    Việc kết hôn của người đời hay người có đạo đều có mục đích là để sinh con lưu truyền nòi giống. Thế nhưng trong việc lưu truyền này ta thấy có sự khác biệt. Nòi giống người có đạo là nòi giống tâm linh. Còn người đời là nòi giống xác thịt. “Buổi tối hôm thành hôn, Tobia nói với Sara rằng: Chúng ta là con cháu các Thánh, chúng ta không thể kết bạn như những chư dân họ không nhận biết Thiên Chúa” (Tob 8, 5).
    Người Công giáo kết hôn không như những kẻ ngoại đạo bởi vì mục đích rốt ráo của hôn nhân là để nhận biết Thiên Chúa hay nói cách khác là để sản sinh ra những người Con Thiên Chúa. Có nhận ra như thế chúng ta mới thấy hôn nhân Công giáo quả thật là một Bí Tích. Sống đời sống hôn nhân Công giáo là sống Bí Tích Tình Yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh: “Cũng một thể ấy chồng phải thương yêu vợ mình như chính thân thể mình. Ai thương yêu vợ mình là thương yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có ai ghét thân thể mình nhưng nuôi nấng chăm sóc nó như Chúa Kitô đối với Hội Thánh” (Eph 5, 28-29).
    Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình cho Hội Thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải hiến thân cho nhau như vậy. Sự hiến thân ấy thể hiện ở nơi lời hứa chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau để yêu thương tôn trọng nhau suốt đời. Tôn trọng yêu thương trong lúc mạnh khỏe có công ăn việc làm phương tiện đầy đủ không có gì khó. Cái khó là những khi hoạn nạn ốm đau nghèo khó, chỉ khi ấy sự chung thủy trong hôn nhân mới bị thử thách và thử thách ấy sẽ không thể vượt qua nếu không có Chúa Kitô ở cùng “Vì ngoài Ta các con không thể làm gì được” (Ga 15, 5).
    Phùng Văn Hóa